Cập nhật:  GMT+7

Một vùng kỷ niệm khó quên

Như từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp: Hà Nội là nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Quảng Trị là nơi tôi đón tuổi 18, tuổi đẹp nhất của mỗi con người, là nơi tôi được thử thách giữa cái sống, cái chết, giữa lòng dũng cảm và sự hèn nhát, nơi tôi cảm nhận những gì là tốt đẹp nhất của tình đồng đội, tình quân dân... Và trong những vùng đất Quảng Trị mà tôi đã đi qua, có thể nói Vĩnh Linh, cụ thể hơn là thị trấn Hồ Xá là vùng đất có những kỷ niệm khó quên...

Hội ngộ cùng "Cụ Loa"

Về cỗ loa cực đại 500 W trên bờ sông tuyến Hiền Lương những năm đất nước còn chia cắt đã nhiều người nói đến, biết đến. Riêng tôi, dường như cũng có chút cơ duyên với cỗ loa đặc biệt này...

Một vùng kỷ niệm khó quên

Hệ thống loa phóng thanh được trưng bày tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Khoảng giữa tháng Tư năm 1972, trong đội hình Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Công binh cầu phà 249 tham gia phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Đó là lập một trạm chốt ở thị trấn Hồ Xá để đón xe đơn vị chở khí tài bổ sung từ miền Bắc vào. Ngày ấy, thị trấn Hồ Xá bị tàn phá nặng nề do bom đạn địch, hầu như không còn nếp nhà nào nguyên vẹn. Mấy anh em chúng tôi chọn khu hầm bê tông kiên cố, nghe nói từng là chỗ làm việc dã chiến của Khu ủy Vĩnh Linh. Cùng ở với chúng tôi còn có một nhóm công nhân giao thông đảm nhận việc bảo đảm đoạn đường chạy qua thị trấn về phía Nam. Cùng nghiệp cầu đường, hai đơn vị nhỏ sống với nhau rất tình nghĩa.

Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là tầm 9 - 10 giờ đêm mới phải ra gác chốt, đón xe. Ban ngày, vì công tác độc lập, xa đơn vị nên mọi chế độ điều lệnh cũng được nới lỏng hơn. Thường là sau những giấc ngủ bù, anh em chúng tôi hay la cà, khám phá thị trấn Hồ Xá.

Trong một lần khám phá như vậy, chúng tôi đến một nơi, sau này được biết nguyên là cơ sở của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn một dãy nhà nấp dưới bóng cây, chưa bị bom đánh sập. Tại đây, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cỗ loa nổi tiếng ấy. Còn nhớ, lúc ấy mấy anh em chúng tôi còn không nghĩ đó là một chiếc loa, vì “tầm cỡ” của nó.

Chiếc loa lớn đến mức, cậu Hùng người phố Huế, chừng 1,7m mà cũng chỉ cao ngang với chiều cao vành loa đặt nằm nghiêng. Cũng may là chúng tôi đã gặp hai anh chị là cán bộ của đài. Nhờ anh chị mà chúng tôi được biết câu chuyện về chiếc loa phóng thanh có công suất 500W từng được dùng di động phục vụ công tác tuyên truyền trên bờ Bắc sông Bến Hải.

Đã hơn nửa thế kỷ, tôi không còn nhớ tên hai anh chị, chỉ nhớ anh chị đều rất trẻ, vui tính, giọng miền Trung rất ấm, dễ nghe. Cũng từ anh chị mà tôi lần đầu tiên được nghe giai thoại vui, mà sau này còn được nghe ở nhiều nơi, gắn với hoạt động nghiệp vụ của nhiều đài truyền thanh cấp huyện. Đó là câu chuyện: “Đây là Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, anh nói trước hay em nói trước...”.

Tiện thể cũng nói thêm, có lẽ từ giai thoại này mà ta được biết, thể loại phát thanh trực tiếp của ngành phát thanh Việt Nam ra đời từ rất sớm. Mà một ví dụ sống động, hào hùng là buổi phát thanh trực tiếp ngay đầu cầu Hiền Lương sáng ngày 8/2/1965 do hai phát thanh viên của đài là ông Đỗ Công Tích và bà Nguyễn Thị Kim Nhạn cùng đồng nghiệp thực hiện, đáp trả luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch sau trận máy bay Mỹ đánh phá Hồ Xá. Đây là lần phát sóng mà phát thanh viên nói trực tiếp, với những bằng cớ, lập luận xác đáng, có tình có lý khiến kẻ thù bẽ mặt, đồng bào bờ Nam hả lòng, hả dạ.

Quãng mấy chục năm sau, tôi khi ấy đã công tác ở Báo Hà nội mới. Trong một chuyến vào miền Trung cùng hai nhà báo đàn anh là Phan Tường, Trần Ấm (cả hai anh đều đã mất), khi dừng chân tại Hồ Xá, tôi kể hai anh nghe câu chuyện ngày nào. Hỏi thăm thì biết cỗ loa đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Linh. Mấy anh em quyết định ghé thăm bảo tàng. Còn nhớ, cỗ loa mang dấu vết đạn bom được bày trong khuôn viên bảo tàng. Lúc ấy anh Trần Ấm, một phóng viên ảnh kỳ cựu của TTX Việt Nam đã chụp cho tôi một tấm ảnh đang ngồi gọn trong lòng cỗ loa lịch sử.

