Cập nhật: Thứ 2, 29/04/2019 | 06:18 GMT+7

“Điểm tựa” của bản làng

(QT) - Những năm qua, nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đồng lòng, đoàn kết sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước trong bảo vệ và xây dựng quê hương. Một trong những nhân tố tạo nên mối đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân chính là người có uy tín trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ đã đi từng nhà vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tham gia giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản phát triển.

Người gắn kết cộng đồng nơi biên cương

Nếu như Hướng Lập là xã xa nhất về phía Bắc của huyện Hướng Hóa thì Tà Păng là bản xa nhất và cũng là bản cuối cùng của xã Hướng Lập giáp với biên giới Việt - Lào. Đón chúng tôi ngay từ đầu bản, già làng Hồ Trung nở nụ cười tươi: Nhờ con đường bê tông mới mở này mà bây giờ ra vào bản dễ dàng hơn rồi đấy, chứ trước đây nếu muốn vào được Tà Păng chỉ có cách lội suối, băng rừng.

Già làng Hồ Trung luôn vận động dân bản tích cực tham gia sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế​

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, sau khi thôi làm giao liên xã trở về địa phương sinh sống, già làng Hồ Trung được dân bản tin tưởng bầu làm trưởng bản kiêm tổ trưởng tổ hòa giải bản Tà Păng. Đặc biệt, từ năm 2012, khi ông được dân bản bầu chọn là người có uy tín trong thôn, bản thì ông xác định mình càng cần có trách nhiệm hơn nữa. Trên cương vị mới ông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế quản lí biên giới cho bà con dân bản. Từ đó, nhận thức của bà con trong bản được nâng lên rõ rệt, mọi người tự giác, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Là người có hiểu biết về xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn xã Sín Thầu, có uy tín với người dân, ông Hồ Trung thường xuyên được bà con gặp gỡ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, giúp họ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Ông cũng đề ra nhiều cách làm mới nhằm vận động bà con tích cực tham gia sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Cụ thể, ông đã vận động một số hộ gia đình trong bản đầu tư sản xuất lúa nước, áp dụng khoa học kĩ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như máy cày, xe công nông, máy xay xát; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu… Bên cạnh sản xuất lúa nước, già làng Hồ Trung còn cùng với cán bộ trong bản trồng các loại cây phù hợp với tiềm năng, lợi thế miền núi như trồng rừng, trồng cây bời lời. Đến nay toàn bản đã trồng được gần 115 ha cây bời lời, nhiều hộ trồng được từ 4 - 6 ha, có hộ trồng được hàng chục héc ta như hộ ông Hồ Văn Khai, Hồ Văn Thục.

Ông còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả nhiều mô hình “dân vận khéo” như vận động người dân chấp hành giải tỏa mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm đến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non, đường liên thôn.

Trong công tác đảm bảo an ninh vùng biên, mỗi lần lên cột mốc cùng bà con là một lần già làng Hồ Trung lại tranh thủ hướng dẫn họ nhận biết về đường biên giới quốc gia, động viên họ tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững mối đoàn kết biên giới Việt Nam - Lào.

Giúp dân bản làm giàu

Rời xã Hướng Lập, chúng tôi tìm về xã A Xing, nơi có già làng Hồ Văn Hảo, người dân tộc Pa Kô ở bản A Máy. Với vai trò là người có uy tín, già làng Hồ Văn Hảo không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn luôn tích cực tuyên truyền, vận động dân bản thay đổi tập tục canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học- kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Dù tuổi đã cao nhưng già làng Hồ Văn Hảo luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế tại địa phương​

Vừa dẫn chúng tôi đến nhà ông Hảo, anh Hồ Cu Tanh, trưởng thôn A Máy vừa vui vẻ cho biết: Trước đây, cuộc sống người Pa Kô, Vân Kiều ở đây rất khó khăn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, vì vậy nhiều hộ dân luôn bị thiếu đói. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự hướng dẫn tận tình của những người có uy tín như già làng Hồ Văn Hảo nên bà con dân bản dần dần đã biết thay đổi cách làm ăn, biết trồng sắn, chăn nuôi trâu, bò. Nhờ học theo già Hảo mà giờ gia đình mình đã có được 2 ha sắn, 5 con bò, trong đó có 2 con bò lai. Giờ mình đã xây được nhà chắc chắn, có của ăn của để, con cái được gửi ra trường huyện đi học”, anh Tanh cho hay.

