Cập nhật:  GMT+7

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời

“Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy toàn diện, đảm bảo cơ sở vật chất, hậu cần, trang bị, phương tiện... đủ sức giải quyết các vấn đề về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở” là nhiệm vụ chiến lược đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 3/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Nắm chắc chủ trương đó, Đảng ủy Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt, bài bản, khoa học các mặt công tác từ bố trí cán bộ công an xã đến xây dựng chi bộ cơ sở vững mạnh và rút ra bài học từ thực tiễn.

Đủ số lượng, đảm bảo chất lượng

Thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã trong điều kiện công an các huyện thiếu nhân lực, công tác bố trí, điều động cán bộ được Đảng ủy Công an tỉnh xác định là yếu tố tiên quyết, phải được triển khai bài bản, khoa học.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời

Một buổi sinh hoạt của đảng viên Chi bộ Công an xã A Ngo -Ảnh: M.L

Trước hết, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã kịp thời. Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tồn tại, vướng mắc phát sinh từ cơ sở để có hướng dẫn cụ thể.

Công an các huyện vừa bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, vừa chủ động trong công tác bố trí cán bộ về xã theo tiêu chí chung và thực tiễn ở cơ sở. Một vấn đề đặt ra đó là khi lực lượng công an chính quy về xã, lực lượng công an bán chuyên trách sẽ được sắp xếp, bố trí sang các công việc khác; một số phải nghỉ việc nên không tránh khỏi sự xáo trộn về tâm tư, tình cảm. Vì thế, trước đó, công tác tư tưởng được công an các huyện phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt.

Đến nay, tại Quảng Trị có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về làm việc tại 101 xã. Công an tỉnh tiếp tục rà soát, điều động cán bộ, chiến sĩ tăng cường nhằm đảm bảo đến năm 2025, mỗi công an xã có trung bình từ 8 cán bộ, chiến sĩ chính quy trở lên. 190 lượt cán bộ công an xã được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở; 15 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn (chỉ huy cấp đội, lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện). Tấm gương Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tìm kiếm 7 người dân thôn Tà Rùng-Ka Tiêm đi làm rẫy bị mất tích trong cơn lũ dữ năm 2020 đến nay vẫn được người dân nhớ mãi.

Tại Đakrông, Công an huyện chủ động rà soát, lập danh sách cán bộ, chiến sĩ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm để bố trí cho lực lượng công an xã, ưu tiên một số địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phức tạp về ANTT.

Tháng 11/2019, Công an huyện Đakrông lựa chọn 3 xã để thí điểm đưa công an chính quy về đảm nhận chức danh trưởng công an xã là A Ngo, Hướng Hiệp và Đakrông. 3 xã này đều là địa bàn trọng điểm về ANTT, vì thế cán bộ được điều động về địa phương bên cạnh điều kiện tiêu chuẩn về cán bộ lãnh đạo chỉ huy trong công an nhân dân còn xét đến nhiều yếu tố năng lực, kinh nghiệm công tác ở địa bàn miền núi.

Ví dụ như A Ngo là xã biên giới, tình hình ANTT phức tạp nên Công an huyện Đakrông đề xuất bố trí Trung tá Nguyễn Văn Thanh, lúc bấy giờ là Phó Đồn trưởng Đồn Công an Tà Rụt - người có thâm niên công tác tại địa bàn các xã miền núi trên tuyến Quốc lộ 14, trong đó có A Ngo - đảm nhận chức vụ trưởng công an xã). Còn Đakrông là xã có trên 90% người dân tộc thiểu số, tập trung đông tôn giáo nhất huyện, cần người có kinh nghiệm về lĩnh vực an ninh nên điều động Thiếu tá Hồ Quang Thịnh. Thời điểm đó, anh Thịnh là Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện.

Thực tế cho thấy, việc bố trí cán bộ phù hợp sẽ phát huy năng lực trên các mặt công tác. Lấy ví dụ ở xã biên giới A Ngo trước đây là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Nhờ am hiểu địa bàn, ngay sau khi nhận công tác, Trung tá Nguyễn Văn Thanh đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân phát sinh tội phạm từ góc độ xã hội, phong tục tập quán của người dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn. Năm 2022, A Ngo được công nhận là địa bàn chuyển hóa.

