Cập nhật:  GMT+7

Nhiều dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai chậm tiến độ bị cắt vốn, gây nợ đọng

Trước những thiệt hại do thiên tai từ năm 2020, trung ương đã bố trí nguồn kinh phí tạm cấp cho tỉnh Quảng Trị để khắc phục khẩn cấp hậu quả. Tuy nhiên, khi hết thời hạn triển khai, nhiều công trình thi công và giải ngân vốn không đạt yêu cầu, khiến hàng loạt dự án dang dở. Để đảm bảo an toàn công trình và chọn điểm dừng kỹ thuật phù hợp, một số dự án buộc phải phát sinh khối lượng dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản, nhưng hiện chưa tìm được phương án giải quyết.

Nhiều dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai chậm tiến độ bị cắt vốn, gây nợ đọng

Mặc dù dự án sửa chữa khẩn cấp tràn xả lũ Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn đã tích cực triển khai nhưng tiến độ thi công và giải ngân vốn vẫn chưa đạt yêu cầu -Ảnh: L.T

Buộc phát sinh khối lượng thi công dù bị cắt vốn

Ngày 24/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1913/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả các cơn bão số 5,6,7,8,9 và mưa lũ tháng 10/2020 tại miền Trung và Tây Nguyên. Ngày 9/4/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 804/QĐUBND tạm cấp kinh phí thực hiện khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ. Trong đó, giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị làm chủ đầu tư 7 dự án với tổng kinh phí 13.123 triệu đồng. Thời gian hoàn thành các công trình vào tháng 12/2021.

Ngay sau khi các dự án được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tháng 9/2021, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị khẩn trương triển khai các công trình. Như vậy, sau khi hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư chỉ còn 3 tháng để thi công. Vì vậy, một số công trình không đảm bảo tiến độ, dẫn đến việc bị cắt vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn công trình và công năng sử dụng tại điểm dừng kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị buộc phải tiếp tục thi công gây phát sinh và nợ đọng khối lượng.

Công trình kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, đoạn qua Phường 1, thị xã Quảng Trị có chiều dài 16,7 km với chức năng dẫn nước tưới cho 13.876 ha lúa ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Năm 2020, do mưa lũ nên nhiều hạng mục trên kênh bị sạt lở mái, đáy kênh bị lật tung, lòng kênh bị bồi lấp dài khoảng 1 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dẫn nước tưới cho các địa phương. Vì vậy, công trình được bố trí số vốn gần 5,6 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa đoạn kênh có chiều dài 377,69 m. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, khối lượng xây lắp hoàn thành chỉ mới giải ngân được hơn 1,7 tỉ đồng với hạng mục tháo dỡ đáy kênh.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị Lê Văn Trường cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ dẫn đến bị cắt vốn và lý do buộc chúng tôi phải tiếp tục thi công khiến phát sinh khối lượng. Trong đó, một phần do công trình thuộc hệ thống chính nên vừa phải phục vụ việc dẫn nước tưới, vừa triển khai thi công. Bên cạnh đó, quá trình xây lắp phần lớn bằng cơ giới nhưng thời tiết thường xuyên có mưa, trong khi thời gian hoàn thành quá ngắn nên việc thi công bị chậm. Và đến thời điểm hết thời hạn triển khai dự án vào tháng 12/2021, nhưng đáy kênh vẫn đang trong hiện trạng đã bị tháo dỡ, nếu không hoàn thành việc thi công đáy thì quá trình phục vụ dẫn nước tưới có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình. Do đó, trong năm 2022, chúng tôi buộc phải tiếp tục triển khai xử lý phần đáy kênh và thi công 1/2 mái bờ kênh khiến khối lượng hoàn thành chưa được thanh toán phát sinh hơn 2,4 tỉ đồng và hiện thiếu gần 1 tỉ đồng để tiếp tục hoàn thiện công trình”.

Cũng theo ông Trường, ngoài dự án kênh chính nói trên bị chậm tiến độ, trong số 7 dự án mà Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị làm chủ đầu tư, hiện chỉ có 3 dự án đã hoàn thành đúng tiến độ. Còn lại 3 dự án không thể hoàn thành là: Cầu máng trên kênh N3-10B, kênh N1-11A thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn và Dự án sửa chữa kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Bàu Nhum.

“Công ty đã rà soát, tính toán khối lượng thực hiện và chọn điểm dừng kỹ thuật phù hợp, tổ chức nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện trong năm 2021 theo đúng quy định. Đối với một số hạng mục để có điểm dừng kỹ thuật phù hợp, chúng tôi buộc phải tiếp tục thi công và phát sinh khối lượng. Do đó, tổng nợ đọng khối lượng hiện chúng tôi đã hoàn thành chưa được thanh toán là trên 5,7 tỉ đồng”, ông Trường thông tin.

Cần tìm hướng sớm hoàn thành các dự án

Ngoài các dự án do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị làm chủ đầu tư chậm tiến độ dẫn đến bị cắt vốn và phát sinh khối lượng gây nợ đọng thì hàng loạt công trình, dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng chung tình cảnh, nhưng chưa có phương án để giải quyết.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trong số các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình khẩn cấp do đơn vị làm chủ đầu tư, vì nhiều lý do, hiện có 4 dự án từ cuối năm 2021 đến nay đang trong tình trạng dở dang vì bị cắt nguồn vốn do chậm tiến độ. Cụ thể có: hạng mục sửa chữa khẩn cấp tràn xả lũ Nam Thạch Hãn (giai đoạn 3) thuộc Công trình Nam Thạch Hãn; Dự án kè bờ hồ Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị; Dự án kè chống sạt lở bãi tắm Gio Hải và đường giao thông kết hợp kè chắn đất sạt lở tại khu vực trung tâm xã Hướng Việt. Mặc dù đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên 4 dự án nói trên, quá trình thi công và giải ngân vốn không đạt yêu cầu, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 21,8 tỉ đồng.

Nguyên nhân gây nợ đọng được đưa ra là do các công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp nên trình tự thực hiện qua nhiều bước, nhiều cấp thẩm quyền từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, năm 2021 xảy ra COVID-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vật tư, thiết bị thi công. Đặc biệt, thời tiết diễn biến bất thường dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Việc phát sinh khối lượng gây ra nợ đọng là do các công trình này có tính chất quan trọng phải thi công đến điểm dừng kỹ thuật đảm bảo an toàn công trình và phát huy một phần hiệu quả theo quy mô đầu tư nên buộc chủ đầu tư phải tiếp tục thi công dù hết thời hạn dự án.

Về phương án xử lý các dự án chậm tiến độ bị cắt vốn, gây nợ đọng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề xuất UBND tỉnh đồng ý kết thúc 4 dự án nêu trên. Đồng thời, giao đơn vị tính toán khối lượng đã thi công, tổ chức thanh toán, quyết toán theo điểm dừng kỹ thuật và trình quyết toán khối lượng hoàn thành công trình. Bên cạnh đó, ban cũng đề nghị các ngành liên quan hướng dẫn xây dựng phương án trả nợ đọng vốn xây dựng cơ bản theo lộ trình cụ thể, phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, các dự án được trung ương hỗ trợ nguồn vốn để khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đang còn dang dở vì hết thời gian thực hiện nhưng không gia hạn được, trước hết trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải chọn điểm dừng kỹ thuật phù hợp để quyết toán hoàn thành công trình. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kéo dài thời hạn đầu tư nguồn vốn, nếu không được thì phải xây dựng kế hoạch đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Về lâu dài, để giải quyết vấn đề này không hề đơn giản, tuy nhiên, tỉnh đang nỗ lực, xem xét để tìm hướng sớm hoàn thành các dự án nhằm đảm bảo phát huy công năng các công trình, vừa tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Lê Trường

Tin liên quan:
    • Nhiều dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai chậm tiến độ bị cắt vốn, gây nợ đọng
      “Bệnh” chậm tiến độ

      Có lẽ cụm từ “chậm tiến độ” chưa bao giờ xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền thông như hiện nay khi đề cập đến các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chậm tiến độ đã trở thành “căn bệnh” trầm kha, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu tăng trưởng, đời sống của người dân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Căn bệnh” này nếu không được “điều trị” dứt điểm sẽ tạo ra rào cản cho sự phát triển.

      Tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 120 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

      Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.


Lê Trường

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hai anh em ruột làm giàu từ nghề cơ khí

Hai anh em ruột làm giàu từ nghề cơ khí
2023-11-28 05:10:00

QTO - Theo chia sẻ của anh Lê Văn Vĩnh, Bí thư Xã đoàn Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, trên địa bàn xã hiện có 30 đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi với...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long