Cập nhật:  GMT+7

Cha, con và cuộc đoàn tụ sau hơn 30 năm

Cuộc sống mưu sinh khó nhọc khiến đôi khi ông Lê Đức Minh quên đi giọt máu mà mình đã để lại nơi chiến trường Campuchia năm xưa. Nhưng ở độ tuổi xế chiều, sự cô quạnh và nỗi nhớ, niềm mong mỏi đoàn tụ đã thôi thúc ông vượt hàng nghìn cây số, quyết tâm tìm lại đứa con trai của mình. Sau một thời gian nỗ lực kết nối, tìm kiếm, mới đây cha con ông đã có cuộc trùng phùng đầy xúc động trong niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn 30 năm xa cách.

Cha, con và cuộc đoàn tụ sau hơn 30 năm

Ông Minh cùng gia đình con trai và bà con họ hàng chụp hình lưu niệm khi tham quan Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia - Ảnh: NVCC

Niềm hạnh phúc đoàn tụ

Ông Minh hiện ở Khu phố 1, Phường 5, TP. Đông Hà. Gương mặt của người đàn ông năm nay 65 tuổi giờ đây đã giãn ra, tươi vui hơn vẻ u buồn thường ngày nhiều năm trước đây, khi ông vừa tìm được đứa con trai và người vợ không hôn thú của mình ở Campuchia, ngay những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Niềm hạnh phúc tìm lại được đứa con trai xa cách đằng đẵng hơn 30 năm qua khiến không khí trong ngôi nhà của ông ở một góc phố nhỏ của TP. Đông Hà trở nên ấm áp hơn.

Bên tách trà ấm nóng, ông Minh kể tháng 8/1978, ông lên đường nhập ngũ để đi chiến trường Campuchia. Ông được biên chế vào Đại đội cối thuộc Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân khu 9.

Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tháng 1/1979, ông và đơn vị hành quân ra chiến trường. “Đơn vị chúng tôi hành quân sang tỉnh Tà Keo, đoạn sát biên giới với Việt Nam đúng ngay thời điểm “mở cửa” đánh nhau với Pôn Pốt.

Lúc này chiến trường khá ác liệt, đơn vị chúng tôi đánh dọc từ Tà Keo lên đến thủ đô Phnôm Pênh trên chiều dài quảng đường gần 100 km. Đánh nhau với địch khoảng 3 tháng thì lúc này Campuchia được giải phóng”, ông Minh kể.

Với chức vụ là Tiểu đội trưởng nên sau khi tình hình chiến sự ổn định, ông Minh được đơn vị điều về xã Pnov Ti Muoy, huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng làm chuyên gia để hỗ trợ thiết lập chính quyền, xây dựng cơ sở khi mới giải phóng.

Tại đây, ông Minh đã gặp bà Uôn Rân, y tá xã cùng tuổi, cả hai nảy sinh tình cảm và có một người con trai. Sau đó, ông mất liên lạc với đơn vị và ở lại xã Pnov Ti Muoy, cùng bà Uôn Rân làm ruộng, hái thốt nốt, chăn nuôi...

Đến năm 1993, tại Campuchia diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Do tình hình lúc này khá phức tạp nên nhiều người khuyên ông Minh trở về Việt Nam để đảm bảo an toàn. Dù không muốn rời xa vợ con nhưng trước tình hình đó, tháng 3/1993 ông Minh quyết định trở về nước.

Cha, con và cuộc đoàn tụ sau hơn 30 năm

Ông Minh gọi điện thoại cho con trai Mai Hin - Ảnh: Đ.V

Thời điểm đó, con trai của ông ở Campuchia tên Mai Hin đã 13 tuổi. Cuộc sống bộn bề khó khăn cuốn tâm trí của ông Minh theo những lo toan. Sau một thời gian, ông Minh quyết định ở lại quê và lấy bà Võ Thị Lập, cùng quê ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng làm vợ. Sau đó hai vợ chồng ra Đông Hà sinh sống, làm ăn.

