Cập nhật:  GMT+7

Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội

Tháng 12 năm nay (2024) Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 80 tuổi thì Đội Quy tập 584 Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Quảng Trị cũng có bề dày lịch sử bằng nửa thời gian ấy. 40 năm trước đội được thành lập, lấy phiên hiệu là 584 biên chế 19 cán bộ, chiến sĩ do Trung uý Trần Quang Trung làm Đội trưởng, Trung uý Võ Huy Hoá làm Phó Chỉ huy Chính trị, được giao nhiệm vụ tìm kiếm cất bốc, quy tập quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ trong nước.

Gian nan đi tìm đồng đội

Không một người lính nào thuộc thế hệ đầu tiên của đơn vị quên được ấn tượng hằn sâu trong lòng ở những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ. Từ Huế họ dắt díu nhau lên đến huyện Su Muồi tỉnh Savannakhet, đoạn đường chỉ có 250 km nhưng 2 chiếc xe Gát già phải ì ạch bò mất 4 ngày mới tới. Đến nơi, đơn vị bắt tay ngay vào công việc. Công việc mới mẻ, thung thổ không quen nhưng được người dân Lào sẵn sàng dành cho nhiều sự ưu ái, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.

Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội

Đội quy tập 584 quy tập liệt sĩ (trong ảnh) tại thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Thân nhân gia đình liệt sĩ nếu tiếp nhận được thông tin về liệt sĩ xin liên hệ đồng chí Thành, Đội quy tập 584, điện thoại: 0975797749 -Ảnh: TL

Dẫu được dân giúp song công việc tìm kiếm mộ nhiều khi còn khó hơn tìm vàng. Một lần 14 chiến sĩ trèo đèo, lội suối từ lúc trời chưa sáng đến trưa, bụng ai cũng đói meo mà không hề tìm ra mộ nào, mặc dầu trước đó dân báo khu vực họ đến tìm có khoảng 30-40 mộ. Nắng, nóng, mệt mỏi, bụng đói, vài ba chiến sĩ bàn về lán ăn cơm, mai tìm tiếp.

Cùng tâm trạng thất vọng, Đội phó Nhiệm, không nén được sự bứt rứt, bực bội, ca cẩm: “Đồng đội ơi, sống khôn, thác thiêng, chỉ chỗ nằm để anh em tôi đưa về, không rồi đồng đội cũng mục xương nơi đây mất thôi”. Bỗng nhiên, từ trong một bụi rậm gần đó có tiếng kêu thảng thốt của một chiến sĩ: “Ở đây rồi!”. Mọi người vội vã đổ xô vào bụi cây, mừng húm, cất được 32 bộ hài cốt.

Tìm mộ đã khó và vất vả nhưng chưa nhằm nhò gì. Công việc bốc mộ mới là đỉnh điểm của sự gian nan cực nhọc. Thi hài liệt sĩ thường được bọc trong nilon hoặc vải, chôn sâu khoảng 1,5 m. Hãy tưởng tượng ngồi dưới lòng mộ là một hố đất dài khoảng 2 mét, rộng 1 mét, sâu 1,5 mét đến gần lút đầu người dưới cái nắng hầm hập của mùa khô rừng Lào, tẩn mẩn bóp vụn từng nắm đất, nhặt từng mẩu xương, trong không gian chật hẹp, người không quen chỉ vài chục phút là xỉu. Với những mộ chôn lâu ngày da thịt đã tan hết còn đỡ.

Nhưng có nhiều mộ “kết” do lúc mai táng người ta bọc thi hài hai, ba lớp nilon, nay đào lên, mới cởi được nút buộc, nước vàng ứa ra thì cực kỳ vất vả. Có chiến sĩ lần đầu gặp tử thi kiểu này sợ mất vía, nhảy tót lên mặt đất, mấy cán bộ, đảng viên phải vọt xuống thế chỗ, đào từng chiếc xương xuống suối cọ rửa sạch sẽ, lấy hành động gương mẫu của mình thay lời giáo huấn. Dần dà rồi cũng quen. Mấy chiến sĩ dạo trước còn ngại mộ “kết”, nay gặp không đợi lệnh chỉ huy hăng hái nhảy xuống đáy mộ lặng lẽ làm phận sự.

