Cập nhật:  GMT+7

Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, thầy giáo Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976) luôn đau đáu trước thực tế ngôn ngữ dân tộc mình là tiếng Bru - Vân Kiều có nguy cơ mai một dần. Vì thế, thầy đã miệt mài học tập, nghiên cứu và biên soạn nhiều tài liệu quý về ngôn ngữ này. Ngoài ra, thầy Tuyến còn tận tâm giảng dạy tiếng Bru - Vân Kiều cho thế hệ tương lai với tâm niệm góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình.

Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều

Thế hệ trẻ dân tộc thiểu số cảm thấy gần gũi, yêu quý ngôn ngữ Bru - Vân Kiều qua những bài hát, bản nhạc do thầy Tuyến sáng tác -Ảnh: NGUYỄN TRANG

Hơn 20 năm nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc

Năm 1990, thầy Tuyến bắt đầu theo học tại Trường Thanh niên dân tộc tỉnh Quảng Trị. Tại đây, thầy được thầy Hồ Chư - nguyên phó hiệu trưởng nhà trường - một người tâm huyết và có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều trực tiếp truyền dạy.

Từ đó thầy Tuyến càng ý thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc mình, đặc biệt là chữ viết. Suốt thời gian học phổ thông và đại học sư phạm, thầy tự tìm hiểu thêm về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều. Thầy Tuyến cho hay: “Dân tộc Bru - Vân Kiều có tiếng nói, chữ viết riêng, ngôn ngữ Bru - Vân Kiều thuộc nhóm Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Nhưng ngay cả ở Quảng Trị, tỉnh có số lượng người dân tộc Bru - Vân Kiều định cư chiếm đến khoảng 70% người dân tộc Bru - Vân Kiều của cả nước, thì việc tiếp cận ngôn ngữ này cũng không hề đơn giản, tài liệu lưu trữ rất ít. Ngôn ngữ Bru - Vân Kiều đa âm, hơn nữa không ít từ gốc bị mất đi nên phải vay mượn ngôn ngữ khác thay thế. Người Bru - Vân Kiều đa phần chỉ nói được tiếng bản địa thông qua con đường truyền miệng.

Nhưng trong giao tiếp hằng ngày, mỗi câu nói đều chỉ còn chưa đến 50% từ gốc. Riêng chữ viết Bru - Vân Kiều lại ra đời rất muộn và chưa được phổ biến rộng rãi trong chính tộc người Bru - Vân Kiều. Hầu như người dân không viết được chữ dân tộc, vì vậy việc truyền giữ ngôn ngữ này gặp khó khăn”.

Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều

Thầy Hồ Quang Tuyến dành thời gian sưu tập, nghiên cứu về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều -Ảnh: NGUYỄN TRANG

Từ những trăn trở đó, thầy Tuyến càng dày công học tập, nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc thông qua mọi nguồn tư liệu; hội thảo, chuyên đề. Ngoài ra, thầy trực tiếp tìm đến một số xã miền núi trong tỉnh và tỉnh Quảng Bình, gặp gỡ già làng, bậc cao niên biết chữ Bru - Vân Kiều để sưu tập, thu thập kiến thức về bộ chữ cái, cấu trúc chữ viết. Miệt mài hơn 20 năm với nhiều tâm sức, thầy Tuyến đã nắm vững nguyên tắc về tiếng nói lẫn ngữ âm, từ vựng, kết cấu ngữ pháp trong hệ thống chữ viết Bru - Vân Kiều, kỹ năng về nói, viết, phiên âm, dịch thuật ngôn ngữ này.

Biên soạn, truyền dạy ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

Năm 2011, thầy Tuyến được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị điều động tham gia vào Hội đồng bộ môn tiếng Bru - Vân Kiều và bắt đầu trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ này. Thầy còn đảm nhận việc chỉnh sửa, biên soạn nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, như: tài liệu giảng dạy cho học sinh người Bru - Vân Kiều trong các trường; bồi dưỡng tiếng Bru - Vân Kiều dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì; tự học tiếng Bru -Vân Kiều do Bộ GD&ĐT chủ trì... Tất cả đều là nguồn tài liệu quý, phục vụ công tác dạy và học ngôn ngữ này ở trường học cũng như cộng đồng dân tộc Bru -Vân Kiều.

Khi thế hệ những người am hiểu sâu rộng về ngôn ngữ này mất đi, thầy Tuyến thuộc số ít người còn lại ở Quảng Trị biên soạn tài liệu, giảng dạy về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều.

Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều

Giá trị văn hóa của dân tộc Bru - Vân Kiều được giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ sau nhờ sự đóng góp của những người như thầy Hồ Quang Tuyến -Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ngoài dạy ngôn ngữ Bru - Vân Kiều cho người đồng bào dân tộc mình, thầy Tuyến còn tham gia giảng dạy gần 15 lớp học với trên 540 học viên thuộc các chi cục, sở, ban, ngành cấp tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh... Từ những lớp học mang tâm huyết của thầy Tuyến, học viên thuộc nhiều thế hệ là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh ở mọi lĩnh vực đã được đào tạo, trang bị ngôn ngữ, kiến thức cơ bản về dân tộc Bru - Vân Kiều, đáp ứng yêu cầu công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết: “Huyện Vĩnh Linh có 3 xã miền núi là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, chủ yếu đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống. Từ việc học tập ngôn ngữ này thông qua các lớp học của thầy Tuyến, đội ngũ công chức, viên chức của huyện thuận lợi hơn trong tiếp cận, làm việc với Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt khi Vĩnh Linh triển khai Đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, việc nắm cơ bản về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều đã giúp các đơn vị, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả những nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra”.

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc

Từ kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, thầy Tuyến có cơ hội đi sâu tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình với những nét đặc trưng trong thiết chế xã hội truyền thống; tôn giáo, tín ngưỡng; nhà ở; trang phục; ẩm thực; âm nhạc... Thầy tự chế tạo các loại đàn Bót “Plưaq”, Talư “Achúng”; sáng tác điệu hát giao duyên “Ta-ũaiq”.

Tại địa phương sinh sống và đơn vị công tác là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh, nơi có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều theo học, thầy Tuyến tích cực truyền dạy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình... Thầy cũng đang ấp ủ dự định giới thiệu văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều qua mạng xã hội nhằm tổng hợp, lưu giữ những nét đẹp văn hóa, giúp thế hệ sau hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, khơi dậy ý thức, tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc để tiếp tục gìn giữ.

Thầy Tuyến chia sẻ: “Văn hóa truyền thống như mạch nguồn âm thầm chảy trong cộng đồng, chỉ cần kịp thời và kiên trì khơi dậy bằng nhiều cách làm, phổ biến ở nhiều địa phương thì sẽ đạt kết quả.

Tôi mong muốn ngoài những chương trình, chính sách ưu tiên phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Bru - Vân Kiều nói riêng đã được áp dụng, các cấp, ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giữ gìn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều.

Cần có những giải pháp cả về trước mắt và lâu dài, như đào tạo bài bản đội ngũ giảng dạy, biên soạn; đưa vào giảng dạy ngôn ngữ này trong tất cả các trường học có con em dân tộc Bru - Vân Kiều...”.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Minh cho biết: “Với những cống hiến từ trí tuệ, nhiệt huyết của mình, mỗi cá nhân điển hình như thầy Hồ Quang Tuyến chính là hạt nhân truyền lửa, tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc thiểu số.

Thông qua những hoạt động, việc làm cụ thể, hiệu quả, nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được lưu giữ, phát huy giá trị, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Hiện tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó sẽ có thêm nhiều chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện nội dung, chương trình liên quan đến lưu truyền, phổ biến văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự chung tay của các nghệ nhân, đội ngũ cán bộ, trí thức và cộng đồng, giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ, song hành cùng sự phát triển của mỗi dân tộc và quê hương”.

Nguyễn Trang

Tin liên quan:
  • Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều
    Người thầy tâm huyết với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

    Quảng Trị là tỉnh có số lượng người dân tộc Bru - Vân Kiều định cư đông, chiếm khoảng 70% người dân tộc Bru - Vân Kiều của cả nước. Dân tộc Bru - Vân Kiều có tiếng nói, chữ viết riêng nhưng qua thời gian dần bị mai một. Trong số những người dành tâm sức học tập, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giảng dạy ngôn ngữ này có có thầy Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976), ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Thầy đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với di sản văn hóa phi vật ...

  • Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều
    Số hóa ngôn ngữ dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc

    Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của đất nước. Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán, quan tâm trong công tác chỉ đạo và thực hiện chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS. Trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật về giáo dục, văn hóa, miền núi và dân tộc đều khẳng định các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ tiếng nói, chữ viết của một số DTTS đang bị mai một, cần phải có thêm nhiều giải pháp để bảo tồn, lưu giữ, phát triển.


Nguyễn Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hành trình truyền lửa của cô giáo trẻ

Hành trình truyền lửa của cô giáo trẻ
2024-11-23 06:15:00

QTO - Từng vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê nhảy hiện đại, đến nay, Lê Thị Thùy Trinh (sinh năm 1999), ở Phường 5, TP. Đông Hà đã có khoảng thời...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long