Cập nhật:  GMT+7

Tạo việc làm giúp ổn định, cải thiện cuộc sống cho người lao động

Nhờ kết quả tích cực từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, thời gian qua, nhiều lao động tại huyện Hướng Hóa đã có thêm điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Tạo việc làm giúp ổn định, cải thiện cuộc sống cho người lao động

Đàn trâu của gia đình anh Hồ Văn Nghinh ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa phát triển tốt -Ảnh: TÚ LINH

Anh Nguyễn Hữu Lực (sinh năm 1995), ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa là một trong những thanh niên đã khởi nghiệp nhờ vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Cách đây gần 2 tháng, anh Lực vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hướng Hóa để kinh doanh cá cảnh.

Cùng với số tiền tiết kiệm được, anh Lực đầu tư cửa hàng có quy mô đủ để chứa 50 bể cá cảnh với máy sục khí. Khi được hỏi vì sao chọn kinh doanh cá cảnh để khởi nghiệp mà không phải nghề khác, anh Lực cho biết: “Tìm hiểu thấy thời gian gần đây nhu cầu nuôi cá cảnh trên địa bàn khá lớn nên sau khi đã trang bị kiến thức cần thiết về lĩnh vực này, tôi quyết định khởi nghiệp.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chưa đủ vốn để kinh doanh. Rất may, tôi được vay vốn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của nhà nước nên có thêm điều kiện, động lực để bắt đầu tổ chức kinh doanh”.

Cửa hàng cá cảnh của anh Lực mới đi vào hoạt động, có nhiều loại cá mới lạ được nhập về nên được khách hàng dành nhiều quan tâm. Cùng với cá cảnh, anh còn bán thức ăn cho cá, bể cá và phụ kiện đi kèm cũng như tư vấn nuôi cá cảnh. Anh hy vọng nguồn vốn vay đầu tư sớm mang lại hiệu quả như mong đợi.

Sau nhiều trăn trở tìm việc làm phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, anh Hồ Văn Nghinh (sinh năm 1992), ở thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu và dê sinh sản phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như khả năng của gia đình.

Vì vậy, đầu năm 2024, anh Nghinh xin vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Cùng với tiền dành dụm được, anh đầu tư xây chuồng trại, mua 11 con trâu mẹ và trâu nghé cùng 5 con dê để chăn thả. Anh chia sẻ, với sự chăm sóc chu đáo của gia đình, đàn trâu phát triển tốt, có 2 trâu mẹ đang mang thai, hy vọng qua năm thứ 2 đàn trâu sẽ tăng thêm về số lượng, gia đình anh sẽ có con giống để bán. Cùng với đó, đàn dê của gia đình anh phát triển tốt, chóng lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, huyện có tổng dân số hơn 96.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ gần 54%. Là huyện có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy công tác giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn là nội dung trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (Nghị định số 74/2019) ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Nhờ Nghị định số 74/2019 sửa đổi có nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động, phù hợp với thực tiễn nên sớm đi vào cuộc sống.

Đối tượng cho vay là cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Từ chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH của huyện, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chuyển dịch từ cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang trồng cây, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao.

Để thực hiện tốt chương trình vay vốn này, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa là đơn vị triển khai giải ngân vốn vay. Ông Hồ Văn Quân, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa cho biết, phòng giao dịch luôn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đang có 21 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn cùng mạng lưới 304 tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn địa bàn huyện đã góp phần đưa nguồn vốn chính sách về tận tay người dân. Đến nay, phòng giao dịch quản lý dư nợ chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số tiền 69,4 tỉ đồng, có 1.096 người lao động vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ.

Theo ông Phạm Trọng Hổ, có được kết quả như trên là nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong chấp hành và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động trên địa bàn chưa tìm được việc làm phù hợp để có thu nhập ổn định; chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi về lao động, việc làm của Chính phủ.

Vì vậy, thời gian tới, huyện chú trọng hơn nữa công tác giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Tú Linh

Tin liên quan:
  • Tạo việc làm giúp ổn định, cải thiện cuộc sống cho người lao động
    Cải thiện cuộc sống người lao động nhờ Quỹ quốc gia về việc làm

    Những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa về chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động, kịp thời động viên họ yên tâm công tác, lao động sản xuất. Trong đó, nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

  • Tạo việc làm giúp ổn định, cải thiện cuộc sống cho người lao động
    Giúp cải thiện đời sống cho người lao động

    Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 60.000 người lao động (NLĐ), trong đó có 41.549 đoàn viên công đoàn, chiếm 75%, riêng khu vực doanh nghiệp (DN) có 13.623 người. Trình độ đào tạo đối với đoàn viên ở khu vực hành chính sự nghiệp được chuẩn hóa cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; ở khu vực DN được nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Các cấp công đoàn nỗ lực tạo điều để giúp NLĐ có cuộc sống tốt hơn.


Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đổi thay ở thị trấn Cửa Tùng

Đổi thay ở thị trấn Cửa Tùng
2024-12-11 05:45:00

QTO - Từ một vùng đất mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh và có nhiều nét làng quê thôn dã, sau 15 năm thành lập, đến nay thị trấn Cửa Tùng đã trở...

Đổi thay ở xã Thanh

Đổi thay ở xã Thanh
2024-05-15 05:20:00

QTO - Là một trong 11 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long