{title}
{publish}
{head}
Từ Tasmani - vùng hoang dã đặc biệt ở miền Nam nước Úc - để đến Quảng Trị, ông Robert Bonham phải qua 4 chặng đường bay. Hành trình này không hề thuận lợi đối với một người đàn ông đã qua tuổi 80, lại mang thương tật trong cuộc chiến ở Việt Nam hơn 50 năm về trước. Vậy nhưng, đều đặn từ năm 2016 đến nay, trừ thời điểm COVID-19, mỗi năm Robert Bonham đều có một chuyến thăm Việt Nam với 2 điểm đến quen thuộc là Đà Nẵng và Đông Hà.
Ông Robert Bonham đóng vai ông già Noel tặng quà cho trẻ em ở Đà Nẵng nhân dịp Giáng sinh 2024 -Ảnh: H.N
Nhận con nuôi ở Quảng Trị
Trong một spa nhỏ nằm ở góc đường Hùng Vương, khách vào ra không khỏi tò mò khi thấy một người đàn ông ngoại quốc có khuôn mặt phúc hậu, vừa ăn vừa tấm tắc khen những món quê dân dã của người Việt. Mâm cơm này do cô con gái nuôi của ông, cũng là chủ tiệm spa này, chuẩn bị. Ông là Robert Bonham, quốc tịch Úc.
Thấy mọi người tò mò, chị Lê Thị Thúy Phượng (sinh năm 1985) - con gái nuôi của ông - vội giải thích: Robert Bonham chỉ thích ăn ở quán cùng các nhân viên. Ông nói, chỉ trong không gian này, với những món dân dã của người Quảng Trị, ông mới cảm nhận được không khí đầm ấm, yêu thương.
Robert Bonham có 3 người con nhưng đều sinh sống và lập nghiệp ở xa. Vợ chồng ông sống ở Tasmani - trong một khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông. Vì thế, khi đến đây, ông cảm giác như thế giới được thu nhỏ lại, gần gũi và ấm áp. Ông Robert Bonham biết Phượng qua người dì ruột của cô tại Đà Nẵng. Thời điểm đó, Phượng đang là nhân viên của một spa ở Hội An. Phượng là cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, sớm bươn bả vào đời để mưu sinh. Hình ảnh cô bé mồ côi cần mẫn, luôn chăm chỉ với công việc của mình khiến ông Robert Bonham mủi lòng.
Giờ nhắc lại, ông vẫn còn bùi ngùi: “Phượng là một cô bé chịu khó, hầu như chỉ thấy làm việc và làm việc”. Điều đó khiến ông muốn nhận Thúy Phượng làm con nuôi để che chở, giúp đỡ cô. Một lần sang thăm Việt Nam, tình cờ biết thông tin chủ tiệm nơi Phượng từng làm việc ở Hội An chuẩn bị định cư ở nước ngoài, ông đã mua lại toàn bộ cơ sở của spa đó để giúp con gái nuôi khởi nghiệp. Nhờ đó, cô bé Thúy Phượng ngày nào đã gầy dựng cho mình một cuộc sống ổn định.
“Hình ảnh ba nuôi ngồi trên xe tải, phía sau chất đầy dụng cụ, nào ghế, nào bàn và đủ thứ dầu gội đầu, vật dụng trang trí... từ Hội An ra, tôi chìm trong một cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời. Tôi biết ơn ông từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống”, Thúy Phượng chia sẻ.
Hằng năm, cô luôn chờ đợi khoảng thời gian được đón vợ chồng ba nuôi về thăm Quảng Trị, chỉ đơn giản để phục vụ cho họ những bữa cơm đầm ấm không khí gia đình. Ngôn ngữ tuy bất đồng nhưng bên mâm cơm nhỏ, trong một góc quán nhỏ, họ vẫn có thể hiểu hết những câu chuyện của nhau.
