Cập nhật:  GMT+7

Đến với sứ mệnh “chữa lành”

Từ nước Anh xa xôi, Tổ chức MAG đã có mặt tại Việt Nam, đến Quảng Trị với mong muốn góp sức “chữa lành” cho mảnh đất từng hứng chịu bom đạn chiến tranh. Để thực hiện sứ mệnh quan trọng ấy, 25 năm qua, cán bộ, nhân viên dự án đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Đến với sứ mệnh “chữa lành”

Để làm tốt nhiệm vụ của mình, cán bộ, nhân viên Tổ chức MAG đã đổ rất nhiều mồ hôi, công sức - Ảnh: Q.H

Có mặt ở nơi bom rơi

Với đặc thù công việc, Giám đốc điều hành Tổ chức MAG Cormack Darren William đã quen với những chuyến công tác dài ngày ở các quốc gia trên thế giới. Vậy mà, chuyến thăm Việt Nam, đến Quảng Trị lần này vẫn mang cho ông nhiều cảm xúc. Tại TP. Đông Hà, ông Cormack có dịp cùng các đại biểu, bạn bè, cộng sự tổ chức sự kiện kỷ niệm 25 năm Tổ chức MAG hoạt động tại Việt Nam. Đối với ông, đây là dấu mốc rất quan trọng. “25 năm là quãng thời gian để một cậu bé lớn lên, trở thành một thanh niên cường tráng. Tổ chức MAG cũng vậy. Chúng tôi đã bước qua những bước đi bỡ ngỡ ban đầu để cống hiến ngày càng nhiều hơn”, ông Cormack nói.

Theo ông Cormack Darren William, MAG là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhân đạo tại các khu vực đã hoặc đang xảy ra chiến sự. Được thành lập tại Anh vào năm 1989, sứ mệnh mà tổ chức đặt ra là đem lại sự an toàn, sinh kế, cơ hội xây dựng cuộc sống và tương lai cho người dân các khu vực chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh. Đến nay, Tổ chức MAG đã có mặt tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức, nhiều mảnh đất mang nặng đau thương, mất mát của chiến tranh đã hồi sinh.

Đến giờ, những người công tác lâu năm trong Tổ chức MAG vẫn nhớ dấu mốc năm 1999. Thời điểm ấy, MAG bắt đầu triển khai các hoạt động tại Quảng Trị. Qua số liệu được cung cấp, Tổ chức MAG biết Quảng Trị là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam. Bấy giờ, trên 70% dân số địa phương sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Để mưu sinh, người dân phải đánh cược mạng sống trên mảnh đất ô nhiễm bom mìn. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, cướp đi mạng sống, sự lành lặn của không ít người, trong đó có trẻ em.

Từ những bước chân đầu tiên, Tổ chức MAG nhanh chóng vào guồng phát triển. Các hoạt động hỗ trợ của dự án đối với Quảng Trị ngày càng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tổ chức đã mở rộng địa bàn hỗ trợ ra Quảng Bình, Quảng Nam để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Hiện nay, MAG là một trong những tổ chức rà phá bom mìn dân sự lớn nhất Việt Nam.

Sự hỗ trợ kịp thời

Sang Việt Nam tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại Quảng Trị, Giám đốc điều hành Tổ chức MAG Cormack Darren William có dịp gặp gỡ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam. Trước khi ở vị trí đương nhiệm, ông Hoàng Nam là lãnh đạo Sở Ngoại vụ. Vì thế, ông Nam hiểu rất rõ hoạt động, sự phát triển và những cống hiến của các dự án, tổ chức phi chính phủ, trong đó có MAG.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Quảng Trị đã bắt tay vào tháo gỡ bom mìn để giúp ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc giải quyết “mầm họa” còn sót lại của cuộc chiến gặp rất nhiều khó khăn. Do nguồn lực hạn chế, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn chỉ thu gom được bom mìn, vật nổ vương vãi trên lớp đất mặt ở những vùng ưu tiên nhất. Giai đoạn này, mỗi năm Quảng Trị ghi nhận trên 100 nạn nhân bom mìn.

Năm 1996, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho phép triển khai các chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tổ chức MAG đã đến Việt Nam, bắt đầu hợp tác với tỉnh vào năm 1999. “Đến nay, MAG đã trở thành một trong những đối tác chính của tỉnh trong nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn. Tổ chức này cũng là một trong những đối tác quan trọng trong chương trình hành động bom mìn quốc gia của Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định.

Trên cương vị công tác, ông Hoàng Nam rất vui mừng khi thấy những bước tiến của Tổ chức MAG. Từ một dự án có quy mô nhỏ, với chỉ từ 45 nhân viên, đến nay, tổng số cán bộ, nhân viên MAG tại Quảng Trị đã lên đến trên 500 người. Trong suốt 25 năm qua, MAG luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với tỉnh để triển khai nhiều hoạt động quan trọng như: Thành lập các đội xử lý điểm, giải quyết những yêu cầu khẩn nhằm hủy bỏ vật nổ gây nguy hiểm cho cộng đồng; tổ chức đội rà phá bom mìn để tiến hành rà các hiện trường ô nhiễm lớn; cho ra đời các đội liên lạc cộng đồng...

Niềm vui sau những giọt mồ hôi

Tổ chức MAG có một hoạt động ý nghĩa là vinh danh những người trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý bom mìn, vật nổ. Phần lớn họ đều sinh ra, lớn lên ở Quảng Trị. Trong số đó, nhiều người đã trực tiếp chứng kiến những vụ tai nạn bom mìn. Có cán bộ, nhân viên từng rơi nước mắt vì bom mìn cướp đi người thân. Đó cũng chính là lý do thôi thúc họ đến với Tổ chức MAG và thầm lặng cống hiến với mong muốn không có thêm máu, nước mắt rơi giữa thời bình.

Đến với sự thúc giục của trái tim nên cán bộ, nhân viên Tổ chức MAG đều không ngừng nỗ lực cho “sứ mệnh” chung. Sự nỗ lực ấy đã mang về những kết quả đáng mừng. Theo số liệu thống kê, thời gian qua, Tổ chức MAG đã hoàn thành rà phá gần 180 triệu m2 đất, phát hiện, hủy nổ thành công trên 230.000 vật nổ các loại. Không dừng lại ở đó, Tổ chức MAG còn thực hiện hơn 1.000 hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho gần 15.000 người dân.

Giám đốc điều hành Tổ chức MAG Cormack Darren William cho biết, chuyến sang Việt Nam, đến Quảng Trị lần này mang lại cho ông rất nhiều điều ý nghĩa. Hôm ông Cormack trực tiếp tới hiện trường, tiết trời Quảng Trị khá “chiều lòng người” nhưng tấm áo các cán bộ, nhân viên dự án đều ướt đầm mồ hôi. Giám đốc điều hành Tổ chức MAG biết rằng, trong những ngày mưa phùn, gió bấc hay nắng đổ lửa, công việc ấy sẽ khó nhọc hơn rất nhiều. Vậy nhưng, khi được hỏi về những khó nhọc trong nghề, các cán bộ, nhân viên đều bảo: “Không đáng là bao”. Ai cũng vui vì được gắn bó với công việc.

Hiện nay, Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn”, không chịu tác động của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Để đạt mục tiêu ấy, con đường phía trước vẫn còn dài. Tuy nhiên, ông Cormack Darren William cũng như các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 25 năm Tổ chức MAG hoạt động tại Việt Nam tin rằng, mục tiêu trên sẽ sớm trở thành hiện thực. Theo bước chân của cán bộ, nhân viên Tổ chức MAG cùng các trái tim yêu chuộng hòa bình khác, ngày có càng nhiều người đã và đang vào cuộc, cùng chung tay thực hiện sứ mệnh “chữa lành” cho những mảnh đất vẫn còn ẩn họa bom mìn sau chiến tranh.

Quang Hiệp

Tin liên quan:
  • Đến với sứ mệnh “chữa lành”
    Đưa trẻ đến với rừng

    Vào tháng 7/2022, lớp học NES education lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị cho một nhóm học sinh Trường THPT Đông Hà. Tham gia chương trình, Phạm Xuân Khánh (lớp 11 A7) đã có những trải nghiệm khó quên. Chuyến đi này, các em được học những kiến thức về rừng mưa nhiệt đới; kỹ năng tự bảo vệ mình khi vào rừng sâu; tham gia hoạt động trồng cây xanh.

  • Đến với sứ mệnh “chữa lành”
    Người kết nối duyên lành

    (QT Xuân) - “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không/Để gió cuốn đi...”. Những ca từ trong sáng, đẹp đẽ và nhân ái trong thông điệp âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Như Hải Yến - một người con của quê hương Quảng Trị thể hiện - với chất giọng trầm ấm đã chạm đến trái tim người yêu nhạc trong Chương trình nghệ thuật 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn. Giống như những lời hát trên, cô ca sĩ này đã và đang nỗ lực sống một cuộc đời trọn vẹn với tấm lòng nhân ái để kết ...


Quang Hiệp

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long