Cập nhật:  GMT+7

Bất ổn ở Đức, Pháp ảnh hưởng nghiêm trọng châu Âu

Bất ổn chính trị tại Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, có khả năng lan rộng ra toàn bộ Liên minh châu Âu, làm suy yếu tiềm lực và sức mạnh của EU trong bối cảnh khối phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị ngày càng phức tạp.

Bất ổn ở hai nền kinh tế lớn nhất EU

Đức và Pháp luôn được xem là hai “động lực” chính của EU khi đóng vai trò quan trọng trọng việc định hình các chính sách chung của khối, từ quản lý tài chính đến giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị gần đây đã làm suy giảm vai trò lãnh đạo của cả hai quốc gia này, đe dọa sự đồng thuận trong các quyết sách của EU.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, không chỉ đối mặt với mức tăng trưởng chậm (dự báo chỉ 0,7% vào năm 2025) mà còn rơi vào tình trạng bất ổn chính trị sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền. Việc không có một chính phủ ổn định khiến Berlin không thể thực hiện các cam kết tài khóa hay đóng vai trò dẫn dắt trong các sáng kiến lớn của EU.

Trong khi đó, tại Pháp, việc chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier sụp đổ khiến các cải cách kinh tế quan trọng, đặc biệt là cắt giảm thâm hụt ngân sách, bị đình trệ. Với thâm hụt ngân sách lên tới 6,2% GDP – cao nhất khu vực đồng euro – quốc gia này khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn tài khóa mới mà EU đặt ra.

Bất ổn ở Đức, Pháp ảnh hưởng nghiêm trọng châu Âu

Cựu Thủ tướng Pháp Michel Barnier (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải)- Ảnh: EPA/Ludovic Marin

Tác động đến kinh tế toàn EU

Sự bất ổn tại Pháp và Đức làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế vốn đã tồn tại trong EU. Việc thiếu sự lãnh đạo quyết liệt từ Pháp và Đức khiến EU gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chính sách tài chính chung. Thâm hụt ngân sách lớn tại nhiều quốc gia thành viên, cùng với áp lực chi tiêu quốc phòng, đang đẩy khối vào nguy cơ mất cân bằng tài chính nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc – đối tác lớn của EU – đang suy giảm đáng kể khi khối tìm cách giảm rủi ro từ căng thẳng địa chính trị. Không những vậy, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất áp thuế 10% lên hàng hóa EU cũng đe dọa làm suy yếu xuất khẩu của khối.

Các chuyên gia cảnh báo EU đang tụt hậu so với Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo, và nền kinh tế số. Nếu không có sự dẫn dắt của Pháp và Đức, các sáng kiến như phát hành trái phiếu chung, xây dựng quỹ đầu tư châu Âu, hay cải cách thị trường vốn sẽ khó được thực hiện.

Tình trạng bất ổn chính trị tại hai quốc gia lớn nhất EU cũng làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia thành viên.

Các quốc gia thành viên ngày càng khó đạt được sự đồng thuận về các chính sách tài chính, thương mại và an ninh do sự khác biệt về lợi ích. Điều này đặc biệt rõ rệt trong việc phân bổ ngân sách chung hoặc chia sẻ rủi ro thông qua các cơ chế như trái phiếu euro.

Suy yếu sự đoàn kết nội khối

Khi hai quốc gia dẫn đầu EU không thể duy trì ổn định chính trị, các quốc gia thành viên nhỏ hơn có thể nghi ngờ về hiệu quả của các thể chế chung, từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đến Ủy ban châu Âu.

Mọi chuyện thậm chí còn khó khăn hơn khi bất ổn tại Pháp có thể lan sang các quốc gia khác, làm gia tăng chủ nghĩa dân túy và đe dọa tính bền vững của EU.

Các nhà kinh tế cảnh báo nếu tình trạng bất ổn chính trị tại Pháp và Đức không được giải quyết, EU có thể rơi vào giai đoạn trì trệ kéo dài. Việc thiếu các cải cách tài chính có thể khiến khối không thể kiểm soát thâm hụt ngân sách hoặc đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.

Khi không thể giải quyết các vấn đề nội khối, EU có nguy cơ bị lu mờ trong các vấn đề quốc tế, từ cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc đến xử lý các thách thức an ninh như xung đột Nga-Ukraine.

Sự bất ổn chính trị tại Pháp và Đức đang tạo ra những tác động dây chuyền, làm suy yếu khả năng lãnh đạo, sự đoàn kết và sức mạnh kinh tế của EU. Nếu không có các giải pháp nhanh chóng và hiệu quả, EU có nguy cơ mất vị thế toàn cầu và rơi vào giai đoạn trì trệ dài hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của khối. Những tháng tới sẽ là thời điểm quyết định để EU chứng minh khả năng thích ứng và đoàn kết trước những thách thức ngày càng lớn.

An Thái


An Thái

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long