Kim Hồng - dì ruột của Thúy Phượng - là người bắc nhịp cầu để Robert Bonham gần hơn với Việt Nam. Hơn 12 năm trước, trong một lần vào trang Language Exchange, Kim Hồng lúc đó đang làm cho một dự án ở Đà Nẵng thấy hồ sơ cá nhân của một người ở Úc (khoảng 65 tuổi) viết rằng: Tôi rất thích đất nước Việt Nam. Tôi đã đến Việt Nam 2 lần, tôi thích ăn thức ăn Việt Nam, tôi thích người Việt Nam và tôi rất muốn học tiếng Việt. Tôi muốn mỗi năm đều được quay lại Việt Nam một lần .
Những cụm từ lặp lại như “tôi muốn”, “tôi thích” từ chia sẻ đó khiến Kim Hồng cảm nhận “người bạn” này thật dễ thương bởi sự yêu thích đặc biệt của ông về đất nước mình. Vậy là cô trả lời tin nhắn, rằng: Tôi muốn học tiếng Anh và tôi sẵn lòng giúp ông học tiếng Việt. Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Vợ chồng ông Robert Bonham trong chuyến thăm Quảng Trị vào năm 2023 -Ảnh: H.N
Tin nhắn đó như một duyên phận khởi đầu cho tình bạn đặc biệt của Kim Hồng và Robert Bonham. “Những ngày sau đó, sau mỗi giờ tan làm, nếu không phải đi công tác, tôi online 30 phút nói chuyện và dạy ông đôi ba câu tiếng Việt. Tôi thấy Robert Bonham thực sự rất thích học tiếng Việt nên tìm mua một cuốn sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, một cái đĩa CD và gởi qua cho ông. Từ đó tôi trở thành giáo viên tiếng Việt miễn phí cho ông, còn ông là người bạn online để tôi rèn kỹ năng tiếng Anh của mình”, chị Kim Hồng chia sẻ.
Sau này, ngôi nhà nhỏ của Kim Hồng ở TP. Đà Nẵng là chốn trở về thân thiết của Robert Bonham mỗi khi sang Việt Nam.
Lặng lẽ gieo yêu thương
“Tôi là lính đánh thuê của Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam. Nhưng tôi ghét điều đó, chiến tranh đã làm tổn thương tâm hồn và khiến đôi chân tôi bị thương rất nặng trong một trận chiến. Giờ đây, vết thương đó khiến tôi đi lại khó khăn”, ông Robert Bonham không ngần ngại chia sẻ.
Ở tuổi 20 căng tràn sức sống, chàng thanh niên Robert Bonham với mái tóc màu nâu đỏ, đôi mắt sáng nuôi dưỡng bao ước mơ, khát vọng. Số phận đã đưa ông tới đất nước Việt Nam vào năm 1966, làm điều mình không bao giờ mong muốn để rồi sau đó, khi trở về nước, ông cảm thấy tâm hồn bị tổn thương.
“Sau khi giải ngũ, tôi kinh doanh bất động sản. Năm 2016, tôi bắt đầu thực hiện tâm nguyện nung nấu bấy lâu là sang Việt Nam, ghé thăm nơi mình từng đóng quân ở Bà Rịa - Vũng Tàu”, Robert Bonham nói. Sau khi kết nối với Kim Hồng, ông không gọi những chuyến sang Việt Nam là đi du lịch mà đi thăm “gia đình”.
Câu chuyện về những học sinh nghèo ở Đà Nẵng, Hội An được Robert Bonham giúp đỡ như nối thêm mối nhân duyên của ông với mảnh đất này. Ông nói, đó là cách để ông chữa lành những tổn thương trong chiến tranh.
