Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các thành viên WHO sớm hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu ứng phó với đại dịch tương lai |
Một đại dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào
Giới chức là đại diện của 194 thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiến hành một vòng đàm phán bổ sung diễn ra từ ngày 29-4 đến 10-5 tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ). Đây được xem là một nỗ lực để các quốc gia cùng WHO tiếp tục “chạy đua với thời gian” nhằm tìm kiếm sự đồng thuận cho hiệp ước toàn cầu ứng phó với đại dịch.
Tại vòng đàm phán gần đây nhất kết thúc vào ngày 31-3 vừa qua, đại diện các quốc gia đã không thể nhất trí về nội dung của bản hiệp ước toàn cầu nhằm ứng phó với một đại dịch trong tương lai hiệu quả hơn để 194 thành viên của WHO thông qua tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới, dự kiến khai mạc vào ngày 27-5 tới. Do đó, các nước thành viên quyết định tổ chức vòng đàm phán bổ sung, từ ngày 29-4 đến 10-5 tới tại trụ sở của WHO ở Geneva, với mong muốn có thể kịp thống nhất nội dung của bản hiệp ước ứng phó với đại dịch trước thời thời điểm được xem là hạn chót vào cuối tháng này.
Trước đó, vào tháng 12-2021, sau 2 năm bùng phát và đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia đã bắt đầu tìm kiếm một khuôn khổ ràng buộc, nhằm ngăn chặn một thảm họa dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tương tự trong tương lai. Có thể nói, thế giới từng trải qua nhiều đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng chưa một đại dịch nào có mức độ lây lan và “tàn phá” ghê gớm như Covid-19, nhất là trong bối cảnh nền y học thế giới ngày nay đã phát triển hơn thời gian xảy ra những đại dịch trước đây rất nhiều.
Kể từ khi phát hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12-2019 đến khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng đại dịch trên toàn cầu vào tháng 5-2023, Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến gần 800 triệu người mắc bệnh và hơn 7 triệu người tử vong - con số tử vong vì một đại dịch truyền nhiễm lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu, gây thiệt hại vật chất hàng nghìn tỷ USD.
Bên cạnh mức độ nguy hiểm, nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, đại dịch này cũng bộc lộ những điểm yếu, lỗ hổng trong hệ thống y tế của các quốc gia cũng như nền y tế toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý nhất là hợp tác, chia sẻ thông tin, nguồn lực, trang thiết bị... để ứng phó với đại dịch do chưa có một hiệp ước toàn cầu để các quốc gia cũng như các tổ chức y tế thế giới có thể phối hợp, hợp tác với nhau một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Vào thời điểm các thành viên của WHO nhóm họp để bản thảo về một hiệp ước toàn cầu ứng phó với một đại dịch tương lai hồi tháng 12-2021, đa số các quốc gia trên thế giới đã cơ bản kiềm chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ sau đó 1, 2 tháng đã tiến hành mở cửa trở lại, khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là du lịch.
Dù Covid-19 hiện không còn là nỗi lo thường trực như trước, song WHO vẫn tiếp tục đánh giá dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn nguy hiểm trên toàn cầu. WHO cho rằng, khó có thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 trong “một sớm, một chiều”. Giới chuyên gia cũng chung quan điểm rằng, đây vẫn là một mối đe dọa do virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi trong khi khả năng miễn dịch từ vaccine đã suy giảm đáng kể. Điều này có thể tạo cơ hội để virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi trong tương lai gần.
Ngoài Covid-19, với biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề nảy sinh từ các cuộc xung đột quân sự khốc liệt hiện nay, một đại dịch khác có thể xuất hiện vào bất cứ một thời điểm nào trong tương lai. Vì thế, từ bài học vô cùng đau thương của đại dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế tê liệt và hàng triệu người tử vong, thế giới cần cấp bách đạt được thỏa thuận về một hiệp ước ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Cần thứ “vũ khí” ứng phó tốt hơn với đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới tìm kiếm khuôn khổ cam kết ràng buộc nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự khác trong tương lai. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 năm đàm phán, đến nay vẫn tồn tại những khác biệt về các nội dung trong hiệp ước toàn cầu ứng phó với đại dịch.
Các bất đồng chính xoay quanh khả năng tiếp cận và công bằng, như khả năng tiếp cận mầm bệnh được phát hiện ở các quốc gia; tiếp cận các sản phẩm chống dịch như vaccine; và phân phối công bằng không chỉ các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine chống dịch mà còn cả phương tiện để sản xuất chúng. Bên cạnh đó, dự thảo thỏa thuận mới còn tập trung vào việc thiết lập khuôn khổ cơ bản và đưa một số nội dung cụ thể hơn vào cuộc đàm phán tiếp theo trong năm 2026, đặc biệt là về cách Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh (PABS) của WHO hoạt động trên thực tế.
Bà Jaume Vidal, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Health Action International, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến những bất đồng, không rõ đó có phải là điểm sụp đổ hay là ánh sáng cuối con đường. Tôi cho rằng, tình hình hiện nay cần những hành động cụ thể”. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3-5 vừa qua đã hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.
Người đứng đầu tổ chức y tế lớn nhất thế giới kêu gọi: “Hãy đem đến cho người dân thế giới, người dân đất nước của bạn, những người bạn đại diện, một tương lai an toàn hơn”. Theo đó, Tổng Giám đốc WHO khuyến khích các nước chưa hoàn toàn nhất trí với dự thảo thỏa thuận hãy “hạn chế cản trở sự đồng thuận” giữa 194 nước thành viên của WHO.
Tới vòng đàm phán bổ sung đang diễn ra tại trụ sở WHO, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra lúc này là thời hạn chót đang cận kề nên giới quan sát cho rằng, các nước cần nỗ lực hơn nữa để tìm được tiếng nói chung, giúp thế giới được trang bị tốt hơn để ứng phó hoặc ngăn chặn hoàn toàn các thảm họa liên quan sức khỏe trong tương lai.
Một dự thảo hiệp ước toàn cầu ứng phó với đại dịch trong tương lai mới đã được đưa ra với các nội dung được điều chỉnh và xem xét tới quan điểm của các nước. Tuy nhiên, các nhóm thảo luận vẫn đang cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng.
Ông Roland Driece, nhà ngoại giao Hà Lan tham gia nhóm đàm phán cho biết, việc đàm phán đang diễn ra đúng như dự kiến. Hầu hết các quốc gia thành viên của WHO cùng thống nhất cho rằng, với văn bản dự thảo mới nhất, tất cả đang đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều cần phải giải quyết để đi tới thỏa thuận cuối cùng.
Mục tiêu của vòng trình đàm phán đang diễn ra là tới ngày 10-5 đạt được thỏa thuận về bản hiệp ước toàn cầu ứng phó với đại dịch trong tương lai để thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại hội đồng Y tế thế giới, dự kiến bắt đầu từ ngày 27-5. Hạn chót đã cận kề, đòi hỏi các quốc gia phải chạy đua với thời gian để cho ra đời một thỏa thuận - một thứ “vũ khí” giúp thế giới ứng phó tốt hơn nếu một đại dịch xảy ra trong tương lai.
Hoàng Tuấn