Cập nhật:  GMT+7

Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị: Đồng hành với người dân vùng khó

Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 28/2022/NĐCP (Nghị định 28) ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, những căn nhà đầu tiên tại huyện Đakrông đã được xây dựng, những mô hình chuyển đổi nghề được triển khai đã làm thay đổi đáng kể đời sống của người dân hưởng lợi. Chương trình nhân văn này mở ra cơ hội mới giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có cơ hội an cư, nâng cao đời sống.

Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị: Đồng hành với người dân vùng khó

Ngôi nhà của chị Hồ Thị Năm ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng -Ảnh: TÚ LINH

Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đối với gia đình chị Hồ Thị Năm ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông đã thành hiện thực. Gia đình chị là hộ nghèo, nguồn thu nhập chính chỉ từ làm rẫy nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở. Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện theo Nghị định 28, sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà của chị đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, đem lại niềm vui cho gia đình.

Chị Năm chia sẻ: “Gia đình tôi rất khó khăn, ở nhà cũ cứ mưa là bị dột ướt, không có chỗ để ngủ. Sau khi được chính quyền các cấp hỗ trợ và được vay vốn từ NHCSXH số tiền 40 triệu đồng để dựng nhà mới với thời gian cho vay 15 năm, lãi suất 3%/năm, cộng với khoản vay mượn từ anh em, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà khá kiên cố. Bây giờ, tôi yên tâm hơn nhiều, trời mưa không sợ thấm dột nữa”.

Tại thôn Pa Tầng, xã Đakrông, huyện Đakrông nhờ chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 nên anh Hồ Văn Công được vay 100 triệu đồng mua 4 con trâu về nuôi. Anh Công cho biết: “Được vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài và có phân kỳ trả nợ nên tôi rất vui mừng, có thêm động lực chăm chỉ làm lụng để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học, nhanh chóng thoát nghèo”.

Theo anh Công, nuôi trâu là phù hợp với điều kiện của gia đình cũng như điều kiện tự nhiên nơi anh sinh sống. Cùng thời gian đi làm rẫy, anh tranh thủ chăn đàn trâu, anh chăm sóc đàn trâu tốt nên chúng phát triển nhanh, sớm sinh sản, có bán trâu giống, trâu lấy thịt, tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị, đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay theo Nghị định 28 đạt trên 51,7 tỉ đồng với 960 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đã giúp gần 640 hộ đồng bào DTTS xây dựng, sửa chữa nhà; 320 hộ có vốn để chuyển đổi nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và hỗ trợ đất ở.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đakrông Ngô Văn Bảo cho biết: Huyện có tỉ lệ người DTTS chiếm hơn 80% dân số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên rất cần đồng vốn để phát triển. Vì vậy, vốn vay theo Nghị định 28 thực sự như “Đòn bẩy” giúp người dân thoát nghèo. Với việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 28, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã triển khai cho vay 2 đối tượng, gồm: cho vay hỗ trợ nhà ở và cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề. Cụ thể, đến nay có 196 hộ nghèo vay hỗ trợ về nhà ở với số tiền 7.820 triệu đồng; 69 hộ nghèo vay chuyển đổi nghề với số tiền 5.060 triệu đồng. Người được vay vốn rất phấn khởi.

Đánh giá về Chương trình tín dụng chính sách cho vay theo Nghị định 28, ông Ngô Văn Bảo khẳng định, chương trình đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đông đảo hộ nghèo DTTS. Nguồn vốn đã giúp cho hộ nghèo có thêm nguồn lực tài chính để xây dựng nhà ở kiên cố, chất lượng hơn, đảm bảo ổn định cuộc sống, giúp người dân sống an toàn trong mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đối với cho vay chuyển đổi nghề đã giúp người dân có cơ hội đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong quá trình thực hiện, phòng giao dịch luôn được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt; sự đồng thuận và có ý thức tốt trong sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đúng mục đích, hiệu quả của đối tượng thụ hưởng. Qua rà soát trên địa bàn huyện cho thấy, về hỗ trợ nhà ở đang còn 261 hộ đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa vay; có 57 hộ chưa vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề; về hỗ trợ đất ở, có 194 hộ chưa được vay vốn do đang làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, việc triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28 đã có tác động tích cực giúp các hộ nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Tuệ Linh


Tuệ Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch

Sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch
2024-08-17 05:30:00

QTO - Bấy lâu nay, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đăng tải thông tin về những điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới có các...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long