Ông Robert Bonham và bạn bè hỗ trợ áo ấm đồng phục cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Triệu Độ, huyện Triệu Phong -Ảnh: H.N
Cậu bé mồ côi Trịnh Văn Quang ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được Robert Bonham giúp đỡ năm nào giờ đã trở thành chàng thanh niên 23 tuổi. Năm Quang 13 tuổi, mẹ cậu bé chẳng may bị ung thư nhưng lại không có tiền chữa trị. Biết được câu chuyện này, ông Robert Bonham đã gây quỹ để hỗ trợ nhưng khi có đủ tiền chữa bệnh thì cũng là lúc, cơ hội sống không còn đối với người phụ nữ tội nghiệp này.
Căn bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể bà. Không đành lòng nhìn cậu bé mồ côi sống với bà ngoại trong căn nhà tạm bợ, Robert Bonham hỗ trợ tiền để xây cho hai bà cháu một ngôi nhà cấp 4 và đỡ đầu cậu bé tiếp tục theo học. Giờ đây, Quang đã trưởng thành, có việc làm ổn định để lo liệu cho bản thân và gia đình. Ân tình sâu nặng đối với người đàn ông ngoại quốc này vẫn được anh lưu giữ mãi trong ký ức. Nhiều sinh viên được Robert Bonham đỡ đầu suốt 4 năm đại học có cùng ký ức đó. Họ đều nhớ đến và ví ông như một “ông tiên” giúp đỡ mình vào thời điểm khốn khó nhất của cuộc đời.
Tại Quảng Trị, Robert Bonham lại có cách giúp đỡ khác. Ông dành một phần lương hưu của mình cùng với việc huy động từ sự đóng góp của bạn bè để hỗ trợ đồng phục, xây nhà vệ sinh và ủng hộ máy tính cho một số trường học ở huyện Triệu Phong. Nếu năm nào về Quảng Trị vào đúng dịp khai giảng năm học mới thì vợ chồng ông đến trao tận trường, không thì ông gửi tiền về nhờ hỗ trợ.
Năm 2020, nghe tin miền Trung bị lũ lụt nặng nề, Robert Bonham liên lạc với những người bạn ở Đà Nẵng, Quảng Trị để hỗ trợ học sinh và gia đình các em. Hơn 10 năm nay, vợ chồng Robert Bonham lặng lẽ gieo yêu thương bằng những việc làm ý nghĩa như thế. Ông nói: “Đây là chuyện nên làm, miễn sao tôi có sức khỏe để được đi về Việt Nam nhiều lần hơn”.
“Tết là gắn kết”
Đó là cảm nhận sâu sắc của Robert Bonham khi ông có một trải nghiệm đáng nhớ vào năm 2006 tại Đông Hà. Ông đến đây để đón Tết với gia đình con gái nuôi và họ hàng của cô ấy.
“Tôi đã đi xem bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố, đến thăm gia đình bà ngoại và các dì của con gái nuôi, thưởng thức các món ăn ngày Tết như bánh chưng, dưa món. Thật là ấm áp!”, Robert Bonham nhớ lại. Ông thấy ở Việt Nam vào những ngày này, con cái đi học hay đi làm ở xa đều sắp xếp để trở về đón Tết cùng gia đình. Mâm cơm đông đủ của nhà con gái nuôi khiến ông chạnh lòng nhớ đến ngôi nhà gỗ giữa khu vườn rộng hơn 10 ngàn héc ta luôn vắng bóng con cháu của mình ở Tasmani. Hỏi điều gì khác biệt nhất giữa văn hóa hai quốc gia khi chào đón năm mới, ông khẳng định: “Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình là điều khác biệt nhất. Còn pháo hoa thì nơi nào cũng có...”.
Đêm 30 Tết của năm đó, ông rảo bộ trên những con phố nhỏ yên bình của TP. Đông Hà, ngang qua những ngôi nhà tràn ngập ánh sáng và tiếng cười, cảm thấy nơi này thực sự là chốn quay về yên bình của mình.
