{title}
{publish}
{head}
Dịp Tết là mùa cao điểm của những nhân viên lái tàu. Cùng với những chuyến tàu ngược xuôi Bắc - Nam để kịp đưa người dân về quê đón Tết với gia đình là sự hy sinh thầm lặng của những người lái tàu cùng hàng ngàn công nhân viên ngành đường sắt. Họ phải làm việc ngày đêm, ít khi nào được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Những chuyến tàu chở mùa xuân và hy vọng miệt mài nối nhịp cầu sum họp- Ảnh: H.T
Đón Tết cùng tiếng còi tàu
Ga Đà Nẵng những ngày cậnTết nhộn nhịp người. Đúng 23 giờ, một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray kêu ken két, con tàu chính thức khởi hành chở theo niềm mong ngóng, ước mong sum họp của những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Chuyến tàu này do anh Hoàng Hữu Thoại (30 tuổi), quê ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhân viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Khu vực miền Nam điều khiển. Sau 5 năm đảm nhận công việc lái tàu, anh Thoại dường như đã quen với cảm giác xa nhà những ngày Tết. Chỉ mới cách đó vài giờ đồng hồ, anh khẽ thơm vào má 2 con nhỏ đang ngủ say rồi chào tạm biệt vợ trước khi ra ga Đà Nẵng nhận nhiệm vụ.
Chuyến tàu Đà Nẵng - Nha Trang do anh điều khiển lăn bánh lúc 23 giờ nhưng anh phải có mặt ở phòng trực ban trước 2 tiếng để làm các thủ tục. Anh Thoại nói: “Nghề lái tàu vất vả lắm, bởi để điều khiển một khối máy móc nặng hàng chục tấn và có giá trị nhiều tỉ đồng thì đòi hỏi người lái phải dày dạn kinh nghiệm. Vì trên hết, đó là sinh mạng, sự an toàn của hàng trăm con người trên các toa tàu”.
Mâm cỗ đêm giao thừa của tổ tàu trên chuyến tàu SE21 - Ảnh: H.T
Những chuyến tàu ngày Tết luôn mang đến cho anh Thoại và đồng nghiệp nhiều cảm xúc khó tả bởi không khí đông vui, nhộn nhịp. Trên sân ga, người bồng bế con nhỏ, người mang thêm hoa đào, quất cảnh, túi quà, gói bánh. Hương mùa xuân như lan tỏa trên những toa tàu khiến ai cũng nôn nao, muốn về nhà nhanh nhất có thể. Câu chuyện sắm sửa đón Tết, thăm viếng họ hàng cứ nối dài không dứt.
Do đặc thù công việc nên việc đón giao thừa bên khoang máy là chuyện rất bình thường đối với anh Thoại và nhiều công nhân viên ngành đường sắt. Vậy nhưng, mỗi dịp cận kề năm mới, ai cũng thèm được quây quần, tề tựu bên mâm cỗ cúng giao thừa, được chia sẻ niềm vui và ước vọng về một năm mới bình an với gia đình, người thân.
“Trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tôi thường kéo một hồi còi thật dài để xua tan không gian tĩnh mịch của trời đất. Tiếng còi tàu đêm giao thừa thật sự thiêng liêng. Nó không chỉ thay cho tiếng pháo đón giao thừa, tiễn biệt năm cũ, chào đón một năm mới với nhiều hy vọng tốt lành mà như còn đồng điệu với tâm hồn đời “lính hỏa xa”, anh Thoại chia sẻ.
Thời khắc giao thừa, trên đầu máy chỉ có tổ lái (lái chính và lái phụ). Thời khắc đất trời giao hòa, một cảm giác bâng khuâng đến khó tả. Chạy qua những cung đường rừng núi trập trùng, bao la, bốn bề tĩnh lặng, nhìn đồng hồ điểm 0 giờ không khỏi bâng khuâng trong lòng. May mắn là dù công việc lái tàu bận rộn, luôn phải xa nhà nhưng anh Thoại được vợ thấu hiểu, chia sẻ, đảm đương mọi việc trong gia đình, làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên mỗi cung đường.
Nhiều bạn bè đùa vui với anh Thoại rằng “bao nhiêu ngành nghề được gần vợ con, gia đình thì không chọn lại đi chọn nghề xa nhà quanh năm như lái tàu” nhưng anh Thoại chỉ cười. Với anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác, họ yêu công việc này và luôn có một niềm tự hào khi nối những nhịp cầu sum họp cho hàng ngàn hành khách khắp mọi miền đất nước.
Nối nhịp cầu sum họp
Sinh ra và lớn lên ở huyện Triệu Phong, anh Phan Văn Đồng (31 tuổi), hiện là tiếp viên của Trạm tiếp viên Đà Nẵng, thuộc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam chia sẻ với chúng tôi, gần 10 năm công tác trong ngành đường sắt, anh hiếm khi được ăn Tết ở nhà. Thế nhưng với anh Đồng cũng như nhiều đồng nghiệp khác, những ngày giáp Tết, đặc biệt là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tổ tàu và hành khách trên tàu đều xem nhau như một gia đình.
“Trước giờ đón giao thừa, anh chị em tổ tàu chia nhau luộc gà, bày bánh chưng, bánh kẹo để thắp hương. Đúng 12 giờ đêm, lái tàu trên đầu máy thường kéo một hồi còi dài báo hiệu thời khắc chuyển giao sang năm mới. Sau đó, cả tổ tàu đi dọc các toa tàu để chúc Tết và lì xì cho hành khách, đồng thời mời mọi người về toa hàng ăn để cùng đón năm mới.
Những người có mặt trên chuyến tàu cuối năm luôn có cảm giác rất gần gũi, chia sẻ cảm xúc khi mùa xuân tràn vào từng ô cửa sổ con tàu. Có những hành khách nước ngoài đi du lịch rất ngạc nhiên khi được tiếp viên mời ăn uống, chúc mừng năm mới”, anh Đồng hào hứng kể.
Anh Phan Ngọc Đồng kiểm tra vé và hướng dẫn hành khách lên tàu - Ảnh: H.T
Một kỷ niệm cách đây nhiều năm mà anh Đồng vẫn còn nhớ là trên chuyến tàu ngày giáp Tết, có 1 hành khách nam từ TP. Hồ Chí Minh về quê ăn Tết. Khi xuống ga Huế, hành khách này quên túi xách bên trong có hàng chục triệu đồng. Đây là số tiền anh tích góp, dành dụm được trong một năm để về quê giúp bố mẹ sửa lại mái nhà đón Tết. Phát hiện túi đồ, tổ tàu đã nhanh chóng tìm cách trả lại cho vị khách.
Chứng kiến người thanh niên trẻ rưng rưng xúc động nhận lại số tiền lớn tưởng đã mất, ai nấy đều cảm thấy vui trong lòng khi góp phần mang đến cái tết trọn vẹn cho gia đình của hành khách này. Hay trên chuyến tàu ra Bắc ngày 20 tháng Chạp cách đây 3 năm, khi tàu qua ga Kim Liên gần đèo Hải Vân (Đà Nẵng) thì bất ngờ có một hành khách trở dạ sinh con.
Cả đoàn tiếp viên đã nhanh chóng huy động các dụng cụ, phương tiện trang bị sẵn trên tàu và phát loa thông báo tìm hành khách có chuyên môn nhờ hỗ trợ. Sau đó, một nhóm hành khách là các y, bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội có mặt trên chuyến tàu cùng tổ tàu đã giúp sản phụ vượt cạn thành công. “Niềm vui của hành khách cùng những kỷ niệm đẹp với nghề chính là động lực để tôi và đồng nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, quyết tâm gắn bó với nghề”, anh Đồng tâm sự.
Một mùa xuân mới lại đến, những cán bộ, nhân viên ngành đường sắt cùng những chuyến tàu chở mùa xuân và hy vọng vẫn đang miệt mài nối những nhịp cầu sum họp cho biết bao gia đình. Họ lấy niềm vui đoàn viên bên người thân của mọi người làm niềm vui của chính mình, của gia đình mình để nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt hành trình từ Bắc vào Nam. Ai trong số họ đều cũng có cho riêng mình những dự cảm, những ước vọng về một năm mới tốt lành, đủ đầy hơn.
Hà Trang
NDO - Sáng 12/12, tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) tổ chức Lễ ra mắt chương trình "Xây Tết 2025” với những...
QTO - Công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH),...
QTO - Về nhà, sống trong yêu thương của ba mạ, anh em. Tôi biết ba mạ vẫn thoáng chạnh lòng nhớ quê nhà Quảng Trị, nỗi niềm tha hương đã đọng thành những...
QTO - Anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1992), quê quán ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT...
QTO - Từ đất nước Hà Lan xa xôi, suốt 16 năm nay, ông Hans Victor Selder (hơn 80 tuổi) đã dành tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...
QTO - Một chàng trai quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bằng những nỗ lực không ngừng đã vượt qua những giới hạn của bản thân để trở...
QTO - Trong những ngày này, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và hưởng ứng của người dân, rất nhiều tuyến phố, công viên ở thành phố Đông...
QTO - Trong những ngày cận tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Quốc lộ 9 tăng đột biến....
QTO - Không có đôi mắt sáng, người khiếm thị dễ rơi vào bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và khó vượt qua đói nghèo. Nhờ nỗ lực bản thân cùng sự tiếp sức của...
QTO - Người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị không nhớ rõ nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết rằng, hàng trăm năm trước, khi có nông cụ sản xuất bằng sắt xuất hiện...
QTO - Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều lao động tự do ngược xuôi tìm kiếm thêm việc làm. Mỗi người một công việc, muôn nẻo nhọc nhằn, vất...
QTO - Hơn 15 năm qua, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã trở thành nhịp cầu, nối những tấm lòng nhân ái với các hoàn...