Cập nhật:  GMT+7

Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị

Đồng chí TRẦN HỮU HÙNG, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị trả lời phỏng vấn

- Thưa đồng chí! Có thể khẳng định, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là giải pháp quan trọng để tạo sự bứt phá, đi lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về những kết quả nổi bật trong nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại đã triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng cơ sở vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Do đó, trong những năm gần đây, Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm ưu tiên tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, tập trung huy động các nguồn lực xã hội (đầu tư theo PPP...) để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại.

Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị

Tuyến đường nối thành phố Đông Hà với các xã phía Đông huyện Triệu Phong được xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân. - Ảnh: Đ.T

Trong những năm qua, nhiều hình thức huy động vốn đã được Chính phủ chấp thuận và ủng hộ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điển hình là những công trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đầu tư bằng hình thức BOT (Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị), kêu gọi đầu tư (xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư vài ngàn tỉ đồng.

Bước vào thời kỳ đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là trong thời gian vừa qua, sự phát triển nhanh và ngày càng nâng cao về chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đã thỏa mãn tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của xã hội trên địa bàn tỉnh. Giao thông vận tải chính là sự kết hợp hữu cơ của kết cấu hạ tầng, phương tiện và tổ chức dịch vụ vận tải. Trong đó, kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng và cần phải đi trước một bước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình giao thông quan trọng, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Khi mới lập lại, toàn tỉnh chỉ có 750,9 km đường bộ, gồm: 262 km quốc lộ (Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 75 km, Quốc lộ 9 dài 84 km, Quốc lộ 14 dài 60 km, Quốc lộ 15 dài 43 km); 130,5 km tỉnh lộ với 8 tuyến đường và 358,4 km đường huyện, vẫn còn 15 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm...

Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên toàn tỉnh đạt hơn 8.739 km. Tất cả các xã đều có đường ô tô kết nối đến trung tâm huyện. Trong thời gian qua, được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau nên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đã được nhựa hóa (còn lại duy nhất tuyến đường tỉnh ĐT.587 hiện đang từng bước nhựa hóa phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân); hệ thống cầu yếu, cầu tạm cơ bản được đầu tư nâng cấp, xây mới.

Một số công trình cầu lớn được xây dựng như: cầu Cửa Việt, Cửa Tùng, Hiền Lương, Thạch Hãn, Đại Lộc, An Mô, Thành Cổ, Triệu Phước, Lai Phước, Sông Hiếu, Cam Hiếu, cầu treo Đakrông, cầu La La, cầu treo sông Hiếu...; bên cạnh đó, một số tuyến đường mang tính chiến lược được xây dựng mới, như đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đường tránh thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị; đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây...

Đặc biệt, trong 5 năm vừa qua, hệ thống cảng biển được không ngừng mở rộng; cảng Cửa Việt với diện tích 42.000 m2 , 1 bãi chứa hàng rộng 7.200 m2 , 2 kho khung Tiệp rộng 900 m2 ; có 3 cầu cảng dài 228 m, trong đó có 2 cầu cảng dài 64 m/ cầu do Công ty TNHH MTV cảng Cửa Việt quản lý; 1 cầu cảng tổng hợp dài 100 m do Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh đầu tư khai thác; độ sâu luồng theo thiết kế 5,6 m đảm bảo cho tàu 3.000 tấn - 5.000 tấn ra vào.

Tại khu bến Nam Cửa Việt, nhà đầu tư Công ty TNHH CFG Quảng Trị đã được phê duyệt chủ trương đầu tư 4 cầu cảng (2 giai đoạn) trên diện tích 18,75 ha. Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 và nhà đầu tư - Công ty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thuỷ đã cơ bản hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công trong tháng 3/2024.

Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Hiện nay, đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm, động lực của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (giai đoạn 1), Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; các dự án đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng: Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D, Đường tránh phía Tây Quốc lộ 1...

Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải chú trọng công tác bảo trì kết cấu hệ thống giao thông trên toàn tỉnh, đảm bảo khai thác thuận lợi và an toàn, đáp ứng điều kiện đi lại của Nhân dân, vận chuyển hàng hóa thông suốt.

- Để thực hiện chức năng đi trước, mở đường cho định hướng phát triển, đề nghị đồng chí cho biết, thời gian tới, hạ tầng giao thông sẽ triển khai xây dựng, mở rộng như thế nào để phục vụ ngày càng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

- Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025; trong những năm qua và đặc biệt là năm 2024 - năm bản lề quan trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành giao thông vận tải sẽ tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, tăng cường công tác quản lý, duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt là các công trình/dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh như khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, Khu bến cảng Mỹ Thủy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (giai đoạn 1); hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư các Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, xây dựng Quốc lộ 15D theo phương thức PPP...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và ngành giao thông vận tải sẽ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án: Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (cả 2 đoạn), Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, sớm hoàn thiện các thủ tục, triển khai hoàn thành tuyến Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.

Các dự án, công trình giao thông trọng điểm, động lực từng bước hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo sự lan tỏa, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình triển khai thực hiện đến nay như sau:

Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thuỷ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 với quy mô: 685 ha, gồm 10 bến phát triển theo 3 giai đoạn (Giai đoạn 1 từ 2018- 2025: 4 bến, giai đoạn 2 từ 2026-2031: 3 bến và giai đoạn 3 từ 2032-2036: 3 bến); tổng vốn đầu tư dự án: 14.234 tỉ đồng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các thủ tục và dự kiến triển khai thi công giai đoạn 1 vào ngày 25/3/2024.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo phương thức PPP tại Quyết định số 2148/ QĐ-TTg với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; diện tích 316,6 ha; gồm 2 thành phần: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng được đầu tư theo hình thức đầu tư công có tổng mức là 233,103 tỉ đồng; Dự án thành phần 2: xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư là 5.821,073 tỉ đồng.

Dự án thành phần 1: Hiện nay, UBND huyện Gio Linh đang tích cực triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao khoảng 136 ha để triển khai thi công trong tháng 5/2024; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án (tổng cộng 265 ha) vào cuối năm 2024.

Dự án thành phần 2 đã được UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lựa chọn và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 29/11/2023, nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (cơ quan ký kết hợp đồng) đang phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện ký kết hợp đồng BOT, triển khai các công việc tiếp theo.

Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 40/NQHĐND ngày 12/5/2021; phê duyệt Báo cáo NCKT tại các Quyết định số 4282/QĐUBND ngày 17/12/2021 và số 832/QĐUBND ngày 18/3/2022; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.060 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 48 km; trong đó đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Bắc cầu Cửa Việt dài 36 km (chưa đầu tư đoạn qua cầu Cửa Tùng và cầu Cửa Việt). Đoạn nối từ tuyến đường ven biển đến thành phố Đông Hà dài 12,2 km. Toàn tuyến xây dựng mới 6 cầu, trong đó 2 cầu lớn, 1 cầu vừa và 3 cầu nhỏ.

Dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp 4/4 gói thầu. Hiện nay, đang triển khai thi công 5 công trình cầu trên tuyến (gồm cầu Thạch Hãn 1, cầu Thạch Hãn 2, cầu Triệu Trạch và 2 cầu nhỏ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh) và 2 km đường thuộc địa phận xã Gio Hải (Gio Linh).

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; chủ động làm việc với các bộ, ngành trung ương để hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa.

Để phát huy hiệu quả dự án, trung ương đã hỗ trợ 600 tỉ đồng và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 129/NQHĐND ngày 19/12/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua khu vực cầu Cửa Tùng và Cửa Việt, xây dựng một số cầu lớn trên tuyến nhằm từng bước nối thông tuyến đường ven biển theo quy hoạch qua địa bàn tỉnh Quảng Trị (hiện nay còn cầu Cửa Việt chưa có kinh phí đầu tư xây dựng).

Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D, tỉnh Quảng Trị: Quốc lộ 15D là tuyến quốc lộ chính yếu của khu vực miền Trung được xác định trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ với chiều dài 92 km (bao gồm đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 24 km), quy mô đường cấp III - IV (2 - 4 làn xe); là tuyến đường bộ ngắn nhất nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Ngày 21/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1136/TTg-CN đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với Dự án xây dựng Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (dài khoảng 42 km). Hiện nay, nhà đầu tư đề xuất dự án đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đối với Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay (dài khoảng 12 km), hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang giao Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để triển khai theo quy định (dự kiến cuối tháng 3/2024 sẽ hoàn thành, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án).

Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo: Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (CT.19) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; có chiều dài dự kiến là 70 km, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và tiến trình đầu tư là trước năm 2030. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền tại Văn bản số 350/TTg-CN ngày 15/4/2022.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP tại Văn bản số 3590/UBND-KT ngày 19/7/2023.

Sau khi nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành hồ sơ, để triển khai bước tiếp theo, UBND tỉnh đã có Văn bản số 18/TTr-UBND ngày 27/2/2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ ngân sách tham gia dự án theo phương thức PPP. Hiện nay, các bộ, ngành trung ương đang xem xét, báo cáo theo quy định.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Đào Tâm Thanh (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị
    Kết nối giao thông trọng điểm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

    Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ được triển khai thực hiện như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây, Đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà... Khi đi vào hoạt động, các tuyến giao thông này sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển KTXH, đảm bảo QP-AN.

  • Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị
    Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

    Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư.

  • Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị
    Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

    Là một tỉnh đi lên với xuất phát điểm thấp do hoàn cảnh lịch sử để lại, trong những năm qua, nhất là từ ngày lập lại tỉnh (1/7/1989) đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của trung ương, của các tổ chức quốc tế để đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo QP-AN. Những kết quả đạt được có thể coi là nền tảng để tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa hữu cơ
2024-03-21 05:20:00

QTO - Để bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái, tạo sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe con người, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh...

Tiếp tục gỡ khó cho cây chuối ở Hướng Hóa

Tiếp tục gỡ khó cho cây chuối ở Hướng Hóa
2024-03-20 05:25:00

QTO - Mặc dù huyện Hướng Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó cho cây chuối Hướng Hóa như cấp 9 mã số vùng trồng (MSVT) trên cây chuối (xuất khẩu vào...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long