Thế rồi cỗ loa được đưa về đặt trang trọng trước trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ở 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đôi khi đi qua, tôi vẫn ngắm nhìn và nhớ lại những kỷ niệm một thời. Vậy mà duyên nợ giữa tôi và cỗ loa vẫn chưa dứt. Năm 2016, với mục đích sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi lúc đó là Phó trưởng Ban quản lý dự án xây dựng bảo tàng tháp tùng anh Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đi công tác các tỉnh Bắc miền Trung.

Tại Quảng Trị, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp, đặc biệt là anh Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và anh Trần Đăng Mậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, chúng tôi đã sưu tập được những hiện vật rất quý. Cũng trong chuyến đi này, tôi gặp lại “người quen”. Nhân câu chuyện về các hiện vật của bảo tàng, tôi cứ băn khoăn sao Vĩnh Linh, Quảng Trị không giữ lại chiếc loa của một thời lịch sử.

Anh Tứ, anh Mậu cho biết trước khi trao tặng cho Đài TNVN, Quảng Trị đã tạo tác phiên bản, hiện trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Linh cùng dàn loa gốc trong số 140 chiếc loa trên 4 cụm loa dọc bờ sông giới tuyến năm nào. Các anh còn tiết lộ một trong những phiên bản được làm vẫn còn “dư”, hiện để gần Di tích cột cờ Hiền Lương, Vĩnh Linh. Vậy là ngay lập tức, anh Mậu đưa tôi tháp tùng anh Mai Đức Lộc đến tận nơi thị sát. Sau nhiều cố gắng của các đồng nghiệp, phiên bản chiếc loa đã được đưa về Bảo tàng Báo chí tại Dương Đình Nghệ, Hà Nội.

Tính đến mùa xuân này, cũng đã hơn 50 năm tôi có cơ duyên được gặp “Cụ Loa”. Gọi một cách kính trọng như vậy là bởi chắc chắn với giá trị về lịch sử, chiếc loa sẽ được gìn giữ một cách trân trọng và sẽ còn mãi với thời gian như một chứng nhân về một giai đoạn lịch sử hào hùng nơi đất lửa Vĩnh Linh và cả đất nước.

Kỷ niệm về căn hầm Khu ủy

Do đặc điểm về địa lý, trong mỗi lần về Quảng Trị tôi hay chọn đi đường bộ. Và lần nào cũng vậy, mỗi khi qua thị trấn Hồ Xá, dù thị trấn đã ngày một khang trang, hiện đại, tôi vẫn dõi ánh nhìn, cố tìm một nét quen thuộc nào đó những mong nhận ra vị trí của một căn hầm, nơi tôi cùng đồng đội từng tá túc trong những ngày đầu hè năm 1972. Đó là hầm Khu ủy Vĩnh Linh.

Một vùng kỷ niệm khó quên

Thị trấn Hồ Xá hôm nay -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Thật may mắn, Chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy” năm 2024, một hoạt động thường niên tri ân các gia đình chính sách và người dân Quảng Trị do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Báo Quảng Trị, có lịch trình trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Vĩnh Linh. Và cũng rất may mắn, sự kiện có sự tham gia của anh Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh. Sau buổi lễ, khi anh em trò chuyện, tôi chia sẻ với anh tâm sự của mình. Thật bất ngờ, anh Quang thu xếp đưa tôi thăm lại chốn cũ, nơi tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt trú quân hơn 50 năm trước.

Thú thật, nếu không được hướng dẫn, tôi khó mà nhận ra cảnh cũ, người xưa sau hơn nửa thế kỷ. Thật xúc động khi căn hầm ngày nào vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng. Còn nhớ khi đó căn hầm nằm lẫn trong những dãy nhà đã bị bom Mỹ đánh sập.

Lối xuống hầm có bậc thang dẫn với đường hầm hình chữ Z để bảo đảm an toàn hơn khi bị bom đạn đánh vào. Căn hầm rộng khoảng 30 m2 với 2 phòng, có lỗ thông hơi để phòng khí độc. Trong hầm vẫn còn các móc sắt đối xứng để treo võng... Toàn bộ hầm ngầm được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, độ dày trần lên đến 1m, tường hầm 0,5 m nhằm bảo đảm an toàn nếu sự cố bị đánh bom.

Khi chúng tôi tới đây, một nhóm công nhân giao thông đã trú quân ở ngăn hầm bên trong, dù ngăn ngoài rộng và thoáng hơn. Có lẽ các anh nghĩ phòng trong sẽ an toàn hơn khi bị đánh bom. Có kinh nghiệm sống và làm việc nơi tuyến lửa, lại lớn tuổi hơn nên các anh nhắc nhở, hướng dẫn chúng tôi, những chàng lính trẻ vừa rời ghế nhà trường được mấy tháng phải cảnh giác trong sinh hoạt, việc nấu nướng, phơi phóng hết sức cẩn thận tránh sự chú ý của bọn máy bay trinh sát.

