{title}
{publish}
{head}
Những năm gần đây, thay vì sản xuất đơn canh theo truyền thống, nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa chuyển đổi sang mô hình cà phê sinh thái, trồng cà phê theo hướng nông - lâm kết hợp. Đến nay, nhiều diện tích cà phê phát triển tươi tốt dưới tán cây ăn quả, cây bản địa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng cà phê. Đây cũng là một trong những điều kiện lý tưởng để thích ứng quy định của Liên minh châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Vườn cà phê của bà Trần Mai Hương tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng nằm hoàn toàn dưới các loại cây cho bóng mát - Ảnh: L.A
Mang rừng về vườn cà phê
Bà Trần Mai Hương ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, có hơn 4,5 ha cà phê được trồng dưới tán cây gáo và cây ăn quả. Thời điểm này vườn cà phê của bà bắt đầu cho thu hoạch với chất lượng quả vượt trội so với sản xuất đơn canh. Bà Hương cho hay, trong quá trình canh tác cà phê bà không dùng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học. Đến nay, sau hơn 5 năm, vườn cà phê của bà chẳng khác gì khu rừng thu nhỏ với không khí mát mẻ và nhiều loại chim chóc, sóc, ong rừng... tìm đến kiếm ăn.
Theo bà Hương, mô hình này cung cấp bóng mát cho cây cà phê, giúp làm chậm quá trình phát triển của quả, cho phép quả tích tụ nhiều đường, chất béo và các hợp chất hương vị. Cung cấp các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây cà phê, tăng năng suất và chất lượng. Lợi ích mà mô hình này mang lại là quả cà phê chín đều, không bị nám cháy do ánh nắng chiếu trực tiếp, nhân to hơn bình thường và vị đường cao hơn. Sau khi được thu hái và chế biến, hạt cà phê sẽ có nhiều hương vị phức tạp, đặc trưng, phù hợp với sản xuất cà phê đặc sản, cũng như được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Do thời gian nuôi dưỡng trên cây khá lâu nên quả cà phê tích lũy nhiều dưỡng chất và có mùi vị riêng, rất đặc biệt. Giá bán quả cà phê tươi hoặc hạt khô cũng cao hơn so với khi trồng đơn canh”, bà Hương nói.
Cũng tại xã Hướng Phùng, Công ty TNHH Pun Coffee đã hợp tác với hơn 100 hộ dân trồng cà phê theo cách thuận tự nhiên. Vườn cà phê phải có cây che bóng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thu hái bằng tay khi quả chín.
Ông Phan Hồng Phong, đại diện Công ty TNHH Pun Coffee cho biết: Tại Việt Nam, thời điểm đó mô hình nông - lâm kết hợp trong vườn cà phê đã được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên và Sơn La, bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực. Nhưng tại Hướng Hóa, vùng cà phê lớn nhất khu vực miền Trung, mô hình này vẫn chưa triển khai. Việc canh tác độc canh vườn cà phê thời gian dài dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái khiến năng suất cà phê ngày càng giảm sút. Đồng thời, cây cà phê canh tác độc canh còn làm chất lượng quả kém khi mà quả cà phê không có cây che bóng, khô nứt, cháy quả, hàm lượng đường giảm...
Quả cà phê trong mô hình nông - lâm kết hợp cho chất lượng cao - Ảnh: L.A
Nhận thấy tiềm năng không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa môi trường, từ cuối năm 2022, Công ty TNHH Pun Coffee đã triển khai kế hoạch mang rừng về vườn cà phê, nhằm quy hoạch lại khoảng 150 ha cà phê liên kết của công ty với các hộ nông dân. Theo đó, công ty đã cung cấp cây che bóng là các loại cây ăn quả hoặc cây gỗ bản địa, giúp giải quyết tình trạng khô háp của quả, bảo vệ cây cà phê trước sự ảnh hưởng của thời tiết như mưa trái mùa, sương muối...
“Chúng tôi đã cung cấp các loại cây che bóng như cà phê mít, bơ 034 và một số loại cây lấy gỗ cho nông dân. Nhờ cây che bóng, các vườn cà phê đã tạo cảnh quan và cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, ngoài cà phê, vườn cà phê còn mang lại các nguồn thu nhập khác như cây ăn quả, dược liệu, cây gỗ lớn che bóng, nuôi ong lấy mật... giúp nông dân giảm việc sống phụ thuộc vào rừng, không phá rừng làm nương rẫy... Đây cũng là cách để chúng tôi hưởng ứng Chương trình một tỉ cây xanh mà Chính phủ phát động”, ông Phong nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương thông tin, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có hơn 150 hộ thuộc 13 thôn tham gia trồng cà phê theo hướng nông - lâm kết hợp. Về lâu dài, ngoài sản phẩm chính là cà phê, người dân còn có thêm thu nhập từ các loại cây ăn quả, cây bản địa trồng trong vườn.
Theo ông Dương, trồng cà phê nông lâm kết hợp sẽ tạo ra môi trường sống phong phú cho nhiều loài động thực vật. Giúp duy trì sự cân bằng sinh thái, giảm thiểu sự xâm nhập của các loại sinh vật gây hại. Các loại cây trong hệ thống nông - lâm kết hợp còn giúp cản nước mưa, hạn chế xói mòn đất, điều tiết nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng cho cây cà phê. Hấp thu nhiều CO2 hơn so với trồng cà phê đơn canh truyền thống.
“Việc chuyển đổi từ sản xuất cà phê đơn canh sang nông - lâm kết hợp sẽ góp phần nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu và mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân địa phương”, ông Dương khẳng định.
Sản xuất cà phê sinh thái
Là một trong 6 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, cây cà phê được trồng tập trung tại huyện Hướng Hóa với diện tích gần 4.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 3.600 ha. Năng suất bình quân 1,2 tấn cà phê nhân/ha, sản lượng bình quân khoảng 4.300 tấn cà phê nhân/ha, doanh thu từ cà phê đạt trên 250 tỉ đồng/năm.
Ký kết hợp đồng thu mua cà phê niên vụ 2024 giữa Công ty TNHH Slow Việt Nam với các đơn vị chế biến, hợp tác xã, nông dân trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A
Tuy trồng ở độ cao bình quân 500 - 600 m so với mực nước biển, nhưng với thổ nhưỡng đất đỏ ba dan màu mỡ, khí hậu phù hợp nên cây cà phê chè sinh trưởng tốt, chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, là nguồn thu nhập chính của hơn 6.000 hộ gia đình với hơn 15.000 lao động, trong đó trên 50% là người dân tộc thiểu số. Phát triển sản xuất cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, ngành cà phê còn một số hạn chế như: sản xuất thiếu ổn định và bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ; sản lượng và chất lượng cà phê thấp do chủ yếu sản xuất theo phương thức đơn canh truyền thống trên độ dốc tương đối cao; diện tích cà phê già cỗi tăng cao, nhiễm sâu bệnh, sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường...
Mặt khác chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều hạn chế...
Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là duy trì và ổn định diện tích 5.000 ha cà phê chè, phát triển và nhân rộng 500 ha cà phê mít; chuyển đổi 2.500 ha cà phê đơn canh sang cà phê canh tác nông - lâm kết hợp. Hoàn thành công tác tái canh diện tích 2.400 ha cà phê già cỗi trên địa bàn bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Tiếp tục ổn định 60 ha cà phê đặc sản ở Hướng Phùng, mở rộng thêm 50 ha cà phê đặc sản trên địa bàn xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp và các xã khác đáp ứng tiêu chí; duy trì ổn định 20 ha cà phê chứng nhận hữu cơ. Tiếp tục nhân rộng 50 ha cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có ít nhất 30 ha chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Đây cũng là một trong những điều kiện lý tưởng để thích ứng quy định của EUDR. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, nhằm phát triển bền vững cây cà phê, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Trong đó, Công ty TNHH Slow Việt Nam là đối tác thương mại tham gia thực hiện dự án.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác từ đơn canh sang nông - lâm kết hợp và đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với nông dân, các hợp tác xã, đơn vị chế biến tại huyện Hướng Hóa.
Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 2023 - 2027 sẽ sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân Arabica; phát triển chuỗi liên kết với 2.000 hộ nông dân; chuyển đổi 2.500 ha cà phê đơn canh sang phương thức canh tác nông - lâm kết hợp; tăng thu nhập của nông hộ lên 40%; bảo vệ hiệu quả 18.000 ha rừng tự nhiên trong hành lang đa dạng sinh học giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2024, dự án đã cấp hơn 50.000 cây bản địa, cây ăn quả cho các hộ nông dân trồng trên diện tích 620 ha, nâng tổng diện tích cà phê nông - lâm kết hợp trên địa bàn lên khoảng 870 ha. Về phía Công ty TNHH Slow Việt Nam, niên vụ cà phê 2024, công ty đã ký hợp đồng liên kết với 400 - 500 nông dân, cung ứng khối lượng cà phê quả tươi khoảng 2.500 tấn.
Trong đó, đối với giá mua cà phê quả tươi từ các nhóm nông dân, Công ty TNHH Slow Việt Nam áp dụng cơ chế giá sàn 10.500 đồng/kg. Đây là mức giá tối thiểu để một hộ gia đình sản xuất cà phê tại huyện Hướng Hóa đảm bảo mức sống cơ bản.
Cụ thể, khi giá thị trường thấp hơn giá sàn, Công ty Slow Việt Nam cam kết thu mua với giá 12.500 đồng/kg trong suốt niên vụ; khi giá thị trường cao hơn giá sàn, công ty thu mua theo giá thị trường cộng thêm 2.000 đồng. Căn cứ tính giá thị trường được quy đổi dựa trên giá trung bình cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên, được công bố trên website Báo Công thương.
Lê An
QTO - Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu, là hướng đi cần thiết giúp minh bạch hóa nguồn gốc, tăng độ nhận diện và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các...
QTO - Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR), cây cà phê tại Quảng Trị đang đứng trước thách thức lớn nhưng cũng mở...
QTO - Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được thành lập vào tháng 10/1998, đi qua 13...
QTO - Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), kết nối cung - cầu được tỉnh Quảng Trị triển khai tích cực, hiệu quả. Thông qua hoạt động này đã...
QTO - Kinh doanh tín chỉ carbon từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn...
QTO - Những ngày cuối năm 2024, công trường xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, nhộn nhịp và hối hả hơn. Nhà thầu huy động tối đa...
QTO - Chợ phiên biên giới Lao Bảo là hoạt động văn hóa, giao thương hàng hóa lần đầu tiên được UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tổ chức tại Trung tâm...
QTO - Hiện nay, để tạo sự kết nối liên hoàn từ rừng xuống biển, mở ra cơ hội hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào,...
QTO - Đến năm 2025 là chạm dấu mốc 35 năm nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đồng hành với nền nông nghiệp nước nhà trên hành trình đổi mới. Tham khảo nhận định...
QTO - Chăn nuôi theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết bằng hình thức gia công cho các công ty lớn đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp...
QTO - Nuôi ước mơ khởi nghiệp để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã được tiếp sức bằng nguồn vốn ngân sách địa...
QTO - Hệ thống kênh mương sau nhiều năm kiên cố hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, gây thất thoát nước, ảnh hưởng đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp là thực...