Cập nhật: Thứ 3, 20/12/2022 | 11:01 GMT+7

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền vững. Bài 2: Đào tạo nghề, mở lối thoát nghèo bền vững

QTO - Ngay từ xa xưa, cha ông ta đã đúc rút kinh nghiệm: “Giàu bề bề không bằng có nghề trong tay”. Qua đó, thấy rõ được vai trò to lớn của nghề nghiệp đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Xác định được điều này, những năm qua, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt được những kết quả khả quan. Đào tạo lao động có tay nghề, tạo cơ hội việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền vững. Bài 2: Đào tạo nghề, mở lối thoát nghèo bền vữngHướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa - Ảnh: K.S

Tăng cường công tác tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp

Lao động là người đồng bào DTTS có ưu điểm nổi trội là có sức khỏe, đức tính thật thà, khéo tay, nếu là lao động có tay nghề, được quản lý, giáo dục tốt thì đồng bào DTTS lao động năng suất khá cao, chăm chỉ...

Tuy nhiên, do xuất phát từ dân trí thấp nên nhiều lao động DTTS khả năng tiếp thu những tiến bộ KHKT chậm, chưa chủ động học tập; thiếu ý thức rèn luyện, kỷ luật lao động chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiểu được tình hình lao động là đồng bào DTTS, những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách về ĐTN của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương có đồng bào DTTS đã tập trung triển khai các giải pháp ĐTN có hiệu quả, trong đó giải pháp được ưu tiên hàng đầu là công tác tuyên truyền và định hướng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Bằng nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động về vai trò, ý nghĩa của nghề nghiệp đối với cuộc sống, về các chủ trương, chính sách ĐTN của Đảng, Nhà nước...

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể UBND các xã, thị trấn tổ chức ngày hội ĐTN và việc làm để tuyên truyền, tư vấn học nghề, tuyển sinh mở các lớp ĐTN theo định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Các trung tâm đã liên kết với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở các lớp dạy nghề trình độ trung cấp cho NLĐ có nhu cầu học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp; liên kết với các DN để tuyển sinh, ĐTN và tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm cho NLĐ...

Nhờ đó, NLĐ vùng núi ngày càng hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học nghề để tự nguyện học các nghề phù hợp với năng lực, điều kiện, trình độ và tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm hiệu quả.

Thay đổi tư duy đào tạo nghề cho đồng bào DTTS

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền vững. Bài 2: Đào tạo nghề, mở lối thoát nghèo bền vữngCác học viên người dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông nhận bằng tốt nghiệp lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi - Ảnh: K.S

Để tăng hiệu quả công tác ĐTN cho đồng bào DTTS, Huyện ủy, UBND huyện Hướng Hóa ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề cho NLĐ. Đồng thời, thay đổi tư duy ĐTN cho đồng bào.

Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề thì huyện còn chú trọng hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất giỏi, các nghệ nhân, NLĐ có tay nghề cao để việc học nghề có thể tự nhân rộng.

Bên cạnh đó, ĐTN cho đồng bào DTTS cũng được thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho hiệu quả cao. Nhờ đó, những năm qua, công tác ĐTN cho đồng bào DTTS ở Hướng Hóa có nhiều chuyển biến tích cực.

Người DTTS học nghề được hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập... đã thực sự khuyến khích đồng bào học nghề.

Quyền Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa Phạm Công Vũ cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về ĐTN cho LĐNT đã xuất hiện một số cách làm hay, hiệu quả như từ khâu tư vấn, tuyển sinh có kết hợp với DN, địa phương thông tin cụ thể NLĐ sau học nghề sẽ làm việc tại DN nào, thu nhập bao nhiêu, điều kiện làm việc ra sao...; trước khi khai giảng đã tổ chức cho NLĐ đi tham quan một số DN để tìm hiểu, nắm bắt thực tế để có sự lựa chọn; đào tạo theo mô hình khép kín, vừa đào tạo ở nhà trường, vừa đào tạo tại DN để NLĐ quen dần với môi trường làm việc và đáp ứng yêu cầu công nghệ của DN. Cán bộ theo dõi, quan tâm, động viên NLĐ học nghề, phối hợp DN tìm kiếm chỗ ăn, nghỉ cho học viên, thường xuyên giữ liên lạc với DN để theo dõi, nắm bắt tình hình”.

Tín hiệu vui

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền vững. Bài 2: Đào tạo nghề, mở lối thoát nghèo bền vữngNhiều đồng bào DTTS sau khi được học nghề tích cực áp dụng kiến thức vào chăn nuôi hiệu quả - Ảnh: K.S

Trước đây chị Hồ Thị Bom ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông cũng nuôi gà nhưng do làm theo cảm tính nên chị chưa bao giờ phát triển đàn gà lên quá 10 con, gà hay bị dịch bệnh, lâu lớn nên đưa lại thu nhập không đáng là bao.

Môi trường xung quanh khu vực nuôi gà cũng thường có mùi hôi. May mắn chị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã chọn là 1 trong 5 hộ xây dựng mô hình điểm nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học.

Để tham gia mô hình, chị Bom được đi học nghề chăn nuôi ngắn hạn. Sau khi tiếp nhận được kiến thức về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, lại được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình tại nhà nên kiến thức chị học ở lớp được áp dụng ngay đã tạo cho chị hứng thú trong làm việc.

Được hỗ trợ 100 con giống và thức ăn, chị chăm sóc kỹ càng theo kiến thức đã học, chuồng trại được phun chế phẩm sinh học, không có mùi hôi, thức ăn của gà cũng phối trộn có đầy đủ dưỡng chất, có tiêm thuốc phòng, chống dịch bệnh.

