Cập nhật:  GMT+7

Vĩnh Linh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị

Vĩnh Linh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu đầy mất mát hy sinh để giành thắng lợi to lớn trong chiến đấu, sản xuất và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh đuổi quân xâm lược giành lại nền độc lập dân tộc. Những thành tựu trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển là sự tiếp nối truyền thống anh hùng của miền quê cách mạng; sự chịu thương, chịu khó, hy sinh máu xương của bao thế hệ để có một Vĩnh Linh năng động, sáng tạo như ngày hôm nay. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, phóng viên báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh THÁI VĂN THÀNH về những mục tiêu, định hướng cơ bản để xây dựng huyện Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

- Thưa đồng chí! Kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh là dịp để ôn lại lịch sử, tổng kết những thành tựu của huyện nhà. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của huyện Vĩnh Linh đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có kết quả về xây dựng nông thôn mới?

- Những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã có bước phát triển khá toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện thời gian qua chính là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng làm giàu của mỗi người dân, là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong cộng đồng dân cư nông thôn...

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch phù hợp nền kinh tế thị trường với tỉ trọng nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 22,4%, công nghiệp-xây dựng chiếm 31,6%, thương mại-dịch vụ chiếm 46%. Kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện được đầu tư khá đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư; nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương được khai thác, phát huy hiệu quả.

Tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của huyện tăng từ 10-12%. Tổng thu ngân sách tăng bình quân mỗi năm 24,8%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 5.016 tỉ đồng (giai đoạn 2020-2023). Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 59,4 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo ở mức 1,99%.

Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của toàn thể Nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn huyện và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt trên 2.000 tỉ đồng.

Huyện Vĩnh Linh có 3/3 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, 15/15 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỉ lệ 100%); 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 thôn/bản đạt chuẩn NTM, 59 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện hoàn thành đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM, đã được tỉnh thẩm tra, trình đề nghị trung ương thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2024.

Vĩnh Linh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị

Thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

- Trong định hướng chiến lược và mục tiêu phát triển của huyện Vĩnh Linh trong thời gian tới là phấn đấu trở thành trung tâm KT-XH phía Bắc của tỉnh Quảng Trị. Đề nghị đồng chí cho biết những lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm được ưu tiên đầu tư xây dựng?

- Vĩnh Linh hiện có 3 thị trấn được phân bổ đều cả 3 vùng, miền, gồm thị trấn biển Cửa Tùng, thị trấn miền núi Bến Quan và thị trấn trung tâm Hồ Xá. Phát huy thế mạnh này, huyện Vĩnh Linh định hướng xây dựng Hồ Xá trở thành đô thị thông minh; Cửa Tùng là đô thị du lịch-dịch vụ và Bến Quan là đô thị kinh tế tổng hợp.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng các đô thị; trong đó, phát triển đô thị Hồ Xá đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đô thị Bến Quan và đô thị Cửa Tùng hoàn thiện tiêu chí đô thị loại V. Đến năm 2040 phát triển, mở rộng các đô thị Hồ Xá (đô thị loại IV), đô thị Bến Quan và đô thị Cửa Tùng (đô thị loại V). Định hướng đến năm 2050, phát triển các đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Xây dựng Vĩnh Linh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị; là vùng kinh tế tổng hợp về thương mạidịch vụ, du lịch, công nghiệp nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch và công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Trị; vùng có tiềm năng khai thác phát triển du lịch, các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hệ thống di tích và truyền thống lịch sử.

Về phát triển khu vực công nghiệp

Kêu gọi thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển CN-TTCN vào Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, các cụm công nghiệp phía Tây Vĩnh Linh, vùng Đông Vĩnh Linh và các làng nghề trên địa bàn huyện. Ưu tiên bố trí quỹ đất ở những nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc cho các chủ đầu tư, các cơ sở sản xuất có nhu cầu đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Dự kiến một số nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực sẽ được ưu tiên định hướng phát triển trong thời kỳ 2021-2040, định hướng đến năm 2050 như sau: công nghiệp chế biến lâm sản và chế biến mủ cao su; công nghiệp cơ khí sản xuất kim loại, điện tử; công nghiệp sản xuất VLXD (sản xuất cấu kiện vật liệu xây dựng, vật liệu mới, vật liệu công nghệ cao); các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường...; công nghiệp chế biến thủy hải sản truyền thống, chế biến nông sản; công nghiệp khai thác khoáng sản; công nghiệp dệt may-giày da; công nghiệp chế biến gỗ (chế biến đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ; chế biến sâu gỗ rừng trồng); duy trì phát triển các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Về phát triển khu vực du lịch

Huyện Vĩnh Linh có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch về lịch sử, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch về văn hóa tâm linh. Các điểm đến như: bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Vĩnh Thái, Mũi Lay, Mũi Si, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, Miếu Bà Chúa hay Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh... từ lâu đã khẳng định được thương hiệu, thu hút khá lớn lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, định hướng trong thời gian tới huyện Vĩnh Linh tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Chương trình hành động số 144-CTHĐ/ TU ngày 24/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó phát huy tối đa lợi thế của hệ thống di sản chiến tranh hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc, Cụm di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và một số di tích lịch sử khác của huyện.

Phát huy lợi thế chiều dài bờ biển, các bãi tắm Cửa Tùng, Vĩnh Thái, Mũi Trèo... đặc biệt Cửa Tùng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”, góp phần đưa tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ trở thành vùng động lực phát triển du lịch của tỉnh, trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, văn hóa lịch sử của vùng Bắc Trung bộ và sớm trở thành khu du lịch quốc gia.

Hình thành các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng kết hợp mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng Homestay tại các địa phương có thế mạnh về văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên như: thôn Tùng Luật xã Vĩnh Giang; thôn Hiền Lương xã Hiền Thành; thôn Vịnh Mốc xã Kim Thạch; thôn Thái Lai xã Vĩnh Thái; xã Vĩnh Ô...hình thành các điểm du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm.

Lĩnh vực nông nghiệp

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, vì vậy phát triển nông nghiệp luôn được quan tâm đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện gắn với xây dựng NTM.

Nhân rộng các mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản cho ngư dân.

- Để đạt được các mục tiêu phát triển, theo đồng chí huyện Vĩnh Linh cần phải triển khai thực hiện như thế nào để mang lại kết quả như mong đợi?

- Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Vĩnh Linh tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để khơi dậy khát vọng, tạo động lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đây chính là nền tảng vững chắc để phấn đấu đưa huyện Vĩnh Linh trở thành trung tâm KT-XH phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, liêm chính, trách nhiệm, hiệu quả. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và lĩnh vực đột phá, phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của người dân Vĩnh Linh. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần vào việc xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần vững chắc trong đời sống của người dân huyện nhà. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Duy trì kết quả huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn NTM và hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Vĩnh Linh trở thành trung tâm KTXH phía Bắc tỉnh Quảng Trị.

Về kinh tế tiếp tục phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của huyện; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây chính là chìa khóa để tạo ra những bước chuyển biến tích cực, đột phá; phát triển các vùng sản xuất tập trung, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển công nghiệp, xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của địa phương. Hoàn thành kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Cửa Tùng, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (khu A, khu B); Cụm công nghiệp Tây Vĩnh Linh (cụm A, cụm B).

Đẩy mạnh hoạt động thương mại, phát triển mạng lưới chợ, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thu hút đầu tư trung tâm thương mại, salon ô tô, siêu thị kinh doanh tổng hợp... Phát triển hệ thống các cửa hàng bán buôn, chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, tạp hóa...; nâng cao chất lượng và hiệu quả các loại hình dịch vụ, phát triển mạnh dịch vụ du lịch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trên địa bàn phát triển. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực theo hướng đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và duy trì kết quả huyện đạt chuẩn NTM. Tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho nhiệm vụ xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, các dự án trọng điểm có tác động lớn đối với phát triển KT-XH của huyện và có tính lan tỏa, kết nối vùng, miền.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo vệ các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng NTM và phát triển công nghiệp.

Phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Xây dựng văn hóa, thể thao huyện trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Tăng cường xã hội hóa văn hóa, thể thao, đổi mới chất lượng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

- Xin cảm ơn đồng chí.

Hồ Nguyên Kha (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Vĩnh Linh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị
  • Vĩnh Linh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị
    Vĩnh Linh quan tâm phát triển kinh tế ở các vùng khó

    Ngày 28/12/2016, HĐND huyện Vĩnh Linh ban hành Nghị quyết số 14/NQ - HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và Vĩnh Ô giai đoạn II (2016 - 2020) (gọi tắt là Nghị quyết 14). Sau gần 5 năm thực hiện, công tác giảm nghèo cho 11 bản trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ và sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở, đem lại diện mạo mới cho vùng đồng bào ...



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long