{title}
{publish}
{head}
Từ vùng đồi núi trọc, tròn 20 năm sau ngày lập làng, làng văn hóa Tày Thái Hải được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2022. So với làng văn hóa Tày Thái Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, một số người dân thiếu chủ động tham gia các hoạt động quảng bá, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Một góc làng văn hóa Tày Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: N.T.H
Từ ngôi làng văn hóa Tày đặc biệt
Ban đầu, bản làng Thái Hải được thành lập không phải để khai thác du lịch mà nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trước tình trạng nhiều đồng bào dân tộc Tày bỏ nhà sàn truyền thống để thay thế bằng nhà xây gạch, xi măng. Nhưng cảnh đẹp thanh bình, món ăn ngon và văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Thái Hải đã thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá, trở thành hình mẫu khai thác du lịch cộng đồng cho các bản làng 54 dân tộc anh em trên cả nước.
Sự khác biệt lý thú của làng văn hóa Tày Thái Hải là bản làng có 30 ngôi nhà sàn, trong đó mỗi ngôi nhà đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau như “nhà thuốc”, “nhà rượu”, “nhà đan lát”, “nhà bảo tồn văn hóa ẩm thực”, “nhà bảo tồn văn hóa hát Then”... Mọi hoạt động sản xuất trong bản làng đều tự cung tự cấp, từ trồng cây, chăn nuôi, đánh bắt cá, làm thuốc nam, nấu rượu, sản xuất nước đóng chai..., đảm bảo không tác động tới môi trường sinh thái và duy trì nguồn thực phẩm sạch để sử dụng.
Các gia đình nhỏ được phân công mỗi người một việc, ai có thế mạnh gì thì làm việc đó, sản phẩm mỗi người làm ra được tập hợp lại, phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng làng. Toàn bộ số tiền người dân thu được từ việc sản xuất, bán sản phẩm và tiếp đón các đoàn khách du lịch đều nộp vào quỹ chung của bản để lo cho cuộc sống dân làng. Tất cả người dân đều cùng làm việc, “ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền”.
Bà con dân làng sống hòa thuận, yêu thương nhau, chẳng lo cơm, áo, gạo, tiền. Các chi tiêu, nhu cầu sinh hoạt từ riêng tư đến thiết yếu của mỗi gia đình nhỏ, từng cá nhân như ốm đau cần đi khám bệnh, con cái đi học, kể cả đi học đại học, du học... đều có trưởng làng lo liệu.
Điểm lưu trú, trải nghiệm văn hóa cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.T.H
Hơn 20 năm trước, ở vùng An toàn khu Định Hóa, một số người dân phá dỡ nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày để làm nhà xây bằng gạch. Lo lắng thế hệ mai sau không còn nhìn thấy nhà sàn truyền thống, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã gom góp mua lại 30 nhà sàn cổ rồi chọn khu đồi trọc ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên để lập làng, thực hiện bảo tồn văn hóa Tày.
Không chỉ giữ lại các ngôi nhà sàn cổ và đồ dùng trong đời sống thường ngày của dân bản, bản làng còn thực hiện bảo tồn hồn cốt của văn hóa Tày như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, các nét đẹp văn hóa tâm linh, trao truyền hát Then, đàn Tính.
Đến năm 2014, làng văn hóa Tày Thái Hải được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Người Tày rất hiếu khách, du khách đến với Thái Hải được bà con dân bản đón tiếp giống như người thân về nhà.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến để khám phá, trải nghiệm đời sống, thưởng thức ẩm thực của dân tộc Tày ở Thái Hải, góp phần tạo nguồn thu nhập cho bản làng.
Mơ về khu du lịch cộng đồng ở miền Tây Hướng Hóa
So với làng văn hóa Tày Thái Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Chênh Vênh có lợi thế được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh tồn tại hàng trăm năm dưới chân đỉnh núi Sa Mù quanh năm sương phủ, khí hậu mát lành và thác nước Chênh Vênh đẹp hoang sơ, hùng vĩ giữa núi rừng.
Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh là một trong 2 khu rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC. Du khách khi đến đây sẽ được khám phá rừng vầu, rừng tre, rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được nhìn thấy các loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam như voọc, khỉ bảy màu, hươu...
Cùng với tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, thôn Chênh Vênh hiện còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhiều lễ hội ở đây thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách, như: Lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới, ẩm thực...
Tuy nhiên, việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số người dân còn thiếu chủ động tham gia các hoạt động quảng bá, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Rừng tre vầu ở rừng cộng đồng Chênh Vênh - Ảnh: N.T.H
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý, thời gian qua, làng du lịch sinh thái cộng đồng Chênh Vênh được sự hỗ trợ của UBND huyện Hướng Hóa, Dự án MCNV và Dự án Haveltast đầu tư xây dựng nhà sàn làm nhà lưu trú và trưng bày, cải tạo 5 nhà sàn truyền thống làm nhà lưu trú; thiết kế, sửa chữa nhà dân trở thành những homestay, cải tạo cảnh quan kết hợp văn hóa bản địa thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Xã Hướng Phùng cũng đã thành lập Tổ phát triển du lịch cộng đồng Chênh Vênh gồm 16 thành viên, phụ trách 3 điểm phục vụ du khách, gồm: tắm suối ở thác nước Chênh Vênh; tham quan rừng tre vầu và cắm trại, săn mây ở đồi Sa Mươi; lưu trú và thưởng thức ẩm thực tại nhà sàn khu dân cư Rờ Vê.
Năm 2024, làng du lịch sinh thái cộng đồng Chênh Vênh đón khoảng 50 đoàn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Thu từ hoạt động du lịch của các thành viên trong tổ du lịch cộng đồng chưa đủ trả tiền ngày công bình quân của người dân ở địa phương.
Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết: Hiện nay, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành chính sách phát triển du lịch trên địa bàn, song để hưởng được các ưu đãi từ chính sách này rất khó.
Như ở làng du lịch sinh thái cộng đồng Chênh Vênh, điều kiện để được hưởng chính sách phát triển du lịch của tỉnh là phải được công nhận trở thành điểm du lịch, mà đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận điểm du lịch thì cần phải đầu tư một số hạng mục phục vụ du lịch đạt chuẩn. Nguồn lực trong Nhân dân không đủ đầu tư xây dựng các hạng mục để được công nhận điểm du lịch của tỉnh.
Vì vậy, cần có cơ chế “đặc thù” về đầu tư để đưa làng du lịch sinh thái cộng đồng Chênh Vênh thành điểm du lịch của tỉnh, từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, góp phần khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho cộng đồng thôn Chênh Vênh.
Làng văn hóa Tày Thái Hải được hình thành từ năm 2002 với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm du lịch của bản làng là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Hiện nay, làng văn hóa Tày Thái Hải có năng lực tiếp đón, phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ cùng lúc cho 1.200 khách. Du khách hơn 40 quốc gia trên thế giới đã đến tham quan, trải nghiệm đời sống sinh hoạt tại bản làng này. |
Nhìn ra tỉnh bạn, thấy vai trò chủ động của người dân trong phát triển du lịch rất lớn, từ một vùng đồi trọc đã biến thành làng du lịch tốt nhất thế giới. Còn đồng bào Vân Kiều thôn Chênh Vênh ở miền Tây Hướng Hóa tư duy chưa theo kịp sự phát triển kinh tế du lịch, vẫn còn thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Đã có doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác khai thác phát triển du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh nhưng chưa thành, vì hồn cốt của du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, cần sự chủ động từ người dân sở tại.
Ước mơ một ngày lên miền Tây Hướng Hóa được khám phá, trải nghiệm du lịch sinh thái rừng cộng đồng đạt chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam ở thôn Chênh Vênh, xem trình diễn nhạc cụ cồng chiêng, nghe làn điệu dân ca Tà oải, Xà nớt của đồng bào dân tộc Vân Kiều và thưởng thức sản vật địa phương gà nướng, xôi bản, măng rừng, nhâm nhi ly cà phê Arabica thơm ngon tuyệt hảo... tại điểm du lịch đạt chuẩn, xem ra còn quá xa vời.
Vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, vừa kết hợp quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bền vững, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương. Nhưng cũng phải khẳng định một điều, sức hấp dẫn của khu “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC” đầu tiên ở Việt Nam luôn hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn và khác biệt.
Thanh Hải
QTO - Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu, là hướng đi cần thiết giúp minh bạch hóa nguồn gốc, tăng độ nhận diện và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các...
QTO - Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR), cây cà phê tại Quảng Trị đang đứng trước thách thức lớn nhưng cũng mở...
QTO - Năm 2024, Quảng Trị đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 168 nghìn lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tăng mạnh...
QTO - Quảng Trị có diện tích rừng hơn 248.189 ha, trong đó diện tích rừng trồng hơn 121.495 ha. Toàn tỉnh có hơn 26.136 ha diện tích rừng được cấp chứng...
QTO - Những năm gần đây, thay vì sản xuất đơn canh theo truyền thống, nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa chuyển đổi sang mô hình cà phê...
QTO - Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được thành lập vào tháng 10/1998, đi qua 13...
QTO - Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), kết nối cung - cầu được tỉnh Quảng Trị triển khai tích cực, hiệu quả. Thông qua hoạt động này đã...
QTO - Kinh doanh tín chỉ carbon từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn...
QTO - Những ngày cuối năm 2024, công trường xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, nhộn nhịp và hối hả hơn. Nhà thầu huy động tối đa...
QTO - Chợ phiên biên giới Lao Bảo là hoạt động văn hóa, giao thương hàng hóa lần đầu tiên được UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tổ chức tại Trung tâm...
QTO - Hiện nay, để tạo sự kết nối liên hoàn từ rừng xuống biển, mở ra cơ hội hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào,...
QTO - Đến năm 2025 là chạm dấu mốc 35 năm nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đồng hành với nền nông nghiệp nước nhà trên hành trình đổi mới. Tham khảo nhận định...