Làm việc nặng nhọc trong môi trường căng thẳng, nguy hiểm, độc hại, thế mà chế độ ăn của họ không cao hơn các đơn vị khác. Từ ngày thành lập đến nay họ được cấp phát tiền ăn và các chế độ khác như mọi người lính trong quân đội, ngoài ra không có khoản ưu tiên nào khác. Thức ăn cho 5-6 tháng công tác ở Lào tất tần tật đều mua trước ở Việt Nam, chỉ có cá khô, bột ngọt, muối, mắm.

Mùa khô ở rừng Lào đến cái lá dại cũng giòn rụm như cái bánh tráng, đào đâu ra mớ rau tàu bay, me đất nấu bát canh. Chợ xa hàng chục cây số, đi sao nổi, mà giả sử tới được đó thì tiền “kíp” đâu có một đồng, biết lấy gì đảm bảo chất tươi cho bữa ăn? Không ít lần anh nuôi Dung xúc vài bát gạo nấu loãng, pha thêm muối, ớt, bột ngọt thành thứ canh “hồ gạo” lễnh loãng chan vào cơm húp cũng mát ruột, dễ dàng đẩy trôi vào bụng vài bát cơm bù lại lượng calo hao hụt sau một ngày quần quật làm việc.

Cực đàng cái ăn thêm cực đàng cái uống. Rừng khộp vào mùa khô đi từ 25- 30 cây số không tìm ra được một giọt nước. Mỗi lần hành quân mấy can nước mang theo phải ưu tiên cho hai chiếc xe già thường xuyên gài số 2, két nước chốc chốc sôi lên sùng sục, phần dành cho bộ đội còn ít lắm. Có bận bí quá phải múc nước trong vũng trâu đầm nấu cơm, cơm chín có màu đen sâm sẫm, nước uống có mùi thum thủm, bộ đội cũng phải nhắm mắt, nhắm mũi mà ăn, bởi không ăn thì đói, không uống thì khát, biết làm sao lúc này?

Ai đó nghĩ rằng công việc quy tập mộ liệt sĩ chỉ cần có sức khoẻ, tinh thần và sự chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn là làm được. Suy nghĩ ấy đúng, song chưa thấu đáo. Xin đơn cử một trường hợp. Bấy giờ là mùa khô năm 1986 đúng vào thời điểm 2 năm đội thành lập, tại một quả đồi lúp xúp cây mua và sim dại thuộc bản La Hay, huyện Mường Phìn, một tốp chiến sĩ đang hăm hở đào bới.

Bỗng nhiên, một tiếng nổ “đoàng” choáng tai từ trong lòng mộ hất tung đất, sỏi, khói thuốc nổ và cả xương người phả vào mặt mũi mọi người, không ai kịp phản ứng tự vệ. Định thần lại mới hay một quả mìn của địch, có lẽ trong lúc chôn cất liệt sĩ, do sơ ý, người ta đắp lẫn vào nấm mộ, nay đào lên, ai đó đạp trúng gây nổ làm 4 chiến sĩ : Tuấn “Lác”, Phúc “Ba đời”, Thu (Tài vụ) và Dũng (chiến sĩ) hứng trọn, trong đó có hai trọng thương, may quá không ai hy sinh.

Thế đấy! Người chiến sĩ ở đây sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh vì nghĩa lớn. Rõ ràng là hiểm nguy, xương máu tổn thất khác gì thuở chiến tranh đối mặt với bom đạn quân thù. Mà đâu phải duy nhất chỉ có bom đạn. Đội Quy tập 584 còn phải đối mặt với hiểm nguy, tai hoạ rình rập khắp nơi. Đủ thứ: rắn độc, cây đổ, đá lăn, lũ cuốn, sốt rét, lật xe... thứ gì cũng sầm sập cướp đi mạng sống con người trong khoảnh khắc.

Tại doanh trại Đội 584 thành phố Đông Hà, Đội trưởng Thượng tá Trần Hữu Hùng kể cho tôi chuyện đi tìm liệt sĩ suýt trở thành liệt sĩ. Anh cho biết, những năm gần đây việc nắm bắt thông tin, tìm kiếm mộ liệt sĩ ở Lào là cực kỳ khó khăn. Hai, ba thập niên trước, thế hệ chiến sĩ đầu tiên của đội, có ngày lấy được vài chục mộ là thường; nay suốt một mùa khô 4-5 tháng chui lủi trong rừng hết ngày này đến tháng khác, có khi chỉ lấy được hơn chục mộ.

Đã thế, phải vào những bản xa tít mù trong rừng sâu núi thẳm, mà tới được đó thì đường sá vô cùng hiểm trở, nguy cơ lật đổ xe khó tránh khỏi. Vào một ngày mưa sùi sụt tháng 5/2023, chiến sĩ Hạnh lái xe chở 4 người, trong đó có 2 người Lào tỉnh Savannakhet vào bản La Vinh, huyện Sê Pôn cách nơi đóng quân của đội hơn 150 km để xác minh thông tin dân cung cấp có mấy mộ “tà hán Việt”.

Công việc xong xuôi mọi người ra về. Đi được khoảng 30 cây số thì trời đổ mưa nặng hạt. Lái xe Hạnh nắm chắc tay lái, cố bám chặt vào sườn núi ngoằn ngoèo trơn trượt, thận trọng điều khiển xe xuống dốc. Phía bên kia sườn núi là vực thẳm, ngồi trên xe nhìn xuống ngợp người. Chợt nghĩ, chỉ một sơ suất nhỏ của lái xe thì... ôi thôi rồi! Nhưng rồi điều không dám nghĩ ấy cũng ào tới. Đang từ từ ôm cua, bất chợt nghe “sịch” một tiếng, xe sập xuống một hố lầy, mọi người vọt xuống đường tá hoả, bánh xe trước chỉ cách mép ta luy âm chút xíu. Hú vía!

Tìm hiểu thêm tôi được biết trước đây đã có 2 đồng chí của đội đi tìm liệt sĩ trở thành liệt sĩ. Đó là chiến sĩ Phạm Viết Hòa hy sinh ngày 8/3/1997 tại bản Văng Hày, huyện Sê Pôn khi chuyển hài cốt về vị trí tập kết và Tiểu đội trưởng Trương Quang Thanh hy sinh ngày 11/4/2005 tại bản Khăm Mạ Y, huyện Mường Phìn khi cất bốc hài cốt bị cây đổ đè.

Dựa vào dân để tìm đồng đội

Suốt mấy chục năm đi tìm liệt sĩ ở nước bạn, giống như ở Việt Nam, bộ đội Đội 584 luôn thực hiện nghiêm túc lời thề thứ 9 của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Khi tiếp xúc với Nhân dân, làm đúng 3 điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và 3 điều răn: Không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân để gây lòng tin cậy, yêu mến của Nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí” nên được dân các bộ tộc Lào yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhiều mặt.

Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội

Cán bộ, nhân viên Đội Quy tập 584 và Ban CHQS huyện Gio Linh tiến hành quy tập các hài cốt liệt sĩ tại Nông trường Dốc Miếu - Ảnh: XUÂN DIỆN

Tuy nhiên, không thể lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Dân Lào nhiều nơi còn giữ phong tục kiêng kỵ rất gắt. Họ không bao giờ cho người cất bốc hài cốt vào nhà, thậm chí cấm xe chở hài cốt chạy qua bản, ai vi phạm bị phạt, tức là phải cúng heo, gà, rượu. Những năm tám mươi thế kỷ trước, do chưa có kinh nghiệm, mỗi lần bị phạt Đội 584 buộc phải bớt khẩu phần ăn của bộ đội, lấy gạo, muối đổi heo, gà, rượu, nộp phạt sòng phẳng.

Có lần gạo hết, muối cạn, bí quá Đội phó Chính trị Võ Huy Hóa phải cởi áo ra thế, đồng bào thương tình tha cho. Mọi chuyện êm thấm. Sau vụ đó, rút kinh nghiệm, mỗi bận xe về đến đầu bản, khẩn trương lấy hết hài cốt xuống cho bộ đội gùi đi đường vòng tránh, xe không điềm nhiên rú ga đi qua bản chờ tốp bộ đội đi bộ tới xếp lên, đi tiếp. Tuy có chậm và phiền toái một chút nhưng dân khen “Tà hán Việt nó biết tôn trọng phong tục của dân” là mừng rồi, hơn thế, cái dạ dày của lính không bị vơi, càng mừng hơn.

Nhờ giữ tốt mối quan hệ quân dân hai nước nên dân giúp rất nhiều cho Đội 584 trong công việc. Có lần đội đã vượt qua một cách ngoạn mục tình huống khá đặc biệt mà những người tham gia sự kiện đó mỗi lần nhớ lại không khỏi bàng hoàng. Hôm đó, lấy được 9 hài cốt, chiều muộn vẫn chưa biết cách nào đem về nơi tập kết bởi có thông tin phỉ phục kích trên đường về.

Bàn bạc tập thể giữa chỉ huy và chiến sĩ cuối cùng cũng tìm ra giải pháp thích hợp, vận động được nhà sư chùa Chăm Pha Mon huyện Mường Phìn tình nguyện ngồi trên thùng xe chở hài cốt; bọn phỉ nấp trong rừng trợn tròn mắt, sửng sốt nhìn rõ có một vị sư chễm chệ an toạ trên xe, không tên nào dám động thủ.

Trước đó cũng tại huyện Mường Phìn, vào một chiều mùa hè 1987, vị thầy tu trụ trì chùa Chăm Phon lễ mễ xách vỏ một hòm đạn đến lán chỉ huy nói với Đội trưởng Trung, tháng 6, tháng 7 gì đó năm 1968 có đơn vị bộ đội đánh nhau với phỉ Vàng Pao, một bộ đội hy sinh nằm gần chùa. Đơn vị có cử người tìm kiếm hai, ba lần nhưng trời quá tối, địch lại đóng quân gần nên không tìm thấy.

Được chú tiểu giúp sức, hai thầy trò lần mò trong đêm đưa được thi hài bộ đội về chùa hoả táng, đựng tro trong hòm đạn đại liên chôn trong khuôn viên từ đó đến nay. Chờ mãi, nay mới thấy có người tới tìm, xin giao lại cho bộ đội Trung. Bộ đội Trung và những cán bộ, chiến sĩ có mặt hôm đó quá xúc động, nghẹn lời hồi lâu mới nói được mấy tiếng: “Khọp chay, khọp chay! Khọp chay lai lai!” (Cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn nhiều!)

Bốn thập niên qua, Đội quy tập 584 Bộ CHQS Quảng Trị lần lượt làm việc ở ba tỉnh Savannakhet, Salavan và Khăm Muộn, một địa bàn rộng lớn, có thể nói ác liệt nhất chiến trường Lào, điều ấy đồng nghĩa với quân tình nguyện Việt Nam hy sinh nơi đây không thể ít. Và cái gánh nặng giải quyết tồn đọng sau chiến tranh: tìm kiếm, cất bốc, quy tập hàng vạn liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chiến đấu, công tác ở đây trong hai cuộc kháng chiến về nước được trao trọn cho Đội quy tập 584 Bộ CHQS Quảng Trị là tỉnh có chung đường biên giới với nước Lào.

May thay, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội 584 không bao giờ phải đơn thương độc mã bởi đi đến đâu, thời điểm nào, địa phương nào cũng được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân chung tay san sẻ, gánh nặng.

Tại tỉnh Savannakhet, Tỉnh uỷ, UBND, Bộ CHQS tỉnh cử một tổ công tác biệt phái gồm 10 cán bộ, chiến sĩ do Đại uý Man Đông phụ trách, bám sát mỗi bước đi của đội trên đất Lào; cùng bàn bạc, trao đổi, trực tiếp giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong công việc, sinh hoạt. Ở hai tỉnh Khăm Muộn, Salavan cũng có tổ chức tương tự. Nhiều việc làm của người dân Lào rất xúc động. Có già bản tuổi cao sức yếu, bước đi không vững, vậy mà sẵn sàng lên võng để bộ đội ta khiêng vượt mấy chục cây số đường rừng tới địa điểm chỉ nơi có mộ liệt sĩ mai táng.

Nhiều hộ dân nhường căn nhà mới dựng cho bộ đội đi cất bốc mồ mả về trú, một việc làm chưa từng thấy. Các trưởng bản vui vẻ cho xe bộ đội chở hài cốt đi qua mà trước đây thuộc diện cấm kỵ nghiêm ngặt. Rõ ràng là dân ở đây, qua thực tiễn việc làm tình nghĩa của bộ đội Việt Nam và chính họ đã mang lại hiệu ứng tích cực: từng bước từ bỏ được những hủ tục ngự trị lâu đời. Thiết nghĩ việc người dân xoá cái cũ, xây dựng nếp sống mới, văn minh, tiến bộ cũng là nội dung công tác dân vận Đội 584 được lấy điểm 10 và đó cũng là một thành tích đáng trân trọng.

Bước qua năm thứ 8 của thiên niên kỷ thứ hai, Đội Quy tập 584 đón nhận sự kiện trọng đại. Trải qua 24 năm (1984- 2008) mải miết đi tìm đồng đội, bằng tinh thần lao động quên mình, không nề hà gian khổ, nhọc nhằn và hy sinh xương máu, Đội 584 đã quy tập trên đất Lào được 5.194 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó hài cốt có tên và quê quán là 216 bộ, chỉ có tên là 210 bộ và chỉ có quê là 112 bộ. Từ năm 2003 đội được giao thêm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tụ mộ liệt sĩ ở các huyện Hướng Hoá, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong... tỉnh Quảng Trị đã cất bốc, quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trong nước được 521 mộ.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trên, ngày 13/3/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới” cho Đội Quy tập 584.

Niềm vui nối tiếp niềm vui! Vinh dự ngập tràn vinh dự! Ba năm sau ngày Đội 584 được tuyên dương anh hùng, người Đội trưởng yêu quý, Đại tá Trần Hữu Lưu gắn bó thân thiết với đội nhiều năm qua với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 11/11/2010 được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Thật là quá đỗi vui mừng! Quá đỗi tự hào! Nếu tôi không nhầm thì đây là một đơn vị quân đội và người chỉ huy đơn vị ấy duy nhất của lực lượng vũ trang Quảng Trị và Quân khu 4, có thể cả toàn quân nữa được nhận phần thưởng cao quý này trong thời kỳ đổi mới.

Mùa khô năm 2024 vừa khép lại. Vậy là vừa tròn 40 mùa khô - 40 năm ở rừng Lào, Đội Quy tập 584 đã cất bốc được 5.516 mộ liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và 519 mộ liệt sĩ được quy tập ở miền Tây Quảng Trị, về các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh; cộng cả hai nơi được 6.015 mộ.

Phải thừa nhận rằng đó là một con số cực kỳ ấn tượng mới xuất hiện gần đây trong các bản báo cáo của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị. Đây là kết quả của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập 584 anh hùng đồng sức, đồng lòng, sẵn sàng chấp nhận chịu đựng nặng nhọc, gian khổ, khó khăn lâu dài, hy sinh xương máu làm nên trong 4 thập niên vắt qua hai thế kỷ.

Kỳ diệu thay! 40 năm (1984-2024) đằng đẵng mỏi mòn đợi chờ của hàng vạn thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc. 40 năm quạnh hiu, lạnh lẽo của ngàn vạn linh hồn đồng đội nơi non cao, rừng thẳm! 40 năm bộ Đội 584 trèo đèo, lội suối, đói ăn, khát uống, tìm về cho Tổ quốc 5.516 mộ liệt sĩ - những con người ưu tú của đất mẹ anh hùng đã ngã xuống trên chiến trường nước bạn - con số ấy thật quá ấn tượng, ý nghĩa sâu xa, đáng trân trọng, tự hào nhường nào!

Mấy hôm trước khi tìm hiểu tư liệu viết bài, Thượng tá Lê Phương Đông - Trưởng ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết hiện còn khoảng 160 mộ liệt sĩ ở Lào và nhiều nữa ở địa bàn các huyện miền tây Quảng Trị tiếp tục được giao cho Đội Quy tập 584 đảm trách. Cầu mong cho đội sớm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Trần Biên

Tin liên quan:
  • Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội
    Nỗ lực trên hành trình đi tìm đồng đội

    Vượt qua những khó khăn trên hành trình đi tìm đồng đội, mùa khô 2022-2023, Đội 584, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 39 hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước đưa về yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

  • Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội
    Người cựu chiến binh và hành trình đi tìm đồng đội

    Những ai từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, nhất là các cựu chiến binh, nhiều người biết anh. Người ta biết anh, vì anh là người trong nhiều năm qua đã bỏ bao công sức cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Anh là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Bình ở đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thị xã Quảng Trị.

  • Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội
    Tìm đồng đội, người bạn học năm xưa

    Quê tôi ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi đầu cầu giới tuyến, nơi có thể nói là ác liệt nhất trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Năm 1967, lúc 12 tuổi tôi cùng hàng vạn học sinh Vĩnh Linh được Đảng và Bác Hồ quan tâm đưa ra miền Bắc ăn học. Hồi đó chúng tôi được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương “Học sinh K8”.

  • Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội
    Gần 40 năm làm quản trang để tri ân đồng đội

    Ông Nguyễn Linh Mục (sinh năm 1954), hiện ở thôn Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong là người tham gia kháng chiến ở chiến trường Quảng Trị, bị nhiễm chất độc hóa học, thương binh 4/4. Dù vết thương chiến tranh khiến sức khỏe ngày một giảm sút nhưng ông vẫn gắn bó với công việc làm quản trang ở địa phương hàng chục năm nay.


Trần Biên

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết