Cập nhật:  GMT+7

Hương quê thơm ngát xứ người

Bên biền dâu xanh ngăn ngắt liền kề chiếc cổng dẫn lối theo con đường tráng nhựa sạch sẽ, phẳng lì vào xã Triệu Hải, tôi như bắt gặp một nẻo hồn quê phía xa mờ hun hút đất đỏ, cát trắng, gió Lào. Anh nhớ quê miềng Quảng Trị chớ chi? Hồ Quốc Phong, người đàn ông chững chạc vừa qua tuổi 45, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, cười nói với tôi. “Thì đây, lát nữa anh gặp toàn người Quảng Trị, xa quê gốc cả ngàn cây số mà vẫn rặc ròi “răng rứa mô tê”.

Hương quê thơm ngát xứ người

Tác giả (ở giữa) và lãnh đạo xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh -Ảnh: P.X.H

Thật khó hình dung giữa một vùng núi non thuộc cao nguyên Lâm Viên giáp với miền Đông Nam Bộ là Bình Phước và Đồng Nai lại có những ngôi làng thuần Quảng Trị. Gặp một o mang triêng gióng bên lề đường, tôi dừng xe lại hỏi chuyện.

“O người Quảng Trị hay răng?”. O cười giòn tan, trả lời: “Ở đây thì người Quảng Trị chơ xứ mô nữa mà hỏi”. “O tên chi, năm ni được mấy xuân xanh?”. "Hi, chú Quảng Trị ni bui hè, tui tên Liên, sáu chục xun xeng (xuân xanh) rồi”. “Quê o ở mô?”. “Hỏi chi hỏi dữ, tui quê ở huyện Triệu Phong”. Nói rồi, o lại cười giòn tan.

Biết tôi là người Quảng Trị nên khi ghé UBND xã Triệu Hải, các anh cán bộ xã ùa đến trò chuyện, chung vui. Ngoài anh Nguyễn Công Thỉ, Phó Bí thư Đảng ủy xã hơi đứng tuổi, các anh còn lại đều trẻ, tầm trung niên. Anh Trương Thái Triệu Vương, chủ tịch xã; anh Hà Vĩnh Du, phó chủ tịch xã khoảng 40, 45 tuổi. Phút giây gặp mặt thoáng qua đã thân tình. Anh Nguyễn Công Thỉ kể: Xã Triệu Hải có 5 thôn thì hết 4 thôn là người Quảng Trị, chỉ có một thôn là người quê Nam Định. Thôn của người Nam Định thành lập sau, khoảng năm 1986. Còn các thôn người quê mình vào đây sớm lắm. Tôi nhớ vào đây cuối năm 1980, lúc đó mùa đông, vào đây là chuẩn bị ăn cái Tết đầu tiên, năm dương là 1981.

Qua câu chuyện anh Thỉ kể, tôi biết số hộ người gốc Quảng Trị ở 4 thôn vào khoảng 400 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu, đa số là người gốc Triệu Phong, một ít là người gốc Hải Lăng. Về sau thì rải rác có các hộ vào thêm. Nếu tính ra thì những hộ vào đợt đầu tiên cũng đã 45 năm. Anh Thỉ cười, thì như tôi, hồi vào đây còn học cấp 2, giờ cũng sắp sửa nghỉ hưu theo chế độ.

Lúc anh Phong dẫn tôi vào UBND xã Triệu Hải, tôi để ý thấy dọc ven con đường lớn rất nhiều hoa, đủ màu sắc. Hoa ở đây đẹp, rực rỡ không kém gì hoa ở TP. Đà Lạt. Phong nói, mấy anh lãnh đạo xã Triệu Hải này làm việc tốt lắm, việc đâu ra đó. Các hội nhóm, đoàn thể như cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên cũng hoạt động tích cực.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới nên cuối tuần họ lại dọn dẹp đường sá, trồng hoa cỏ khắp nơi. Anh nhìn thấy đó, nhà nào cũng có vườn hoa nhỏ trước sân. Tôi nói lái xe dừng lại rồi bất ngờ chọn một nhà vào chơi. Người đàn ông tiếp tôi bằng giọng Quảng Trị không sai một âm.

Anh tên là Hà Xuân Lập, sinh năm 1959. Anh bảo, tôi cũng lên đây định cư năm 1980 nhưng trước đó, năm 1972, gia đình tôi đã vào Cù Bị (Bà Rịa - Vũng Tàu), sau lên đây. Ở Quảng Trị anh ở đâu? Tôi hỏi. Anh Lập kể, quê anh ở Ngã Tư Sòng, hồi đó không biết nhớ chính xác không, đó là xã Đồng Xuân, gần kề An Lạc.