Hai vợ chồng ông làm lò tráng bánh ướt một thời gian rồi nghỉ. Bà Lập lấy bánh ướt đi bán dạo còn ông Minh chạy chở gas thuê mưu sinh. Cuộc sống hai vợ chồng ông vẫn êm đềm, hạnh phúc nhưng lại không có con.

“Cuộc sống thường ngày vất vả quá, ký ức của tôi về vợ con bên kia biên giới nhiều khi xóa nhòa. Nhưng giờ đây đã ở tuổi xế chiều, nghĩ về con cái, tôi cảm thấy rất buồn lòng. May mắn vợ tôi là người hiểu chuyện, biết được tâm nguyện của tôi nên rất cảm thông, chia sẻ. Vậy là tôi quyết định tìm hiểu, kết nối để qua Campuchia tìm vợ cũ và con trai”, ông Minh nói.

Tháng 8/2023, ông Minh vào Long Khánh, tỉnh Đồng Nai chơi ở nhà người anh ruột và tìm hiểu tình hình để trở lại Campuchia. Tại đây, qua khâu nối của anh em, bạn bè, người quen, ông Minh thuê một phiên dịch người Khơ Me và bắt đầu hành trình tìm vợ con. Hai người làm thủ tục xuất cảnh qua Campuchia từ Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp.

Hơn 30 năm xa cách, dù vật đổi sao dời, cảnh vật, địa hình có thay đổi nhưng đặt chân lên mảnh đất từng có thời gian dài gắn bó, mọi ký ức của ông Minh ùa về. Ông phăm phăm tiến về ngôi làng thân thuộc ở xã Pnov Ti Muoy.

“Khỏi phải nói, lúc tôi giáp mặt, bà Uôn Rân quá đỗi ngạc nhiên và xúc động. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, nước mắt ngắn dài không nói nên lời. Mọi người trong xóm, trong làng biết tin cũng tới thăm và mừng lắm. Ai cũng nghĩ rằng tôi đã chết hay mất tích đâu đó. Tôi cũng vui mừng khôn xiết khi trở lại ngôi làng xưa của mình”, ông Minh xúc động kể.

Về phần bà Uôn Rân, từ khi ông Minh trở về Việt Nam, bà ở vậy nuôi con và hy vọng một ngày nào đó, ông Minh sẽ trở lại. Thế nhưng, cuộc sống nhiều thăng trầm đã khiến hai người biền biệt nhau mãi hơn 30 năm sau mới hội ngộ.

Đứa con trai Mai Hin năm nào giờ đã 44 tuổi, có vợ và 3 đứa con. Gia đình Mai Hin sinh sống, làm việc ở thủ đô Phnôm Pênh, cách ngôi làng nơi bà Uôn Rân sinh sống 80 km. Đợt đó ông Minh ở lại 20 ngày, vợ chồng con trai và các cháu cũng về đông đủ. Phút giây bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi, tình thân máu mủ đã kết nối gia đình ông Minh bên nhau. Họ cùng nhau với những bữa cơm thân mật đong đầy tình cảm, những bữa tiệc vui vẻ với họ hàng, xóm giềng.

“Giữa khung cảnh gia đình vui vẻ với con cháu đuề huề, thật sự tôi không thể diễn tả được sự sung sướng, niềm hạnh phúc. Tôi vui, bà Lập bên nhà cũng thấu hiểu nên càng hạnh phúc tròn đầy hơn”, ông Minh tâm sự.

Về quê cha

Sau chuyến đi Campuchia của ông Minh không lâu, vợ chồng Mai Hin và một đứa cháu trai đã lần đầu trở về thăm quê cha đất tổ ở Việt Nam. Hai vợ chồng Mai Hin thành kính thắp những nén nhang thơm lên bàn thờ tiên tổ ở quê nhà là thôn Phương Hải, xã Hải Ba, bày tỏ niềm hạnh phúc vì đã tìm được quê hương ruột thịt của mình.

