Cập nhật:  GMT+7

Khủng hoảng nhân đạo đến gần khi Gaza thiếu viện trợ trầm trọng

Tình trạng thiếu lương thực và dịch vụ thiết yếu tại Gaza đang trở nên nghiêm trọng. Trong khi các phương án viện trợ còn vướng nhiều tranh cãi, lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ngày càng gia tăng.

Tình trạng thiếu lương thực ngày càng nghiêm trọng

Cuộc xung đột tại Gaza vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau hơn 19 tháng. Trong bối cảnh đó, một số quan chức quốc phòng Israel bày tỏ lo ngại về khả năng thiếu hụt lương thực trên diện rộng nếu các hoạt động viện trợ nhân đạo không được nối lại trong thời gian tới. Dù trước đây phía Israel từng khẳng định các biện pháp kiểm soát không ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống của người dân Gaza, các báo cáo nội bộ gần đây lại phản ánh một thực trạng khác.

Theo ba quan chức quốc phòng Israel am hiểu tình hình, các sĩ quan phụ trách theo dõi khía cạnh nhân đạo tại Gaza đã báo cáo tình trạng thiếu lương thực đang ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo cho biết, nếu không có các biện pháp khẩn cấp nhằm khôi phục hoạt động phân phối viện trợ, nhiều khu vực có thể không còn đủ thực phẩm để đáp ứng mức dinh dưỡng tối thiểu. Việc tái thiết hệ thống cứu trợ cần thời gian, do đó, các bước đi cụ thể cần được triển khai ngay từ bây giờ để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.

Khủng hoảng nhân đạo đến gần khi Gaza thiếu viện trợ trầm trọng

Người dân ở Gaza, đặc biệt là trẻ em hiện đang phải đối mặt với nạn đói cùng cực - ảnh: LHQ

Những đánh giá thực tế từ một số đơn vị trong cơ quan an ninh Israel đang làm dấy lên câu hỏi về sự khác biệt giữa các tuyên bố công khai và tình hình trên thực địa. Trong khi chính phủ Israel tiếp tục chiến dịch quân sự với mục tiêu loại bỏ các mối đe dọa an ninh và giải cứu con tin, tác động đối với dân thường tại Gaza đang trở nên ngày càng đáng lo ngại.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát nạn đói

Không chỉ đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng, hệ thống y tế và hạ tầng thiết yếu tại Gaza cũng đang đứng trước nguy cơ tê liệt. Nhiều tiệm bánh, bếp ăn từ thiện và kho lương thực đã phải ngừng hoạt động. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc thông báo kho dự trữ hiện tại đã cạn kiệt. Trong khi đó, một sáng kiến giám sát an ninh lương thực do Liên hợp quốc hỗ trợ - Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) - cảnh báo nguy cơ bùng phát nạn đói có thể xảy ra trong thời gian rất gần.

Tuy nhiên, quân đội và Bộ Quốc phòng Israel từ chối bình luận về các báo cáo nội bộ liên quan đến nguy cơ nạn đói, chỉ cho biết đang “theo dõi chặt chẽ tình hình” và duy trì “liên lạc thường xuyên với các cơ quan liên quan”.

Phân tích của các sĩ quan quân đội Israel, dựa trên dữ liệu tương tự các tổ chức nhân đạo như số lượng xe cứu trợ, tình trạng kho dự trữ và phản hồi từ người dân Gaza, đã dẫn đến kết luận nếu không có thay đổi chính sách, khủng hoảng sẽ sớm vượt tầm kiểm soát.

Giới chức Israel thừa nhận các biện pháp phong tỏa nhằm gây sức ép buộc Hamas nhượng bộ, trong đó có việc thả con tin. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cuộc sống của dân thường trở nên khốn khó. Nhiều người chỉ ăn một bữa mỗi ngày, giá thực phẩm tăng đột biến. Theo nhân chứng, giá bột mì đã tăng gấp 60 lần trong hai tháng. Một cựu viên chức Liên hợp quốc cho biết ông sống nhờ đậu hộp hết hạn và đã giảm hơn 30 kg kể từ khi giao tranh nổ ra.

Tranh cãi về kế hoạch phân phối viện trợ

Israel đang xem xét kế hoạch phối hợp với Mỹ để triển khai các điểm phân phối viện trợ do tổ chức tư nhân đảm nhiệm, với quân đội bảo vệ vòng ngoài. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã phản đối, lo ngại việc giảm số điểm phân phối từ khoảng 400 xuống chỉ còn vài trung tâm sẽ buộc người dân di chuyển xa hơn qua các khu vực nhạy cảm, làm gia tăng nguy cơ bị kiểm tra và thẩm vấn.

Một số quan chức Israel thừa nhận kế hoạch phân phối viện trợ mới có thể hỗ trợ việc di dời dân thường khỏi khu vực phía bắc Gaza, với mục tiêu tách người dân khỏi vùng giao tranh. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng di dời cưỡng ép.

Theo các chuyên gia luật quốc tế, việc phong tỏa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho dân thường, đặc biệt khi thiếu lương thực, có thể vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Một chuyên gia từ Đại học Oxford cho rằng nếu phong tỏa nhằm đạt mục tiêu chính trị hoặc quân sự, hành động này có thể bị xem xét dưới góc độ tội ác chiến tranh.

An Thái


An Thái

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long