Cập nhật:  GMT+7

Chính sách phát triển thuốc, thiết bị y tế của các quốc gia

Nhằm đáp ứng nhu cầu về thuốc ngày càng tăng, các quốc gia đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển thuốc mới, hợp tác với các công ty đa quốc gia trong phát triển thiết bị chất lượng cao cũng như đẩy mạnh nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Hàn Quốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất thuốc

Là quốc gia hàng đầu thế giới về chất lượng dịch vụ y tế, Hàn Quốc sở hữu nhiều trang, thiết bị cũng như công nghệ y tế cao cấp. Chính phủ cũng đang quan tâm đầu tư đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), 93,1 nghìn tỷ won (75,4 tỷ USD) đã được phân bổ cho lĩnh vực này trong năm 2020, chiếm 4,81% ngân sách.

Trong suốt 30 năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu dược phẩm ngày càng tăng, các công ty không ngừng nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Hơn 50 loại thuốc mới đã được cơ quan quản lý của Hàn Quốc (MFDS) chấp thuận, trong đó nhiều loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép, gần 400 loại thuốc và hoạt chất dược phẩm (API) đã được đưa ra thị trường nước ngoài bao gồm Mỹ và EU cũng như khoảng 1.000 nguyên liệu được dùng để bào chế thuốc hiện có trong các phòng thí nghiệm của các công ty dược phẩm Hàn Quốc.

Việc nhập khẩu thuốc, thiết bị y tế đang góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường thiết bị y tế nội địa. Hiện Mỹ đứng đầu thị trường nhập khẩu của Hàn Quốc, với thị phần duy trì ở mức từ 40 - 50%.

Nhập khẩu thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất của Hàn Quốc đã tăng từ 346 triệu USD lên 658 triệu USD trong giai đoạn 2020 - 2021. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia tỷ dân vào năm 2021 là các dụng cụ lấy mẫu, với tổng giá trị lên đến 407 triệu USD.

Kể từ năm 2022 trở đi, do chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, việc nhập khẩu các thiết bị y tế đã giảm dần. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2022, tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho mục đích y tế giảm từ 5,4 tỷ USD xuống còn 4,9 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị các thiết bị y tế do các công ty nội địa sản xuất đã tăng từ 8,0 tỷ USD-9,2 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường công tác kiểm soát chất lượng trang, thiết bị y tế nhập khẩu. Là một phần của quá trình phê duyệt, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) yêu cầu báo cáo thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của các thiết bị y tế. Ngoài ra, các công ty phải đàm phán các điều khoản về giá với Dịch vụ Thẩm định và Đánh giá Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc (HIRA).

Ấn Độ thúc đẩy chính sách phát triển thuốc và thiết bị y tế

Từ một đất nước luôn đối mặt với tình trạng thiếu thuốc, Ấn Độ đã vươn lên trở thành một trong những siêu cường trong lĩnh vực này. Hiện quốc gia này là nhà cung cấp thuốc gốc (generic) lớn nhất thế giới. 40% lượng thuốc gốc ở Mỹ được nhập từ Ấn Độ. Tính đến năm 2020, xuất khẩu dược phẩm tại quốc gia này lớn hơn nhập khẩu đến 16 tỷ USD và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều nước trên thế giới.

Các sản phẩm dược của Ấn Độ đáp ứng tiêu chuẩn rất cao của hầu hết những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Anh, EU...

“Ấn Độ là nước có giá thuốc cực thấp nhưng chất lượng thuốc bảo đảm. Nhờ vậy, quốc gia này đáp ứng tới 90% nhu cầu dược phẩm trong nước” - Nihchal H. Israni, cựu Chủ tịch Hiệp hội Các hãng sản xuất dược Ấn Độ cho biết.

Không chỉ dược phẩm, thị trường thiết bị y tế của quốc gia này cũng ghi nhận thành tích ấn tượng, với tổng giá trị ước tính đạt 11 tỷ USD vào năm 2022. Các chuyên gia nhận định quy mô có thể lên đến 50 tỷ USD vào năm 2030 khi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 16,4%.

Chính sách phát triển thuốc, thiết bị y tế của các quốc gia

Ấn Độ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thiết bị y tế. Ảnh: Getty image

Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế, chẳng hạn như chương trình khuyến khích liên kết sản xuất thiết bị y tế năm 2020.