Cha, con và cuộc đoàn tụ sau hơn 30 năm

Vợ chồng ông Minh, bà Lập và vợ chồng con trai Mai Hin chụp hình tại quê nhà ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Suốt một tuần lễ ở quê nội, vợ chồng Mai Hin đã được vợ chồng ông Minh, bà Lập đưa đi thăm bà con, họ hàng gần xa. Mọi người tiếp đãi vợ chồng Mai Hin bằng tấm lòng cởi mở, đong đầy tình thương mến.

Trò chuyện qua điện thoại với ông Minh, anh Mai Hin chia sẻ với phóng viên: “Khát khao tìm lại cha của tôi đã thành hiện thực và đó là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời. Vừa rồi tôi có dịp đưa vợ con về thăm quê cha, cảm thấy rất hạnh phúc vì mình có thêm một quê hương Quảng Trị, một đất nước Việt Nam yêu mến. Chúng tôi cũng được hiểu biết thêm về cội nguồn, bà con họ hàng, quê hương. Đặc biệt, trở về quê, chúng tôi được bà con, xóm làng tiếp đãi rất tình cảm, chu đáo. Tôi cảm thấy rất ấm áp và xúc động”.

Trong khi đó, qua điện thoại, bà Uôn Rân cũng bày tỏ niềm vui, hạnh phúc vô bờ khi có ngày được hạnh ngộ với ông Minh. “Tôi cũng cảm thấy mãn nguyện khi cha con, ông cháu của ông ấy được đoàn tụ. Đó là niềm vui lớn của tất cả chúng tôi”. Từ ngày được đoàn tụ với con trai ở Campuchia, ông Minh như trút được mối canh cánh ở trong lòng. Niềm hạnh phúc đoàn viên, chứng kiến con cháu sum vầy giúp ông tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Mới đây, vào tháng 1/2024, ông Minh cùng nhiều anh em, họ hàng ở quê đã có chuyến trở lại thăm bà Uôn Rân và vợ chồng Mai Hin ở thủ đô Phnôm Pênh. Mọi người cùng nhau đi thăm thú các địa điểm nổi tiếng ở Campuchia.

“Khoảng cách gần 1.500 cây số từ Quảng Trị vào Nam rồi sang Campuchia giờ đây không còn quá xa nữa. Bởi ở đó tôi cũng có một gia đình. Tôi thấy mình quá hạnh phúc, may mắn và mãn nguyện vì có thêm một gia đình, những đứa con, đứa cháu... ruột thịt”, ông Minh tâm sự với chúng tôi.

Đức Việt

Tin liên quan:
  • Cha, con và cuộc đoàn tụ sau hơn 30 năm
    Cuộc trùng phùng của hai chị em sau hàng chục năm thất lạc

    Mất liên lạc hoàn toàn với người chị cùng cha khác mẹ suốt hàng chục năm trời, mãi đến những ngày đầu tháng 4/2022, nhờ sự “vào cuộc” của cộng đồng mạng, người em trai ở Quảng Trị mới tìm thấy người chị ở tận Quảng Ngãi... Cuộc trùng phùng của 2 chị em diễn ra trong niềm vui và hạnh phúc ngập tràn.


Đức Việt

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cầu mong một phép màu

Cầu mong một phép màu
2024-05-04 05:55:00

QTO - Từng nếm trải nhiều khó khăn, thử thách, từ lâu, chị Hoàng Thị Huyền Trang (sinh năm 1989), trú tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, dần mất đi niềm tin...

Đến với sứ mệnh “chữa lành”

Đến với sứ mệnh “chữa lành”
2024-04-04 05:45:00

QTO - Từ nước Anh xa xôi, Tổ chức MAG đã có mặt tại Việt Nam, đến Quảng Trị với mong muốn góp sức “chữa lành” cho mảnh đất từng hứng chịu bom đạn chiến...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết