{title}
{publish}
{head}
Chúng tôi đến Hà Giang không vào mùa hoa tam giác mạch để được chìm trong sắc tím hồng giữa bạt ngàn cao nguyên đá; cũng không vào mùa đổ nước vô ruộng của bà con dân tộc nơi đây để chìm trong cảnh sắc lung linh của những thửa ruộng bậc thang, khi nước về quyện hòa với màu trời, màu đất. Mùa hoa mơ, hoa mận cũng đã qua. Nhưng Hà Giang với những vách đá tai mèo xám xịt , với những cung đường uốn lượn, một bên vách đá, bên kia thăm thẳm vực sâu vẫn khiến chúng tôi - những người khách phương xa lần đầu đặt chân đến miền cực Bắc của Tổ quốc - mãi đắm say.
Đường lên Đồng Văn- bên núi đá, bên vực sâu- Ảnh TL.
Chạm đất Hà Giang, đã nghe hơi thở của đá.
Hơi thở của đá không hẳn dội ra từ những vách đá, thung sâu hay trên những cung đường đèo dốc hiểm trở mà phả ra trong câu chuyện của người dân nơi đây khi kể về cuộc sống của họ.
Người đàn ông dân tộc Nùng chúng tôi gặp có tên là Vương Quốc Dương (sinh năm 1986). Quê anh Dương ở Quản Bạ, cách TP. Hà Giang gần 40 km. Hằng ngày, anh dậy từ 4 giờ sáng, mang nhiều thứ rau ở vùng quê mình như tầm bóp, ngũ gia bì và bắp cải về thành phố, bày bán trên một con phố nhỏ. 12 giờ trưa anh lại quay về nhà. Đều đặn như vậy, ngày nắng cũng như mưa, anh chăm chỉ mưu sinh để nuôi vợ và 4 người con.
Những thứ rau anh bán, loại thì hái từ rừng, loại thì trồng ở vườn nhà. “Quê tôi không có nhiều đất để canh tác. Bốn bề bao quanh là đá. Mỗi vụ nhà tôi chỉ trồng được 1,5 kg lúa giống và vài cân ngô. Chỗ nào có đất là chỗ đó gieo hạt. Vườn xen giữa đá, đá chen trong vườn nhà”, anh Dương chia sẻ.
Với 1,5 kg lúa giống, năm nào mùa màng thuận lợi cũng chỉ đủ gạo ăn trong một mùa cho cả gia đình 8 người. Cũng như nhiều người dân khác ở bản, nhà anh phải trồng thêm ngô. Mà mỗi vụ, để trồng được số thóc giống, ngô giống ít ỏi đó cũng là một vấn đề. Muốn canh tác đúng mùa vụ, vợ chồng anh phải gùi đất đổ vào những hốc đá. Hốc to thì đổ nhiều, hốc nhỏ thì ít hơn. Đá xếp ở vòng ngoài che chắn, khi mưa xuống không bị rửa trôi, xói mòn. Do nguồn đất khan hiếm nên người dân quê anh áp dụng phương pháp xen canh trong việc gieo trồng. Bên cạnh việc trồng ngô và tam giác mạch, nhiều nhà còn trồng một số loại cây trên nương thổ canh hốc đá như đậu tương, đậu Hà Lan...
Anh Vương Quốc Dương bán rau tại một góc phố nhỏ của TP. Hà Giang -Ảnh: M.T
Để mưu sinh, anh Dương hái thêm các loại rau rừng mang về thành phố bán. Người đàn ông dân tộc Nùng này say sưa giới thiệu cho khách các loại rau mà theo lời anh, chỉ sống ở vùng đất quê mình như tầm bóp hay ngũ gia bì (loại rau vừa chế biến thành món ăn, vừa sử dụng để làm thuốc). “Để hái rau, tôi phải vào rừng. Đi cả chiều chỉ hái được vài bó rau mỗi loại nhưng được cái bán rất nhanh. Cùng với một số loại rau trong vườn, mỗi buổi sáng tôi cũng bán được 300 - 400 ngàn đồng”, anh Dương thật thà.
Trong lời kể của anh, Quản Bạ hiện lên trong mắt chúng tôi là một huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, nơi cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vùng đất quê anh có 22 dân tộc cùng sinh sống nhưng người Mông chiếm đa số. Nhưng cũng trong lời kể đó, một Quản Bạ - huyện cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn - lại hiện lên với bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là Núi Đôi Quản Bạ, Hang Khố Mỷ, Hang Lùng Khúy, Cổng trời Quản Bạ và sự đa dạng về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Một cửa hàng bán thổ cẩm tại Khu Dinh thự vua Mèo, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang -Ảnh: M.T
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, trải rộng trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Nơi đây, diện tích đá chiếm tới hơn 80%, ít sông suối nên người dân thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và đất canh tác. Nhưng vùng cao nguyên đá này lại là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
“Thiên đường xám” mà chúng tôi ấn tượng nhất chính là địa hình bãi đá Mặt trăng Sà Phìn. Gọi là bãi nhưng thực chất đây là một vùng đất bao la được bao quanh bởi đá. Đứng ở độ cao 1.300 - 1.500 m, phóng tầm mắt nhìn ra 4 bề, con người thấy mình trở nên nhỏ bé trước công trình kỳ vĩ của thiên nhiên.
Dù bao quanh bởi đá nhưng cuộc sống nơi đây vẫn đầy thanh âm và màu sắc. Tự đá đã không hề đơn điệu bởi chúng vẽ nên mọi hình thù, từ vách đá tai mèo nhọn hoắt đến những chóp đá hình nụ hoa, hình con vật... để cho khách mặc sức tưởng tượng. Xen kẽ giữa những khóm đá xám xịt, thỉnh thoảng những mầm xanh vươn lên, thả một điểm nhấn để làm cho khung cảnh mềm mại hơn. Rực rỡ nhất vẫn là hoa văn trên chiếc áo thổ cẩm của những người phụ nữ người Mông bán hàng bên đường.
Bà Già Thị Vừ, năm nay gần 60 tuổi kể với du khách rằng mình bán ở đây từ lâu lắm rồi, không nhớ chính xác thời gian bắt đầu. Bà chỉ biết mỗi ngày trung bình mình kiếm được khoảng 200 ngàn đồng tiền lời từ quán nhỏ này, đủ để lo thức ăn cho gia đình. Đồ bán chỉ vài món đơn giản như khoai, ngô nướng, trứng luộc và một số loại bánh.
Quán nhỏ bên đường đến Đồng Văn của bà Già Thị Vừ chỉ bán vài món đơn giản như khoai, ngô nướng, trứng luộc và một số loại bánh - ảnh TL.
Ngoài bán hàng, những người phụ nữ này còn tất bật với công việc làm nương. Cũng như một số địa phương khác của huyện Đồng Văn, diện tích ở Sà Phìn chủ yếu là đá nên việc canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi tận dụng những hốc đất nhỏ giữa thung lũng đá để trồng ngô. Nhà tôi chỉ trồng được 2 cân ngô giống, thu hoạch chẳng được là bao. Tôi và các con phải ra chợ buôn bán mới có thêm cái ăn”, bà Vừ vừa kể, vừa thu dọn hàng.
Lúc này đã hơn 5 giờ chiều, mây phủ kín cả một không gian rộng lớn, điệp với màu đá khiến chiều như buông vội hơn. Những người phụ nữ dân tộc Mông vội vàng thu dọn đồ để về vì tầm này trở đi, khách du lịch đã thưa dần.
Dốc Thẩm Mã là một trong những cung đường đèo ấn tượng, cũng là điểm check in không thể thiếu đối với du khách khi đến Hà Giang -Ảnh: M.T
Đêm Đồng Văn, câu chuyện của cậu bé Hầu Mí Già khiến chúng tôi mỏi bước đi tìm món mèn mén. Hầu Mí Già năm nay vừa học xong lớp 11, Trường THPT Đồng Văn. Quê Già cũng ở xã Sà Phìn của huyện Đồng Văn nhưng cả hai anh em đều được ba mẹ cho về thị trấn trọ học. Buổi sáng đến trường, chiều học bài, tối Già tranh thủ đi làm thêm ở tiệm massage chân cho khách du lịch. Mỗi tháng trung bình Già được chủ quán trả cho 600 ngàn đồng từ công việc làm thêm này. Tằn tiện chi tiêu, Già còn gửi được tiền cho bố mẹ ở quê vì cuộc sống của gia đình còn vất vả.
Cũng như bao gia đình khác ở quê, nhà Già chỉ trồng được ngô. Món mèn mén được làm từ ngô đã trở thành một phần ký ức của cậu bé người dân tộc Mông này. Vốn tiếng Kinh không quá phong phú để Hầu Mí Già giải thích về cách chế biến món ăn này cho khách cũng như sự hấp dẫn của nó đối với cậu bé.
Nhưng từ “thèm lắm, ngon lắm” được Già lặp đi lặp lại khi nói chuyện cũng đủ cho thấy hương vị của món mèn mén này đã quyện trong nỗi nhớ nhà, nhớ bản và cả trong trí nhớ của cậu bé. Sự nhớ đó, được Hầu Mí Già giải thích thêm rằng, “đợt ghé nhà tuần trước cháu chưa được ăn mèn mén”. Tiếc rằng hôm ở Đồng Văn, chúng tôi tìm mãi vẫn không có hàng mèn mén nào để thưởng thức.
Lên với cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi người sẽ có một cách cảm nhận và khám phá khác nhau. Nhưng có lẽ, điểm chung mà ai cũng thấy đó là dù điều kiện sống, điều kiện canh tác khó khăn, người dân nơi đây vẫn kiên cường bám đất, bám đá. Vì thế, trong những hốc đá, hoa vẫn nở, hạt vẫn cứ nảy mầm thành cây xanh vươn lên, phủ lấy những nhọc nhằn của bao đời dân để làm nên những sắc màu đặc trưng cho vùng cao nguyên đá.
Nhiều khách du lịch chúng tôi gặp đều chia sẻ rằng đã từng đến Hà Giang nhiều lần trước đó. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của vùng đất nơi cực Bắc của Tổ quốc này, một vùng đất không bao giờ cũ đối với những người đam mê khám phá. Vậy nên, dù có đến Hà Giang vào mùa nào trong năm thì nơi đây vẫn luôn chào đón bạn bằng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Phan Hoài Hương
QTO - Trong một lần được trò chuyện với ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, người viết rất thú vị khi ông Thịnh ví vùng đất cực nam của tỉnh...
QTO - Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII do Tạp chí Thanh niên phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội...
QTO - Trong chiến tranh gian khổ và ác liệt, từ lòng địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch cũ), nay thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã có 17...
QTO - Từng nhiều lần đối diện với cái chết, anh Lê Văn Tuấn (sinh năm 1985), trú tại Khu phố 3, phường Đông Giang, TP. Đông Hà luôn trân quý từng ngày đang...
QTO - Là gương mặt diễn viên quen thuộc khi xuất hiện trong nhiều sản phẩm trên Youtube, các tiểu phẩm và chương trình truyền hình ăn khách, Nguyễn Hà...
QTO - Ngày 19/5/1959, đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường chiến lược để...
QTO - Đối với Nguyễn Như Hải Hòa, giấc mơ không đơn thuần chỉ hiện diện trong những đêm nồng yên ả. Nó chính là thứ mà đã, đang và sẽ không cho phép Hải...
QTO - Mới bước sang tháng 5, nắng nóng khốc liệt đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân vì thế ngày một...
QTO - Từ Hàn Quốc, một nhóm tình nguyện viên gồm 9 bạn trẻ đã đến Quảng Trị để cắt tóc, làm đẹp cho các phụ huynh, trẻ em khuyết tật. Tuy giản dị nhưng...
QTO - Chiến tranh ngày càng ác liệt trên chiến trường Quảng Trị nên thời gian bên nhau của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Kiệm với người vợ mới cưới không được...
QTO - Hơn ba mươi năm trước tôi và những người bạn lần đầu về Cửa Việt. Hồi đó tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có người như tôi, có người đã đi làm...
QTO - 49 mùa xuân trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tiếp nối mạch nguồn...