{title}
{publish}
{head}
Vào ngày 2/1/2024, trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, tại công trình đầu mối hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ “mở nước” phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt dân sinh. Đối với những người làm công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, lễ “mở nước” được tổ chức đầu năm 2024 để đánh dấu sự khởi động của một vụ tưới mới cho một vụ mùa mới với nhiều hy vọng nhưng cũng trĩu nặng những lo toan, trăn trở.
Hệ thống kênh mương hoàn chỉnh góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển -Ảnh: Đ.T
Nỗ lực lớn để phục vụ sản xuất, dân sinh
Từ sau ngày tỉnh Quảng Trị giải phóng (tháng 5/1972), thủy lợi được xác định là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống Nhân dân ở vùng “đất khát” nên ở lĩnh vực này đã được Nhà nước quan tâm đầu tư với nguồn vốn rất lớn, góp phần hình thành mạng lưới tưới tiêu rộng khắp, khá hoàn chỉnh.
Đến nay, sau gần nửa thế kỷ đưa vào sử dụng, các công trình thủy lợi được xây dựng ban đầu cùng với các công trình được bổ sung sau này vẫn cơ bản phát huy hiệu quả, đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Để phục vụ cho sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động hoàn thiện hệ thống thủy lợi để chủ động tưới tiêu trên 85% diện tích gieo cấy lúa 2 vụ của tỉnh. Nhờ vậy, năm 2023, năng suất lúa toàn tỉnh đạt trên 60 tạ/ha.
Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30 vạn tấn. Có thể khẳng định cho đến nay, thủy lợi vẫn là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng cây lúa, góp phần củng cố vững chắc “bệ đỡ của nền kinh tế” là lĩnh vực nông nghiệp thêm vững vàng, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thủy lợi còn góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc, đời sống của nông dân được cải thiện và nâng cao, môi trường ngày càng thanh sạch...
Là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích với nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đã xác định rõ “sứ mệnh” của mình đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh và luôn tận tâm phục vụ, được bà con nông dân trong tỉnh ghi nhận.
Hiện công ty phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của 8/10 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích tưới hơn 32.700 ha/năm, ngăn mặn, tiêu nước cho 13.000 ha/năm. Ngoài ra, công ty còn có nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt và phục vụ dân sinh.
Các công trình do công ty quản lý gồm 16 hồ chứa, 2 đập dâng, 29 trạm bơm có tổng công suất lắp máy 2.000 kW, 9 công trình cống, đập ngăn mặn (tháng 4/2022 được giao quản lý thêm đập ngăn mặn sông Hiếu) và trên 867 km kênh mương.
Trước tình hình diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, để đảm bảo công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất, hằng năm, ngay từ đầu vụ đông xuân, công ty đã chủ động lập phương án chống hạn cho các hệ thống; đưa ra các giải pháp tưới hỗ trợ; có kế hoạch giản lịch tưới để tiết kiệm nước với mục tiêu dự trữ nước các hồ đủ tưới cho vụ hè thu.
Vận động các hợp tác xã be bờ giữ nước tại ruộng ngay từ đầu vụ để gieo cấy, hạn chế sử dụng nước hồ. Lập kế hoạch tưới cụ thể cho từng hồ đập, phấn đấu đáp ứng nhu cầu tưới cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Nhờ chủ động được nguồn nước, việc cơ giới hóa trên đồng ruộng diễn ra thuận lợi -Ảnh: Đ.T
Theo Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh phê duyệt diện tích tưới, tiêu cấp nước để hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024, tổng diện tích tưới do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đảm trách là 32.772,40 ha (vụ đông xuân 16.777,40 ha, vụ hè thu 16.337,60 ha), trong đó cây lúa là 32.048,40 ha (hai vụ), còn lại là tưới cho rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản.
Từ ngày 24/12/2023, để chuẩn bị cho công tác vận hành công trình mở nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt, dân sinh trên địa bàn, công ty đã cùng các đơn vị liên quan phát động đợt ra quân làm thủy lợi, tổ chức phát quang, nạo vét kênh mương, duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị trạm bơm, các cống điều tiết, vận hành. Đến thời điểm hiện tại, các hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo thông thoáng, mở nước thuận lợi phục vụ sản xuất, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, dân sinh trên địa bàn, đáp ứng theo kế hoạch đề ra.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Trường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết, với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao, toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc lâu nay ở công ty chưa được quan tâm giải quyết đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngổn ngang trăm mối...
Theo ông Lê Văn Trường, những năm qua, trong quá trình hoạt động, ở công ty đã xuất hiện nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc chưa được tỉnh và các ngành liên quan quan tâm tháo gỡ.
Trước hết, về công tác quản lý công trình, mặc dù công ty đã tập trung thực hiện các nội dung về an toàn đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên hiện nay còn 6 nội dung cần phải có kinh phí mới thực hiện được, đó là: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và PTNT; lắp đặt hoàn thiện thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; kiểm định an toàn đập; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; bản đồ ngập lụt...
Đáng quan tâm là đến nay, hầu hết các công trình do công ty quản lý chưa được kiểm định an toàn đập. Việc đánh giá an toàn công trình trước mùa mưa lũ hằng năm chủ yếu dựa theo kinh nghiệm quản lý. Những rủi ro về sự cố tiềm ẩn trong công trình đến nay chưa được đánh giá một cách khoa học. Chính vì vậy, việc quản lý an toàn công trình, đặc biệt trong mùa mưa lũ đang đặt ra một thách thức lớn đối với công ty.
Về công tác xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình, những năm qua công ty thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra công trình, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình, không để xảy ra tình trạng vi phạm mới nảy sinh. Tuy nhiên đến nay vẫn còn tồn đọng khá nhiều vụ việc vi phạm công trình đã xảy ra trước đây, các xí nghiệp đã quan tâm xử lý nhưng kết quả chưa triệt để.
Công tác bảo trì công trình những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí cân đối cho khoản này không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, việc thực hiện sửa chữa thường xuyên chỉ dừng lại ở mức nạo vét, phát quang, phát cỏ kênh mương và bảo dưỡng máy móc, thiết bị các trạm bơm ở mức tối thiểu để phục vụ tưới.
Đặc biệt trong năm 2023, do thiếu nguồn kinh phí, chỉ cân đối được 300 triệu đồng nên không có điều kiện để tổ chức thực hiện. Thực trạng đó khiến cho nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng không được duy tu, bảo dưỡng nên đã ảnh hưởng đến quá trình cấp nước phục vụ sản xuất.
Về phân cấp quản lý công trình, nhiều tuyến kênh có diện tích phụ trách dưới 200 ha và đi qua nhiều địa phương. Nhưng hiện nay các địa phương chưa thành lập được “tổ thủy lợi cơ sở” nên đối với các tuyến kênh này đến nay chưa bàn giao được cho địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi cần phải thực hiện một số quy định của pháp luật liên quan như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước; lập phương án bảo vệ môi trường; xây dựng khu lưu giữ, thực hiện quản lý chất thải... hiện vẫn chưa có kinh phí để thực hiện.
Trong công tác phòng, chống thiên tai, hiện tại các hồ đập do công ty quản lý chưa được trang bị, lắp đặt các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng như đo mực nước, lượng mưa... Việc thực hiện chủ yếu bằng thủ công nên công tác cập nhật số liệu mức độ chính xác không cao đã ảnh hưởng đến công tác dự báo điều tiết lũ.
Trong chống hạn, mặc dù công ty đã chủ động lập phương án ngay từ đầu vụ nhưng do chưa có quy định, định mức hỗ trợ cụ thể để tổ chức thực hiện nên gặp nhiều lúng túng. Hiện nay, một số thiết bị cơ khí thuộc các công trình đầu mối như cửa cống điều tiết, tràn xả lũ đã sử dụng hơn 20 năm, đã bị rỉ sét, hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn cho công trình và khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Trong công tác quản lý kinh tế, hiện nguồn thu thủy lợi phí mất cân đối, thu không đủ chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị. Do biến động về tiền lương và tiền điện tăng nên doanh thu của công ty không thể trang trải được các khoản chi phí. Trong khi đó, ngân sách tỉnh khó khăn nên không có kinh phí để hỗ trợ đảm bảo hoạt động ổn định cho đơn vị.
Năm 2023, do nguồn thu không đủ nên các khoản tiền phụ cấp ca 3 vận hành điều tiết bị cắt giảm; chi phí trực lễ, Tết không có; chi phí tiền điện chỉ cân đối được 0,4/2,7 tỉ đồng; các khoản kinh phí trích khấu hao tài sản và chi phí khác liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi không được cân đối đủ.
Mặt khác, công ty được giao tiếp nhận quản lý thêm công trình đập ngăn mặn sông Hiếu nhưng diện tích phục vụ tưới của đơn vị không tăng thêm nên không tăng nguồn thu. Việc hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng phúc lợi chỉ được 30% theo kế hoạch được duyệt (2021, 2022) do nguồn ngân sách tỉnh khó khăn nên các khoản tiền lương, tiền thưởng không đảm bảo được quyền lợi cho người lao động...
Những “điểm nghẽn” cần được “khơi thông”
Chúng tôi hỏi ông Lê Văn Trường: “Để “khơi thông” những “điểm nghẽn” ông vừa nêu, đâu là giải pháp đầu tiên?”, ông Trường đáp: “Trong điều kiện công ty đang gặp khó khăn về kinh tế, chúng tôi kính đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để công ty triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung đảm bảo an toàn công trình theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó hiện nay, công ty đã được bàn giao, tiếp nhận, quản lý, vận hành một số công trình như hồ Triệu Thượng 1,2, đập ngăn mặn sông Hiếu, các công trình thuộc dự án WB7, WB8... nhưng vẫn chưa được giao tài sản để xác định chi phí bảo trì hằng năm. Công ty kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị chủ đầu tư sớm bàn giao tài sản để công ty có cơ sở quản lý theo đúng quy định.
Đối với công tác duy tu sửa chữa, theo Quyết định số 3965/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thì chi phí duy tu, sửa chữa công trình được tính theo tỉ lệ phần trăm nguyên giá tài sản cố định, tương ứng khoảng 5,65 tỉ đồng.
Do vậy, hằng năm công ty đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung kinh phí để thực hiện công tác duy tu sửa chữa công trình, phát huy hiệu quả tưới tiêu. Riêng đối với năm 2023, chi phí sửa chữa thường xuyên chỉ cân đối theo kế hoạch thẩm định là 0,3/3,5 tỉ đồng nên công ty không có cơ sở để triển khai thực hiện. Nhằm giảm thiểu tối đa hư hỏng công trình về lâu dài, công ty đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT có ý kiến chỉ đạo giải pháp thực hiện để công ty có cơ sở triển khai đảm bảo đúng quy trình bảo trì công trình.
Đào Tâm Thanh
QTO - Nhiều vùng đất bời bời cát trắng từng được mệnh danh là “miền đất chết” ở huyện Hải Lăng nay đã biến thành những vùng trồng hoa màu xanh mướt mắt....
QTO - Năm 2024, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh,...
QTO - Ông NGUYỄN TRƯỜNG KHOA, Giám đốc Sở Công thương trả lời phỏng vấn
QTO - Hiện nay, các quy trình, thủ tục để triển khai Dự án xây dựng hệ thống băng chuyền vận tải than đá từ Lào về Việt Nam qua CKQT La Lay đang được gấp...
QTO - Thời gian qua, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tích cực triển khai có hiệu quả cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng...
QTO - Ngay từ ngày mồng 3 tết Nguyên đán, khi không khí xuân vẫn đang còn tràn ngập ở khắp mọi nơi thì nhiều nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã...
QTO - Dịp Tết cổ truyền năm nay, người lao động tại các doanh nghiệp được nghỉ 7 ngày theo quy định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất vẫn triển khai...
QTO - Quảng Trị là cửa ngõ quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối các nước ASEAN thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng bằng...
QTO - Sinh ra và lớn lên bên những lu mắm của mẹ, rồi lẽo đẽo theo mẹ đi lựa cá, muối cá nên hương vị mặn mòi được chắt lọc từ sản phẩm của biển cả ngấm...
QTO - Bà con các xã Xà Bang, Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón tôi trước cổng trụ sở Nông trường Cao su Xà Bang với nụ cười rám nắng, vòng ôm...
QTO - Vùng núi phía Tây ở tỉnh Quảng Trị đang trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung. Điện gió không chỉ là năng lượng sạch mà còn tạo ra...
QTO - Người Việt Nam quá quen với hình ảnh những ngôi chợ. Ngày xưa khi chưa có siêu thị thì ngôi chợ quê, chợ làng là điểm giao thương duy nhất của bà con...