Cập nhật:  GMT+7

Bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh

Tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh của Chính phủ tổ chức vào ngày 2/11/2023, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã đưa ra số liệu thống kê về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (từ 6-18 tuổi) 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Quảng Trị là một trong những tỉnh có số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất, cho dù địa phương giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái.

Bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh

Đảm bảo an toàn giao thông tại các trường học -Ảnh: K.H

Theo thống kê, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, trên địa bàn Quảng Trị xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18), làm chết 11 em, 36 em bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, TNGT liên quan đến học sinh giảm 11 vụ, giảm 9 người chết và giảm 19 người bị thương, chiếm 20% số vụ TNGT trên toàn tỉnh. So với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Trị đứng ở tốp đầu (chỉ sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai) về TNGT liên quan đến học sinh.

Tình hình TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, là vấn đề hết sức lo ngại. Mỗi năm cả nước có gần 500 học sinh trong độ tuổi từ 6 - 18 bị chết và trên 800 em bị thương do TNGT, riêng Quảng Trị có khoảng 30 em bị chết và nhiều em bị thương, để lại hậu quả nặng nề đối với bản thân các em học sinh, gia đình và xã hội.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT liên quan đến học sinh trên địa bàn Quảng Trị, Trung tá Nguyễn Văn Huấn, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu quan sát, không nhường đường khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một số em thiếu ý thức và hiểu biết về luật giao thông nên dẫn đến tai nạn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Trị còn nhiều hạn chế, tạo nên điểm “đen” hay xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc trong thời gian qua.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành luật giao thông chưa hiệu quả. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có diễn biến phức tạp. Tình trạng học sinh THCS và THPT đi học bằng các loại phương tiện xe điện, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông... đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ gây TNGT.

Bên cạnh đó, có rất nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh thuộc về trách nhiệm của một bộ phận phụ huynh hoặc người giám hộ. Một số phụ huynh thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, khi con vi phạm trật tự an toàn giao thông lại tỏ thái độ thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, bao che cho các hành vi vi phạm của con. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, cho dù các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai; nhiều mô hình về an toàn giao thông trường học được xây dựng trên địa bàn nhưng hiệu quả đưa lại chưa cao. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giao thông còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh. Mặt trái của internet và mạng xã hội cũng đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của giới trẻ hiện nay.

TNGT nói chung và TNGT liên quan đến học sinh là vấn đề rất đáng quan tâm. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT liên quan đến học sinh là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tại Quảng Trị, cần có sự nỗ lực của các cấp, ngành trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của tình hình. Lực lượng chức năng cần tiếp tục xây dựng và triển khai, kiểm soát các chuyên đề về ngăn chặn học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe.

Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đa dạng hóa các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ ghi nhớ, dễ thực hiện. Thông tin cụ thể các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên và học sinh trong việc phòng tránh TNGT.

Phát động và xây dựng phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm vận động mỗi gia đình không giao xe cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH/BCABGDĐT giữa Bộ Công an-Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Khánh Hà

Tin liên quan:
  • Bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh
    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ

    Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ ở huyện Đakrông được đẩy mạnh với nhiều giải pháp tích cực và đạt được kết quả đáng kể. Nhờ vậy, nhiều người dân ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường bộ, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

  • Bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh
    Giải pháp đảm bảo an toàn giao thông ở Triệu Phong

    Năm 2022, huyện Triệu Phong tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn cùng nhiều sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước và đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh nên công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được cấp ủy, chính quyền, Ban An toàn giao thông huyện đặc biệt quan tâm. Mục tiêu lớn nhất năm 2022 mà huyện Triệu Phong đặt ra là giảm tai nạn giao thông trên 5% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2021.


Khánh Hà

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long