{title}
{publish}
{head}
Ngày 20 tháng Chạp năm Giáp Thân - 2004, cán bộ và các lực lượng công an, quân đội của huyện đảo Cồn Cỏ chuẩn bị bữa cơm tất niên sớm để tiễn chân những người không nằm trong danh sách trực tết Nguyên đán vào đất liền đón Tết với gia đình. Khi ba hồi còi tàu ngân dài báo hiệu tàu chuẩn bị rời cảng trở về đất liền, những người ở lại trực Tết trên đảo chợt thoáng qua cảm giác chùng lòng bâng khuâng. Thế nhưng, cảm giác này nhanh chóng qua, nhường lại cho sự háo hức chuẩn bị đón một mùa xuân đến sớm trên đảo. Kỷ niệm dấu mốc 20 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, những người đã từng gắn bó với đảo nhớ về tết xưa với hoài niệm đẹp đẽ, thiêng liêng.
Một góc đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao - Ảnh: T.T
Thân thương không khí tết của gia đình lớn
Ngày 1/10/2004, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 174/2004/ NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh. Là “đảo trưởng” đầu tiên của huyện đảo, ông Lê Quang Lanh, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện vẫn còn nhớ rất rõ về cái tết đầu tiên trên huyện đảo, tết Ất Dậu năm 2005.
Khi nhận nhiệm vụ công tác ở đảo Cồn Cỏ, ông Lanh đã “ngầm định”, những năm đầu tiên mới thành lập huyện đảo, anh em cán bộ huyện đảo sẽ được về quê đón Tết, nhưng lãnh đạo huyện, thủ trưởng các đơn vị bắt buộc phải ở lại trực.
Từ đầu tháng Chạp năm Giáp Thân, những hộ dân sinh sống ở đảo cũng như công nhân xây dựng các công trình trên đảo đã chộn rộn chuẩn bị thu dọn hành lý về quê. Ai cũng mang tâm trạng bồn chồn, háo hức ngóng tàu ra đảo thuận buồm xuôi gió. Thật may, năm đó thời tiết rất đẹp nên khi có tàu ra, UBND huyện đảo quyết định làm bữa cơm tất niên sớm để chia tay một số cán bộ công tác ở đảo, người dân trên đảo về quê đón tết Nguyên đán.
Dù huyện đảo mới thành lập còn bộn bề khó khăn nhưng Tết ở đây được chuẩn bị không kém phần tươm tất. Sau bữa cơm chiều 30 Tết, lãnh đạo huyện, thủ trưởng các đơn vị tập trung thắp hương ở Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thắp hương cho các ngôi mộ “được” (mộ của những người dân gặp nạn không rõ gốc tích được chôn cất rải rác trên đảo, thời điểm đó còn chưa được quy tập lại một nơi).
Ông Lanh nhớ lại cảm giác vào thời khắc giao thừa, mọi người cùng nhau ngồi lại uống chén rượu đón năm mới, nghe rầm rì sóng biển mà bất giác chạnh lòng nhớ không khí quây quần, đầm ấm ở đất liền.
“Nhưng gác lại niềm riêng, chúng tôi đều ý thức được việc ở lại trực Tết trên đảo vừa là nhiệm vụ, vừa là sự quan tâm, chia sẻ, động viên đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang ngày đêm bảo vệ đảo tiền tiêu, cả những người dân làm nghề trên biển không kịp về bờ ăn tết phải cập tàu vào đảo để tạo không khí ấm cúng, gần gũi, thân tình của ngày xuân”, câu chuyện của ông Lanh với những ký ức chắp nối cho chúng tôi hình dung về những năm tháng dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chan hòa tình cảm ấm nồng của những người gắn bó với đảo.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 540, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân bày biện mâm quả ngày Tết - Ảnh: T.T
Không phải năm nào đất trời cũng thuận hòa để những chuyến tàu cuối năm “mang mùa xuân” ra đảo, chở người về đón Tết cũng thuận buồm xuôi gió. Ông Lanh vẫn nhớ, có 3 lần, đã cận kề Tết nhưng thời tiết rất xấu, tàu ra đảo không thể xuất phát từ cảng Cửa Việt. Ông phải vào Đà Nẵng để đi nhờ chuyến tàu của lực lượng hải quân xuất hành đi thăm Tết các đảo mới ra được Cồn Cỏ.
“Bình thường, từ cảng Đà Nẵng ra đến Cồn Cỏ chỉ mất khoảng 8 giờ đồng hồ, nhưng có năm, tàu chúng tôi phải mất hơn 16 giờ vật lộn với sóng biển, gió mùa mới đến được gần đảo Cồn Cỏ rồi buộc phải neo lại gần bờ, không cập cảng được. Lại phải thêm một chuyến “tăng bo” chở người vào bờ bằng thuyền nhỏ, còn hàng hóa, nhu yếu phẩm từ đất liền gửi ra đảo phục vụ Tết phải bỏ lại trên tàu, đó thực sự là những chuyến đi “bão táp” mà tôi không bao giờ quên được”, ông Lanh chậm rãi kể.
Sang năm thứ 3 sau khi thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, sáng kiến chào cờ sáng mồng 1 Tết được triển khai. Đến nay, lễ chào cờ đầu năm mới trên đảo đã trở thành nét đẹp truyền thống đặc biệt và thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
Sáng sớm mồng 1 Tết, các lực lượng tập trung trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng, thực hiện nghi thức chào cờ. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay giữa biển trời lộng gió, mọi người đồng thanh hát Quốc ca dưới cờ Tổ quốc. Giao hòa với giai điệu Quốc ca trầm hùng là tiếng sóng, tiếng gió biển và cả thanh âm dạt dào những cảm xúc tự hào, thiêng liêng tình yêu Tổ quốc của lòng người.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường khi chia sẻ câu chuyện chào cờ đầu năm mới ở đảo vẫn tự hào rằng 17 năm nay, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo luôn coi đây là một nét văn hóa ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền và đặc biệt duy trì việc tự hát Quốc ca thay vì dùng nền nhạc.
Nối gần đảo với đất liền
Vợ chồng anh Ngô Quang - chị Hoàng Thị Lam là những công dân sinh sống lâu năm tại huyện đảo, riêng anh Quang đã gắn bó với Cồn Cỏ đến nay 20 năm thì có tới 17 năm đón Tết ở đảo.
Công tác ở điện lực huyện đảo, anh Quang dành thời gian rảnh cùng vợ kinh doanh nhà hàng ăn uống, nuôi 80 con lợn bản, 50 con dê, đàn gà hàng trăm con và đặc biệt nuôi 1.000 con cua đá mua giống từ đảo Lý Sơn. Có một chi tiết rất thú vị khi anh Quang kể về không khí chuẩn bị đón Tết ở đảo, thời điểm giáp Tết khi mọi nhà lo sắm sửa mứt, bánh... thì vợ chồng anh “đánh vật” với việc mổ lợn, mổ dê để kịp xuất bán vào đất liền hơn một tấn thịt các loại.
Sôi nổi các hoạt động thể dục - thể thao đầu xuân mới trên huyện đảo Cồn Cỏ -Ảnh: T.T
Sau 20 năm thành lập và phát triển, huyện đảo Cồn Cỏ đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ. “Phát triển du lịch một trong những kết quả rất lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cồn Cỏ đã tiếp tục phát huy những kết quả của các thế hệ. Năm 2023, lượng khách du lịch ra đảo đạt hơn 8.600 khách, trong đó chủ yếu khách tham quan vào mùa hè, doanh thu từ dịch vụ, du lịch ước đạt trên 13 tỉ đồng.
Huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục nỗ lực khai thác hiệu quả tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ, tôn tạo hình thành một số điểm đến, tạo dựng khu danh thắng lịch sử, điểm tham quan, ngắm cảnh, dịch vụ lặn ngắm biển”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường chia sẻ. Ông tâm đắc những dự định, kế hoạch phát triển du lịch Cồn Cỏ với những điểm nhấn để thu hút nhiều hơn du khách đến với Cồn Cỏ trong thời gian tới.
Bất giác, chúng tôi chợt liên tưởng, biết đâu sẽ có thêm những tour du lịch cùng người dân đón tết Nguyên đán trên đảo Cồn Cỏ. Được lắng đọng với cảm xúc thiêng liêng khi chào cờ vào ngày đầu năm mới giữa bát ngát trùng khơi, tận hưởng không khí ấm cúng gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, sửa soạn bày biện mâm cỗ Tết cùng cán bộ, chiến sĩ, thắp nén hương thơm thành kính tri ân những liệt sĩ đã quên mình giữ đảo, hay leo 100 bậc cầu thang “uốn lượn” theo hình xoắn ốc lên ngọn tháp hải đăng Cồn Cỏ vào buổi sớm đầu năm để thỏa sức phóng tầm mắt chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh và toàn cảnh biển đảo tiền tiêu Cồn Cỏ...
Những trải nghiệm này chắc chắn sẽ mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc đặc biệt, để nối gần hơn đảo tiền tiêu với đất liền.
Thanh Trúc
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - “Chỉ cần vượt qua quãng đường gần 350 km là chúng ta có thể chạm tay vào... 80 triệu năm trước”- Lời phi lộ rất gợi của anh Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc...
QTO - Dịp Tết là mùa cao điểm của những nhân viên lái tàu. Cùng với những chuyến tàu ngược xuôi Bắc - Nam để kịp đưa người dân về quê đón Tết với gia đình...
QTO - Về nhà, sống trong yêu thương của ba mạ, anh em. Tôi biết ba mạ vẫn thoáng chạnh lòng nhớ quê nhà Quảng Trị, nỗi niềm tha hương đã đọng thành những...
QTO - Anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1992), quê quán ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT...
QTO - Từ đất nước Hà Lan xa xôi, suốt 16 năm nay, ông Hans Victor Selder (hơn 80 tuổi) đã dành tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...
QTO - Một chàng trai quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bằng những nỗ lực không ngừng đã vượt qua những giới hạn của bản thân để trở...
QTO - Trong những ngày này, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và hưởng ứng của người dân, rất nhiều tuyến phố, công viên ở thành phố Đông...
QTO - Trong những ngày cận tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Quốc lộ 9 tăng đột biến....
QTO - Không có đôi mắt sáng, người khiếm thị dễ rơi vào bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và khó vượt qua đói nghèo. Nhờ nỗ lực bản thân cùng sự tiếp sức của...
QTO - Người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị không nhớ rõ nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết rằng, hàng trăm năm trước, khi có nông cụ sản xuất bằng sắt xuất hiện...