Cập nhật:  GMT+7

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng công tác chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Với nỗ lực lớn, Ban Chỉ đạo tỉnh đang tiến hành những phần việc để đến ngày 30/8/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Người dân ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Đề án 197 - Ảnh: H.V.A

Cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và quan tâm đến nhu cầu nhà ở cho Nhân dân. Cả hệ thống chính trị huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu...

Thời gian qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương triển khai quyết liệt, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng, ủng hộ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ năm 2021 đến nay, từ kinh phí huy động để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ “Vì người nghèo”, ngân sách của tỉnh phân bổ và các nguồn hỗ trợ khác, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 3.752 nhà, sửa chữa 659 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 213,07 tỉ đồng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026” (Đề án 197).

Theo đó, Đề án 197 đã hỗ trợ xây dựng mới 1.860 nhà ở cho người nghèo với số kinh phí thực hiện trên 126,33 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ xây mới 677 nhà, sửa chữa 172 nhà ở của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên 58,76 tỉ đồng.

Tuy nhiên, với một tỉnh còn khó khăn về nhiều mặt, trong đó, đối tượng người công với cách mạng và hộ nghèo, hộ cận nghèo tương đối lớn, thì việc tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra và hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng cần quyết tâm rất cao.

Triển khai thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg, ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 42- CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp, tổ chức huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành, địa phương với quyết tâm cao nhanh chóng hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát, hiện tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở trong toàn tỉnh là 10.684 hộ, bao gồm xây mới 6.279 hộ, sửa chữa 4.405 hộ. Trong đó, tổng số hộ theo Đề án 197 là 3.643 hộ; tổng số hộ người có công cách mạng là 3.599 hộ.

Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh đã đăng ký trung ương hỗ trợ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 (sau khi rà soát) là 3.442 hộ. Dự kiến định mức hỗ trợ về xây mới: hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ là 100 triệu đồng/hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi 70 triệu đồng/hộ; hộ nghèo, cận nghèo vùng còn lại 60 triệu đồng/hộ. Về sửa chữa với tất cả các đối tượng/vùng là 30 triệu đồng/hộ. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 420 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa.

Với quyết tâm chính trị cao, Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Trị quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”; tích cực huy động các nguồn lực; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp tổ chức thực hiện và giám sát, phản biện xã hội... Đối với nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đề nghị đến ngày 30/8/2025 phải hoàn thành 2.880 nhà, vượt chỉ tiêu tỉnh đã đăng ký với trung ương 500 nhà.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhàtạm, nhàdột nát tỉnh Quảng Trị kêu gọi cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng; để cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng, không trông chờ, ỷ lại; tất cả phải chủ động, tích cực.

Với sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao, tin chắc rằng, tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Và hơn hết, là để Nhân dân được “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hải Đăng

Tin liên quan:

Hải Đăng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long