Hương quê thơm ngát xứ người

Xã Triệu Hải đạt chuẩn nông thôn mới -Ảnh: X.H

Bây giờ thì anh đã bén rễ xanh cây ở đây rồi, con gái đầu sinh năm 1983 làm giáo viên, lấy chồng cũng gần nhà nhưng khác tỉnh, ở Đồng Nai. Hỏi anh xưa rày sinh sống bằng nghề gì, anh Lập cười, thì làm ruộng, làm vườn, giờ có tuổi rồi thì mở cửa hàng nhỏ bán tạp hóa, rảnh chăm sóc hoa, cây cảnh chơi thôi.

Cũng câu người dân quê mình ở xã Triệu Hải này sống bằng nghề gì?, tôi hỏi Chủ tịch UBND xã Trương Thái Triệu Vương. Vương hồ hởi bảo: “Đất đai đây tốt lắm anh. Nhà nào cũng có đất vườn rộng. Hồi mới vào thì trồng lúa, trồng khoai sắn để chống đói. Đủ ăn rồi thì cải tạo vườn, trồng các loại cây công nghiệp, nhiều nhất là cây điều, rồi đến cây cà phê. Mấy năm trở lại đây, sầu riêng được giá nên nhiều nhà phất lên. Gần đây thì nhiều nhà chọn vùng đất ven suối, thấp trũng trồng dâu nuôi tằm cũng khá lắm. Giá kén cao, nhà buôn thu tận nơi nên thu nhập cũng chẳng kém gì các loại cây trái”.

Sát cạnh trụ sở UBND xã là ngôi trường THCS Triệu Hải. Nghe tiếng trống trường vang vang tôi hỏi anh Thỉ, Vương câu chuyện học hành của con em. Anh Thỉ nói, dù nơi đây không phải phố thị, điều kiện học hành cũng khó khăn nhưng con em quê mình chịu khó lắm. Năm nào cũng có nhiều em đỗ đại học, y khoa, bách khoa, sư phạm có cả. Như gia đình tôi có hai cháu, không giấu gì, một cháu thi đỗ ngành công an, giờ đã đi làm, cháu kia đang học ở trường quân đội. Mà cũng không riêng nhà tôi, ở đây nhiều nhà có con em tốt nghiệp đại học, làm việc khắp nơi, tận TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hương quê thơm ngát xứ người

Anh Hà Xuân Lập ở vườn hoa nhà mình tại xã Triệu Hải -Ảnh: X.H

Trước khi chia tay, tôi ghé một vòng qua xã Quảng Trị kề sát xã Triệu Hải. Cũng vậy, ở đây có 7 thôn thì ngoại trừ 1 thôn gốc gác Thái Bình, 6 thôn còn lại đều người quê Quảng Trị. Xã Quảng Trị đón lớp di dân đầu tiên muộn hơn nên thành lập cũng muộn hơn xã Triệu Hải, năm 1986. 6 thôn ở đây có hơn 500 hộ sống bằng canh tác nông nghiệp, chăn nuôi. Tôi không có thời gian thăm thú kỹ nhưng nghe các anh lãnh đạo xã Triệu Hải nói, lãnh đạo xã Quảng Trị cũng toàn là người Quảng Trị. Rồi cũng nghe nói, ở xã Quảng Trị, dù vào sau nhưng việc bảo tồn gốc gác quê nhà hơn cả xã Triệu Hải. Nhiều làng còn mang cả Thành Hoàng ngoài quê vào thờ, tộc họ nào cũng xuân thu nhị kỳ tế lễ.

Chợt nghe lòng vui lây niềm vui đồng hương giữa vùng đồi núi chập chùng của cao nguyên Lâm Viên. Mảnh đất này nằm dọc thượng nguồn sông Đồng Nai, quay lưng lại tầm mươi cây số là huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, xuôi dòng Đồng Nai cũng tầm mươi cây số là huyện Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai. Huyện Đạ Tẻh giáp ranh với huyện Đạ Hoai và Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng. Bây giờ, ngoài quê là mùa đông rét nhưng cao nguyên Lâm Viên thì gần như đã hết mùa mưa, bước vào đầu mùa khô. Nghĩa là mùa xuân sắp về, Tết sắp đến. Hèn chi hoa cỏ vườn nhà ai cũng đã xanh lên màu lá với những chồi nụ dịu dàng áo lụa.

