{title}
{publish}
{head}
Trường phổ thông đã triển khai nhiều mô hình trường học khác nhau. Có mô hình duy trì và phát triển, có mô hình sau đó biến mất. Liệu có mô hình trường học nào phù hợp với đổi mới giáo dục trong 15 - 20 năm tới?
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Phân ban, vừa học vừa làm và trường học VNEN đều thất bại
Ở nước ta, phân ban ở cấp THPT là kế thừa mô hình giáo dục Pháp - Việt, được duy trì ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 và sau đó tiếp tục thực hiện ở vùng giải phóng miền Nam giai đoạn 1975 - 1980. Ở Quảng Trị có các trường cấp 3 Đông Hà, cấp 3 Triệu Hải 1 và Triệu Hải 2 (nay là THPT TX Quảng Trị và THPT Hải Lăng), cấp 3 Gio Linh thực hiện phân ban. Tuy nhiên, mô hình trường phân ban có nhiều thăng trầm, bỏ phân ban, phân ban trở lại và thí điểm nhiều lần, nhưng cuối cùng thất bại.
Trường Phổ thông Vừa học - Vừa làm (VHVL) ra đời vào thập niên 1970 ở miền Bắc. Sau năm 1975, mô hình này mở rộng ở miền Nam. Tỉnh Quảng Trị có 2 trường THPT, gồm VHVL Tân Lâm, VHVL Cồn Tiên đã có những thành công nhất định. Trường VHVL Tân Lâm trở thành đơn vị Anh hùng Lao động, đào tạo nhiều học sinh vừa có trình độ văn hóa THPT, vừa có tay nghề gắn với các ngành sản xuất của Nông trường Tân Lâm. Vào những năm 1990, khi nhà nước đổi mới cơ chế kinh tế, các nông trường, nhà máy chuyển qua tự hạch toán nên không bao cấp cho các trường VHVL. Từ đó, mô hình trường học này bị dừng, các trường trở về THPT bình thường.
VNEN là dự án sư phạm nhằm xây dựng nhà trường tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục Việt Nam. Mô hình trường học này được triển khai năm 2013, đến năm 2016 đã có khoảng 5.000 trường tiểu học và THCS khắp cả nước. Trường học VNEN có một số thành tố tiến bộ như: phương pháp dạy học (giáo viên chủ yếu hướng dẫn, học sinh chủ động, tích cực học tập); tổ chức lớp học (học sinh tự quản); sự tham gia của cha mẹ học sinh, của cộng đồng... Nhưng từ năm 2017, các địa phương lần lượt dừng do nhiều bất cập và Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng hẳn, các trường chỉ phát huy những thành tố tích cực của mô hình này.
Trường học hướng đến toàn diện, thực dụng, dân chủ, hội nhập, thông minh và hạnh phúc
Ở nước ta, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, hơn 10 năm qua, nhiều địa phương đã triển khai một số mô hình trường học như: Trường học thân thiện - học sinh tích cực, trường học thông minh, trường học hạnh phúc, trường chất lượng cao, trường tiên tiến hội nhập quốc tế...Liệu những mô hình này có phù hợp với đổi mới giáo dục lâu dài và hội nhập với thế giới hay không? Theo chúng tôi, mỗi mô hình trên đều có các thành tố tích cực, nhưng dù là mô hình nào, trường học cũng cần hướng đến 7 đặc trưng phù hợp với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ nhất, phát triển toàn diện học sinh. Đây là đặc trưng đầu tiên, quan trọng nhất, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đó là giúp cá nhân mỗi học sinh phát triển 5 phẩm chất cốt lõi: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; phát triển 10 năng lực, với 3 năng lực chung, gồm tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo và 7 năng lực đặc thù, gồm năng lực toán học, năng lực khoa học, năng lực ngôn ngữ, năng lực tin học, năng lực công nghệ, năng lực thể chất và năng lực thẩm mỹ. Tin học và công nghệ là 2 năng lực mới.
