Cập nhật:  GMT+7

Xông đất ngày tết cổ truyền

Xông đất (hay còn gọi là đạp đất) là phong tục đã có từ lâu đời của người Việt. Người xưa quan niệm rằng, sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến chúc Tết nếu hợp tuổi với gia chủ thì cả năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, thịnh vượng. Ngược lại, nếu người đến xông đất khắc tuổi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì cả năm gia chủ sẽ gặp xui rủi. Vì vậy, vào quãng thời gian đầu tiên của năm mới, nhiều gia đình người Việt rất coi trọng phong tục xông đất.

Xông đất ngày tết cổ truyền

Theo tín ngưỡng của người Việt, người đầu tiên đến xông đất kèm theo những lời chúc tốt đẹp có yếu tố quyết định đến sự may mắn trong năm mới của gia chủ - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Theo tín ngưỡng của người Việt, tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, các vị thần linh, ông bà tổ tiên cũng về ăn Tết, phù hộ cho con cháu. Sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến xông đất kèm theo những lời chúc tốt đẹp có yếu tố quyết định đến sự may mắn trong cả năm đó của gia chủ.

Trong khi đó, khoa học phong thủy hiện đại chứng minh rằng mỗi mảnh đất, vùng đất đều có một từ trường tốt hoặc xấu, có thể hợp với người này nhưng không hợp với người kia. Việc xông đất về bản chất là mang một năng lượng sinh học mới không chỉ cho con người mà còn cho cả đất đai nơi đó. Nguồn năng lượng này đến vào thời khắc giao thừa thì sự hô ứng, tiếp nhận diễn ra càng trọn vẹn, hiệu quả hơn.

Phong tục xông đất đầu năm mới ở mỗi nơi có thể khác nhau về kiểu cách, hình thức nhưng về bản chất thì giống nhau. Thời gian xông đất được tính từ khi đồng hồ điểm sang ngày mới. Tùy mỗi gia đình, quá trình xông đất có thể diễn ra tự nhiên hoặc có sự chuẩn bị.

Đối với trường hợp người đi xông đất được sắp đặt, họ là vị khách đến đầu tiên vào sáng mồng một Tết, phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó. Gia chủ sẽ đón tiếp họ vui vẻ, nhiệt tình và nhận những lời chúc tốt đẹp đến với gia đình mình. "Những người xông đất chỉ đến trong khoảng thời gian ngắn để cầu chúc cho gia đình gia chủ may mắn cả năm. Chỉ vậy thôi, nhưng cũng đã mang đến niềm vui và sự tin tưởng cho gia chủ rằng cả năm gia đình sẽ gặp may mắn", ông Nguyễn Văn Khôi ở Phường 5, TP. Đông Hà nói.

Thuở trước, những người đi xông đất thường mang theo các món quà ý nghĩa dành cho gia chủ, mang tính chất của sự may mắn như: kẹo, bánh, câu đối... Tuy nhiên, thích ứng với sự phát triển của xã hội nên hiện nay người tới xông đất sẽ mang theo những phong bao lì xì màu đỏ mừng tuổi cho gia chủ và những thành viên trong gia đình. Giá trị của phong bao lì xì không cần cao.

Khi lì xì mừng tuổi, vị khách sẽ kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất. Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc “bách niên giai lão”, “tăng phúc tăng thọ”. Nếu gia chủ là người buôn bán thì chúc “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát đạt”. Gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn”, “học hành đỗ đạt”... Sau đó, gia chủ cũng lì xì, chúc cho người xông đất những điều may mắn, rồi mời khách thưởng trà, nâng ly rượu đầu xuân và trò chuyện về những điều tốt đẹp vào năm mới.

Xông đất ngày tết cổ truyền

Những người xông đất chỉ đến trong khoảng thời gian ngắn để cầu chúc cho gia đình gia chủ may mắn cả năm - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Người được gia chủ nhờ đến xông đất thường là người xởi lởi, vô tư, thật thà, ngoại hình dễ nhìn, đặc biệt là gia đình người này không có tang và con cái đông đủ cả trai lẫn gái. Khi đến xông nhà cho gia chủ chỉ nên nói tới những câu chuyện vui vẻ, những điều may mắn. Tránh những câu chuyện buồn của năm cũ và không nhắc đến chuyện đã qua.

Nếu xét trên tổng thể thì số gia đình chủ động nhờ người đến xông đất chiếm tỉ lệ thấp hơn so với các gia đình để phong tục này diễn ra một cách tự nhiên. Trường hợp xông đất tự nhiên thì gia chủ sẽ không quá khắt khe, người nào vô tình đến xông đất đầu năm cũng đều được đón tiếp nồng hậu và chúc những lời may mắn, an lành.

Tuy nhiên trong thực tế, cả năm “thuận buồm xuôi gió” thì không sao, nếu gia chủ làm ăn thất bát, gặp nhiều xui rủi, không thuận lợi trong cuộc sống, công việc thì một số gia đình sẽ đổ lỗi do người xông đất đầu năm mang lại.

“Do vậy, ở nhiều làng quê người trẻ, phụ nữ và trẻ em không được vào xông đất nhà người khác. Việc xông đất đầu năm thường dành cho những bậc trưởng họ, trưởng phái hoặc bô lão có cuộc sống lành mạnh, gia đình hạnh phúc, ấm êm. Sau người xông đất, những vị khách đến nhà chúc Tết tiếp theo dù tuổi nào cũng không quan trọng nữa, thậm chí dù kỵ tuổi cũng không ảnh hưởng gia chủ vì đã có người hợp tuổi xông đất trước đó rồi”, ông Trần Văn Tập ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, chia sẻ.

Nhiều bậc cao niên cho hay, xông đất là phong tục cầu mong may mắn, phúc khí đến cho gia đạo. Do đó, việc xông đất sẽ phải lưu ý một số kiêng kỵ để ý nghĩa xông đất được trọn vẹn. Nữ giới, trẻ em nếu không phải gia chủ trực tiếp mời thì không nên đến nhà người khác xông đất. Khi đến chúc Tết nên theo thứ tự người nam bước vào nhà trước, người nữ và trẻ em sẽ vào sau. Nhà có tang hoặc năm vừa qua có ốm đau, hoạn nạn thì tránh đến nhà người khác xông đất sớm, sẽ khiến gia chủ không vui. Người xung khắc, kỵ tuổi gia chủ không nên đến xông đất.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì nhiều phong tục có sự thay đổi cho phù hợp. Tục xông đất tại nhiều miền quê cũng đã nhẹ nhàng hơn, không còn coi nặng về tuổi tác, giới tính của người xông đất như trước. Hiện nay, các gia đình xem việc xông đất là lộc trời cho nên cứ thuận theo tự nhiên, không chuẩn bị người xông đất. Bất kỳ ai đến nhà xông đất đầu năm đều được xem là người mang đến may mắn cho gia chủ và mọi người đều vui vẻ. Trên thực tế, gia chủ hoặc người trong nhà hoàn toàn có thể tự xông đất cho nhà mình.

Trần Thanh

Tin liên quan:
  • Xông đất ngày tết cổ truyền
    Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết

    Những năm trước, vào ngày tết cổ truyền dân tộc, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức ở khắp nơi, tạo nên bức tranh lễ hội Quảng Trị đặc sắc, ấn tượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí của Nhân dân... Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày đầu xuân Nhâm Dần - 2022, chỉ có một số lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức nhưng có sự điều chỉnh hợp lý về quy mô, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội ...

  • Xông đất ngày tết cổ truyền
    Gìn giữ Tết truyền thống

    Xu hướng bảo tồn văn hóa Tết truyền thống những năm gần đây đang được khôi phục khá sâu đậm. Việc người dân đi đón Tết ở những nơi xa ngày càng ít; họ chọn ở nhà tham gia nhiều hơn vào các việc làm giữ gìn truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét...; sắm sửa trang phục truyền thống để đón Tết.


Trần Thanh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhớ Tết ở đảo tiền tiêu

Nhớ Tết ở đảo tiền tiêu
2024-02-10 06:30:00

QTO - Ngày 20 tháng Chạp năm Giáp Thân - 2004, cán bộ và các lực lượng công an, quân đội của huyện đảo Cồn Cỏ chuẩn bị bữa cơm tất niên sớm để tiễn chân...

Những đoàn tàu chở mùa xuân sum họp

Những đoàn tàu chở mùa xuân sum họp
2024-02-09 08:26:00

QTO - Dịp Tết là mùa cao điểm của những nhân viên lái tàu. Cùng với những chuyến tàu ngược xuôi Bắc - Nam để kịp đưa người dân về quê đón Tết với gia đình...

Về nhà trên chuyến xe gãy nhíp

Về nhà trên chuyến xe gãy nhíp
2024-02-09 08:21:00

QTO - Về nhà, sống trong yêu thương của ba mạ, anh em. Tôi biết ba mạ vẫn thoáng chạnh lòng nhớ quê nhà Quảng Trị, nỗi niềm tha hương đã đọng thành những...

Đông Hà rực rỡ sắc màu đón Tết

Đông Hà rực rỡ sắc màu đón Tết
2024-02-08 06:45:00

QTO - Trong những ngày này, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và hưởng ứng của người dân, rất nhiều tuyến phố, công viên ở thành phố Đông...

Nơi khởi đầu mùa xuân

Nơi khởi đầu mùa xuân
2024-02-07 06:40:00

QTO - Không có đôi mắt sáng, người khiếm thị dễ rơi vào bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và khó vượt qua đói nghèo. Nhờ nỗ lực bản thân cùng sự tiếp sức của...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long