Biết tôi làm báo, các anh Phong, Thỉ, Vương, Du bảo, anh nhớ viết về bà con ở đây nghe. Hồ Quốc Phong thì ngậm ngùi nói, anh nhớ viết sớm. Sao vậy?, tôi hỏi. Phong bảo, vì theo đề án quy hoạch, sáp nhập đã được Quốc hội thông qua, chắc cỡ quý I/2025, 3 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huai và Cát Tiên nhập lại một, thành huyện Cát Tiên. Theo đó, đơn vị xã cũng sáp nhập, 2 xã Triệu Hải và Quảng Trị nhập lại thành một xã là Quảng Trị. Sợ anh viết muộn, tên xã Triệu Hải không còn.

Thì đã sao, vẫn còn tên xã Quảng Trị, Triệu Hải tức Triệu Phong và Hải Lăng cũng chỉ là một phần tỉnh Quảng Trị quê nhà đó thôi. Tôi nói vậy trong bữa cơm trưa chia tay anh em ở thị trấn Đạ Tẻh. Thị trấn nhỏ khiến tôi hình dung như là Hồ Xá, Cam Lộ, Gio Linh ở quê mình. Bữa cơm hôm đó có món canh thoảng mùi thơm mắm ruốc quê nhà. Chỉ mùi ruốc thôi mà làm dậy lên trong tôi một trời thương nhớ quê nhà nơi xứ xa.

Phạm Xuân Hùng

Tin liên quan:
  • Hương quê thơm ngát xứ người
    Quê hương luôn ở trong tim người xa xứ

    25 năm trên cương vị Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - một thương hiệu thời trang nổi tiếng với gần 200 cửa hàng trên toàn quốc - anh Nguyễn Ngọc Tý đã có nhiều hoạt động đóng góp cho quê hương. Anh luôn mong muốn góp một phần tâm sức vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nên đã hướng về Quảng Trị bằng tình cảm đặc biệt và những chuyến thiện nguyện ý nghĩa...

  • Hương quê thơm ngát xứ người
    Người con Quảng Trị xa xứ hết lòng với đồng hương

    “Tôi vào TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp đến nay đã 27 năm, nhưng tôi không bao giờ thay đổi giọng nói của mình vì bất kỳ lý do gì, kể cả giao tiếp với đồng nghiệp ở tỉnh khác. Tôi xem giọng nói Quảng Trị là một sự hãnh diện và tự hào, một mảnh đất chịu bao đau thương của bom đạn, chiến tranh nhưng nặng tình người”, anh Lê Văn Minh (sinh năm 1978), Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương trẻ Quảng Trị tại tỉnh Khánh Hòa tâm sự.


Phạm Xuân Hùng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tình quê

Tình quê
2025-02-01 07:35:00

QTO - Tại Đà Nẵng, Hội đồng hương Quảng Trị là cầu nối gắn kết những trái tim xa quê và yêu quê. Không chỉ hội tụ những người con xa xứ, hội còn là nơi gìn...

Một vùng kỷ niệm khó quên

Một vùng kỷ niệm khó quên
2025-02-01 07:20:00

QTO - Như từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp: Hà Nội là nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Quảng Trị là nơi tôi đón tuổi 18, tuổi đẹp nhất của mỗi con người,...

Tết ở vùng “tam giác sắt”

Tết ở vùng “tam giác sắt”
2025-02-01 07:10:00

QTO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 trở đi, có một “vùng lõm” kéo dài từ chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch về đến Thôn 8, xã Triệu Vân,...

Dang tay đón cánh chim trời

Dang tay đón cánh chim trời
2025-01-31 07:25:00

QTO - Hẹn hò mãi, đến khi chốt được thời gian thì Bảo đột ngột nhắn tin: “Sếu về! Sếu về!”, kèm theo đoạn video clip đàn sếu 7 con đang chao liệng trên...

Nét riêng ẩm thực Lào

Nét riêng ẩm thực Lào
2025-01-30 16:53:00

QTO - Nổi tiếng với những món ăn dân dã, mộc mạc, ẩm thực nước bạn Lào được người Việt nói chung và Quảng Trị nói riêng ưa chuộng vì hương vị độc đáo, hấp...

Tết ở chùa

Tết ở chùa
2025-01-30 07:30:00

QTO - Ở tỉnh Quảng Trị, ngay từ xa xưa rất nhiều làng xã đã xây dựng chùa không chỉ làm nơi thờ Phật, nơi dành riêng cho các thiện nam, tín nữ phật tử sinh...

Xuân của muôn hoa

Xuân của muôn hoa
2025-01-30 07:25:00

QTO - Làng hoa An Lạc (phường Đông Giang, TP. Đông Hà) thấm mạch phù sa sông Hiếu, vượt dặm dài Trường Sơn xuôi về phố thị mang hơi thở của đại ngàn. Vậy...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long