Tự hào và vững tin vào giai đoạn phát triển mới
(QT) - Cách đây 25 năm, ngày 1/7/1989, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị náo nức đón chào một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, đó là Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, cho lập lại tỉnh Quảng Trị, đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều thuận lợi nhưng sẽ đặt ra những thách thức, khó khăn. Song, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển đều có những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu vượt qua. Những bài học kinh nghiệm trải qua, những thành tựu đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sau 25 năm tái lập tỉnh đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng, tạo động lực mới cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. |
Khí thế ngày trở về với địa danh Quảng Trị làm thôi thúc lòng nhiệt huyết và ý chí quyết tâm xây dựng lại quê hương mình giàu đẹp, đi lên cùng cả nước trong mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Trị. Song, buổi đầu đi vào hoạt động, bắt tay vào công cuộc đổi mới, phát triển, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là điểm xuất phát nền kinh tế của tỉnh thấp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ bé, manh mún, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm hàng hóa khó tiêu thụ trên thị trường; nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài. Hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…không đủ khả năng phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục rất khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Hoạt động văn hóa- nghệ thuật, báo chí tuyên truyền còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ cho nhân dân. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người có công gặp nhiều khó khăn về mọi mặt; vấn đề việc làm, nhà ở, ổn định sản xuất, nâng cao mức thu nhập cho người dân đang được đặt ra hết sức bức bách trong đời sống xã hội những ngày đầu lập lại tỉnh. Trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc, Quảng Trị là một vùng đất gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề không thể một sớm, một chiều khắc phục được. Hàng ngàn hộ gia đình hưởng chế độ chính sách, hàng ngàn người khuyết tật và biết bao số phận con em lang thang cơ nhỡ; trong lòng đất còn để lại số lượng lớn vật liệu nổ, chất độc da cam/dioxin... Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, với tinh thần cách mạng tiến công, với một khí thế mới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã đoàn kết, phấn đấu, tập trung huy động mọi nguồn lực, ra sức tìm tòi khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, xác định đúng đắn chiến lược phát triển, cùng lộ trình và bước đi phù hợp, khơi dậy phẩm chất chịu thương, chịu khó, cần cù, giản dị, hăng say lao động và sáng tạo. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Trị đã nhanh chóng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính từ năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Quảng Trị luôn được duy trì ổn định, giai đoạn sau tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Bình quân giai đoạn 1991-1995 tăng 6,2%, đến giai đoạn 2006-2010 tăng 10,8% và 2011- 2014 dù chịu ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng GDP vẫn tăng 8,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 26,8 triệu đồng, tăng 4,3 lần so với năm 1989. Quy mô nền kinh tế tăng lên đáng kể và có bước phát triển khá nhanh. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng giá trị công nghiệp và xây dựng trong GDP của tỉnh tăng từ 9,8% năm 1989 lên 37,9% năm 2013; nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 62,3% năm 1989 xuống 23,6% năm 2013; dịch vụ từ 27,9% năm 1989 lên 38,5% năm 2013. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp: Tỷ lệ lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm xuống còn khoảng 30%; lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu lao động xã hội. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, chuyên canh, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su, hồ tiêu, cà phê... phát triển theo hướng thâm canh, trở thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 1989 toàn tỉnh chỉ có khoảng 666 ha cây hồ tiêu, 738,7 ha cây cà phê, đến năm 2013 đã có 2.048 ha cây hồ tiêu, 5.052 ha cây cà phê. Riêng cây cao su được phát triển mạnh, năm 1989 chỉ có 4.178,4 ha, năm 2000 có 9.814,5 ha thì đến nay có 19.943 ha, tăng hơn 5 lần so với ngày đầu lập lại tỉnh. Công nghiệp và xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng phát triển, môi trường đầu tư được cải thiện. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành và đi vào hoạt động có kết quả, như: Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu kinh tế Đông Nam tỉnh, cảng Mỹ Thủy được quy hoạch trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Nhiều dự án công nghiệp đã được triển khai đầu tư và đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả. Các tuyến đường giao thông huyết mạch được nâng cấp, mở rộng, như: Quốc lộ 9, đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, đường Cửa Tùng - Cửa Việt, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, cầu Bắc Phước, cầu Đại Lộc, cầu Vĩnh Phước... cùng hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, đô thị, mạng lưới điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng hoàn thiện và từng bước phát huy hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những tiến bộ trên nhiều mặt, đời sống văn hóa, tinh thần và thể chất của nhân dân được quan tâm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện, đồng bộ trên các mặt: quy mô, chất lượng, điều kiện dạy và học. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, hệ thống bệnh viện, trạm xá được nâng cấp về cơ sở vật chất và chất lượng điều trị. Công tác thông tin, truyền thông được đảm bảo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng được cải thiện; an sinh xã hội đã có nhiều tiến bộ. Các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với gia đình có công, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa được quan tâm và tập trung giải quyết đạt được kết quả đáng mừng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp thiết thực nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 1996, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,75% thì đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm xuống còn 10,92%. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội không ngừng được củng cố. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh. Công tác quản lý biên giới và xây dựng cơ sở biên giới được đảm bảo. Nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, xây dựng cơ sở, cụm an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu và địa bàn an ninh trật tự tiếp tục đi vào chiều sâu. Lực lượng công an đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tổ chức nhiều đợt trấn áp tội phạm có hiệu quả. Công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường, hiệu quả. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều thuận lợi nhưng sẽ đặt ra những thách thức, khó khăn. Song, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển đều có những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu vượt qua. Những bài học kinh nghiệm trải qua, những thành tựu đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sau 25 năm tái lập tỉnh đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng, tạo động lực mới cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. TỪ QUANG HÓA