Cập nhật:  GMT+7

Cần quyết liệt xử lý những chủ đầu tư có dự án giải ngân chậm

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 của tỉnh khoảng 709,22 tỉ đồng, đạt 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. So với tỉ lệ giải ngân đầu tư công cả nước là 29,29%, tỉnh Quảng Trị đạt cao hơn. Tuy nhiên, đối chiếu giữa các đơn vị, địa phương trong tỉnh thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công có sự chênh lệch lớn, trong đó có những chủ đầu tư trong 6 tháng qua chưa thực hiện giải ngân. Như vậy, trong cùng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh nhưng có đơn vị, địa phương làm tốt, có đơn vị, địa phương vẫn “ì ạch”. Vì vậy, đã đến lúc tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý những chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ.

Theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, đối với nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024, có 15 đơn vị, địa phương giải ngân trên mức trung bình thực tế của tỉnh; 16 đơn vị, địa phương giải ngân dưới mức trung bình thực tế của tỉnh; 6 đơn vị chưa giải ngân. Đối với kế hoạch được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, tính đến cuối tháng 6/2024 đã giải ngân 187,294 tỉ đồng, đạt 36,3% kế hoạch, trong đó có 4 đơn vị, địa phương giải ngân trên 70% kế hoạch; 13 đơn vị, địa phương giải ngân dưới 70% kế hoạch; 12 đơn vị, địa phương chưa giải ngân.

Cần quyết liệt xử lý những chủ đầu tư có dự án giải ngân chậm

Ngoài vướng mắc do các quy định, hướng dẫn của trung ương, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công thời gian qua chưa đạt kỳ vọng còn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía địa phương, đơn vị. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do số thu nộp vào ngân sách nhà nước của tỉnh còn chậm, dẫn đến nhiều công trình chưa có nguồn vốn để nhập dự toán; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn là “điểm nghẽn” ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân của nhiều dự án.

Ngoài ra, còn có các khó khăn về đất làm vật liệu san lấp, thẩm định giá một số chủng loại vật liệu, vật tư, thiết bị... Còn nguyên nhân chủ quan được xác định do công tác khảo sát, thiết kế chuẩn bị các dự án đầu tư chưa tốt.

Vai trò người đứng đầu của một số chủ đầu tư chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm chậm quá trình thực hiện.

Cùng với đó, năng lực chỉ đạo, điều hành của nhiều chủ đầu tư còn yếu, thiếu sâu sát, chưa chủ động kiểm tra, đôn đốc, chưa chú trọng công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cả về hồ sơ và thi công tại hiện trường; một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu vẫn còn có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh toán, quyết toán vốn nhiều lần.

Sự chênh lệch trong tỉ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị, địa phương cho thấy việc triển khai nhanh hay chậm dự án đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào cách làm, sự quyết tâm của từng đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được tỉnh tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, cần áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với chủ đầu tư làm việc không hiệu quả trong thực hiện dự án đầu tư công.

Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 10/1/2024 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu: “Tỉ lệ giải ngân kế hoạch năm 2024 đến hết ngày 30/6/2024 đối với dự án chuyển tiếp, hoàn thành đảm bảo trên 50% kế hoạch, đối với các dự án khởi công mới đảm bảo trên 30% kế hoạch”.

Qua rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/6, có 47 dự án của 12 sở, ban, ngành và 8 địa phương giải ngân dưới tỉ lệ của UBND tỉnh đưa ra, với số vốn tương ứng không đảm bảo là 195,827 tỉ đồng. Như vậy, những đơn vị, địa phương này phải thực hiện rà soát, điều chuyển vốn.

Cũng tại Chỉ thị 01, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xem kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của đơn vị được giao làm chủ đầu tư và người đứng đầu đơn vị đó. Chỉ đạo này cần được thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thực hiện, cơ quan chuyên môn cần tham mưu UBND tỉnh giải pháp đủ sức răn đe, tạo áp lực đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện tốt nhiệm vụ. Cần nghiên cứu rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư nào có dự án giải ngân chậm tiến độ thì đề xuất UBND tỉnh cắt giảm nguồn vốn của các dự án còn lại trong danh mục đã được giao, hoặc không giao dự án mới.

Bên cạnh việc phê bình, điều chuyển vốn cần xem xét điều chuyển công tác đối với người đứng đầu, thay thế những người đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm bằng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Mai Lâm

Tin liên quan:

Mai Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cơ hội để Quảng Trị cất cánh

Cơ hội để Quảng Trị cất cánh
2024-07-01 05:10:00

QTO - Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đang chờ đón các sự kiện: Lễ hội Vì Hòa bình, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết