{title}
{publish}
{head}
Vẫn còn trong ánh hồi quang soi chiếu từ quá khứ chưa xa của nhiều già làng người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô là bao lần băng rừng, lội suối gùi cõng đạn dược, lương thực cho bộ đội dưới tán rừng già thâm u được soi chiếu bằng pháo sáng; băng qua cánh rừng bị thiêu rụi bởi bom napan của Mỹ ngụy. Xác máy bay hay pháo sáng cùng nhiều loại bom, đạn của Mỹ ngụy dội xuống những cánh rừng Trường Sơn năm xưa, đến bây giờ được các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô tỉ mẩn chế tác thành đàn Ta lư, Xar (có tên gọi khác là xập xõa)... để hòa âm cùng các làn điệu dân ca.
Ông Ăm Nhờ luyện đánh Xar để chuẩn bị cho mùa lễ hội - Ảnh: S.H
Tôi theo tiếng Xar văng vẳng trong cơn gió rừng lúc gần, lúc xa để tìm đến căn nhà sàn của một già làng ở bản Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, trong không gian tĩnh lặng của buổi chiều miền sơn cước như nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng.
Ấy là già làng Ăm Nhờ (87 tuổi) đang mang chiếc Xar ra để căn chỉnh lại âm thanh. Thấy khách đến chơi nhà, Ăm Nhờ mới tạm dừng công việc dùng chiếc búa nhỏ căn chỉnh âm thanh để miên man bao câu chuyện thăng trầm, trăn trở về các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca là “hồn cốt” tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Rồi Ăm Nhờ nhìn vào chiếc Xar đang cầm trên tay mà nói với tôi rằng, đến bây giờ là gần 20 năm chiếc Xar đã theo ông giữ nhịp trong dàn nhạc cụ dân tộc gồm cồng, chiêng, đàn Âmpreh, Ta lư... hòa nhịp với các điệu múa như múa Toong (múa giữ rẫy), Xiêng câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock qua mấy mùa lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), Aya (hội mùa), Ariêu Piing (lễ bốc mả), Kăl năng Mương (lễ hoàn ân thổ thần)...
Chiếc Xar được làm từ ống pháo sáng của Mỹ ngụy từng thả xuống những cánh rừng Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Rồi cách đây khoảng 20 năm (năm 2004), do cuộc sống khó nghèo nên trai bản Kỳ Tăng cũng như nhiều bản làng khác ở vùng Lìa lang thang vào các cánh rừng để tìm kiếm, đào bới phế liệu chiến tranh. Xác máy bay, bom, đạn, pháo được đào bới từ những cánh rừng mang về chất đống ở đầu bản chờ thương lái đến thu mua.
Tình cờ, Ăm Nhờ nhìn thấy ống pháo sáng trong đống phế liệu chiến tranh ở đầu bản Kỳ Tăng. Ăm Nhờ tìm “chủ nhân” của đống phế liệu chiến tranh để xin rồi mang về với ý tưởng sẽ chế tác thành một loại nhạc cụ dân tộc. Sống trong không gian văn hóa cồng, chiêng từ thuở nhỏ, nên việc chế tác ống pháo sáng thành chiếc Xar không khó với Ăm Nhờ.
Sau cả tuần cắt, gò ống pháo sáng, ông đã chế tác hoàn thành chiếc Xar. Công đoạn chỉnh sửa âm thanh chiếc Xar, theo Ăm Nhờ là “công đoạn” khó nhất để chiếc Xar có thể giữ nhịp trong dàn nhạc cụ dân tộc. Phải là nghệ nhân có cái tai biết phân biệt tiếng cao, tiếng thấp khi chiếc Xar ngân vang là đúng hay sai. Rồi dùng chiếc búa nhỏ gõ nhẹ vào chiếc Xar xem âm thanh phát ra để đoán định phần nào trên thân chiếc Xar bị phồng, bị dẹp.
Sau đó, dùng búa tán nhẹ theo vòng tròn đồng tâm cho đến khi nào tiếng Xar đánh lên nghe đúng âm, đúng điệu là được. Khi chỉnh âm phải để ngửa chiếc Xar ra rồi dùng búa nhỏ tán một đường xung quanh mép bên trong chiếc Xar.
Sau đó lật úp chiếc Xar tán thêm một đường mép bên ngoài. Cứ tán đều tay và đúng kỹ thuật... thì chiếc Xar sẽ có âm thanh hòa quyện cùng dàn cồng, chiêng. Kỹ thuật chỉnh âm thanh chiếc Xar cũng như chỉnh âm thanh cồng, chiêng là phải dựa vào khả năng cảm nhận, am hiểu về nguyên lý dao động, lan truyền của âm thanh trên bề mặt chiếc Xar trong không gian.
Anh Hồ A Chõ giới thiệu đàn Ta lư có mặt trước của thùng đàn làm từ mảnh xác máy bay - Ảnh: S.H
Cách đây chưa lâu, trong căn nhà sàn được xây cất chỉ để dùng riêng cho việc trưng bày các loại nhạc cụ, công cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mà anh Hồ A Chõ ở bản Thuận 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, đang tâm huyết sưu tầm, tôi được anh giới thiệu về 3 cây đàn Ta lư (đồng bào dân tộc Vân Kiều gọi là đàn A Chung) mà mặt trước của thùng đàn được chế tác từ xác máy bay. Những chiếc đàn Ta lư ấy được anh Chõ sưu tầm từ các nghệ nhân ở vùng Lìa.
Anh Hồ A Chõ chia sẻ: Đàn Ta lư là dụng cụ âm nhạc để người Vân Kiều, Pa Kô biểu đạt cảm xúc, ước mơ. Cây đàn Ta lư ngày xưa chỉ có 2 dây. Đến bây giờ, trải qua nhiều thế hệ, nghệ nhân đánh đàn Ta lư đã chỉnh sửa, cải tiến để cây đàn dần hoàn thiện với 3 dây. Đàn Ta lư có thể đệm cho các làn điệu dân ca Pa Kô như Cà lơi Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel... Cây đàn Ta lư nguyên thủy được làm từ tre nứa thì nay chủ yếu làm bằng gỗ mít... Hình dáng cây đàn Ta lư cũng được các nghệ nhân chú trọng hơn đến kiểu dáng, kích thước nên đàn Ta lư đẹp hơn.
Muốn làm một cây đàn Ta lư đúng chuẩn thì khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu để làm đàn. Nguyên liệu để làm đàn Ta lư hiện nay chủ yếu là gỗ mít. Cây gỗ mít sau khi đốn hạ sẽ được cưa thành từng đoạn dài khoảng 1 m, rồi phơi khô từ 1 - 2 tháng. Khi gỗ mít khô thì đến công đoạn đục đẽo thành hình dạng chiếc đàn Ta lư.
Đàn Ta lư có chiều dài khoảng 70 cm (phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40 cm); cuối cần đàn là bộ phận tăng âm được vát lõm thành hình dạng bàn tay khép lại hứng lấy giọt nước chuẩn bị rơi xuống và có gắn các chốt điều chỉnh âm thanh.
Còn riêng về 3 cây đàn Ta lư “độc đáo” hiện anh Chõ đang sở hữu, ngoài các chi tiết trên thân đàn làm bằng gỗ mít, thì mặt trước thùng đàn được làm từ mảnh xác máy bay nhưng âm thanh không hề thua kém các cây đàn Ta lư làm thuần gỗ mít.
Nguồn gốc, xuất xứ của cây đàn Ta lư thì các bậc cao niên của đồng bào dân tộc Pa Kô còn lưu truyền một câu chuyện: từ thuở lập bản, lập làng, có người phụ nữ dân tộc Pa Kô sang lấy chồng bản khác. Khi sinh được đứa con gái đầu lòng thì chồng cô đột ngột mất sớm.
Người phụ nữ Pa Kô mang đứa con gái nhỏ về bản để sống cùng cha mẹ ở chòi lá trên rẫy. Ngày ngày, người phụ nữ ấy lên nương, lên rẫy, để lại đứa con gái cho ông ngoại chăm sóc. Ông ngoại lấy một đoạn tre, tước cật làm dây để đánh cho cháu nghe.
Lúc ấy, đoạn tre cũng chỉ là thứ đồ chơi để ông ngoại dỗ dành cháu. Sau đó một thời gian, ông dùng sợi tơ cây đoác trên rừng xe thành sợi, rồi dùng sợi đoác căng lên đoạn tre. Ông đánh thử thì phát ra âm thanh vui tai... Ông tiếp tục căng thêm một sợi dây nữa lên đoạn tre, rồi vừa đánh đàn, vừa ngân nga khúc dân ca Pa Kô.
Về sau, ông dần hoàn thiện cây đàn Ta lư để lưu truyền lại cho con cháu đến tận bây giờ. Dù câu chuyện xuất xứ của cây đàn Ta lư lưu truyền trong đồng bào dân tộc Pa Kô, nhưng trong tâm thức của các nghệ nhân thì cây đàn này chính là nhạc cụ truyền thống, là “tài sản chung” của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn.
Dù cho chiếc Xar làm từ ống pháo sáng hay cây đàn Ta lư có mặt trước thùng đàn làm từ mảnh xác máy bay sót lại sau chiến tranh, cứ mỗi khi các nghệ nhân đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tấu lên sẽ hòa cùng làn điệu dân ca; hóa thành thanh âm của núi rừng theo từng cơn gió để kể cho cháu con về quá khứ hào hùng: “Đàn theo ta đi qua con suối con khe, qua nương rẫy qua bao nhiêu rừng/Đàn theo ta đi đánh Mỹ đêm ngày, giữa rừng xanh vang muôn câu ca...” (Nhạc sĩ Phương Nam).
Sỹ Hoàng
QTO - Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận...
QTO - Dù mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung và suy tim bẩm sinh nhưng nhiều năm qua, một mình chị Lê Thị Thừa (51 tuổi), ở thôn Kinh Duy, xã Hải...
QTO - Cùng với học sinh cả nước, gần 180.000 học sinh Quảng Trị chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025. Song song với công tác đảm bảo an toàn giao thông,...
QTO - Nhà Đón tiếp thân nhân liệt sĩ trực thuộc Ban Quản lý nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Đây là địa...
QTO - Sau tiếng trống khai hội của người đứng đầu làng Trà Lộc, hàng trăm người dân mang theo các ngư cụ lội xuống bùn ra giữa hồ để bắt cá trong Lễ hội...
QTO - Anh Nguyễn Văn Thuần ở thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, từng có quá khứ lầm lỗi. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, được sự quan tâm, hỗ trợ...
QTO - Công tác từ thiện xã hội trong các đơn vị y tế là một hoạt động nhân văn giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua bệnh tật. Xuất phát từ thực...
QTO - Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, những năm qua...
QTO - Bơi lội là một trong những kỹ năng sinh tồn dưới nước rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy vậy không phải trẻ em nào cũng có điều kiện...
QTO - “Con gái tôi vừa tròn 18 tháng tuổi, ước gì tôi có sức khỏe để có thêm thời gian bên con...”, lời tâm sự xót xa của chị Đoàn Thị Liên (sinh năm...
QTO - Phiên tòa xét xử T. về tội “Giết người” diễn ra vào đầu tháng 8/2024. Tại phiên tòa, có nhiều người đến tham dự, đa phần là người thân của bị cáo....
QTO - Năm học mới 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông. Điều này đặt ra cho ngành...