Với quan điểm huy động tối đa mọi nguồn lực trong tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ, Ban Giám đốc Công an tỉnh tập trung tham mưu tỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất và nguồn vốn xây dựng trụ sở làm việc của công an các xã. Mặc dù ngân sách tỉnh gặp khó khăn nhưng giai đoạn 2020 - 2023 đã xây dựng, sửa chữa 18 trụ sở, trong đó có 2 trụ sở được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương. Riêng năm 2024 bố trí kinh phí xây dựng 65 trụ sở (trong đó nguồn vốn Bộ Công 40 trụ sở, ngân sách tỉnh 25 trụ sở). Như vậy, đến hết năm 2024, Quảng Trị còn 18 công an xã chưa có trụ sở làm việc độc lập.

Nhiều “cái hơn” của việc thành lập chi bộ

Tháng 10/2022, Chi bộ Công an xã Thuận được thành lập. Đây là đơn vị thành lập chi bộ công an xã cuối cùng ở Quảng Trị. Để thành lập chi bộ công an ở xã biên giới này, Công an tỉnh và Công an huyện Hướng Hóa đã nhiều lần trao đổi bằng văn bản và trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Thuận để nắm bắt tình hình, thúc đẩy việc thành lập chi bộ.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời

Lực lượng công an xã Tân Long, huyện Hướng Hóa hỗ trợ người già làm căn cước công dân tại nhà -Ảnh: M.L

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thuận Hồ Ra Duông, thời gian đầu khi lượng lực công an chính quy về xã, do chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ nên Đảng ủy xã giới thiệu về sinh hoạt tại các chi bộ thôn. Sau khi đảm bảo số lượng, Đảng ủy xã đã đề xuất kéo dài thời gian sinh hoạt của đảng viên công an tại các chi bộ thôn. “Lý do vì Đảng bộ xã Thuận có 12 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ thôn có chất lượng sinh hoạt còn hạn chế. Đảng viên là công an xã trong quá trình sinh hoạt tại chi bộ thôn sẽ giúp đỡ, kèm cặp đảng viên để nâng cao chất lượng sinh hoạt”, ông Duông giải thích.

Ngay sau khi điều động, bố trí công an chính quy về các xã, việc thành lập chi bộ công an xã được Đảng ủy Công an tỉnh xác định là nhiệm vụ cấp thiết của toàn ngành. Đại tá Nguyễn Đức Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Việc xây dựng các chi bộ công an xã nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của cấp ủy các cấp đối với lực lượng công an; qua đó, góp phần xây dựng công an xã thật sự trở thành lực lượng nòng cốt vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm từ sớm, từ xa và ngay tại cơ sở.

Từ nhận thức đó, sau khi hoàn thành việc bố trí công an chính quy về xã, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh chủ động trao đổi, phối hợp với ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy thống nhất chỉ đạo cấp ủy công an các huyện, thị xã phối hợp với ban tổ chức cấp ủy địa phương tham mưu thực hiện quy trình kiện toàn bộ máy tổ chức đảng đối với công an xã.

Sau thành lập, các chi bộ công an xã đã xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy trình công tác bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”. Tập trung xây dựng chi bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chú trọng đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ; đề cao vai trò nêu gương, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị...

Về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, 100% chi bộ công an xã đổi mới phương pháp làm việc theo phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó có công an”, chủ động tham mưu đảng ủy, chính quyền xã xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chuyên đề công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Việc cơ cấu trưởng công an xã vào ban chấp hành đảng bộ xã giúp tiếng nói, đề xuất của công an có sức nặng hơn.