Có lẽ đối phương cho rằng khu hầm không còn được sử dụng nên không đánh phá, mặc dù xung quanh hầm còn khá nhiều hút bom khoan, loại bom có tác dụng phá hủy các công trình ngầm, chứng tỏ đây từng là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Về những hút bom khoan này, các anh giao thông chỉ dẫn cho chúng tôi sử dụng như một toalet lộ thiên, vô cùng sạch sẽ, tiện lợi.

Chỉ đóng quân non một tháng, nhưng cũng có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như trên đã nói, ngoài thời gian đón xe đơn vị ngoài chốt, chúng tôi hay chia nhau khám phá các địa điểm quanh hầm Khu ủy. Đôi khi, giữa đống đổ nát, chúng tôi phát hiện cả một vạt khoai lang vẫn đang lên mơn mởn, hay một khóm chuối đang trổ buồng mà có lẽ vì khuất sau mấy bức tường đổ mà tránh được những mảnh bom của giặc trời Mỹ.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là bữa liên hoan chia tay với các anh bên tổ giao thông khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đơn vị. Chẳng có gì, chỉ phong lương khô, ấm trà, bao thuốc Tam Đảo còn mấy điếu mà vui, mà cảm động. Ai cũng mong ngày gặp lại, nhưng rồi chiến tranh, bom đạn, từ bấy đến nay chẳng gặp nhau.

Ai còn thì Tết này cũng đã hơn 70, nhiều người có khi đã 80 tuổi. Không biết trong số hơn chục anh em dự buổi liên hoan ấy, có mấy người may mắn như tôi, được gặp lại “cố nhân” là “Cụ Loa”, hay được về thăm lại căn hầm gắn bó một thời...

Tạ Việt Anh

Tin liên quan:
  • Một vùng kỷ niệm khó quên
    Một thời hào hùng không thể quên

    Năm 2024, kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Nhớ lại những năm tháng anh dũng chiến đấu cũng như cống hiến xây dựng quê hương giữa thời bình, những chứng nhân một thời hào hùng của quê hương lũy thép vẫn không khỏi xúc động...


Tạ Việt Anh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hương quê thơm ngát xứ người

Hương quê thơm ngát xứ người
2025-02-01 07:40:00

QTO - Bên biền dâu xanh ngăn ngắt liền kề chiếc cổng dẫn lối theo con đường tráng nhựa sạch sẽ, phẳng lì vào xã Triệu Hải, tôi như bắt gặp một nẻo hồn quê...

Tình quê

Tình quê
2025-02-01 07:35:00

QTO - Tại Đà Nẵng, Hội đồng hương Quảng Trị là cầu nối gắn kết những trái tim xa quê và yêu quê. Không chỉ hội tụ những người con xa xứ, hội còn là nơi gìn...

Tết ở vùng “tam giác sắt”

Tết ở vùng “tam giác sắt”
2025-02-01 07:10:00

QTO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 trở đi, có một “vùng lõm” kéo dài từ chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch về đến Thôn 8, xã Triệu Vân,...

Dang tay đón cánh chim trời

Dang tay đón cánh chim trời
2025-01-31 07:25:00

QTO - Hẹn hò mãi, đến khi chốt được thời gian thì Bảo đột ngột nhắn tin: “Sếu về! Sếu về!”, kèm theo đoạn video clip đàn sếu 7 con đang chao liệng trên...

Nét riêng ẩm thực Lào

Nét riêng ẩm thực Lào
2025-01-30 16:53:00

QTO - Nổi tiếng với những món ăn dân dã, mộc mạc, ẩm thực nước bạn Lào được người Việt nói chung và Quảng Trị nói riêng ưa chuộng vì hương vị độc đáo, hấp...

Tết ở chùa

Tết ở chùa
2025-01-30 07:30:00

QTO - Ở tỉnh Quảng Trị, ngay từ xa xưa rất nhiều làng xã đã xây dựng chùa không chỉ làm nơi thờ Phật, nơi dành riêng cho các thiện nam, tín nữ phật tử sinh...

Xuân của muôn hoa

Xuân của muôn hoa
2025-01-30 07:25:00

QTO - Làng hoa An Lạc (phường Đông Giang, TP. Đông Hà) thấm mạch phù sa sông Hiếu, vượt dặm dài Trường Sơn xuôi về phố thị mang hơi thở của đại ngàn. Vậy...

Dòng sông mang khát vọng hòa bình khát bình

Dòng sông mang khát vọng hòa bình khát bình
2025-01-30 07:20:00

QTO - Nhiều năm qua, những ngày lễ lớn như kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi có dịp trở lại thị xã Quảng Trị, nơi...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long