Cập nhật:  GMT+7

Cần có giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) cùng các trung tâm dịch vụ việc làm tích cực cung cấp thông tin, tư vấn, định hướng việc làm ở từng thị trường lao động. Qua tuyên truyền, vận động đã thu hút nhiều lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, so với lực lượng lao động sẵn có tại địa phương, tỉ lệ người DTTS đi làm việc ở nước ngoài chưa cao.

Cần có giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Ngôi nhà mới của chị Hồ Thị Ring đang được xây dựng bên cạnh nhà cũ từ số tiền do người chồng đi làm việc ở Nhật Bản gửi về -Ảnh: T.B

Đều đặn mỗi tối, vợ chồng anh Hồ Văn Lô (sinh năm 1963) ở thôn La Tó, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, trực ở máy điện thoại để nói chuyện với hai cô con gái đi làm việc ở Nhật Bản. Câu chuyện của gia đình họ nối dài theo những tiếng cười của các thành viên. Các con thì kể chuyện về cuộc sống sinh hoạt và công việc nơi xứ người. Ba mẹ thì kể về chuyện trong thôn bản. “Miềng phải kết nối, nói chuyện với các con cho đỡ nhớ, phần cũng để các con bớt cô đơn nơi đất khách”, anh Lô giải thích.

Ở thôn La Tó có 6 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì gia đình anh Lô đã chiếm 2 thành viên. Khác với nhiều người có tâm lý e ngại khi bản thân hoặc người thân trong gia đình ra nước ngoài làm việc, anh Lô khá tự tin trước quyết định của mình. Bởi vì trước cô con gái đầu của anh, trong thôn đã có hai người sang Nhật Bản làm việc.

Tìm hiểu, anh biết công việc của họ ổn định, gửi tiền về nhà đều đặn để trả ngân hàng và tích góp, dành dụm. Hơn nữa, vợ chồng anh được địa phương, các công ty tuyển dụng lao động về tận nhà tuyên truyền, tư vấn nên anh hiểu về ý nghĩa của chính sách này. “Người DTTS vốn ít khi bước chân ra khỏi bản làng nên e ngại đủ thứ, trong đó sợ nhất là bị lừa đảo. Nhưng trong các đợt tuyên truyền, vận động người dân, tôi thấy đều có đại diện cán bộ địa phương nên rất yên tâm”, anh Lô cho hay.

Cô con gái đầu của anh Lô là Hồ Thị Hồng (sinh năm 2002) sang Nhật Bản làm việc vào năm 2023, tròn một năm sau, cô con gái thứ hai là Hồ Thị Hơn (sinh năm 2004) cũng nối gót chị. Cả hai đều đã tốt nghiệp THPT; khi sang Nhật Bản đều làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, với mức lương ban đầu từ 20-25 triệu đồng. Với số tiền này, cả hai đều đặn gửi về trả nợ ngân hàng và trích 3-5 triệu đồng hỗ trợ ba mẹ nuôi em.

Trưởng thôn La Tó Hồ Văn Tuân cho biết: Thôn La Tó có số người đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất xã. Bí quyết ở đây là “trăm nghe không bằng mắt thấy”, từ một người đầu tiên đi có hiệu quả là dân bản bắt chước làm theo. Đương nhiên, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng vì tâm lý chung của người DTTS là không tự tin khi rời bản làng của mình”.

Ngôi nhà mới của chị Hồ Thị Ring (sinh năm 1995) ở thôn La Tó được xây bên cạnh ngôi nhà sàn đã cũ. Ngôi nhà này được xây bằng số tiền tích góp được của chồng chị là anh Hồ Văn Thăm (sinh năm 1996) - người đang làm việc ở Nhật Bản.

Anh Thăm là một trong những người đầu tiên trong thôn mạnh dạn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào tháng 8/2022. Nói mạnh dạn là bởi thường người DTTS khi đã lập gia đình thường chỉ thích ở nhà để gần gũi người thân. “Ban đầu đưa ra ý định này, hai vợ chồng cũng lo lắm. Ngay cả khi đi học tiếng rồi cũng nhiều lần muốn thối lui. Nhưng biết ở nhà thì mãi nghèo nên phải quyết tâm”, chị Ring chia sẻ.

Tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa, Hồ Thị Phồn (sinh năm 2004), ở thôn Thuận 2 là trường hợp người DTTS duy nhất tại thời điểm này sang Nhật Bản theo diện vừa học, vừa làm. Mẹ Phồn là bà Hồ Thị Hâm (sinh năm 1966) cho biết: Trước đây ai cũng lo lắng, không biết sang bên đó con em mình có học và làm được việc không. Nay tối nào con gái cũng gọi điện về nhà, thấy toàn kể chuyện vui nên bố mẹ yên tâm.

Xã Thuận có trên 2.268 người trong độ tuổi lao động. Toàn xã chỉ có 4-5 người đi làm việc ở nước ngoài, đa số là người Kinh. Người dân trong xã chủ yếu làm nông, một số ít đi làm thuê ở các tỉnh, thành phố trong nước. Để vận động người dân mạnh dạn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, xã tạo điều kiện, phối hợp với các trung tâm tuyển dụng lao động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tại địa bàn.

Ban đầu công tác tuyên truyền được tổ chức tại trung tâm xã, về sau thấy không hiệu quả nên về tận thôn bản, khu dân cư; huy động sự tham gia đông đủ của các đối tượng đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng người dân đăng ký không cao.

Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Phan Chí Tuấn cho hay: Người dân xã Thuận phần lớn làm nông. Nhiều hộ gia đình có diện tích sắn và chuối nên có việc làm thường xuyên. Công việc này tuy không mang lại thu nhập cao nhưng do ngại đi xa nên người dân cứ bám nương rẫy. Mấy năm trở lại đây mới có người đi làm việc ở các tỉnh, thành phố khác trong nước, riêng ngành may mặc có 180 người. Hy vọng từ trường hợp em Hồ Thị Phồn đi Nhật Bản theo diện vừa học, vừa làm, người DTTS trên địa bàn sẽ có cách nhìn mới hơn về vấn đề này.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia, người DTTS, vùng sâu, vùng xa và các huyện đặc biệt khó khăn được miễn phí các chế độ, chính sách như học tập, học nghề, học ngoại ngữ... để đi làm việc ở nước ngoài. Bộ LĐ, TB&XH và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (Tổ chức IM Japan) đã ký kết một chương trình đi làm việc nước ngoài miễn phí toàn bộ chi phí đối với thanh niên DTTS. Về việc đưa người lao động, đặc biệt là người DTTS đi làm việc nước ngoài, bộ cũng có một kênh riêng để theo dõi, hỗ trợ cho những đối tượng này.

Tuy nhiên, so với lực lượng lao động hiện có tại các địa phương thì lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, vào cuối năm 2023, chỉ có 5% số lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài trong tổng số 142.799 lao động cả nước. Điều này đòi hỏi các địa phương phải kiên trì, nỗ lực hơn trong công tác hỗ trợ người DTTS tiếp cận với thị trường lao động, chính sách hỗ trợ và đưa ra các giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người DTTS đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thủy Ba

Tin liên quan:
  • Cần có giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài
    Quan tâm hỗ trợ người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo ...

    Trong những năm qua, công tác đưa người lao động (NLĐ), đặc biệt trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được huyện Hướng Hóa quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng kể. Đây là giải pháp quan trọng để huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

  • Cần có giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài
    Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài

    Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và giảm nghèo của tỉnh. Đây là một giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và xóa nghèo bền vững. Để đẩy mạnh XKLĐ đòi hỏi phải chuẩn bị lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng; chú trọng xây dựng thị trường lao động đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thị trường và bối cảnh mới.

  • Cần có giải pháp đột phá để nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài
    Trang bị kỹ năng cho người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động

    Trong những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đầy đủ, tạo “bệ đỡ” để người dân tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay số lượng người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động vẫn chưa tương xứng với nguồn nhân lực dồi dào ở địa phương. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp, trong đó cần trang bị các kỹ năng giúp người dân tộc thiểu số tự tin hơn khi xuất khẩu lao động.


Thủy Ba

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tăng sức hút cho sản phẩm OCOP

Tăng sức hút cho sản phẩm OCOP
2024-10-02 05:25:00

QTO - Trong số các tiêu chí của sản phẩm OCOP, “câu chuyện sản phẩm” được đánh giá là tiêu chí quan trọng, là nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương, là...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long