Cập nhật:  GMT+7

Đổi mới về chủ trương, chính sách, hướng đến sự phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bà HỒ THỊ LỆ HÀ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn

-Thưa bà! Đề nghị bà cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã dành sự ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển hiệu quả, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh như thế nào?

-Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một chương trình lớn, đem lại những tác động mạnh mẽ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào thông qua 10 dự án thành phần. Đặc biệt, chương trình đã có những đổi mới về chủ trương, chính sách, hướng đến sự phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đổi mới về chủ trương, chính sách, hướng đến sự phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa huyện Đakrông đã được xây dựng đồng bộ, thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội -Ảnh: Đ.T

Để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, các văn bản quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình. Đến nay, nguồn vốn phân bổ để thực hiện Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên cho các xã và các thôn đặc biệt khó khăn: Đến nay, đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 7 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình sửa chữa trạm y tế; 18 công trình trường, lớp học; 4 công trình thủy lợi nhỏ; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ; 4 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; duy tu, bảo dưỡng 67 công trình.

Về đầu tư hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất nước sinh hoạt cho người dân: Đến nay số lượng nhà ở đã hỗ trợ là 897 nhà hộ nghèo, hỗ trợ đất ở: 25 hộ, xây dựng 16 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 834 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.613 hộ.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch 6 dự án sắp xếp, ổn định dân cư với 426 hộ và hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép cho 6 xã. Để di dời người dân từ những địa bàn xung yếu, sạt lở đất về nơi an toàn tại các khu dân cư tập trung, đến nay đã lập các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư các công trình thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt ... Đã triển khai hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các hộ và nhóm cộng đồng để nâng cao thu nhập.

Đang thực hiện và xây dựng khoảng 106 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ sinh kế cộng đồng. Đầu tư xây dựng và hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú, Xây dựng hoàn thành 54 phòng ở công vụ cho giáo viên từ nguồn vốn thuộc Chương trình. Tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc với 85 học viên tham gia; thực hiện đào tạo nghề cho 967 người lao động.

Tập trung nguồn lực tôn tạo, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại 66 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng 15 tủ sách cộng đồng. Hỗ trợ 9 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận...

Đổi mới về chủ trương, chính sách, hướng đến sự phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trường Mầm non Húc, xã Húc, huyện Hướng Hóa đã được xây dựng khang trang -Ảnh: Đ.T

Mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng trong thực hiện Chương trình; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được chú trọng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Với quan điểm công tác dân tộc, miền núi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, miền núi thực hiện có hiệu quả, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gì, thưa bà?

-Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian tới là tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, nghị quyết đại hội đảng các cấp, trọng tâm là thực hiện đảm bảo về mục tiêu, hiệu quả bền vững của từng nội dung, dự án thành phần của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững theo tiêu chí cụ thể, trong đó ưu tiên cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới, xã bị ảnh hưởng về thiên tai nhiều nhất trong năm. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, tỉnh Quảng Trị chủ động liên kết, mời gọi sự ủng hộ từ các chương trình, dự án tài trợ các tổ chức quốc tế, trong nước; các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về cơ chế chính sách, phải nghiên cứu để thay đổi áp dụng một cách thông thoáng, thích ứng phù hợp đảm bảo cao nhất về vấn đề an sinh xã hội; giải quyết việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân.

Hai là, cụ thể hóa và tập trung triển khai các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; rà soát, đánh giá hiệu quả đồng thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các lĩnh vực ưu tiên:

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh; tạo sinh kế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch sinh hoạt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung các giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững trong vùng, giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm khoảng từ 2,5-3%; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với vùng đồng bằng, phấn đấu mức thu nhập bình quân tăng lên 1,5-2 lần so với giai đoạn hiện nay.

Phát triển và nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo. Nâng cao chất lượng tỉ lệ khám, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở. Chăm lo các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào.

Ba là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, kiện toàn củng cố tổ chức, bộ máy; phát triển nguồn nhân lực trong tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng một cách hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban hành chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, buôn lậu; chống các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mang họ Hồ của Bác và định kỳ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước. Thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phong trào ”Dân vận khéo” ở từng cộng đồng thôn, bản cụ thể. Phát huy cao nhất nguồn lực nội sinh đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

-Xin cảm ơn bà!

Đào Tâm Thanh (thực hiện)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đổi thay ở xã Thanh

Đổi thay ở xã Thanh
2024-05-15 05:20:00

QTO - Là một trong 11 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long