Cập nhật:  GMT+7

Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...

Hải Lăng là huyện phía Nam - một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất này có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang, là nơi đụng đầu ác liệt giữa ta và địch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Để cùng cả dân tộc đi đến ngày toàn thắng, trên 3.600 người con ưu tú của Hải Lăng đã ngã xuống, được suy tôn liệt sĩ; trên 5.600 thương binh và người có công với cách mạng. Cán bộ và Nhân dân Hải Lăng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

50 năm từ ngày quê hương giải phóng, về mảnh đất Hải Lăng anh hùng, những câu chuyện bất khuất về lòng yêu nước và tinh thần cách mạng vẫn như tiếng chuông ngân vang, nối quá khứ với hiện tại và đồng vọng tới tương lai, như những truyền kỳ lấp lánh mãi...

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Một chiều cuối năm Giáp Thìn 2024, tôi có dịp về xã Hải Khê, huyện Hải Lăng. Bên ầm ào tiếng vọng từ những công trình dựng xây hối hả nơi miền chân sóng vẫn vẹn nguyên sự tưởng niệm lặng lẽ khi tôi ghé lại căn nhà đặt bàn thờ thờ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm.

Ngay bên bức phù điêu dựng cạnh con đường cái quan như hình một thân cây xương rồng rắn rỏi vươn lên thinh không, có tạc chân dung chị Tâm cười duyên dáng trong vành mũ tai bèo và những dòng trích ngang cảm động: Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, sinh năm 1950, tại làng Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng; hy sinh ngày 11/1/1972 tại làng Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng trong trận chiến đấu với 1 tiểu đoàn địch có máy bay, xe tăng yểm trợ.

Chị cùng với 2 đồng chí của mình anh dũng chiến đấu suốt một ngày, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, ngăn chặn cuộc hành quân càn quét xã Hải Quế của Mỹ - ngụy.

Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...

Nhà bia tưởng niệm gương chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của Tiểu đội 7 (Tiểu đội Phường Sắn) anh hùng ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Vùng đất duyên hải Đông Nam Quảng Trị này là nơi chôn rau cắt rốn của chị Tâm. Trong những trang lịch sử có ghi lại, chị Trần Thị Tâm lúc bấy giờ mới 24 tuổi đã là Huyện đội phó Hải Lăng. Giữa năm tháng ác liệt nhất, Mỹ - ngụy tràn ra khắp vùng Hải Lăng, Triệu Phong. Bộ đội của ta phải rút về phía núi. Các cơ sở đảng bị tổn thất lớn. Quê chị Tâm kẹt giữa hỏa lực Mỹ ở vùng cảng Mỹ Thủy, quân cơ động ngụy trên trục tỉnh lộ, các loại súng pháo, trực thăng bủa kín bầu trời...

Trần Thị Tâm là một trong số cán bộ cốt cán bám trụ làng Thâm Khê vì ở đó còn gần hai mươi thương binh chưa có liên lạc để cõng cáng lên rừng... Thương binh được giấu ngoài động cát sát mép biển. Hầm đào kề những lăng mộ xây cao, có dứa dại và xương rồng lúp xúp che chở khá an toàn. Chị Tâm nhặt được bộ quân phục rằn ri của lính ngụy mặc vào, đêm đêm vào thôn xóm kiếm bất cứ thứ gì ăn được để mang về hầm nuôi thương binh.

Nguồn lương thực này sớm cạn vì dân chài Thâm Khê quá nghèo. Chị chỉ còn cách cạo vỏ cây xương rồng rồi nhai phần lõi để cầm hơi, cứu thương binh và đánh giặc. Trong những năm tháng đó, chị đã chiến đấu hết sức quả cảm và ngã xuống đất quê hương khi tuổi đời còn rất trẻ...

Tôi mang theo cảm xúc về sự bất tử của chị Tâm, men theo những trảng cát dài hút tắp lên phía miệt đồng và gặp làng quê Hải Thượng yên bình như một bức tranh thủy mặc nhưng nổi tiếng trung dũng, kiên cường trong những năm đánh Mỹ.

Tượng đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Đào Thanh Mai dựng cách không xa trụ sở UBND xã, bên lối dẫn về con đường có hàng cây xà cừ đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Bên bức chân dung chạm nổi gương mặt kiên nghị của anh hùng Đào Thanh Mai là những dòng cô đọng: Đồng chí Đào Thanh Mai, sinh năm 1940; quê quán: Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị; tham gia cách mạng năm 1955, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/10/1962; chức vụ: Đại đội phó Đại đội 3, K10 đặc công Tỉnh đội Quảng Trị.

Trong quá trình công tác và chiến đấu, đồng chí không ngại gian khổ, hy sinh, mưu trí dũng cảm cùng với đơn vị tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều xe cơ giới, thu nhiều vũ khí các loại. Ngày 19/1/1967, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong một trận tấn công tiêu diệt đồn địch tại Đa Nghi, xã Hải Ba. Đồng chí được tặng 8 huân chương các loại, 10 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều danh hiệu cao quý khác và được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/2/2010.

Kể về anh hùng Đào Xuân Mai trong một trận đánh, cố nhà báo Lê Văn Cần, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị từng viết trong bút ký “Bão giữa mùa xuân”: “Chị và Đào Xuân Mai bật nắp hầm bí mật cùng lúc với việc tung lên hai quả M26 của Mỹ tiêu diệt kẻ thù vây quanh hầm. Trong khói mù của lựu đạn vừa nổ, hai thiên thần một trai một gái từ lòng đất mẹ Thượng Xá bay lên, xông ra hai phía như hai mũi tên rời khỏi cánh cung. Một thiên thần ngã xuống. Lúc đó, bầu trời làng quê có một đám mây màu cánh vạc...”.

Cùng những bạn trẻ có cuộc hẹn hò, chúng tôi đã có dịp lên Phường Sắn - địa danh của một làng nằm ở phía Tây xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Đây là căn cứ địa và cơ sở cách mạng của ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Lịch sử có ghi lại rằng, đêm 5/7/1964, hưởng ứng phong trào đồng khởi và thực hiện chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy: “Phát động quần chúng phá thế kìm kẹp giành lại nông thôn đồng bằng vào ngày 5/7/1964” với lời kêu gọi: “Hãy sẵn sàng hy sinh tất cả, giành thắng lợi lớn nhất”, 7 chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh cùng với 2 du kích xã Hải Phú hợp thành một tiểu đội làm nhiệm vụ hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kềm, lập chính quyền tự quản ở Long Hưng.

Biết được ý định của lực lượng ta và lo sợ trước sự lan rộng của phong trào đồng khởi, sáng 7/7/1964, quân ngụy điều động một đại đội lính bảo an từ Hải Lăng kéo ra với ý định bao vây, bắt sống lực lượng ta và uy hiếp phong trào quần chúng.

Nhưng do nắm được âm mưu của địch nên từ khi chúng mới dàn thế trận, lực lượng ta đã nổ súng trước, diệt 5 tên, thu 2 trung liên, một số đạn và lựu đạn; bọn còn lại bỏ chạy tán loạn. Khoảng 9 giờ, quân ngụy vội vã đưa quân đến tiếp viện, liên tục mở nhiều đợt tấn công vào trận địa của 9 dũng sĩ ở đầu làng Phường Sắn nhưng đều bị đánh bật trở lại.

Đến 14 giờ, quân ngụy điều thêm một đại đội lính có một chi đoàn xe bọc thép M113 và 2 máy bay thám thính L19 đến yểm trợ. Các chiến sĩ bộ đội vũ trang tỉnh và du kích Hải Phú đã kiên cường bám trụ, dựa vào các bờ khe, chân ruộng để chiến đấu quyết liệt đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. 7 dũng sĩ Phường Sắn đã hy sinh oanh liệt, chỉ còn 2 người phá vòng vây thoát được ra ngoài.

Suốt một ngày chiến đấu kiên cường với một lực lượng quân ngụy đông gấp mấy chục lần lại có hỏa lực phi pháo yểm trợ, 9 dũng sĩ Phường Sắn đã tiêu diệt 54 tên địch và làm bị thương 22 tên khác, đẩy lùi được nhiều cuộc tấn công. Tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ ở Phường Sắn đã làm cho địch vô cùng kinh hoàng và khiếp sợ. Năm 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho các dũng sĩ.

50 năm sau ngày quê hương giải phóng, chúng tôi đến thắp hương tại Bia di tích Tiểu đội 7 (Tiểu đội Phường Sắn) anh hùng, đi trên con đường bê tông thẳng tắp, chạy giữa những ruộng lúa vừa mới bén rễ, xanh rì, hòa với màu xanh của đồi cây xa xa kề bên xóm làng yên ả. Biết bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã nhuộm thắm đất này cho quê nhà Hải Phú ngày càng ấm no, tươi đẹp...

Trung trinh lòng đất, tình người

Được tiếp cận với nguồn tư liệu từ tập sách “Viết tiếp chuyện kể về một thời” của ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tôi thật sự xúc động khi đọc những dòng ông viết về quê hương, gia đình.

Tại buổi gặp mặt con em quê hương xã Hải Thượng lần thứ nhất, ngày 2/9/2015, ông Lê Hữu Thăng đã chia sẻ: “Hải Thượng là xã được Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên dương anh hùng trong đợt đầu tiên của miền Nam Việt Nam (ngày 20/12/1969) do những chiến công đặc biệt xuất sắc của quân và dân xã nhà trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...

Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Đào Thanh Mai ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Qua hai cuộc chiến tranh, Hải Thượng có đến 95 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Anh hùng liệt sĩ Phan Thành Chung và anh hùng liệt sĩ Đào Thanh Mai. Đất anh hùng nhưng cũng lắm đau thương. Kết thúc chiến tranh, dân số xã Hải Thượng chưa đầy 3.500 người (không tính làng Long Hưng) mà có đến 438 liệt sĩ, 238 thương binh. Nếu chia bình quân thì cứ 5,1 người dân có một thương binh, liệt sĩ hoặc 8 người dân có một liệt sĩ, một tỉ lệ rất cao so với các địa phương trong cả nước”.

Tâm sự về truyền thống gia đình, ông Lê Hữu Thăng kể: “Cuối năm 1969, cơ sở cách mạng xã Hải Thượng bị tan vỡ, hai mẹ con tôi và chị dâu tôi bị địch bắt giam. Ông nội tôi và bác dâu tôi ở nhà vẫn nuôi ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Thị ủy Quảng Hà trong nhà. Cán bộ ta có người bị địch bắt, tra tấn, không chịu nổi đòn tra khảo tàn bạo, đã khai gia đình tôi có hầm bí mật.

Địch bắt ông nội và bác Vui ra bên gốc cây rơm ở góc sân để tra tấn, nhưng ông và bác nhất quyết không khai. Ông Lương bấy giờ nấp trong hầm bí mật ở ngay trong cây rơm, nghe rõ mồn một từng trận đòn roi quất tan nát thịt da của địch tra tấn ông nội và bác tôi. Mãi sau ngày thống nhất nước nhà, ông Nguyễn Văn Lương khi ấy làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên thường hay về thăm và lần nào cũng không nén nỗi xúc động.

Ông Lương kể: “Tôi nghe rõ từng lời, nó đánh và hỏi: “Hầm bí mật nuôi Việt cộng ở đâu?”. Ông và chị Vui một mực trả lời: “Không có, không biết”. Chúng thét: “Ngoan cố, ngoan cố, đánh để bắt nó khai ra!”. Chúng đánh suốt cả buổi nhưng ông và chị Vui vẫn không khai”. Không lần nào ông Lương về thăm, kể lại câu chuyện trên mà ông không khóc, vì ông tôi và bác dâu tôi đã nghiến răng chịu cực hình để ông Lương được sống”...

Có thể khẳng định ở huyện Hải Lăng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Lê Văn Hoan là tấm gương sáng nhất về sự bám trụ kiên cường, chịu đựng hy sinh, gian khổ để hoạt động cách mạng. Hiệp định Giơ-ne- vơ được ký kết, đất nước chia làm hai miền, được phân công hoạt động vùng Nam giới tuyến 17, ông Hoan lần lượt giữ các chức vụ quan trọng, trong đó có cương vị là Phó Bí thư Huyện ủy Hải Lăng.

Trong điều kiện địch suốt ngày lùng sục nhưng ông Lê Văn Hoan đã hoạt động cách mạng, công tác bí mật ngay tại quê hương mình đến 20 năm (trừ những kỳ ngắn ngày ra miền Bắc học tập) với biết bao gian khổ, hiểm nguy chồng chất.

Đọc hồi ký “Đất quê hương” của ông Lê Văn Hoan, người đọc sẽ biết đến nhiều câu chuyện cảm động, trong đó lấp lánh những dòng rất kiêu hãnh, tin tưởng, tự hào: “Biết ơn đất và người quê hương đã sinh ra tôi, đã nuôi tôi lớn khôn, đã cưu mang đùm bọc tôi, che giấu tôi trong cuộc kháng chiến 9 năm gian nguy và giờ đây đang che giấu tôi trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc cách mạng mới, quyết liệt hơn, lâu dài hơn, ác liệt hơn...Nhưng tôi tin chúng ta nhất định thắng lợi, vì một lý do là không có kẻ thù nào đánh bại được một dân tộc, khi mà dân tộc đó tự giác ngộ vận mệnh đất nước mình để có độc lập, tự do...”.

Về Hải Lăng hôm nay để nghe những câu chuyện bất khuất, đó là khúc ngân của một bản tráng ca viết bằng máu xương và nước mắt, dệt nên câu chuyện hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay...

Đào Tâm Thanh

Tin liên quan:
  • Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...
    Phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương Hải Lăng giàu đẹp

    Hải Lăng - huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào ngày 19/3/1975 là vùng đất không chỉ kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là địa phương phát huy tốt truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên, đoàn kết nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu sớm trở thành huyện phát triển công nghiệp phía Nam của tỉnh.

  • Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...
    Tự hào mạch nguồn cách mạng Hải Lăng

    Vùng đất truyền thống cách mạng huyện Hải Lăng, 49 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có nhiều thay đổi đáng tự hào. Những tên đất, tên làng gắn liền với chiến công hiển hách giai đoạn lịch sử 1954- 1975 trở thành các miền quê đáng sống. Phát huy truyền thống cách mạng qúy báu, Hải Lăng đang từng ngày xây dựng quê hương phát triển năng động, toàn diện, xứng đáng là huyện trọng điểm phía Nam của tỉnh.

  • Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...
    Hải Lăng truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sĩ

    Sáng nay 25/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sĩ do Đội 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập tại thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.

  • Về Hải Lăng để nghe những câu chuyện bất khuất...
    Vì dân, dân lập đền thờ ghi công

    Xã Hải Thượng là vùng đất cách mạng kiên trung nổi tiếng của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị. Là một trong những địa bàn đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” trong các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, quân và dân xã Hải Thượng đã lập nên rất nhiều kỳ tích về sự tận trung, tận hiến trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Hải Thượng đã được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ ...


Đào Tâm Thanh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long