{title}
{publish}
{head}
Chỉ còn ít ngày nữa là chạm vào tháng 7. Quảng Trị sẽ đón dòng người từ muôn phương trở về để tri ân những người nằm xuống vì hòa bình của dân tộc. Năm nay, sự tri ân càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng thời điểm, một sự kiện lần đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Quảng Trị: Lễ hội Vì Hòa bình. Từ thời khắc lịch sử này, tiếng chuông tri ân, tưởng niệm của tháng 7 sẽ mang theo nguyện ước hòa bình để ngân xa hơn, không chỉ ở Việt Nam mà đến những vùng đất của thế giới vẫn còn chìm trong bom đạn chiến tranh.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, tỉnh Quảng Trị hình thành 2 vùng gồm: vùng giải phóng chiếm gần 85% diện tích và phần còn lại là vùng bị tạm chiếm (huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và 5 xã phía Nam huyện Triệu Phong). Ở vùng giải phóng, người dân nô nức lao động, sản xuất để xây dựng lại quê hương, còn vùng tạm chiếm, quân và dân Quảng Trị tiếp tục đấu tranh với quân đội Việt Nam cộng hòa, đến ngày 19/3/1975 mới giải phóng hoàn toàn vùng tạm chiếm.
Viên phi công Mỹ cuối cùng bị bắt trên đất Quảng Trị
Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng đến nay, ông Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1953) nguyên là Trung đội trưởng hỏa lực của Xã đội Triệu Phước, huyện Triệu Phong, vẫn còn nhớ như in sự kiện bắn máy bay Mỹ trên cánh đồng làng Cao Hy, xã Triệu Phước, chỉ vài giờ trước khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực, ngưng bắn trên tất cả chiến trường.
Ký ức đưa ông Toàn trở về mốc thời gian của hơn nữa thế kỷ trước, trên cánh đồng xóm Cộ vào tháng Giêng lầy lội. Vào lúc 16 giờ ngày 27/1/1973, chiếc F4J của Không lực Hoa Kỳ do Thiếu tá Phillip A. Kientzler lái bổ nhào đánh phá trận địa pháo DKB tại bến đò Việt Yên (Nam Cửa Việt).
Vị trí của chiếc F4J lúc đó chỉ cách trung đội hỏa lực do ông Toàn làm trung đội trưởng 15 độ về bên trái. Ông Toàn chỉ huy trung đội tác xạ, chiếc F4J trúng đạn ngay loạt đầu, lửa bao trùm chiếc máy bay như bó đuốc khổng lồ rồi loạng choạng lao xuống động cát thôn Hà Tây (xã Triệu An). Hai viên phi công đã kịp bung dù để thoát khỏi máy bay. Một trong số hai phi công tử nạn, người còn lại là Phillip Allen Kientzler bị thương ở đùi đã giơ tay đầu hàng.
Ông Nguyễn Đức Toàn bên con cháu tại quê nhà Triệu Phước -Ảnh: HN
Ông Toàn cùng đồng đội tiến đến, cắt dây dù rồi dìu Phillip quay lại trận địa của đơn vị để đưa vào hầm trú ẩn băng bó. Năm đó ông mới 20 tuổi, người nhỏ nhắn, thư sinh, còn viên phi công Mỹ đã ngoài 30, cao to gần gấp đôi ông Toàn. Dòng nhật ký chiến trường của ông Toàn đã ghi lại như sau: Đêm 27/1/1973. Đêm giao thừa hòa bình nhưng chưa im súng bom.
Trong căn hầm chật chội, viên phi công tù binh cứ lâu lâu nhìn tôi ôm khẩu súng lại hỏi: “Ông không bắn tôi chứ?”. Chúng tôi gần như thức trắng. Phillip không ngủ được vì vết thương và có lẽ cả vì sợ hãi. Ngôn ngữ bất đồng nhưng tôi hiểu được anh đang nói về người vợ và con gái 2 tuổi mong chờ ngày về của chồng, cha mình ở nước Mỹ xa xôi. Phillip mong kết thúc chiến tranh để về với vợ con. Còn tôi mơ hòa bình để về cày cấy trên cánh đồng xóm Cộ.
Sau đó, ông Toàn được lệnh cùng đồng đội đưa Phillip về tuyến sau. Bình minh ngày 28/1/1973, Phillip được đưa ra Hà Nội. Viên phi công tù binh nhìn ông Toàn biết ơn. Ông Toàn cũng mỉm cười thân thiện và nói: “Nếu sau này hòa bình, có dịp quay lại đây hãy ghé thăm tôi”. Rồi ông theo thuyền trở về đơn vị, nhận lệnh hành quân vào Nam chiến đấu cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
“Về sau tôi mới biết Phillip A. Kientzler là một trong những người lính cuối cùng bị bắt ở Việt Nam, cũng là người cuối cùng lên máy bay về nước. Tên của ông được bổ sung bằng bút chì ở cuối bản danh sách các tù binh Mỹ được trao trả theo Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973”, ông Toàn cho biết.
Trên vùng tạm chiếm
Sau Hiệp định Paris, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong vẫn ở thế xen cài. Có lẽ, đây là mảnh đất tiêu biểu cho những gì đã và đang diễn ra ở Quảng Trị thời điểm đó. Toàn thôn Linh An và 2/3 thôn Long Quang bị quân đội Việt Nam cộng hòa chiếm đóng, phần còn lại là vùng của quân giải phóng. Lúc này, những người lính Mỹ đã rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Trong khung cảnh tạm ngưng tiếng súng, những người lính ở hai bên chiến tuyến không còn căng thẳng như thời điểm trước đó. Ai cũng khát khao chờ mong ngày hòa bình...
Ông Nguyễn Duy Chiến (ở giữa) và ông Nguyễn Xuân Lãnh (ngoài cùng bên phải) chia sẻ những câu chuyện ở vùng tạm chiếm xã Triệu Trạch năm 1973 - Ảnh: H.N
Ông Nguyễn Duy Chiến (70 tuổi), ở thôn Long Quang, nguyên Trung đội trưởng du kích xã Triệu Trạch cho hay, năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết được vài tháng thì địch dựng hàng rào thép gai làm ranh giới. Hàng rào này kéo từ Cửa Việt đến xã Triệu Vân băng qua các bãi cát từ Triệu Trạch lên đến Triệu Thành.
Mặc dù là vùng bị địch tạm chiếm nhưng giai đoạn này, tại xã Triệu Trạch không còn cảnh chiến đấu, giằng co quyết liệt để giành nhau từng tấc đất như giai đoạn 1972 trở về trước. Trong thời gian từ năm 1973 - 1975, thỉnh thoảng đối phương có vi phạm, bên mình chống trả, đồng thời mở loa phát thanh tuyên truyền dọc theo tuyến chốt để tố cáo những hành động vi phạm nội dung Hiệp định Paris hoặc phát các chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
“Công tác tuyên truyền lúc này được chú trọng, chủ yếu vận động, phân tích tình hình để đối phương hiểu cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ đang theo đuổi và cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân ta”, ông Chiến kể lại.
Cũng theo lời ông Chiến, lúc này, Trung đội du kích xã Triệu Trạch phối hợp với bộ đội chủ lực làm nhiệm vụ giữ chốt Long Quang. Long Quang là chốt tiền tiêu của cả hai phía, trước năm 1973, đây là nơi giao tranh quyết liệt.
“Tuy nhiên, sau ngày ký kết Hiệp định Paris, nơi đây khá yên ổn mặc dù hai bên vẫn phòng ngự nghiêm ngặt. Phía đối phương dựng lô cốt dã chiến, bao tải cát chạy dài theo công sự; phía ta có giao thông hào chạy suốt tuyến. Tại chốt còn có nhà hòa hợp. Bình thường, du kích địa phương thay phiên nhau đến hàng rào ranh giới làm công tác địch vận, nhưng thỉnh thoảng chỉ huy 2 bên tổ chức gặp nhau ở nhà hòa hợp để trao đổi một số nội dung liên quan”, ông Chiến nói.
Ông Nguyễn Xuân Lãnh (72 tuổi), hiện đang sống tại thôn Lệ Xuyên, nguyên là Tiểu đội trưởng du kích xã Triệu Trạch thì cho rằng lúc này quân giải phóng đang ở thế thượng phong, mình hơn đối phương trên phương diện chính trị và quân sự.
Ông Lãnh còn nhớ rất rõ, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tại vùng giáp ranh có nhiều đoàn văn công về biểu diễn phục vụ tại chốt. “Xem văn công thì quân lính hai bên đều ngồi chung với nhau, ai cũng chăm chú nhìn lên sân khấu. Có những lần phía đối phương cho người lên giao lưu vui vẻ nhưng đôi khi nghe bài hát có nội dung ám chỉ đến lính thủy quân lục chiến thì chỉ huy của đối phương nổi nóng, ra lệnh rút quân về chứ không dám làm gì”, ông Lãnh kể lại.
Câu chuyện về một thời làm binh vận ở chốt Long Quang luôn nằm sâu trong ký ức bà Trương Thị Chiến -Ảnh: M.L
Còn với bà Trương Thị Chiến (69 tuổi), hiện ở thôn Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (thời điểm đó là du kích xã Triệu Trạch) thì cảm nhận nỗi khát khao được trở về đoàn tụ với gia đình hiện rõ trong từng lời nói của những người lính Việt Nam cộng hòa. Là một trong những người trực tiếp tham gia công tác binh vận thời bấy giờ, bà được tiếp xúc với rất nhiều người lính phía bên kia.
Bà nhận nhiệm vụ đến chốt Long Quang để vận động, thuyết phục binh lính phía bên kia bỏ súng về với cách mạng. Theo bà Chiến, vào khoảng 5 giờ chiều, du kích được giao nhiệm vụ binh vận đến chốt sắp xếp quà gồm thuốc lá Điện Biên, kẹo Hải Hà..., sau đó đến hàng rào ranh giới làm nhiệm vụ. Cứ cách 100 m có một người làm công tác binh vận. “Những người lính Việt Nam cộng hòa hầu hết đều lắng nghe chúng tôi nói, một số bỏ súng trở về, không tham gia chiến đấu nữa”, bà Chiến chia sẻ.
Đa phần lính Việt Nam cộng hòa đều là người miền Nam. Trong số đó có nhiều người đi lính vì bị bắt ép, buộc phải tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bà Chiến giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng, nhắc nhở nơi quê nhà, cha mẹ, người thân của họ đang mong ngóng, chờ ngày sum họp đoàn viên.
Rồi từ đó khuyên nhủ họ nên sớm về với cách mạng, chấp hành các nội dung của Hiệp định Paris để đất nước thống nhất, hòa bình, mọi người được đoàn tụ, sum vầy. Có người nghe xong bật khóc, có người im lặng nhưng cũng có người nổi nóng, lên đạn bắn khiến những người làm công tác binh vận như bà Chiến có lúc phải đối mặt với nguy hiểm...
Bà Trương Thị Chiến là một trong những nhân vật của bức ảnh “Tay bắt mặt mừng” của phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành. Thời điểm năm 1973, trong một lần bà cùng đồng đội chuyện trò với những người lính bên kia chiến tuyến để vận động họ rời bỏ quân ngũ, trở về với gia đình thì lọt vào ống kính của ông Thành, trở thành khoảnh khắc lịch sử có giá trị đặc biệt. Thông điệp về khát vọng hòa bình, hòa hợp của bức ảnh “Tay bắt mặt mừng” đã gây được tiếng vang lớn. Đây là 1 trong 4 bức ảnh trong bộ ảnh “Hai người lính” của ông Chu Chí Thành đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022. |
“Tuy vậy, tâm lý chung của những người lính thủy quân lục chiến thời điểm ấy đều không muốn cầm súng nữa. Cũng như chúng tôi, bao nhiêu năm quê hương chìm trong đau thương của chiến tranh, thời khắc này đã nhìn thấy rõ hòa bình hiển hiện ngay trước mắt nên nỗi khát khao được sống trong hòa bình càng trở nên mãnh liệt hơn lúc nào hết”, bà Chiến nhớ lại.
Đến ngày 19/3/1975, vùng đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị là Hải Lăng mới hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng giòn giã trên mặt trận này đã khiến tuyến phòng thủ địa đầu phía Bắc của quân đội Việt Nam cộng hòa sụp đổ hoàn toàn, không gì cứu vãn nổi. Hòa bình thực sự về trên đất Quảng Trị, chấm dứt những năm chiến tranh đau thương, mất mát.
Lâm Thanh - Hoài Hương - Tú Linh
Bài 2: Những kết nối ân tình
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - Sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, nhiều cán bộ công an của TP. Đông Hà vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, phát huy vai trò tích cực trong...
QTO - Mùa hè đến, Thư viện tỉnh Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thiếu nhi. Bên cạnh kho sách thiếu nhi phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh đã...
QTO - Khắc phục khó khăn của một xã vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế - dân số ở xã A Vao, huyện Đakrông luôn triển khai các giải...
QTO - Đó là những con số khiến anh Lê Đức Hải (sinh năm 1987), công chức văn hóa - xã hội xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh không khỏi tự hào. Với anh, được sẻ...
QTO - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề rất quan trọng tác động đến sức khỏe của con người vì nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử...
QTO - Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ, Người Khuyết tật và Bảo trợ xã hội (CTĐ, NKT&BTXH) thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh đã triển khai nhiều giải...
QTO - Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đakrông trong những năm qua luôn quan tâm và coi trọng vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số...
QTO - Trong những năm qua, huyện Đakrông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực vùng sâu,...
QTO - Từ khi đường Lê Thánh Tông, TP. Đông Hà được đưa vào sử dụng đến nay, người dân đi lại qua các nút giao tuyến đường này với đường Nguyễn Du, Hàm...
QTO - Thời gian qua, toàn ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó chú...