Sau 3 tháng chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, đàn gà của chị Bom phát triển tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 1 - 1,3 kg.

Chị Bom vui vẻ nói: “Trong quá trình nuôi gà theo phương thức mới, tôi được cán bộ tận tình hướng dẫn từ cách làm chuồng trại cho đến chăm sóc gà như thế nào. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi, mùi hôi thối của phân gà không còn nữa, tôi không tốn công dọn chuồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đàn gà ít xảy ra dịch bệnh, sinh trưởng tốt. Sau lứa gà này, tôi sẽ lựa chọn những con gà khỏe mạnh giữ lại làm giống, ấp nở và phát triển đàn lên nhiều hơn để tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”.

Thực hiện đề án ĐTN trên địa bàn vùng núi đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong 10 năm từ 2011 -2021, huyện Đakrông tập huấn, ĐTN 7.202 lao động, trong đó số ĐTN 3.495 lao động; huyện Hướng Hóa ĐTN 3.601 lao động trình độ sơ cấp trở lên và 4.087 lao động học nghề dưới 3 tháng. Các lớp dạy nghề cho NLĐ cơ bản bám sát mục tiêu, gắn với chương trình phát triển KT-XH của địa phương.

Hằng năm, trên cơ sở đề xuất nhu cầu học nghề của các xã, thị trấn, UBND huyện Hướng Hóa, Đakrông giao phòng LĐ,TB&XH huyện phối hợp với phòng NN&PTNT, trung tâm GDNN-GDTX huyện xem xét đưa vào kế hoạch mở lớp đào tạo.

Căn cứ các nguồn kinh phí, UBND huyện giao cho trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với các xã, thị trấn, đơn vị liên quan tiến hành mở các lớp đào tạo nghề theo kế hoạch.

Công tác chiêu sinh, tổ chức lớp học được thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tham gia học nghề.

Mặt khác, UBND các huyện vùng núi cũng phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể kêu gọi và liên kết với các cơ quan, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hỗ trợ dạy nghề cho NLĐ trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề

Để công tác ĐTN cho LĐNT, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn miền núi trong thời gian tới hiệu quả hơn, các địa phương tiếp tục thực hiện một số giải pháp chủ yếu: đổi mới công tác ĐTN theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, ĐTN theo nhu cầu người học, nhu cầu của thị trường lao động, gắn ĐTN với GQVL.

Chú trọng dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS, phụ nữ. Tập trung dạy nghề cho thanh niên DTTS đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, DN, xuất khẩu lao động và chuyển nghề; tổ chức dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất để ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập và phương pháp ĐTN theo hướng phù hợp với đối tượng người học là LĐNT; chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành.

Thời gian đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở vùng núi và điều kiện của người học. Xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề đối với hộ nghèo đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa ĐTN nhằm huy động mọi lực lượng, nguồn lực trong xã hội phục vụ công tác dạy nghề; đồng thời tạo môi trường thuận lợi đối với cơ sở dạy nghề.

Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Duy trì ban tuyển sinh và xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm của huyện, xã.

Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Công tác ĐTN phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đề án xây dựng NTM của các địa phương.

Đồng thời, ĐTN đối với đồng bào DTTS phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; lấy nông dân làm nòng cốt, gắn với vùng chuyên canh hàng hóa.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác ĐTN, thống kê, đánh giá được hiệu quả sau học nghề. Lồng ghép dạy nghề với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án... trên địa bàn nhằm gắn kết giữa lý thuyết với thực hành và phát huy hiệu quả nguồn vốn, tay nghề cho đồng bào học nghề.

Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết: Bên cạnh việc tăng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng ĐTN cho NLĐ vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì cần nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề trong vùng đồng bào DTTS và miền núi để thúc đẩy hoạt động ĐTN ở vùng khó khăn này.

Thái Hòa – Kăn Sương

Tin liên quan:
  • Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền vững. Bài 2: Đào tạo nghề, mở lối thoát nghèo bền vững
    Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - cánh cửa rộng mở thoát nghèo bền ...

    Vùng miền núi Quảng Trị có nhiều tiềm năng đất đai và lao động. Tuy nhiên, những năm qua, lao động vùng núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn thiếu việc làm và tiềm năng đất đai vẫn chưa được khai thác tốt. Vấn đề này bắt nguồn từ việc đồng bào DTTS trình độ dân trí, trình độ lao động thấp, không tổ chức được sản xuất hoặc có tổ chức sản xuất thì hiệu quả cũng thấp. Để tạo việc làm cho đồng bào DTTS, khai thác tốt tiềm năng đất đai, những năm qua, Đảng, Nhà nước và địa phương đã có nhiều chính sách đào tạo nghề (ĐTN) cho người dân vùng núi, đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


Thái Hòa – Kăn Sương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cô giáo trẻ nhiệt huyết với công tác đoàn

Cô giáo trẻ nhiệt huyết với công tác đoàn
11:40 tối Thứ 4

QTO - Thân thiện, dễ gần và năng động, nhiệt huyết trong công tác, đó là những gì mà giáo viên và học sinh Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong) nhận...

Người Việt ở Chợ đêm Viêng Chăn

Người Việt ở Chợ đêm Viêng Chăn
23:58 18/03/2025

QTO - Trong những ngày ở nước Lào yên bình, đến với Chợ đêm Viêng Chăn, chúng tôi cảm nhận được, người Việt dù sống xa quê vẫn luôn đoàn kết, chịu thương...

Thời tiết

19°C - 22°C
Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 19°C - 27°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 19°C - 24°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long