Nói về “cái hơn” của việc thành lập chi bộ, Bí thư Chi bộ Công an xã Triệu Hòa, Đại úy Nguyễn Hùng cho rằng: Công tác chỉ đạo của cấp ủy chi bộ và ban chỉ huy công an xã thông suốt hơn trên các mặt công tác. Việc đánh giá năng lực và xếp loại đảng viên cuối năm thực chất hơn và nắm bắt tâm tư cán bộ, đảng viên sâu sát hơn, từ đó có định hướng trong bố trí công tác. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp trên các mặt công tác đạt hiệu quả cao hơn.

Giữ lửa cho phong trào

Gây dựng mô hình đã khó, duy trì sức bền và giữ lửa cho mô hình còn khó hơn. Để các mô hình đảm bảo ANTT do công an xã tham mưu chính quyền địa phương phát động có sức bền, cấp ủy các chi bộ công an xã phải luôn làm tốt công tác nắm bắt tình hình và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời

Công an xã Cam Hiếu phát động người dân hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” -Ảnh: M.L

Ở xã Húc Nghì, thời gian đầu triển khai mô hình “3 quản” rất rầm rộ. Nhưng một thời gian sau đó, phong trào có dấu hiệu lắng xuống. Cấp ủy tập trung phân tích, đánh giá tình hình, nhận thấy sự nhiệt tình của các thành viên trong ban điều hành giảm xuống. “Chi ủy đã phân công đảng viên thường xuyên quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình để các thành viên ý thức được trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chuyện trò với người có uy tín để khuyến khích họ phát huy tiếng nói trong cộng đồng”, Thiếu tá Hoàng Hà, Bí thư Chi bộ Công an xã Húc Nghì cho biết.

Việc xây dựng các mô hình phải căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, vì có những mô hình áp dụng thành công ở địa phương này nhưng không thể triển khai ở địa phương khác. Trước đây, huyện Triệu Phong có 96 mô hình đảm bảo ANTT, về sau rút xuống còn 70 mô hình để tăng hiệu quả. Phó trưởng Công an huyện Triệu Phong, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ cách làm: “Mỗi xã đều có một đặc thù riêng, vì vậy khi xây dựng mô hình phải chú ý đến tính đặc thù đó mới phát huy được hiệu quả, nhất là các xã liên quan đến tôn giáo. Từ 6 tháng đến 1 năm, Công an huyện đánh giá hiệu quả mô hình một lần để tiến hành phân loại. Khi lực lượng công an chính quy về xã, việc đánh giá hiệu quả mô hình thực chất hơn”.

Qua thực tế địa bàn, chúng tôi nhận thấy, để củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.

Thực tế cho thấy, địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì ở đó các mô hình đều phát huy tác dụng, hiệu quả. Công an các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các mô hình đã có, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai để nhân rộng trên địa bàn. Tích cực nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới về bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở phù hợp với sự thay đổi của cuộc sống xã hội.

Lực lượng công an xã phải phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, chính trị xã hội trong quá trình xây dựng mô hình. Các thành viên tham gia phải là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt huyết, trách nhiệm và có kỹ năng tuyên truyền, vận động tùy theo nội dung các mô hình mình tham gia.

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương

Tin liên quan:
  • Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời
    Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công

    Xây dựng lực lượng công an xã chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Tại Quảng Trị, qua gần 5 năm thực hiện chủ trương này, nhiều mô hình do công an xã tham mưu chính quyền địa phương triển khai đã được chọn báo cáo và đề nghị nhân rộng toàn quốc. Những việc làm, chiến công của lực lượng công an xã đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và chính quyền địa phương.

  • Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 3: Chủ trương đúng, triển khai kịp thời
    Công an chính quy về xã: Dấu ấn từ việc làm và chiến công. Bài 2: Hướng về cơ ...

    Khối lượng đầu việc nhiều; trụ sở làm việc thiếu; địa bàn công tác có những xã vừa xa, vừa là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT)... là những khó khăn mà lực lượng công an xã đối mặt. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn đó, thực hiện tốt phương châm “...xã bám cơ sở”, cán bộ, chiến sĩ đã tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết các vấn đề ANTT tại địa phương. Đây chính là “bí quyết” để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa công an và người dân.


Lâm Thanh - Phan Hoài Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết