Cập nhật:  GMT+7

Những người phụ nữ nơi miền chân sóng

Những người phụ nữ nơi miền quê biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tuy khác nhau về hoàn cảnh, số phận nhưng lại có chung bản tính chịu thương, chịu khó, một đời hy sinh vì gia đình, chồng con. Dẫu phải đối mặt với bao gian nan, vất vả song họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời vì tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thường nhật của mình.

Những người phụ nữ nơi miền chân sóng

Quán cháo bột của chị Thủy luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh - Ảnh: N.P

Mỗi người một hoàn cảnh

Mới hơn 3 giờ sáng nhưng chị Đoàn Thị Thủy (sinh năm 1977), hiện đang sống tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, đã thức dậy, tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo bánh canh bán vào buổi sáng cho người dân địa phương.

Tận dụng khoảng sân trước nhà, chị bày ra 3, 4 bộ bàn ghế nhỏ cho khách ngồi. Nhờ hương vị thơm ngon, đồ ăn được chế biến sạch sẽ, giả cả lại bình dân (từ 5.000 - 10.000 đồng/tô) nên quán của chị luôn đông khách. Thu nhập từ quán cháo này giúp mẹ con chị có thêm đồng ra, đồng vào duy trì cuộc sống. Chị Thủy quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi lập gia đình, chị theo về quê chồng sinh sống, lập nghiệp. Thời gian đầu “lạ nước lạ cái”, trong mắt chị mọi thứ đều rất khó khăn. Năm 2017, biến cố xảy đến khi chồng chị đột ngột qua đời, để lại chị và 3 đứa con thơ dại. “Mất đi trụ cột gia đình, mẹ con tôi chới với giữa đời. Khóc cạn nước mắt, tôi tự vực dậy tinh thần để còn chăm lo cho con. Đời tôi đã ít học, tôi không muốn con cái của mình cũng như vậy”, chị Thủy chia sẻ.

Để có tiền trang trải sinh hoạt phí cho 4 mẹ con, người phụ nữ ấy không nề hà công việc gì. Đôi bàn tay trắng nõn, đầy đặn thời con gái của chị cũng vì thế mà trở nên gân guốc, chai sạn theo thời gian. Đưa tay lên quẹt vội giọt nước mắt, chị Thủy cho hay: “7 năm qua, tôi cố gắng làm nhiều công việc nhất có thể để vừa có tiền nuôi con ăn học, vừa nguôi ngoai nỗi nhớ chồng. Buồn nhất là vào mỗi dịp lễ, tết, nhìn gia đình người ta quây quần, tôi lại thương con, thương cho số phận mình!”.

Những người phụ nữ nơi miền chân sóng

Ngoài sản xuất nước mắm, chị Vân còn trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: N.P

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (sinh năm 1978), hiện đang sống tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, một mình nuôi con khi mới ngoài 30. “Cú sốc ấy lớn đến mức tôi tưởng chừng không thể vượt qua”, người phụ nữ đáng thương ấy tâm sự. Tuy nhiên, may mắn của chị Vân là sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương Vĩnh Thái nên luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của người thân, hàng xóm láng giềng.

Hơn 4 năm sau đó, khi mà thời gian đã xóa nhòa đi nhiều thứ, kể cả nỗi đau, chị Vân mới dám đối mặt với thực tại. Không làm nghề biển như nhiều gia đình khác trên địa bàn, chị phát triển kinh tế bằng nghề làm nước mắm; trồng trọt và chăn nuôi. Chị Vân tiết lộ mình luôn phải thức dậy từ tờ mờ sáng, về Cửa Tùng đón những thuyền đánh bắt xa bờ đầu tiên trở về để có nguyên liệu sản xuất ra những giọt nước mắm đậm đà nhất.

Ngoài ra, chị trồng các loại khoai lang, lạc, ném trên diện tích chừng 0,6 ha đất cát; nuôi thêm lợn thịt sạch và dông cát. Mô hình kinh tế đa dạng này mang lại cho chị nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Chị cho hay: “Một mình lao động bao giờ cũng vất vả hơn khi có 2 vợ chồng cùng làm. Nhưng thương các con, tôi cố gắng được chừng nào hay chừng ấy. Với nhiều người, 100 triệu đồng/năm không phải là con số quá lớn nhưng với tôi, số tiền đó đủ để tôi nuôi các con ăn học; trang trải sinh hoạt phí hàng ngày”.

Cưới nhau từ năm 2006, đến nay vợ chồng chị Trần Thị Thắm (sinh năm 1984), hiện đang sống tại thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, đã có 5 mặt con. Dẫu hiểu rõ nghề biển lắm hiểm nguy, nhưng vì mưu sinh, anh chị chấp nhận bám biển.

“Cực lắm! Những hôm chồng đi biển, tôi dậy từ 4 giờ sáng giúp anh chuẩn bị đồ nghề; kéo thuyền xuống biển. Thuyền cập bến, tôi lại phụ một tay thu lưới, gỡ rác, gỡ cá, ruốc ra khỏi lồng; đem hải sản lên chợ bán lấy tiền mua thực phẩm hàng ngày. Còn thời gian, tôi tiếp tục cùng chồng vá lưới để chuẩn bị cho chuyến đi lần sau. Dân miền biển cứ phơi cả ngày giữa nắng gió, làm sao trắng nổi”, chị Thắm cười đùa. Lấy chồng làm nghề biển nên những lúc chồng ra khơi cũng là lúc chị “vào vai” người đàn ông trụ cột gia đình. Từ chuyện đưa đón con đi học, làm thêm kiếm tiền lo sinh hoạt hằng ngày rồi đến căn nhà cũ bị cơn gió kéo ngã mái hiên... chị cũng phải tự tay xử lý. “Nghề biển phập phù lắm. Có hôm chồng tôi kiếm được gần 10 triệu đồng sau một chuyến đánh bắt nhưng cũng có hôm đi 2, 3 ngày liền không đủ tiền mua thức ăn”, chị Thắm kể.

Tìm hạnh phúc trong khó khăn

Chị Thắm, chị Vân hay chị Thủy chỉ là 3 trong số rất nhiều số phận của phụ nữ nơi miền chân sóng Vĩnh Thái. Mỗi ngày, không chỉ mưu sinh kiếm tiền, họ còn nỗ lực đi tìm hạnh phúc dù là nhỏ nhoi trong khó khăn của chính mình. Đó cũng là động lực để dù đối phải đối mặt với nhiều biến cố, thử thách, họ vẫn tự vươn lên.

Những người phụ nữ nơi miền chân sóng

Chị Thắm phụ giúp chồng vá lưới sau một chuyến đi biển - Ảnh: N.P

Với chị Vân, tuy một mình vất vả nuôi con nhưng đổi lại, cả 2 người con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, cậu con trai út của chị 12 năm liền đều là học sinh xuất sắc, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Không còn phải lo lắng quá nhiều cho các con, chị dồn toàn bộ tâm sức cho việc sản xuất nước mắm của mình.

Sau nhiều năm cố gắng, chị và anh trai đã thành công đưa đến cho thị trường thương hiệu nước mắm mang tên Xuân Thịnh Mậu. Bận rộn làm kinh tế song chị Vân cũng tích cực tham gia công tác xã hội với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình. Được biết, hiện chị đang là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn Thái Lai. Trao đổi với chúng tôi, chị Vân vui vẻ cho hay: “Mình đừng nhìn lên cao quá, cứ nhìn xuống để thấy bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người. Tôi vẫn nói với mọi người xung quanh và bản thân mình như thế. Sau cánh cửa nhà còn nhiều điều tốt đẹp đang đón chờ”.

So với chị Vân, niềm vui của chị Thủy đơn giản hơn nhiều khi chỉ mong mỗi ngày bán nhanh hết nồi cháo bánh canh; có sức khỏe để tiếp tục lao động, có tiền nuôi 2 người con còn lại đến trường. May mắn là dù thiếu thốn tình thương của bố nhưng các con của chị đều là những đứa trẻ hiểu chuyện, luôn yêu thương, dành sự quan tâm, giúp đỡ mẹ mình.

“Bây giờ tôi chỉ mong sao thời gian trôi qua nhanh, để tôi được nhìn thấy các con trưởng thành. Với người mẹ nghèo khó như tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trên đời”, chị Thủy tâm sự.

Nhiều người cho rằng cuộc đời chị Thắm khổ nhưng chị luôn vui và bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Niềm hạnh phúc của một người phụ nữ làng chài không quá cao sang, chỉ cần thấy chồng khỏe mạnh trở về; lúc nào khoang thuyền cũng đầy cá tôm và vợ chồng được gặp gỡ bạn bè, trò chuyện, hát ca để xua đi những nhọc nhằn.

“Tôi mong cuộc sống của gia đình mãi êm đềm như thế này. Dẫu còn nhiều vất vả, gian nan nhưng việc “thuận vợ đồng chồng” sẽ tiếp thêm sức mạnh để những người lao động như vợ chồng tôi vượt qua tất cả”, chị Thắm bộc bạch.

Nam Phương

Tin liên quan:
  • Những người phụ nữ nơi miền chân sóng
    Vững vàng nơi miền chân sóng

    Đồn Biên phòng 212 được hình thành ngay trong những tháng ngày chiến đấu, hy sinh vô cùng anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội 3, Phân đội 180 An ninh vũ trang Quảng Trị được cử vào hoạt động, chiến đấu cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai xã Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng để chống lại sự phản kích của địch, bảo vệ dân, bảo vệ chính quyền và vùng giải phóng.

  • Những người phụ nữ nơi miền chân sóng
    Đình làng nơi chân sóng

    Làng Duy Phiên, thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong từng là một vùng quê biệt lập với bên ngoài bởi bao quanh là bốn bề sông nước. Hàng trăm năm qua, mỗi mùa mưa bão đến, người dân thôn Bắc Phước, trong đó có người làng Duy Phiên luôn nơm nớp nỗi lo âu bởi nước lũ dâng cao, chảy xiết, cuốn trôi đê điều, tàn phá ruộng đồng, làng mạc. Trong cơn cuồng phong dữ dội ấy, đình làng Duy Phiên là nơi che chở, bảo vệ dân làng. Đình làng cũng từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, là “chứng nhân” của lịch sử và là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, hội họp bàn về những vấn đề lớn của làng...


Nam Phương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những nữ chiến sĩ công an mang blouse trắng

Những nữ chiến sĩ công an mang blouse trắng
2024-03-09 05:30:00

QTO - Bệnh xá Công an tỉnh có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, cấp cứu, điều trị, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân cán bộ, chiến sĩ; khám tuyển...

Chút tâm tình về Mẹ và chúng con

Chút tâm tình về Mẹ và chúng con
2024-03-08 06:34:00

QTO - Vậy là đã chạm mốc 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 kể từ năm 1910 cho đến nay. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ở đất nước Việt Nam, đất nước của...

Những phụ nữ mặc áo blouse trắng

Những phụ nữ mặc áo blouse trắng
2024-03-07 14:01:00

QTO - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị hiện có 553 nữ cán bộ, y bác sĩ. Rất khó có thể kể hết công việc thường ngày của các chị, nhưng chính trách nhiệm và...

Những “bóng hồng” làm thủy lợi

Những “bóng hồng” làm thủy lợi
2024-03-07 05:40:00

QTO - Với nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi...

Ngày hội lớn của phụ nữ Đông Hà

Ngày hội lớn của phụ nữ Đông Hà
2024-03-06 05:05:00

QTO - Hòa chung trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đông Hà tổ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long