
{title}
{publish}
{head}
Mấy tuần trước, Báo Tiền Phong vừa tổ chức giải Marathon truyền thống lần thứ 66 của tờ báo này ở Quảng Trị mang tên “Khúc khải hoàn” nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước. Trước ngày diễn ra giải chính thức, một lễ thượng cờ trang trọng được tổ chức ở Kỳ đài Hiền Lương phía bờ Bắc sông Bến Hải. Trong số hơn 7.000 vận động viên về dự giải Marathon này ở đất Quảng Trị, rất nhiều người trẻ sinh ra sau 1975, rất nhiều người trong số họ đến Quảng Trị không chỉ dự giải mà còn đến để cảm nhận về miền đất lửa, về cái giá của câu thơ “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây”. Những người trẻ sẽ nghĩ gì sau khi “selfie” hình ảnh mình và cây cầu lịch sử, hay vốc vào lòng tay một vốc nước dòng sông đã có những tháng năm ứa đỏ máu người?
Trên dòng sông này, bao nhiêu người đã nằm xuống cho đất nước hòa bình - Ảnh: L.Đ.D
Sau lễ thượng cờ, những vận động viên và quan khách về lại Đông Hà, tôi lại thích cảm giác ngồi lại bên bến sông, để lắng nghe những thanh âm vọng lên sau nửa thế kỷ, khi ngọn gió hòa bình thổi qua mặt nước của dòng sông trận mạc.
Trưa tháng Tư. Mặt trời như đứng yên trên đỉnh đầu. Nắng tràn khắp không gian, hắt lên từng đợt sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước, rồi dội xuống những rặng tre làng thẫm xanh, run rẩy trong gió nhẹ. Một cơn gió ruổi dọc theo sông thổi về, mang theo mùi ngai ngái của bùn non, của đồng lúa đang thì con gái và đâu đó vẳng lên một âm thanh quen thuộc: tiếng gà trưa.
Tiếng gà ấy, phải lắng nghe thật kỹ mới cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. Không đơn thuần là âm thanh của một làng quê yên bình, mà còn là dấu hiệu của một cuộc sống đã trở lại sau những ngày bão tố. Tiếng gà gáy vang lên, ngân dài trong khoảng không tĩnh lặng, như một lời nhắc nhở về những tháng ngày đã qua, về những hy sinh, mất mát và những giấc mơ đã từng cháy bỏng trên đôi bờ sông này.
Tôi vẫn luôn vẹn nguyên xúc cảm bình yên đến nghẹn ngào về tiếng gà gáy trưa bên những dòng sông quê hương, dù nghe ở Ô Lâu hay sông Nhùng, nghe ở Thạch Hãn hay Hiếu giang và trưa nay là Bến Hải! Có rất nhiều cách để diễn tả hòa bình, nhưng với tôi hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” của Văn Cao trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” là hình ảnh giàu sức gợi nhất.
Tiếng gà trưa ấy không vang lên ở một dòng sông bình thường mà nghe vang trong một trưa nắng bên dòng sông trận mạc, từng ngút trời lửa đạn, biểu tượng cắt chia, từng khắc khoải về giấc mơ thống nhất... như sông Bến Hải mới cảm nhận thấm thía cái giá của mỗi ngày hòa bình.
Chiếc loa khổng lồ năm xưa trong cuộc chiến “đấu loa” nay trở thành hiện vật được trưng bày -Ảnh: L.Đ.D
Bến Hải - dòng sông không rộng, không dài nhưng đã trĩu nặng những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn, chia cắt và chờ đợi thống nhất. Có lẽ, chẳng ai từng bước chân đến nơi này mà không cảm thấy một nỗi niềm gì đó sâu thẳm trong lòng, một cảm giác vừa thương, vừa tiếc, vừa tự hào, vừa day dứt.
Tôi nhắm mắt lại, để mặc cho âm thanh ấy lan tỏa trong lòng mình. Ngày trước, trên dòng sông này, có lẽ chẳng ai nghe được tiếng gà gáy. Đạn bom, khói lửa, tiếng loa tuyên truyền át đi tất cả. Giờ đây đến khu di tích, du khách vẫn nhìn thấy những cột loa xếp thành lối đến hàng chục cái treo trên hai cột trụ làm giá đỡ ở đôi bờ để “đấu loa”.
“Đấu loa”, giờ nghe hai từ đó thật khó để hình dung, nhưng những chứng nhân kể lại rằng mỗi lần “đấu loa”, âm thanh mạnh đến mức sóng âm khiến mặt nước sông chao động, với âm thanh ấy làm sao còn nghe ra được một âm vang nào khác, nữa là tiếng gà bình yên dưới lũy tre làng?
Những năm ấy, người ta sống trong căng thẳng, trong chờ đợi, trong những nỗi đau không thể cất thành lời. Ngay cả gió cũng không dám thổi mạnh, sợ làm vỡ đi những niềm hy vọng mong manh. Vậy mà giờ đây, trưa nắng vàng óng, gió hiu hiu thổi và tiếng gà gáy chậm rãi ngân lên như một lời báo tin: hòa bình đã thực sự đến rồi! Không phải bây giờ, mà đã nửa thế kỷ qua, tiếng gà mỗi ngày vang lên báo hiệu hòa bình trên đôi bờ sông tuyến này.
Mỗi lần có công chuyện qua đây, nếu không quá vội, tôi thích dừng xe lại đầu này cầu rồi xuống xe, thật chậm rãi bước đi trên cây cầu sơn hai màu xanh - vàng, nơi đã từng là giới tuyến chia đôi hai miền để thấu cảm hơn niềm khắc khoải của hàng triệu người thuở cắt chia vĩ tuyến.
Ngày ấy, bước qua cây cầu này không phải là chuyện dễ dàng. Một bên là những giấc mơ bị chặn lại bởi hàng rào dây thép gai, một bên là ánh mắt đau đáu chờ đợi của những người mẹ, người vợ, người con. Chỉ một bước chân thôi, nhưng là khoảng cách của hàng chục năm chờ mong. Nhưng đã hơn 50 năm qua, đứng giữa cầu, nhìn về cả hai phía, không còn lằn ranh nào, không còn ranh giới nào chia cách. Chỉ có một màu xanh nối dài của đồng ruộng, của sông nước, của trời cao in bóng trong câu thơ bất hủ của nhà thơ Tế Hanh “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu?”.
Đôi bờ sông Bến Hải -Ảnh: TRẦN TUYỀN
Bên kia sông, làng quê vẫn thế, vẫn những mái nhà thấp thoáng sau lũy tre, vẫn những con đường làng vắt ngang cánh đồng lúa xanh rờn. Vẫn những chị, những mẹ thong thả đi chợ Kêng phía bờ Nam, vẫn những đứa trẻ í ới gọi nhau dưới bóng râm cây đa đầu làng phía Hiền Thành bờ Bắc. Và tiếng gà gáy trưa, vẫn như một dấu lặng giữa cuộc sống bộn bề, nhắc nhở con người về sự yên bình quý giá của hôm nay.
Dưới một bóng thuyền chài neo đậu nơi chân cầu Hiền Lương, vợ chồng người chủ thuyền đang nhóm bếp nấu cơm trưa ở sàn khoang đầu mũi thuyền. Khói lơ lửng bay, tiếng gà vẫn âm vọng. Chắc năm xưa, khi nghe tin hòa bình, nhạc sĩ Văn Cao đã nghe dậy lên trong ký ức mình ảnh hình như thế mà ông đã từng gặp trong những giấc mơ thái hòa với tâm cảm của người nghệ sĩ: “Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”.
Không chỉ khói trên sông. Khói bếp bình yên cũng lững lờ bay lên từ mái nhà ai đó, quẩn quanh rồi tan vào không gian rộng lớn. Tiếng gà gáy vang vọng, không còn bị dập vùi bởi tiếng bom đạn. Sự bình dị ấy đã từng là một giấc mơ xa vời với những con người nơi đây, những người đã từng sống cả một đời trong chia cắt.
Khoảng 30 năm trước, khi đôi bờ Hiền Lương chưa được tôn tạo trở thành một khu lưu niệm bề thế như hôm nay, có một phóng viên chiến trường đã mang về đầu cầu phía bờ Nam trồng một cây bồ đề tưởng nhớ những nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. Người trồng cây bồ đề ấy là Tim Page, một phóng viên ảnh người Anh nổi tiếng, một trong những người sáng lập Quỹ IMMF (Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương).
Cả chiến trường Đông Dương mênh mông nhưng Tim Page đã chọn mảnh đất này để trồng một cây xanh nhắc nhở. Rồi năm tháng qua đi, những trận lụt lịch sử tràn qua đây đã khiến cây bồ đề năm xưa Tim Page trồng không còn vết dấu. Giấc mơ về một đài tưởng niệm cho những nhà báo chiến trường cho đến giờ vẫn chưa thành hiện thực, nhưng có lẽ ở đôi bờ này không chỉ là chuyện tưởng nhớ những phóng viên chiến tranh hy sinh.
