Cả nước tập trung thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Theo dự báo, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Trên cơ sở phân tích tình hình và khả năng thực tế, Quốc hội đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4% - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1% - 1,5%; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 93,2%...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả với các trọng tâm sau:
Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, kết luận của trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược phát triển KT-XH, chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Tăng cường hoàn thiện thể chế, chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Cùng với đó là phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm QP-AN, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội để tập trung cho nhiệm vụ thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Phương Minh