{title}
{publish}
{head}
“Mãi mãi là dòng sông” là tập thơ đầu tay của nhà thơ Vĩnh Hà. Nhưng trước đó, bạn bè và người đọc đã biết anh qua những bài thơ in rải rác trên các báo. Ấn tượng nhất là trên trang mạng xã hội của chính anh (facebook mang tên thật của anh: Trần Văn Phúc), anh gần như sáng tác liên tục hàng ngày và nếu đong đếm con số có thể lên đến hàng trăm, ngàn bài.
Bìa tập thơ “Mãi mãi là dòng sông” của Vĩnh Hà -Ảnh: XUÂN HÙNG
Tôi và chắc rằng không ít bạn đọc ngạc nhiên về trữ lượng và tốc độ sáng tác thơ trong con người hiền lành, khiêm tốn của Vĩnh Hà. Với riêng tôi, tôi cảm giác không phải Vĩnh Hà làm thơ mà chính thơ tự tìm đến với anh. Anh và thơ như hai mặt của một chiếc lá. Nhắc đến lá, tôi lại có một so sánh ngầm liên tưởng. Nếu ví cuộc đời Vĩnh Hà là một khu vườn thì chính anh là người chăm sóc và cần mẫn mỗi ngày. Và cũng đều đặn mỗi ngày anh chép thơ như chép đời mình lên từng phiến lá.
Là bạn bè đồng môn, đồng nghiệp với Vĩnh Hà, tôi biết anh có một tuổi thơ từng trải, ở miền bán sơn địa thơ mộng: Xứ Cùa, vùng Cam Lộ thượng, tỉnh Quảng Trị. Miền đất đỏ ba dan quê anh nổi tiếng với chè xanh, hồ tiêu, mít, thơm... và cũng nổi tiếng là “miền gái đẹp” (theo cách nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường). Băng qua tuổi thơ nhọc nhằn khoai sắn, Vĩnh Hà đến với ngôi trường Đại học Tổng hợp Huế, Khoa Ngữ văn.
Ở đây, bốn năm trời đèn sách đã nuôi dưỡng dòng máu văn chương và sau này nghề báo cho anh những bước chân xê dịch, từ đó cảm hứng văn chương đã thăng hoa thành những bài thơ. Cứ thế, mỗi ngày, đời và thơ, thơ và đời, với Vĩnh Hà luôn gõ nhịp song hành. Chưa nói đến việc, gần ba mươi năm nay anh sống với nghề báo tại Kon Tum, anh đã có nhiều chuyến đi và tác phẩm giúp anh ngoài việc trở thành hội viên Hội Nhà báo còn là Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum.
Có lẽ, xứ Cùa mệnh danh là “miền gái đẹp” nên thơ Vĩnh Hà chủ yếu là thơ tình nếu không muốn nói hầu hết là thơ tình. Tình ái, dĩ nhiên là chủ đề muôn thuở của thi ca, nhạc họa, của nghệ thuật. Nhưng với Vĩnh Hà, ái tình đã nâng lên một bậc, như là thánh đường, ở đó anh run rẩy chờ đợi, hân hoan chào đón, đau buồn vì chia xa, hờn tủi vì mất mát...
Nhưng dù được hay mất, giữa được và mất, Vĩnh Hà vẫn chung thủy với ái tình như anh trải nhận: Ta đã viết những vần thơ tình ái/Để cho ai biến cải suốt một đời/... Ta với thơ ngàn lần đi và thấy/ Mộng ban đầu có mấy nỗi hờn ghen.../Ta với thơ với cuộc đời điên đảo/Vẫn âm thầm dạo bước với thi nhân/ Cho lòng ta thao thức biết bao lần/Thơ cứu rỗi nỗi buồn ta vạn kiếp (Ta với thơ).
Vĩnh Hà viết thơ tình nhưng lạ ở chỗ, nhân vật trữ tình mà anh hướng tới trong thơ vừa cụ thể lại vừa mơ hồ. Một em nào đó có vẻ như thực: Em còn nhớ hay đã quên/ Đôi ta dạo ấy có tên tình đầu (Nhớ mùa đông), lại có em xa vắng, hư ảo: Ta về ngồi đợi bến sông/Cây đa với chiếc gàu sòng đứt quai/Thuyền nan ai lái sớm mai/ Để cho ta với hoa cài lẻ loi (Bến sông).
Có lúc anh thảng thốt như thể ái tình để lại trong ký ức anh vết môi hôn đau buốt: Ta yêu em trong bao nỗi cơ hàn/Giờ lầm lỡ với muôn vàn cay đắng (Nhớ người xưa) thì cũng có lúc anh hoài niệm xa vắng: Còn đâu yêu dấu những ngày/ Còn đâu vụng dại tỏ bày ái ân/Mặt trời tắt bóng xa dần/ Tôi còn đứng đợi lần chần làm chi (Tựa hồ bóng mây).
Vĩnh Hà viết thơ tình ái nhiều nhưng anh cũng có không ít những bài thơ viết về quê nhà xứ sở, về gia đình và những người thân yêu ruột thịt. Đọc những bài thơ của anh trong tập thơ này, ta sẽ nhận ra một điều, rằng Vĩnh Hà là người rất yêu quê. Làng quê xa xôi nhưng thương nhớ đầy vơi ấy hiện lên rõ nét qua từng câu chữ, là cái nền cho giọng thơ trữ tình cất tiếng, là cái cớ để anh neo đậu giấc mơ tuổi trẻ của đời người.
Đó là hình ảnh làng quê thi vị: Con thuyền về chở ánh trăng đầy vơi/Ta bảng lảng với con đò bến nước..., là hình ảnh gia đình thân yêu: Ta về ngắm lại tuổi thơ/ Dòng sông bến nước lững lờ chiều hôm/Trên bờ mẹ bán mớ tôm/Dưới sông cha đặt cái nơm, thả chài (Ngẫm lại tuổi thơ). Anh yêu quê hương nên cả trong giấc mơ cũng muốn quay về. Trong chùm thơ rất nhiều bài như Ngẫm lại tuổi thơ, Ta sẽ trở về, Chỉ mẹ ta thôi, Thăm lại tuổi thơ, Về lại quê hương, Nhớ quê hương, Về quê, Ấm mãi tình cha, Vầng trăng khuyết, Cùa quê hương tôi, Ai về Cam Lộ quê ta, Em có về... đều man mác một nỗi niềm thương quê nhớ cội.
Văn thơ xưa nay là để bày tỏ cái chí, cái tình, cái tâm. Đây cũng là điều nhà thơ Vĩnh Hà trải lòng với bạn đọc qua tập thơ này. Xét về phương diện nghệ thuật, “Mãi mãi là dòng sông” tuy không có những đột phá mới mẻ về thi pháp, giọng điệu song tác giả lại khá chắc tay trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ. Bên cạnh đó là sự nhuần nhuyễn trong việc khai thác các thể loại thơ lục bát và thơ tự do. Vốn ngôn ngữ thơ tác giả cũng khá phong phú, tuy đôi chỗ đọc lên còn sáo mòn, gượng ép hoặc chưa chuẩn xác.
Cá nhân tôi nghĩ, những khiếm khuyết ấy có thể bỏ qua bởi tác giả khi sáng tác không quá câu nệ về hình thức, thi pháp và không quá dụng công với con chữ. Tuy vậy, ở đây cũng cần nói thêm, nếu tác giả lao lực hơn trong việc tìm kiếm đề tài, biết tiết chế những cảm xúc nông nổi và chắt lọc hơn về ngôn ngữ thì những sáng tác sẽ hay hơn, có chiều sâu hơn.
Sinh năm 1965, ở tuổi cận kề lục thập, với 60 bài thơ tuyển chọn trong tập thơ này (số lượng bài cũng tương đương với hoa giáp đời người), “Mãi mãi là dòng sông” (mang ý nghĩa của chính bút danh tác giả: Vĩnh Hà) là quà tặng tinh thần đáng trân trọng của tác giả gởi đến người đọc, gia đình và anh em, bè bạn.
Dẫu gì thì vẫn mong rằng, tác giả Vĩnh Hà sẽ tiếp tục chép thơ trên từng phiến lá, để khu vườn thơ ca đời anh luôn xanh bóng cây và tỏa mát. Như là dòng sông không ngừng chảy, như là cuộc đời luôn bao dung, rộng mở. Và như thơ anh đã viết, với những thao thiết tin yêu không dừng lại.
Phạm Xuân Hùng
Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo
Nếu trước đây, trường ca sử thi trong dòng chảy văn học cách mạng trong vắt, gần như nguyên chất, nguyên khối, hình tượng người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng...
QTO - Đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi linh thiêng miền biên ải, trong lòng mỗi người dân đất Việt lại trào dâng ý thức bảo vệ chủ quyền...
QTO - Ẩm thực Việt Nam giờ đây, tại nơi này không chỉ còn gói gọn mỗi phở và nem. Việc mua cho được một suất ăn đậm chất Việt, đặc biệt là trong những dịp...
QTO - Nổi lên như một “hiện tượng mới” với loạt hit được nhiều người yêu thích, Tăng Duy Tân (sinh năm 1995) nhanh chóng tìm thấy chỗ đứng trong làng âm...
QTO - Thật lạ, tôi xa quê đã lâu nhưng hương vị món ăn quê nhà luôn đằm sâu trong ký ức. Những món ăn quê in dấu sự tảo tần, mộc mạc, thoảng mùi khói đốt...
QTO - Tính ham chơi, những ngày vừa nắng ấm sau mưa, đón chờ xuân đến, có người bạn rủ đi thăm chiến khu Ba Lòng, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Lương...
QTO - Trong bảng màu thi ca, dường mỗi người ứng với một sắc đậm nhạt khác nhau. Lê Bá Duy cho ta hình dung về sự lựa chọn trung hòa những thái cực vốn phù...
QTO - 1 . Sau hơn 2 chặng với xấp xỉ 30 giờ bay, chưa kể thời gian quá cảnh ở Hàn Quốc tôi mới đặt chân đến thành phố Boston ở bờ Đông nước Mỹ đúng vào giờ...
QTO - Trong văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, phần tinh túy nhất chính là bút ký, trong đó có những trang viết đặc sắc về mùa xuân. Trong bút ký “Hành lang...
QTO - Bùi Đình Thùy là một họa sĩ trẻ đang tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tuy bén duyên chưa lâu với hội họa nhưng anh đã tạo...
QTO - (Nhân đọc tập thơ “10 ngón thu” của Võ Văn Luyến, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2023)