Tôi bỗng nhớ trong một lần trò chuyện với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, tác giả của nhiều tượng đài, công trình nổi tiếng, ông nói rằng ở đôi bờ Bến Hải, dọc theo hai phía của cây cầu hãy biến thành một vườn hoa, chỉ trồng hoa thật nhiều, một thảm hoa rực rỡ. Những bông hoa ấy sẽ là sự tưởng niệm và nhắc nhở hay nhất về những năm tháng hôm qua.
Cũng chung ý nghĩ về một đôi bờ Hiền Lương trở thành một “vùng ký ức của đất nước”, nhà văn Ngô Thảo, một người con của Vĩnh Linh, của miền đất giới tuyến đã từng có một đề xuất gửi tỉnh Quảng Trị rằng, nơi đây cần được mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của thống nhất hàn gắn, với đôi bờ sông hoa, với tình cảm của mấy chục tỉnh, thành phố trên cả nước dành cho, không nhất thiết phải tượng đài hoành tráng. Lịch sử Việt Nam đã đi qua dòng sông “cách nhau chỉ một mái chèo” này đằng đẵng hai mươi năm, có tỉnh, thành nào trên cả nước lại không có những con em đi qua dòng sông này?
Vậy thì hãy để đôi bờ Hiền Lương được quy hoạch theo hướng “của cả nước”, mỗi tỉnh, thành sẽ đóng góp cho bài ca dòng sông thống nhất này những công trình riêng của mình nhưng lại hài hòa trong một chính thể mang tính thống nhất và biểu tượng. Làm được như thế thì cũng là cách “đông tay vỗ nên kêu”, mà lại giải bài toán khó khăn muôn thuở là... kinh phí.
Không biết ý tưởng của ông và các nhà lãnh đạo tỉnh, nhất là khối văn hóa đã được đồng cảm đến đâu, nhưng trên cơ sở ấy, câu chuyện của Hiền Lương hôm nay sẽ là một câu chuyện đẹp. Sự góp mặt của các vùng miền trên đôi bờ sông tuyến năm nào sẽ ngân cao hơn những nốt nhạc của bài ca khát vọng thống nhất...
Hòa bình không phải là điều gì lớn lao hay xa vời. Hòa bình là khi người ta có thể nghe lại được tiếng gà gáy trưa. Hòa bình là khi con trẻ có thể chạy chân trần trên đồng ruộng, là khi người mẹ có thể nhóm bếp mà không lo sợ ngày mai ra sao. Trưa nay, dòng sông vẫn chảy an nhiên soi bóng mây trời, chứng nhân cho một thời bi thương và một thời hồi sinh.
Và tiếng gà trưa ấy là thông điệp của hòa bình, những thanh âm ấy giữa đất trời nhắc nhớ với người đang sống về lòng biết ơn, biết ơn đời, biết ơn người, biết ơn những hy sinh của hôm qua để có một hôm nay tiếng gà trưa vang vọng ...
Lê Đức Dục
QTO - Trên nền trời trong veo, cây cầu Hiền Lương, biểu tượng của chia ly và đoàn tụ hiện lên trong mắt tôi như một chứng tích bất tử của lịch sử, như một...
QTO - Khi tôi viết những dòng này thì mẹ đã thành người thiên cổ. Mẹ thanh thản yên nghỉ trên cánh đồng làng quê mẹ ngay cạnh chân cầu Hiền Lương. Đầu mẹ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...
QTO - Khi trò chuyện với chị phụ nữ dân tộc Thái có cái tên rất đẹp: Lò Thị Tiên về dãy núi Pú Huốt mà xã Mường Phăng tựa lưng, uống nguồn nước mát; Chỉ...
QTO - Giữa núi rừng Trường Sơn, nơi những nếp nhà sàn ẩn mình dưới tán cây xanh thẳm, những vùng hoa trắng bỗng trở thành điểm sáng dịu dàng. Trong vô vàn...
QTO - Em Hồ Thị Diệu Huyền (sinh năm 2001), một người con Quảng Trị trú tại tỉnh Saitama, Nhật Bản không thể nhớ hết số lần mình thức dậy từ mờ sáng, đạp...
QTO - Trước khi đi La Habana, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được gặp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Cuba tại Việt Nam Rogelio Polanco...
QTO - Có những hình ảnh đã đi vào tâm thức của một vùng đất, trở thành biểu tượng thiêng liêng mà ai cũng mặc nhiên thừa nhận. Nhắc đến Quảng Trị, người ta...
QTO - Những lần về quê, khi ráng chiều buông dài trên xóm nhỏ, tôi thường len lỏi dưới những tán cây quanh nhà, nâng niu hái từng chiếc lá sả, lá chanh. Có...