Cập nhật:  GMT+7

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công

Xây dựng lực lượng công an xã chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Tại Quảng Trị, qua gần 5 năm thực hiện chủ trương này, nhiều mô hình do công an xã tham mưu chính quyền địa phương triển khai đã được chọn báo cáo và đề nghị nhân rộng toàn quốc. Những việc làm, chiến công của lực lượng công an xã đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và chính quyền địa phương.

Bài 1: Những mô hình hợp lòng dân

Nắm bắt thực tế ở cơ sở, từ đó đề xuất xây dựng các mô hình phòng chống, ngăn ngừa tội phạm và thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân là một trong những dấu ấn nổi bật của lực lượng công an xã ở Quảng Trị trong những năm qua. Hiệu quả mang lại từ các mô hình này được người dân đồng thuận, từ đó tích cực tham gia.

Từ “3 quản” đến “tự quản”

Chiều muộn ở bản Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông, Hồ Trùng Khơi (sinh năm 1996) vẫn miệt mài xây từng viên bờ lô trong ngôi nhà sắp sửa hoàn thiện của mình. Khơi khoe công trình này do hai vợ chồng tự làm nên bằng số tiền dành dụm được trên nền đất được bố ruột cho.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công

Trung tá Nguyễn Văn Thanh trao đổi, nắm bắt nguyện vọng của Hồ Trùng Khơi (thứ 2 từ trái sang) và Hồ Văn Hậu (ngoài cùng bên phải) -Ảnh: H.N

Thanh niên này từng là đối tượng “3 quản” của xã A Ngo. “Nhưng đó là chuyện quá khứ, nay miềng tự quản được bản thân rồi”, Khơi khoe với chúng tôi. Lúc đó, một thanh niên khác là Hồ Văn Hậu (sinh năm 1992) - cũng ở bản Kỳ Ne - trên đường đi làm về đã ghé vào thăm công trình của Khơi. Thật tình cờ khi Hậu cũng từng là đối tượng “3 quản”.

Bị bạn bè xấu rủ rê, hai thanh niên này đã sử dụng ma túy. Được phát hiện và đưa vào đối tượng “3 quản” của công an xã, cả hai kịp thời thoát ra khỏi sự cám dỗ của ma túy, trở thành những người chăm chỉ lao động và có trách nhiệm với gia đình. Hậu chia sẻ, khi sử dụng ma túy chỉ nghĩ đơn giản là bạn bè hút được thì mình cũng hút được, hoàn toàn không biết đến sự hủy hoại kinh khủng của ma túy. Khi đưa vào “3 quản”, được cán bộ công an xã và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền thì Hậu mới biết đến tác hại của ma túy. “Ban đầu vào “3 quản” khó chịu lắm, lâu nay miềng ưng đi đâu, làm gì là làm thôi. Nay đi đâu, đi bằng phương tiện gì và gặp ai đều “bị biết”, mất tự do lắm. Nhưng rồi miềng nghĩ, muốn được tự quản thì phải chịu “3 quản”, Hậu bày tỏ.

“3 quản” là quản về thời gian, phương tiện và mối quan hệ. Mô hình này được triển khai ở huyện Đakrông vào năm 2020, trong đó A Ngo - một xã biên giới giáp nước bạn Lào - được chọn làm điểm.

Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông nói về lý do ra đời của mô hình: Thời điểm đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Đầu năm 2020, toàn huyện có 163 đối tượng sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý; đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy chưa có biện pháp quản lý hiệu quả; sự phối hợp giữa gia đình với chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng trong quản lý, giáo dục các đối tượng nói trên chưa chặt chẽ.

Trước tình hình đó, Công an huyện Đakrông tham mưu Huyện ủy, UBND huyện đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được Nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, trong đó có mô hình “3 quản”.

Quyết sách đưa công an chính quy về xã dựa trên chủ trương xây dựng lực lượng công an xã chính quy theo tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ngày 28/3/2018, Bộ Công an ban hành Đề án số 106/ĐA-BCA về “Một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 quy định việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh công an xã. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, lực lượng công an chính quy được bố trí, điều động về tất cả các xã trên địa bàn cả nước.

Sau 2 năm triển khai, ngày 11/11/2022, Bộ Công an đã có Thông báo số 1836/TB-V05 về kết quả và một số kinh nghiệm của mô hình “3 quản” ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị để các địa phương khác trong cả nước nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.

Lương giáo đoàn kết xây dựng quê hương

Tháng 6/2024, Công an xã Triệu Hòa phối hợp với Đội An ninh và Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Triệu Phong tổ chức tập huấn phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại Giáo xứ Bố Liêu. Linh mục quản xứ, Hội đồng quản xứ và 200 giáo dân đã tham gia buổi tập huấn này. Tại đây, linh mục quản xứ đã phát động giáo dân tích cực tham gia phong trào phòng cháy chữa cháy và trang bị 20 bình chữa cháy xách tay để phục vụ cho hoạt động của giáo xứ.

Đây là một hoạt động của mô hình “Giáo xứ Bố Liêu đoàn kết, chung tay đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” được phát động tại địa phương vào ngày 28/7/2022. Xã Triệu Hòa có 3 giáo xứ là Mỹ Lộc, An Lộc và Bố Liêu với khoảng 800 giáo dân, trong đó Bố Liêu là thôn công giáo toàn tòng. Tuy mới được phát động nhưng mô hình này được giáo dân hưởng ứng cao. Ngoài việc vận động giáo dân chung tay đảm bảo ANTT, mô hình này còn hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Triệu Hòa.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu có tiêu chí 19.2 về ANTT do lực lượng công an xã phụ trách. Tiêu chí này đặt ra các vấn đề: tuyên truyền pháp luật và nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm trong giáo dân; không để xảy ra các hoạt động khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, phát sinh điểm nóng; sự chung tay vào cuộc của ban điều hành, các hội, đoàn thể thôn và Hội đồng giáo xứ trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn xã nói chung và thôn Bố Liêu nói riêng.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công

Công an xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong học đường -Ảnh: H.N

Trước đó, vào năm 2019, xã Triệu Hòa cũng đã phát động mô hình “Lương giáo thôn Mỹ Lộc đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc, chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Quảng Trị có sự tham gia của giáo dân, phật tử và người dân không theo tôn giáo.

Nói về hiệu quả mà mô hình này mang lại, Đại úy Nguyễn Hùng, Trưởng Công an xã Triệu Hòa, cho biết: Sự đồng thuận của bà con lương giáo trong thôn tăng cao, thể hiện hơn 90% người dân tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật và treo cờ Tổ quốc. Sự phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền, linh mục và trụ trì rất chặt chẽ. “Mô hình tạo sự gắn kết giữa bà con giáo dân với chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an; gắn kết, đoàn kết giữa các tín đồ phật giáo và giáo dân cũng như người không theo đạo trên địa bàn”, Đại úy Nguyễn Hùng nhấn mạnh.

Từ hiệu quả của mô hình ở giáo xứ Mỹ Lộc, lực lượng công an xã đã tham mưu chính quyền địa phương nhân rộng mô hình ở thôn Bố Liêu. Vào tháng 6/2024, thêm một mô hình nữa được phát động tại đây, có tên “Hội Người cao tuổi thôn Bố Liêu với công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật”.

Tham mưu tốt, hiệu quả cao

Lật từng cuốn sổ quản lý các đối tượng “3 quản” của xã A Ngo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp bên trong là lịch trình chi tiết của nhiều thanh niên được công an ghi lại. Điều này cho thấy lực lượng công an xã đã nắm người, nắm việc rất kỹ.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Công an xã A Ngo, mô hình “3 quản” được ra mắt tại xã A Ngo vào ngày 18/6/2020. Nhiều khó khăn trong bước đầu triển khai mô hình được xác định: một số gia đình trong xã không quan tâm con cái; thanh niên thường bị rủ rê, lôi kéo sử dụng hồng phiến; sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa cao; địa bàn giáp biên giới, trải rộng... Để gỡ khó, Chi bộ Công an xã A Ngo tham mưu Đảng ủy, UBND xã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở địa phương và gắn trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên vào sự tiến bộ của đối tượng.

“Chi bộ quán triệt về mục đích, ý nghĩa của mô hình, đồng thời phân công đảng viên phụ trách địa bàn, đối tượng; phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt hoạt động của đối tượng về thời gian, phương tiện và các mối quan hệ xã hội để nếu có dấu hiệu nghi ngờ, gia đình sẽ thông tin cho công an xã hoặc trưởng thôn biết”, Trung tá Nguyễn Văn Thanh cho biết. Hiện xã A Ngo có 11 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 14 đối tượng có nguy cơ sử dụng. Trong hai năm 2023, 2024, có 7 đối tượng đã được đưa ra khỏi mô hình “3 quản”.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công

Tuyên truyền phòng chống tội phạm trên không gian mạng và tập huấn phòng cháy chữa cháy tại Giáo xứ Bố Liêu -Ảnh: H.N

Sau khi triển khai thí điểm hiệu quả, mô hình “3 quản” đã áp dụng đồng loạt trên 13 xã, thị trấn của huyện Đakrông. Để mô hình phát huy hiệu quả, trưởng công an các xã đã bám sát thực tiễn địa phương để làm tốt công tác tham mưu chủ tịch UBND xã cùng cấp ban hành các quyết định về thành lập mô hình, ban điều hành (bao gồm các thành phần: công an, đại diện các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, trưởng thôn...).

“Lực lượng này đã phát huy được vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương trong vấn đề giáo dục con em thuộc đối tượng “3 quản”, từ đó tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa trong cộng đồng”, ông Tạ Quang Dung thông tin thêm.

Sau 4 năm triển khai, các địa phương đã rà soát, đưa vào diện quản lý, giáo dục 176 đối tượng. Đến nay đã đưa ra khỏi diện quản lý 92 đối tượng, trong đó có 69 đối tượng tiến bộ, từ bỏ việc sử dụng ma túy, được ban điều hành xem xét, đưa ra khỏi diện quản lý. Hiện các địa phương đang theo dõi, quản lý theo mô hình 84 đối tượng.

Việc xây dựng thành công các mô hình ở giáo xứ Bố Liêu, Mỹ Lộc là nỗ lực của lực lượng công an và chính quyền xã Triệu Hòa, nhất là trong công tác tham mưu, phối hợp. Ban đầu, linh mục các giáo xứ chưa hợp tác, còn giữ khoảng cách với chính quyền và công an. Chi bộ Công an xã Triệu Hòa đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã thường xuyên thăm gặp, tiếp xúc với linh mục, quản xứ; trao đổi thông tin với Hội đồng giáo xứ để vận động xây dựng mô hình. Sau khi Hội đồng giáo xứ đồng ý lại tiếp tục đặt vấn đề với linh mục.

Theo Đại úy Nguyễn Hùng, ngoài tham mưu, công an xã trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với linh mục và Hội đồng giáo xứ nhân dịp Noel, ngày phong phẩm của linh mục; hỗ trợ các hoạt động do giáo xứ tổ chức. Thông điệp hướng tới là mang lại cuộc sống yên ổn, an vui cho giáo dân.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa Nguyễn Văn Đức nhận xét: 2 mô hình ở thôn Mỹ Lộc và Bố Liêu được phát động sau khi lực lượng công an chính quy về xã, được chính quyền và người dân ghi nhận.

Trước đây, hệ thống chính trị trên địa bàn xã cũng vào cuộc để vận động, thuyết phục thành lập mô hình phối hợp quản lý, tuyên truyền với các tổ chức tôn giáo nhưng không thành công vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân cán bộ xã, thôn cũng như lực lượng công an bán chuyên trách không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tôn giáo. Lực lượng công an chính quy làm tốt công tác tham mưu và tiếp xúc, vận động nên đã trở thành “cầu nối” giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh

Bài 2: Hướng về cơ sở để gần dân, hiểu dân


Phan Hoài Hương - Lâm Thanh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Xung kích tình nguyện, vì Nhân dân phục vụ

Xung kích tình nguyện, vì Nhân dân phục vụ
2024-09-21 05:40:00

QTO - Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Công an tỉnh tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lực lượng đoàn viên, thanh niên...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết