Từ Ô Lâu ta ra đến Nhị Hồ*
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chuyển cho tôi đọc bài báo của anh mới đăng trên Tạp chí Cộng sản với tựa đề: “Tiếp tục tạo bước tiến mạnh mẽ, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển hiệu quả kinh tế biển ở tỉnh Quảng Trị” với những quan điểm nhất quán trong chủ trương đầu tư phát triển, khẳng định tầm nhìn của tỉnh Quảng Trị về khai thác nguồn lực dồi dào từ biển không riêng gì thủy, hải sản mà quyết tâm xây dựng một tổ hợp kinh tế đa ngành nghề, đa lĩnh vực…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ và bấm nút khởi công dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: TIẾN NHẤT
Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế biển thì hạ tầng giao thông chính là nhân tố hàng đầu, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông. Với một số dự án giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ được quy hoạch và từng bước triển khai, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực.
Trong đó phải kể đến tuyến đường ven biển Quảng Trị nối Hải Lăng với Vĩnh Linh từ lâu được xác định là động lực cho sự phát triển. Đến nay, tuyến đường này đã đầu tư xây dựng 23,5 km, có điểm đầu phía Nam cầu Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng.
Riêng đoạn còn lại từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình có chiều dài khoảng 56 km với tổng mức đầu tư 2.970 tỉ đồng đã được phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Tháng 4/2022, tỉnh Quảng Trị khởi công dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 có tổng chiều dài 55 km, đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà với tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.643 tỉ đồng và ngân sách tỉnh hơn 416,3 tỉ đồng.
Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường ven biển mở ra không gian lớn để phát triển trục đô thị ven biển, phát triển và mở rộng TP. Đông Hà về phía Đông; tăng năng lực vận chuyển, khả năng kết nối bên ngoài nhằm phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Trong nghề báo của mình, tôi đã không ít lần trèo đèo lội suối tới những vùng đất xa xôi nơi miền Tây Quảng Trị. Lại có những ngày lang thang dọc theo miền chân sóng từ Ô Lâu ra đến Nhị Hồ, khám phá luồng lạch nông sâu nơi Cửa Việt, Cửa Tùng hay những bãi ngang cuộn sóng đưa tàu thuyền ngư dân vào lộng, ra khơi. Có đi, mới thấy “đất quê ta mênh mông”, giàu tiềm năng và căng tràn sức sống. |
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình còn góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, đảo. Bởi dọc theo tuyến đường này có các bãi tắm nổi tiếng như Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Vĩnh Thái. Trong những năm gần đây, du lịch biển, đảo ở Quảng Trị thu hút được nhiều du khách và nhà đầu tư, nhất là tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ.
Vì vậy, T&T Group đang triển khai dự án Khu Dịch vụ - Du lịch Gio Hải tại huyện Gio Linh với quy mô 21 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỉ đồng, gồm các hạng mục như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, resort ven biển cùng với nhiều dự án về du lịch nghỉ dưỡng đã và đang triển khai ở các khu du lịch Gio Hải, Cửa Việt, Cửa Tùng…
Trong định hướng quy hoạch xây dựng khu vực biển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm. Theo đó, khu vực phía Bắc gồm các xã ven biển huyện Vĩnh Linh và phía Bắc huyện Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa. Khu vực phía Nam huyện Hải Lăng, hạt nhân là xã Hải An và Hải Dương thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Cần phải khẳng định rằng, trong nỗ lực đầu tư xây dựng để hình thành hành lang kinh tế biển thì mô hình đô thị ven biển Cửa Việt và Cửa Tùng được xem là thành công của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển đô thị ven biển và hướng về biển, góp phần phát triển kinh tế biển và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia vùng ven biển và biển, đảo.
Một khi kinh tế biển ở các đô thị đang trở thành động lực quan trọng, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện đáng kể. Tỉnh Quảng Trị đang từng bước hiện thực hóa quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T kiểm tra thực địa dự án Cảng hàng không Quảng Trị - Ảnh: MINH DỰ
Trên cơ sở quy hoạch không gian khu vực ven biển, tỉnh Quảng Trị đầu tư dự án Đường giao thông ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây là hình thành hành lang kinh tế ven biển nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa các đô thị Cửa Tùng, đô thị trung tâm Cửa Việt, đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị kết nối với TP. Đông Hà, hành lang kinh tế Quốc lộ 1, hành lang kinh tế Đường 9 - xuyên Á đến các trung tâm đô thị và các trung tâm dịch vụ - du lịch miền Trung.
Sự kết nối liên hoàn các tuyến đường trục ngang ven biển và trục dọc nối với Quốc lộ 9 trên Hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Trị giao lưu, hợp tác với các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và mở lối ra Thái Bình Dương bằng đường biển.
Nhưng trước hết là kết nối những vùng đất thân thuộc của quê hương đã đi vào âm nhạc (Từ Ô Lâu ta ra đến Nhị Hồ) lay thức bao trái tim con dân Quảng Trị trong sự cảm khái đầy tự hào về sự rộng dài, trù phú của xứ sở mà dự cảm về một tương lai tươi sáng, mạnh giàu.
.......
*Lời bài hát “Quảng Trị yêu thương” của nhạc sĩ Trần Hoàn
Hồ Nguyên Kha