{title}
{publish}
{head}
Là ngọn gió thổi dọc dài triền sông Hiếu một chiều tháng chạp mới đây. Nơi tôi ngồi nhìn ra thấy lấp loáng dưới ánh mặt trời từng viên cuội nhỏ, dọc ven sông là những lùm cây rì rì xanh tốt. Làng quê thanh bình nằm phía tả ngạn sông Hiếu, có quán nhỏ với món bánh ướt nức tiếng. Phải chăng, bánh ướt ở đây ngon bởi hạt gạo chắt chiu từ đồng bãi, ngon bởi sự đón tiếp thảo chân của người nhà quê, và ngon bởi trong từng miếng ăn có cả hương thơm từ ngọn gió phía triền sông thổi vào. Ngon bởi có bạn đồng hành với tôi là nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn. Nhìn ra mảng nắng lấp lóa, Tuấn nói: “Thật kỳ lạ, đến đây lần nào tôi cũng thấy có gì đó mở ra trong lồng ngực”. Tôi hiểu, bạn tôi là nhà thơ, với nhà thơ thì mọi thứ đều có độ ngân rung khác người.
Tham quan đền thờ Vua Hàm Nghi -Ảnh: N.K
Đâu chừng hơn hai thập niên trước, Tuấn đã đến và ngủ lại đêm ở xã Cam Tuyền, dưới chân ngọn Fuller. Tôi kể Tuấn nghe, nhà tôi ở xã Cam Thành, dưới chân ngọn núi này, trên bản đồ quân sự nó là cao điểm 544, nằm trong chuỗi tiền đồn của Mỹ thời chính quyền Sài Gòn nắm giữ. Tuổi thơ tôi từng có những chuyến đào bới phế liệu ở đây, nào là gi sắt, gi nhôm, đầu đạn xanh, cây nhiệt đới... và những thứ chết người khác như M79, bom bi, mìn claymo. Tuấn bảo, không hiểu sao người dân gọi ngọn núi này là đồi Cu Lơ, chắc dựa vào màu sắc của ngọn núi biến ảo trong ngày. Lại thêm cảm giác của nhà thơ. Tôi khẽ nói với Tuấn rằng, lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, tôi chỉ nhìn thấy cảnh nghèo khó của thời hậu chiến, với những cái chết tức tưởi do bom mìn sót lại. Như là Tuấn đã từng gởi gắm vào những câu thơ: Tôi gối đầu lên quả bom/pha loãng cái đầu tôi vào đất/đỉnh Cu Lơ ngậm gió/ ngậm buổi sáng Cam Tuyền/ ngậm tôi/ quả bom nổ chậm...
Không dưng cả Tuấn và tôi nhắc đến đồi Fuller, đến đạn bom. Là bởi hôm rày nhìn ra sông Hiếu, thấy cả hai bờ sông tràn một màu xanh. Xanh cỏ, xanh trời, xanh sông. Nhưng mát dịu tầm mắt hơn cả là những bãi biền cây đậu phụng.
Loài cây bé nhỏ này tôi không lạ. Đâu khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cả làng tôi đều dành đất để trồng cây đậu phụng. Có hai vụ trong năm, vụ tháng 5 và vụ tháng 10. Tháng 5 thu hoạch còng lưng nhổ cây dưới bóng nắng chói chang và gió lào bỏng rát. Tháng 10 thì tùm hụp áo tơi, mảnh ni lon chằng đụp, một tay nhổ cây, một tay xua bằn hăn cắn đỏ bắp chân.
Từ Linh Nhân, giám đốc trẻ mà tôi mới quen, chính anh là một trong những người tiên phong gầy dựng nên những cánh đồng đậu phụng xanh mát kia. Nhân kể, 10 năm trước, khi bắt tay xây dựng nhà máy tinh dầu lạc, nhiều người không tin anh thành công. Nhưng rồi, bằng quyết tâm và cả tầm nhìn doanh nghiệp, được sự hỗ trợ của chính quyền, Nhân cùng cộng sự và người dân từng bước khôi phục diện tích trồng cây đậu phụng.
Từ vài chục héc ta nay đã thành cánh đồng rộng lớn, tuy không liền thửa nhưng nếu ghép lại cũng lên đến hơn 500 héc ta. Sản phẩm tinh dầu lạc từ đồng đất này, qua công nghệ chế biến hiện đại của nhà máy đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh nhà, vươn khắp thị trường trong nước và cả xuất khẩu.
