Cập nhật:  GMT+7

Đường ra biển mùa này...

Ở Đồng Hới mùa này mà rủ nhau ra bờ kè biển Nhật Lệ, vừa thưởng thức thiên nhiên không mất tiền, vừa nhấm nháp hải sản tươi ngon thì hết “nước chấm”. Không chỉ du khách mà người dân trên địa bàn mới nhắc đến đã muốn lên xe đi ngay với bao rạo rực và háo hức. Tuy nhiên, một số tuyến đường ra biển vào mùa cao điểm du lịch thường bị tắc khiến việc di chuyển gặp khó khăn.

Đường ra biển mùa này...

Nhiều tuyến đường thiếu điểm đỗ cho ô tô, xe máy -Ảnh: C.HỢP

Đường ra biển mùa này... tắc lắm”

Bờ kè biển Nhật Lệ nằm trên tuyến đường Trương Pháp, phường Đồng Hới là nơi tập trung những hàng quán hải sản nức tiếng “bổ rẻ, thơm ngon”. Vì vậy, gọi tuyến đường này là “thiên đường” ẩm thực hải sản, quả không quá lời. Vì quen thân chú em lái taxi, nên mỗi dịp đi đâu, chúng tôi alo là chú có mặt ngay. Trách nhiệm của chú là đưa chúng tôi đi và đón chúng tôi về bất kể sáng sớm hay tối muộn, còn trách nhiệm của chúng tôi thì không cần nói ai cũng biết.

Vào thời điểm không phải mùa hè, nghe có “cuốc” chở ra biển, chú mừng như bắt được “khách vàng”, vì mỗi chuyến đi và trở về, chú đã đủ chỉ tiêu khoán trong ngày. Thế nhưng dạo gần đây, mỗi khi đưa chúng tôi đi, chú lại khuyên can: “Nhậu ở đâu cũng là nhậu, sao phải đi ra biển chi cho xa”. Chúng tôi cự lại: “Ơ hay cái chú này, đi xa thì lợi cho chú, sao lại cắc cớ lo bao đồng thế”. Chú chỉ tủm tỉm cười và hát nghêu ngao: “Đường ra biển mùa này... đẹp lắm”.

Buổi chiều lúc tan tầm, con đường từ cầu vượt Thuận Lý đến cầu Nhật Lệ 1 có những đoạn xe phải nhích từng chặng vì tắc đường. Qua được quãng đường tắc, từ ngã tư đầu cầu Nhật Lệ 1 rẽ vào đường Nguyễn Du đến đường Trương Pháp những tưởng sẽ thông suốt, nhưng không, tuyến đường lúc này cũng trở nên đông đúc xe cộ, với đủ các loại ô tô, xe khách to nhỏ. Có cảm giác như tuyến đường bị hẹp lại. Mà hẹp thật, vì đoạn đường Trương Pháp từ cầu Hải Thành đến ngã ba giao nhau với đường Lê Thành Đồng một chiều đi chỉ có một làn xe. Chỉ cần một chiếc xe du lịch cỡ lớn lưu thông là đường chật như nêm. Xe nhích từng đoạn.

Chú em lái taxi phân tích: “Cả một dải bãi tắm biển với dịch vụ ăn uống, giải trí dài mấy cây số mà chỉ có vài tuyến đường nối thông ra biển, không tắc sao được. Từ Quốc lộ 1 (đoạn đường Lý Thánh Tông) vào đường Cao Thắng thì quá nhỏ hẹp. Ở ngay điểm rẽ vào tuyến đường này bị nút “thắt cổ chai” án ngữ khiến con đường chỉ nhỏ như một con hẻm không hơn không kém. 2 tuyến đường Lê Thành Đồng và Đông Hải từ cống Phóng Thủy cũng trong trong tình trạng tương tự. Đó là chưa nói đến điểm cua từ đường Lý Thường Kiệt rẽ vào 2 tuyến đường này rất tức.

Mỗi khi có xe ô tô du lịch rẽ ra biển, nhiều phương tiện bị dồn ứ lại. Các anh thấy vì sao em lại lo bao đồng chưa? Những năm gần đây, người ở các tỉnh, thành phố khác chủ yếu đi du lịch bằng xe cá nhân, nên lưu lượng xe cộ đi lại rất đông. Còn với dân taxi bọn em nghe có cuốc ngoài này cũng ngán. Chỉ sau 22 giờ có khách đặt ra đón mới vui vì đường sá đến giờ này mới “thông”. Nói rồi, chú em cải biên lại lời hát lúc xuất phát “Đường ra biển mùa này... tắc lắm”.

Vỉa hè, lòng đường thành... “của riêng”

Có một điều dễ nhận thấy, suốt dọc bãi tắm Nhật Lệ rất ít điểm đỗ xe, nếu có thì cũng rất nhỏ. Thành ra, xe cộ, phương tiện đến đây đều phải biến lòng đường, vỉa hè thành bãi đỗ xe. Nhưng người lái liều liệu mà quan sát, chứ hễ ở đỗ trúng hàng quán nào, mà không vào sử dụng dịch vụ đó thì... coi chừng. Bởi từ lâu, phần vỉa hè trước hàng quán nào thì nghiễm nhiên trở thành “của riêng” của hàng quán đó. Không có đơn vị chức năng quản lý nào đưa ra cái quy định “trời ơi” đó. Chỉ có chủ của những hàng quán này mới tự ra “quy định” bất thành văn như vậy.

Có lần, tôi đã cự lại người của một nhà hàng về chuyện này rằng, ở đây không cấm đỗ xe ô tô? Người này vặc lại: “Chỗ này tôi bỏ tiền ra thuê rồi, nếu muốn đỗ xe thì đi chỗ khác mà đỗ”. Để yên chuyện, tôi phải lượn xe thêm mấy vòng nữa để tìm chỗ đỗ. Nhưng nếu đã “nhắm” được hàng quán nào từ trước, khách cứ việc đỗ xe, rồi đường đường chính chính đi vào thưởng thức, thì chủ quán đó trở nên nhẹ nhàng, lịch sự chào đón bạn như... “thượng đế”.

Dãy vỉa hè phía bờ kè đã vậy, ở phía đối diện lại càng không thể đỗ xe, vì đó là không gian của các khách sạn, nhà hàng. Muốn tắm biển, thưởng thức hải sản cũng không phải dễ dàng. Mình người “thổ địa” đã vậy, không lẽ bấy lâu, khách du lịch cũng phải chịu phiền phức như vậy.

Đường ra biển mùa này...

Tuyến đường Trương Pháp nhỏ hẹp thường xuyên bị kẹt xe và tắc đường -Ảnh: C.HỢP

Mở đường ra biển

Nhân chuyện của những con đường ra biển lại nhớ ở tỉnh Quảng Bình (cũ) không ai không biết đến ông Trần Sự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, thời kỳ tỉnh mới trở về địa giới hành chính cũ. Ông được biết đến là người quyết đoán và có tầm nhìn xa, trông rộng.

Chuyện kể lại rằng, thời mới trở lại địa giới hành chính cũ, Đồng Hới chỉ là “cánh đồng hoang”, không nhà cửa, không đường sá. Thời điểm đó, Đồng Hới được các chuyên gia Cuba quy hoạch để xây dựng thị xã.

Ngày cầm trên tay tấm bản đồ quy hoạch do các chuyên gia nước bạn thiết kế, ông bảo rằng phải mở rộng con đường qua thị xã gấp hai thiết kế đang làm. Nghe bảo, chính vì điều đó, ông bị kiện rằng thị xã bé bằng bàn tay, người ít, nhà thưa, làm đường rộng họa chỉ để... trâu bò đi. Nhưng, ông vẫn quả quyết: “Nếu có vốn tôi cho làm rộng gấp... ba!”.

Giá như thời điểm đó, mong muốn của ông được ủng hộ và được hiện thực hóa, thì giờ đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, người dân Đồng Hới không phải “sống chung” với tình trạng kẹt xe, tắc đường, nhất là vào những giờ cao điểm.

Một số “nút thắt” kẹt xe ở các ngã ba, ngã tư được người ta giải quyết bằng cách cơi nới mở rộng đường bằng cách thu hẹp vỉa hè. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Giờ cao điểm vẫn phải có cảnh sát giao thông phân luồng chống ùn tắc, nhưng đường vẫn cứ... tắc như thường. Giờ đây, đường giao thông trên địa bàn Đồng Hới đúng là khiến những con “trâu sắt” phải “bò... đi” là sự thật.

Đồng Hới (cũ) là một thành phố biển có lợi thế vị trí đẹp hàng đầu trong khu vực, sau hơn 20 năm trở thành thành phố, có vẻ như vẫn vượt thoát khỏi suy nghĩ “ngõ nhỏ, phố nhỏ” để mở những tuyến đường đủ lớn thông ra biển. Hoặc có quy hoạch, nhưng những con đường đó vẫn còn nằm trên giấy. Lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông Trần Sự thời bắt tay vào xây dựng TX. Đồng Hới: “Tôi không xin Thủ tướng tiền, tôi chỉ xin cơ chế”. Giờ đây, Đồng Hới đã là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị mới sau sáp nhập. Rồi đây không gian đô thị trung tâm Đồng Hới phải được quy hoạch đồng bộ để tận dụng tối đa lợi thế về tiềm năng và không gian biển, bảo đảm tích hợp thống nhất, minh bạch và phù hợp với định hướng thể chế phát triển vùng.

Đó là tiền đề để định hình mô hình phát triển kinh tế hiện đại, kết nối liên vùng gắn với các hành lang kinh tế Đông-Tây và Bắc-Nam. Nhiều năm qua, các tuyến đường kết nối ở Đồng Hới vẫn còn luẩn quẩn trong tình trạng cầu chờ đường, đường chờ cầu hoặc cầu xây xong đã lâu, mà đường còn chưa biết ở đâu. Phải chăng đó chính là cơ chế mà nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Sự trước đó từng mong muốn (?!).

Dương Công Hợp

Tin liên quan:
  • Đường ra biển mùa này...
    Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

    Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Gio Linh đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng bước vào một mùa du lịch biển.

  • Đường ra biển mùa này...
    Trường Sa, những cung đường mùa xuân

    Có những cung đường, có những khoảnh khắc gặp một lần có thể quên ngay, nhưng cũng có những cung đường đi, đến một lần rồi xa nhưng cả đời không thể nguôi ngoai. Hải trình đến với Trường Sa là cung đường ấy. Cùng tàu kiểm ngư dọc ngang Biển Đông chuyển hàng Tết Ất Tỵ ra Trường Sa lần này, chúng tôi được đến với những cung đường xanh. Trường Sa vốn đã xanh nay càng thêm xanh khi Tết đến, xuân về. Xanh của sức sống, xanh của tình người, xanh của niềm tin và hy vọng.


Dương Công Hợp

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp

Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp
2025-07-11 05:25:00

QTO - Sau ba mùa tổ chức, cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức đã thực sự trở thành một phong trào lan tỏa trong giới trẻ, vượt ra...

Làm giàu từ đồng đất quê hương

Làm giàu từ đồng đất quê hương
2025-07-10 05:00:00

QTO - Trong bối cảnh đô thị hóa, không ít người trẻ chọn ly hương, câu chuyện của những người “quay về” làm giàu từ chính mảnh đất quê hương đã trở thành...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long