Theo chia sẻ của ông Hảo, trước đây gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo ở A Máy. Năm 2006, khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng tại địa phương, được sự động viên từ các cấp chính quyền, ông Hảo là người đi đầu trong việc khai hoang, phục hóa đất trống, đồi núi trọc để trồng sắn. Vụ sắn đầu tiên, gia đình thu hoạch được khoảng 30 tấn sắn thương phẩm và bán được 20 triệu đồng. Nhận thấy đây là hướng thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, ông cùng gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn và chăn nuôi thêm trâu bò để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, ông Hảo đã có trong tay 4 ha đất trồng sắn, 1,5 ha bời lời đỏ, đàn bò 20 con, đàn trâu 10 con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 140 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, già Hảo còn tích cực hướng dẫn dân bản về kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, với những hộ nghèo già Hảo còn hỗ trợ kinh phí để giúp họ phát triển sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, anh Ăm Hẹ, một trong những người được già Hảo hỗ trợ vốn sản xuất cho biết: Do đông con nên gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, quanh năm thiếu đói. Năm 2016, tôi được già Hảo hỗ trợ 10 triệu đồng để mua giống sắn, phân bón. Nhờ sự hỗ trợ của già Hảo mà hiện nay mỗi năm gia đình tôi thu được từ 30 - 40 tấn sắn củ, mang lại thu nhập 40 - 50 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, già Hảo còn là người có tiếng nói rất uy tín tại địa phương. Trưởng thôn Hồ Cu Tanh cho biết: Mỗi khi làm công tác tuyên truyền, vận động, già làng Hồ Văn Hảo là người luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; những gì dân hiểu chưa đúng, già chịu khó giải thích để dân hiểu rõ hơn; những vấn đề thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, đích thân già phản ánh lại với thôn, xã để tìm hướng giải quyết cho dân. Những vấn đề khúc mắc, tranh cãi giữa các hộ gia đình trong bản cũng được già Hảo hòa giải một cách thấu tình đạt lí. Anh Tanh dẫn chứng: Già Hảo luôn phối hợp với các đoàn thể trong thôn trong việc vận động dân bản thực hiện các chính sách của Nhà nước, bình chọn các hộ được hưởng lợi một cách công bằng, khách quan. Già Hảo luôn tìm hiểu tính cách của từng người, từ đó có cách vận động sao cho phù hợp, để hiểu và làm theo. Hằng năm, già Hảo còn tập trung bà con dân bản cùng nhau lập kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi sao cho tốt nhất. Ví dụ như cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, do trên địa bàn xã nắng hạn kéo dài, già Hảo vận động dân bản không nên trồng sớm để tránh hạn làm chết sắn mà tổ chức thu gom giống sắn lại cất giữ ở chỗ mát để giữ giống, tránh hư hỏng.

Trong các kì tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, của đại biểu Quốc hội, già Hảo được dân bản gửi gắm truyền tải các ý kiến, các vấn đề mà người dân đang còn bức xúc. Ngoài các việc làm trên, già Hảo còn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa, những truyền thống quý báu của người Pa Kô như dạy con cháu về các điệu múa Cồng chiêng, Khèn bè và cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Không chùn bước trước khó khăn

Già làng Hồ Văn Láo là người có công với thôn Ta Mên, xã Ba Nang, huyện Đakrông khi đưa cây lúa nước vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo cho dân bản.

Già làng Hồ Văn Láo luôn tìm hiểu các loại cây trồng, con nuôi mới phù hợp với tiềm năng lợi thế của miền núi​

Đón chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, già làng Hồ Văn Láo nhớ lại thời điểm bắt tay vào trồng lúa nước. Theo già Láo, do đặc thù địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đất sản xuất nông nghiệp ít, phương thức sản xuất nương rẫy là chủ yếu nên trong một thời gian dài trước đây tình trạng đói nghèo luôn đeo bám dân bản. Với cương vị là bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong thôn, bản già Láo luôn trăn trở với việc xóa đói giảm nghèo cho bà con. Qua tìm hiểu già được biết dân bản ở nhiều xã miền núi đã trồng lúa nước từ lâu. Vậy là già lặn lội vào nhiều bản làng ở các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa để tìm hiểu, học hỏi kĩ thuật canh tác cây lúa nước rồi quay về bản cùng với gia đình bắt tay vào ngăn đập, khai hoang đất đai để trồng lúa. Theo già Láo, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có tập quán sản xuất lạc hậu, trồng cây xuống đất rồi bỏ mặc nhờ trời, ít khi chăm sóc, nên năng suất cây trồng không cao. Muốn đảm bảo lương thực, thoát nghèo thì phải trồng được lúa nước. Nhưng muốn nói cho dân bản nghe thì bản thân mình phải làm được trước đã. “Với đồng bào thì “trăm nghe không bằng một thấy”, do đó phải làm mô hình cụ thể, phải lường trước những thất bại, khó khăn sẽ đến và quyết tâm để có thành công chắc chắn, sau đó phổ biến cho mọi người thì đó mới là cách làm phù hợp nhất”, già Láo nhớ lại.

Vụ lúa đầu tiên già Láo thu về hơn 7 tạ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa rẫy trong niềm vui của gia đình cũng như dân bản. Từ khởi đầu của già Láo, đến nay toàn bộ 90 hộ dân ở bản Tà Mên đều có ruộng trồng lúa nước 2 vụ. Để cây lúa phát triển tốt, già Láo còn bàn bạc với các ban ngành trong thôn tuyên truyền vận động một số hộ gia đình đầu tư sản xuất lúa nước, áp dụng khoa học kĩ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, tưới tiêu. Với kinh nghiệm của mình, già Láo còn theo dõi tình hình thời tiết để hướng dẫn dân bản trồng lúa vào thời điểm nào cho phù hợp. “Để thu được khoảng 4-5 tạ lúa rẫy, dân bản phải phá nguyên một quả đồi, trong khi với trồng lúa nước thì chỉ canh tác trên mảnh ruộng lúa của mình thôi. Hiện nay bản Tà Mên hầu như không còn hiện tượng phá rừng, đốt nương làm rẫy nữa”, già Láo khẳng định.

Bên cạnh cây lúa nước, già Láo còn trồng được gần 7 ha cây keo, 1 hồ cá cho thu nhập ổn định, 3 con trâu, 5 con bò và 10 con dê. Tổng thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, già Láo còn hỗ trợ, hướng dẫn kĩ thuật, tăng thu nhập cho người dân trong thôn thông qua việc làm công và học tập kinh nghiệm. Nhờ vậy đến nay thôn Tà Mên đã có 90/90 hộ có rừng trồng cây keo. “Từ kết quả làm được, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, chăn nuôi theo mô hình giảm nghèo; phải biết hi sinh quyền lợi cá nhân để đóng góp cho cộng đồng vì mục đích phát triển kinh tế. Đồng thời giải thích cho người dân hiểu rõ nguồn lực từ các chương trình, dự án chỉ là hỗ trợ, cái quan trọng là nguồn lực tự thân trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng”, già Láo khẳng định.

Bằng kinh nghiệm của mình, già Láo đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”. Luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt đã cùng với cấp uỷ, chính quyền giải quyết ổn thỏa nhiều khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối trật tự an ninh tại cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Thục Quyên



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những “cầu nối” tiêu biểu ở bản làng
22:15 09/07/2023

Phát huy vai trò của mình, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ...

Hồ Văn Mắt - “Điểm tựa” của bản làng
22:20 30/10/2024

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang (huyện Đakrông) Hồ Văn My e dè khi chúng tôi đề nghị đi thôn Sa Trầm gặp Bí thư Chi bộ thôn Hồ Văn Mắt (tên thường gọi ...

Những người có uy tín ở bản làng
22:35 06/11/2024

Nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đakrông đã khẳng định vị trí, vai trò là cầu nối quan ...

Những “cầu nối” nơi bản làng vùng cao
23:45 31/08/2024

Khi được hỏi về những đóng góp của mình cho sự phát triển của địa phương, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều ...

Khi quy chế dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống

Khi quy chế dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống
22:53 28/04/2019

(QT) - Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã dồn sức đưa quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở đi vào cuộc sống. Từ nỗ lực vượt bậc...

Điểm sáng về y tế cơ sở huyện Đakrông

Điểm sáng về y tế cơ sở huyện Đakrông
22:54 27/04/2019

(QT) - Đakrông là huyện miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có những xã cách trung tâm thị trấn huyện lị tới 80-100 km. Mặt khác hơn 80% người đồng bào dân tộc...

“Dạy cá trèo cây”

“Dạy cá trèo cây”
02:38 27/04/2019

(QT) - Công việc kết thúc sớm hơn dự định, tôi tranh thủ tạt qua lớp học đàn xem con học hành như thế nào. Lớp học đàn piano chỉ chừng có hơn 10 em, tất cả đều ở độ tuổi từ...

Hai người mẹ, một nỗi đau

Hai người mẹ, một nỗi đau
02:35 27/04/2019

(QT) - Ở miền đầu sóng Vĩnh Quang, nay là thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, có một gia đình đặc biệt. Gia đình đó có hai chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 35°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long