Chị Thúy Phượng kể khi đi qua một con ngõ, nhìn thấy tờ giấy tiền vàng mã ở giữa đường, Robert Bonham nhặt lấy và mang đến tặng chị. Ông nói năm mới mà nhặt được “tiền” là có lộc. Chị phải vất vả để giải thích cho ông hiểu tờ tiền này không có giá trị và đốt vàng mã là một phong tục của người dân quê chị vào đêm 30 Tết.
Năm nay, Robert Bonham về Quảng Trị một thời gian khá dài và đón Giáng sinh ở Đà Nẵng trước khi sang Úc để đón chào năm mới với vợ mình là bà Jill King, năm nay 83 tuổi. Có một điều đặc biệt là Robert Bonham đã truyền nguyên vẹn tình yêu Việt Nam cho vợ mình. Bà thường theo ông về Việt Nam mỗi khi có thể, cũng thích ăn phở và nem rán giống chồng.
Năm nay, do không sắp xếp được thời gian đi cùng nhau nên bà Jill King đã về Quảng Trị trước chồng 1 tháng. Có một tình cảm sâu sắc như vậy nên bà đồng ý với tâm nguyện của chồng là sau khi mất muốn được đưa tro cốt sang Việt Nam, rải xuống sông Hàn. Những năm này, Robert Bonham ấp ủ dự định thêm một lần nữa được đón tết Nguyên đán ở Quảng Trị, theo lời “dụ dỗ” của con gái nuôi: Tết bây giờ vui hơn xưa.
Ông nói ngắn gọn: Sẽ quay về!
Một ước mơ, cũng là lời hẹn của Robert Bonham với mảnh đất này.
Phan Hoài Hương
QTO - Nhiều cuộc đời bất hạnh, gặp nghịch cảnh, éo le trong cuộc sống đã được hỗ trợ, vươn lên từ sự đóng góp tích cực của những người làm công tác thiện...
QTO - Sống đúng với mong muốn mà bố mẹ gửi gắm vào tên mình, anh Trần Trí Nhân Bản (sinh năm 1982), hiện đang sống tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), một...
QTO - Vào đầu tháng 11/2024, hậu duệ của Vua Hàm Nghi từ nhiều quốc gia khác nhau đã có mặt tại Khu di tích Thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Họ...
QTO - Bên biền dâu xanh ngăn ngắt liền kề chiếc cổng dẫn lối theo con đường tráng nhựa sạch sẽ, phẳng lì vào xã Triệu Hải, tôi như bắt gặp một nẻo hồn quê...
QTO - Tại Đà Nẵng, Hội đồng hương Quảng Trị là cầu nối gắn kết những trái tim xa quê và yêu quê. Không chỉ hội tụ những người con xa xứ, hội còn là nơi gìn...
QTO - Như từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp: Hà Nội là nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Quảng Trị là nơi tôi đón tuổi 18, tuổi đẹp nhất của mỗi con người,...
QTO - Vừa qua, tôi đã làm lễ hiến tặng hiện vật của ba mình là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, có thời gian là bí thư báo chí cho Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ...
QTO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 trở đi, có một “vùng lõm” kéo dài từ chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch về đến Thôn 8, xã Triệu Vân,...
QTO - Hẹn hò mãi, đến khi chốt được thời gian thì Bảo đột ngột nhắn tin: “Sếu về! Sếu về!”, kèm theo đoạn video clip đàn sếu 7 con đang chao liệng trên...
QTO - Nổi tiếng với những món ăn dân dã, mộc mạc, ẩm thực nước bạn Lào được người Việt nói chung và Quảng Trị nói riêng ưa chuộng vì hương vị độc đáo, hấp...
QTO - Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan báo chí, năm 2025 là năm thứ mười bảy Báo Quảng Trị thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
QTO - Không những mang trên mình nhiều chiến tích trong chiến đấu, người cựu chiến binh (CCB) này còn có nhiều “kỳ tích” mà thoạt nghe có thể không tin...