{title}
{publish}
{head}
Những ngày qua, người trồng cao su ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh hết sức lo lắng do hiện tượng khô cành, rụng lá một cách bất thường trên cây cao su ở thời kỳ kinh doanh. Đây là bệnh mới xuất hiện trên cây cao su trên địa bàn tỉnh nên người trồng cao su đang hết sức lúng túng, các cơ quan chuyên môn cũng chưa có giải pháp và loại thuốc phòng trừ hữu hiệu.
Cơ quan chuyên môn sử dụng thiết bị bay không người lái để khảo nghiệm hỗn hợp nhiều loại thuốc nhằm tìm ra phương án phòng trừ bệnh cho cây cao su hiệu quả nhất -Ảnh: L.A
Bà Trần Thị Lan ở thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết, gia đình bà có 3 ha cao su đã được 10 năm tuổi, đang trong thời kỳ khai thác. Bình quân mỗi ngày bà thu được khoảng 1,5 triệu đồng. Thế nhưng từ khi cây cao su bị nhiễm bệnh, toàn bộ diện tích đều không còn cho mủ.
Theo bà Lan, cây cao su bắt đầu xuất hiện bệnh từ cuối năm 2023 và lây lan với tốc độ rất nhanh. Ban đầu chỉ trên vài cây, sau đó gần như cả lô cao su của bà đều bị khô cành, rụng lá, ngừng tiết mủ. “Ban đầu tôi cứ tưởng cây cao su bị rụng lá sinh lý nhưng sau khi kiểm tra thì không phải. Vì nếu như rụng lá sinh lý thì lá trên cây rụng xuống vẫn còn màu đỏ tươi, còn đây cả lá và cành đều bị khô từ trên cây rồi rụng xuống gốc.
Tốc độ lây lan của bệnh khô cành, rụng lá này cũng rất nhanh. Có những lô cao su gần như toàn bộ diện tích đều nhiễm bệnh. Mủ không có nên người dân đều ngừng cạo mủ. Trong khi đây là nguồn thu nhập chính của người dân”, bà Lan nói.
Dẫn chúng tôi đi xem lô cao su hơn 1 ha của mình, ông Lê Văn Bình ở thôn Phan Xá Phường cho biết, bệnh mới xuất hiện trên lô cao su 10 năm tuổi của ông từ đầu tháng 1/2024 và lây lan rất nhanh. Do phát sinh trùng vào giai đoạn cây cao su rụng lá sinh lý nên ban đầu ông không để ý. Đến nay, trên 90% số cây cao su trong lô cao su có diện tích 1 ha của gia đình ông đều bị nhiễm bệnh.
Theo ông Bình, khó khăn nhất hiện nay là chưa có thuốc phòng trừ bệnh hữu hiệu. Cây cao su lại cao nên rất khó phun thuốc, cần phải sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) để phun trừ sâu bệnh nhưng người dân không có phương tiện nên đành phải chờ cấp trên hỗ trợ.
“Các lô cao su của người dân trong thôn hiện nay đều bị nhiễm bệnh mới này. Cây khô cành, rụng lá hết. Nếu không có phương án phòng trị kịp thời, tôi sợ cây cao su sẽ chết. Nếu khắc phục được thì nguy cơ năng suất, sản lượng mủ những năm sau chắc chắn cũng sẽ sụt giảm”, ông Bình cho hay.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, toàn huyện hiện có trên 4.100 ha cao su, trong đó có khoảng 3.500 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Đến nay đã có khoảng 200 ha bị nhiễm loại bệnh mới gây khô cành, rụng lá, rải đều khắp các xã trồng cao su. Trước thực tế đáng lo ngại trên, huyện Cam Lộ đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) thí điểm phun thuốc phòng trừ bệnh với diện tích 3 ha bằng Drone.
Đồng thời, giao Trạm TT&BVTV làm đầu mối, thống kê, rà soát diện tích cao su bị nhiễm bệnh và tuyên truyền để người dân đăng ký phun trừ bệnh. Tuy nhiên, theo ông Thanh, mặc dù người dẫn đã đăng ký nhưng do đây đang là thời điểm các đơn vị làm dịch vụ phun thuốc bằng Drone đang tập trung phun cho lúa đông xuân nên việc liên hệ khá khó khăn. Dự kiến trong vài ngày tới, diện tích cây cao su bị nhiễm bệnh của người dân mới được phun trừ bệnh.
Theo kết quả điều tra của Chi cục TT&BVTV, không chỉ huyện Cam Lộ mà bệnh mới này đang xuất hiện ở tất cả các huyện trọng điểm trồng cây cao su của tỉnh với diện tích nhiễm hơn 500 ha. Tập trung chủ yếu ở huyện Cam Lộ 200 ha, Vĩnh Linh 250 ha, Gio Linh 50 ha. Bệnh gây hại trên cả cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản và cao su đang trong giai đoạn khai thác, nhưng chủ yếu ở các vườn cao su kinh doanh từ 10 năm tuổi trở lên.
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang thông tin, qua điều tra, theo dõi cùng với sự phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, ngày 8/1 đơn vị đã phát hiện hiện tượng khô cành, rụng lá trên cây cao su giai đoạn kinh doanh ở huyện Cam Lộ. Đây là hiện tượng mới xuất hiện trên cao su tại Quảng Trị, phát sinh trùng vào giai đoạn cây rụng lá sinh lý dẫn đến dễ bị nhầm lẫn.
Trước tình hình đó, ngày 10/1, Chi cục TT&BVTV đã tiến hành lấy mẫu gửi Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để giám định xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng khô cành, rụng lá. Đồng thời chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, điều tra, thống kê diện tích có cùng hiện tượng và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa ban đầu như: tạm thời ngừng cạo mủ, vệ sinh vườn, thu gom lá, cành cây bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy.
Ngày 13/1, Viện Bảo vệ thực vật có kết quả trả lời hiện tượng khô cành, rụng lá do tổ hợp 2 loại nấm Colletotrichum và Neopestalotiopsis gây ra. Đây là một loại bệnh mới gây rụng lá cao su ở các nước Đông Nam Á và các tỉnh phía Nam những năm gần đây.
Ngay sau khi có kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật, Chi cục TT&BVTV đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh khô cành, rụng lá cao su.
Cụ thể, sử dụng các loại thuốc nội hấp như: Tilt Super 300EC, Map super 300EC, Eddy 72WP, Calox 250SC, Anvil® 5SC, Chevin 5SC, Saizole 5SC... để phòng trừ bệnh. Lưu ý, để tăng hiệu quả phòng trừ, khi phun thuốc cần sử dụng các chất bám dính và đảm bảo lượng nước; những vùng bệnh hại nặng cần phun 2 - 3 lần, khoảng cách giữa 2 lần phun khoảng 7 - 10 ngày. Sử dụng Drone để phun với lượng nước đảm bảo phủ hết thân, cành, lá mới để hạn chế được bệnh. Đồng thời, tổ chức thí điểm phun thuốc trừ bệnh bằng Drone tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh với tổng diện tích 5 ha.
Cũng theo ông Trang, để xác định chủng loài nấm, ngày 18/1, Chi cục TT&BVTV đã tiếp tục thu thập mẫu bệnh tại huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh gửi Trung tâm Giám định kiểm định kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) để phân tích, giám định nhằm đưa ra giải pháp và loại thuốc phun trừ hữu hiệu nhất. Trong lúc chờ kết quả, đơn vị tiếp tục dùng Drone để khảo nghiệm hỗn hợp nhiều loại thuốc có cơ chế khác nhau nhằm so sánh tìm ra loại thuốc có hiệu quả tốt nhất trong phòng trừ và phù hợp với giai đoạn phát triển cây cao su hiện nay.
“Ngoài ra, dự kiến tới đây, các chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật sẽ trực tiếp vào Quảng Trị kiểm tra và tư vấn biện pháp phòng trừ”, ông Trang cho biết thêm.
Lê An
QTO - Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, từ đường tỉnh đến đường huyện,...
QTO - Giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền...
QTO - Nhằm góp phần thực hiện đề án tái canh cây cà phê của tỉnh, từ năm 2020 -2022 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng mô hình “Tái canh cây cà...
QTO - Đô thị Đông Hà bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỷ XX nhưng quá trình đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh và mạnh thì phải đến sau năm 1989 - khi...
QTO - Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ được nhiều hội viên hưởng ứng tích cực. Ngày càng có nhiều chị em hiện thực...
QTO - Thời gian gần đây, về các xã ven biển bãi ngang, chúng ta hầu như không còn nhìn thấy cảnh từng tốp ngư dân hì hục xoay vần từng chút một để đưa...
QTO - Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2023, huyện Gio Linh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối...
(BLC) - Sáng 23/1, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu...
QTO - Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã...
QTO - Tỉnh Quảng Trị xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ hoạt động của ngành nông nghiệp và...
QTO - Chỉ còn chưa đầy hai mươi ngày nữa là đến tết Nguyên đán, thế nhưng, sau khi nhận kinh phí hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), các hộ dân...
QTO - Để nâng cao chất lượng cung cấp điện cho dân cư ở khu vực miền núi đảm bảo người dân được hưởng giá điện theo quy định của Nhà nước, Công ty Điện lực...