Năm 2023, New Delhi đã đưa ra chính sách thiết bị y tế quốc gia với 6 điểm chính, gồm: đơn giản hóa thủ tục cấp phép thiết bị y tế, phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất thuốc và dụng cụ y tế, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc, thiết bị y tế (R&D) cũng như đảm bảo các chính sách sở hữu trí tuệ, thu hút đầu tư vào ngành, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và nâng cao nhận thức về thiết bị y tế.

Nhằm đẩy nhanh việc sản xuất thiết bị và dụng cụ y tế, New Delhi đã tăng cường kêu gọi các dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2024, lĩnh vực thiết bị y tế và phẫu thuật đã thu hút khoảng 3,28 tỷ USD FDI.

Nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất thiết bị y tế cũng đang được quan tâm, với việc khoảng 11,85 tỷ USD trong ngân sách tài chính 2024 - 2025 đã được phân bổ cho lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Vào tháng 3/2024, 27 dự án công viên thuốc và 13 nhà máy sản xuất thiết bị y tế đã được khánh thành đồng thời nhằm đáp ứng mục tiêu của chính phủ về số lượng cơ sở sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế.

Quốc gia Nam Á này cũng xem việc nhập khẩu thiết bị y tế từ các nền y tế tiên tiến trên thế giới là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt trong nước. Hiện 70 - 80% lượng hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực này đến từ Mỹ, Trung Quốc và Đức. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga đã đặt mục tiêu thương mại song phương ở mức 30 tỷ USD vào năm 2025, trong đó nhấn mạnh trọng tâm vào trao đổi hàng hóa trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, khoáng sản, thép và hóa chất.​

Úc đẩy mạnh hợp tác với công ty dược phẩm đa quốc gia

Ngành sản xuất y tế của Úc đang thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về đổi mới và chất lượng. Nhiều công ty dược phẩm toàn cầu như: Astra Zeneca, CSL, GlaxoSmithKline, Merck, Novartis và Pfizer đã hợp tác với các tổ chức phát triển và sản xuất thuốc của Úc để phát triển các thiết bị y tế cao cấp. Quốc gia này sở hữu nhiều ưu thế trong sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế để cạnh tranh với các quốc gia khác, như: hệ thống, cơ sở hạ tầng sẵn sàng đáp ứng việc đổi mới trang thiết bị y tế, các quy định y tế được công nhận trên toàn cầu, chính sách ưu đãi và tài trợ từ chính phủ cũng như vị trí gần châu Á tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

“Úc có mạng lưới thử nghiệm lâm sàng được đánh giá cao với khả năng phê duyệt và hoàn thành nhanh chóng các nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I. Việc sản xuất sản phẩm gần địa điểm thử nghiệm lâm sàng góp phần tiết kiệm chi phí cũng như mang đến nhiều hiệu quả hơn” - Ian Wisenberg, Tổng Giám đốc điều hành của BioCina, một công ty sản xuất và phát triển thuốc cho biết.

Các công ty đa quốc gia đã và đang xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất thuốc tại Úc. Novartis, công ty dược phẩm đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, thông báo nghiên cứu và phát triển liệu pháp CAR-T, Krymriah chống ung thư tại nước này. Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận với Chính phủ Úc để xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine mRNA tại Victoria, cơ sở đầu tiên ở Nam bán cầu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay.

Công ty con Seqirus của CSL đang xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine cúm dựa trên tế bào trị giá 800 triệu đô la Úc tại Victoria. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuốc của Úc cũng đang hợp tác với các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới để phát triển các loại thuốc mới, chẳng hạn: Công ty công nghệ sinh học Cytiva của Mỹ đang hợp tác với BioCina của Úc và Đại học Adelaide để phát triển thế hệ vaccine và liệu pháp mRNA tiếp theo.

Chính phủ Úc cung cấp các khoản tài trợ và ưu đãi để hỗ trợ sản xuất y tế, ban hành các ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ chi phí cho các DN thực hiện hoạt động này.

Long Hải


Long Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Vì sao Thủ tướng Nhật từ chức?

Vì sao Thủ tướng Nhật từ chức?
2024-08-18 16:33:00

QTO - Trong một cuộc họp báo hôm 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-xhi-đa) đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long