Nhân bảo, chưa dám nói người nông dân giàu có hay khá giả, nhưng cái nghèo, cái khó thì chắc đã bước qua. Mai rồi, những cánh đồng đậu phụng mở thêm diện tích, lên đến cả ngàn héc ta thì thu nhập từ loài cây ngắn ngày này sẽ góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Cổng làng Cam Lộ -Ảnh: X.H
Xuôi dòng sông Hiếu, chúng tôi tìm về mảnh đất cuối cùng của huyện Cam Lộ. Bí thư xã Thanh An Nguyễn Minh Đức dẫn chúng tôi đi thăm thú các di tích lịch sử. Xuất thân cử nhân sử học, anh vừa đi vừa giới thiệu rành rõi. Này đây là làng cổ Kim Đâu, nơi có miếu thờ Huyền Trân công chúa. Này đây là chợ Sòng, xưa nhộn nhịp đến mức đi vào dân gian: Nhất Sòng, nhì Sãi. Còn đây là hói Sòng, Bàu Đá, vết tích của dòng sông mấy trăm năm trước. Không nói ra, nhưng ai cũng mường tượng cách nay vài trăm năm, sông Hiếu đã từng dập dìu thương nhân, trên bến dưới thuyền tấp nập. Như là trưa nay, khi ghé thăm chợ Phiên, ngôi chợ nổi tiếng từng được Lê Quý Đôn chép trong Phủ Biên tạp lục, tôi đã bắt gặp đôi câu khắc ở đình làng phía sau: Đông triều phiên thị minh minh tụ/Tây hướng thuyền xa nhật nhật lai (ý nói, buổi sáng phía đông và phía tây ngôi chợ Phiên đều đông đúc người và thuyền xe qua lại).
Như chợt “ngộ” ra điều gì, Tuấn vỗ vỗ vai tôi, này, tôi đã hiểu vì sao người ta gọi sông này là sông Hiếu. Tôi hỏi, vì sao? Tuấn bảo, thì đấy, Huyền Trân dừng bước ở tại đây, trước khi bước chân sang cõi người ta. Nàng bái vọng lần cuối quê cha đất tổ. Đấy là hiếu hạnh, hiếu đễ, hiếu nghĩa, hiếu tình... Thì sông này phải là sông Hiếu. Tôi bật cười vì ý nghĩ của Tuấn. Không sao cả, giải thích từ nguyên văn hóa có khi như thế mà đúng, dầu chỉ là trực cảm, tâm cảm.
Như sợi dây nối dài thương mến của hạt gạo quê nhà, tôi đãi nhà thơ Trần Tuấn bữa bún Sòng để nhớ bữa bánh ướt Ba Thung. Bún sòng dẻo thơm, từng con bún vặn quện vào mắm ớt, nồng thơm như ngọn gió mang vị biển thổi lên từ Cửa Việt. Tôi đọc Tuấn nghe câu ca dân gian: Tham ăn nên bởi chồng chê/ Cũng vì bún gánh, cháo kê chợ Sòng. Tuấn cười, ngon thế ni mà không tham ăn mới lạ!
Nhiều nơi chốn nữa mà tôi đã đưa Trần Tuấn đi, dọc dài theo bãi bờ sông Hiếu. Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời ở thị trấn huyện lỵ Cam Lộ, căn cứ Tân Sở của Vua Hàm Nghi thuở trước, đồi 241 nơi Phiden Castro từng hiện diện...Nơi nào Tuấn cũng giở sổ ghi chép tỉ mỉ, như sợ quên, sợ sót điều gì.
Buổi chia tay, chúng tôi ngồi ở một quán nhỏ bên bờ sông Hiếu, giáp ranh thành phố Đông Hà. Vẫn sông, vẫn nắng. Im lặng nhìn ra. Gió thổi hoài trên mặt sông. Gió của ngày hôm nay hay hôm qua. Mà sao nghe như gió từ trăm năm thổi lại, trên miền đất giàu huyền tích và đang xanh lại giấc mơ thái hòa.
Bút ký: Phạm Xuân Hùng
QTO - Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận...
QTO - Dù mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung và suy tim bẩm sinh nhưng nhiều năm qua, một mình chị Lê Thị Thừa (51 tuổi), ở thôn Kinh Duy, xã Hải...
QTO - Các bệnh về xương khớp khá phổ biến ở Việt Nam, tập trung nhiều vào độ tuổi trung niên. Bệnh xương khớp không chữa khỏi hoàn toàn và tùy thuộc vào...
QTO - Nhằm góp phần thực hiện bền vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân huyện Đakrông đã chủ...
QTO - Mẹ trở bệnh nặng, phải đi cấp cứu ở bệnh viện từ ngày mồng 2 Tết và vừa qua đời sau gần 1 tháng điều trị, em Nguyễn Hải Duyên, học sinh lớp 5A Trường...
QTO - Những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng đơn hàng, mở rộng quy mô sản...
QTO - Những người phụ nữ nơi miền quê biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tuy khác nhau về hoàn cảnh, số phận nhưng lại có chung bản tính chịu thương, chịu...
QTO - Bệnh xá Công an tỉnh có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, cấp cứu, điều trị, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân cán bộ, chiến sĩ; khám tuyển...
QTO - Vậy là đã chạm mốc 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 kể từ năm 1910 cho đến nay. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ở đất nước Việt Nam, đất nước của...
QTO - Từ ngày 1/3 - 8/3, cùng với phụ nữ cả nước, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo hưởng ứng “Tuần lễ áo...
QTO - Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh với Tổ chức Plan International, từ tháng 9/2022, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ...
QTO - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị hiện có 553 nữ cán bộ, y bác sĩ. Rất khó có thể kể hết công việc thường ngày của các chị, nhưng chính trách nhiệm và...