Đồng thời, nhà trường chú trọng đến những năng khiếu riêng của mỗi học sinh. Phát triển phẩm chất, năng lực người học là triết lý giáo dục mới ở nước ta, mang tính nhân bản, coi trọng con người, vì con người và phát triển con người. Nội dung học tập, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá đều dựa vào chuẩn đầu ra cần đạt về phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình giáo dục.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh đến trường -Ảnh: Đ.T
Thứ hai, thực dụng hóa giáo dục. Thực dụng hóa giáo dục không phải là chủ nghĩa thực dụng thiển cận, mà nó mang ý nghĩa rất lớn. Kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất thực sự hữu ích đối với học sinh, gắn với thực tiễn, giảm tối đa tính lý thuyết, xa rời thực tế, để học sinh có thể học lên đại học, học nghề hay ra đời. Vì vậy, mục tiêu chương trình GDPT 2018 xác định: “Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại”.
Thứ ba, dân chủ hóa giáo dục. Trường học là xã hội dân chủ thu nhỏ, không chỉ đối với thầy cô, nhân viên, mà dân chủ phải hướng đến học sinh nhiều hơn. Học sinh có quyền được lựa chọn các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp; học sinh có quyền xây dựng kế hoạch học tập của mình, có quyền phát biểu ý kiến, phản biện để nhận thức vấn đề sâu sắc và sáng tạo hơn, có khi ý kiến học sinh khác với thầy nhưng vẫn được tôn trọng.
Thứ tư, cá nhân hóa giáo dục. Cá nhân hóa giáo dục là giúp học sinh phát hiện sự khác biệt của mình, nhà trường đáp ứng sự khác biệt đó và phát huy cao nhất khả năng, sở thích của mỗi em. Trường học có thể đào tạo một học sinh sau này trở thành bác học, nhưng cũng có thể chỉ đào tạo học sinh trở thành người lao động bình thường.
Thứ năm, mở và hội nhập hóa giáo dục. Mở về chương trình, ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT còn có chương trình địa phương. Mở về hình thức giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; mở về kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, đánh giá trong bối cảnh thực tế, hoạt động trải nghiệm. Trường học gắn với kinh tế, xã hội địa phương, đồng thời hướng đến công dân toàn cầu. Làm tốt xã hội hóa giáo dục theo quy định để tạo nguồn lực cho nhà trường.
Thứ sáu, thông minh hóa giáo dục. Thông minh hóa giáo dục nhằm hướng đến 4 vấn đề cốt lõi: (1) Mục tiêu giáo dục thông minh (GDTM) nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với học sinh và giáo viên; (2) Người học là trung tâm được cung cấp dịch vụ học tập hiện đại, phù hợp với từng cá nhân; (3) Tính chất thông minh, đó là tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại, phát triển liên tục, học sinh tiếp cận sớm với AI; (4) Công nghệ thông minh, gồm phần cứng và phần mềm, đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường GDTM. Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng AI trong dạy và học, đặc biệt là sổ điểm, học bạ, kho bài giảng, tư liệu, ngân hàng đề thi và thư viện điện tử... Tuy nhiên, thông minh hóa giáo dục không phải làm theo kiểu phong trào, mà cần triển khai hiệu quả, bền vững, ngày càng nâng cao.
Thứ bảy, hạnh phúc hóa giáo dục. Hạnh phúc là mục tiêu tối thượng của giáo dục. Theo Nel Noddings (nhà giáo dục Mỹ), “Giáo dục mà không đưa đến hạnh phúc là một nền giáo dục sai lầm và què quặt, còn hạnh phúc mà không có giáo dục là hạnh phúc không bền vững”. Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT khởi xướng trường học hạnh phúc và trên địa bàn Quảng Trị có nhiều trường tiểu học, THCS và THPT triển khai, tạo ra môi trường yêu thương, an toàn, tôn trọng, góp phần nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, cần nhận thức đầy đủ hơn về mô hình này. Ở đó học sinh cảm nhận được niềm vui trong học tập, kích thích sự tò mò, sáng tạo và đam mê của các em. Nếu nhà trường chỉ chú ý đến hoạt động vui chơi mà coi nhẹ việc học tập, rèn luyện đúng đắn sẽ dẫn đến hệ lụy như: học sinh dễ hình thành thói lười biếng, thiếu đam mê, chăm chỉ, không tạo được chỗ đứng trong xã hội sau này.
Ở Quảng Trị, không có mô hình trường chất lượng cao như một số địa phương khác. Tuy nhiên, một số trường phổ thông hướng đến trường phát triển toàn diện, thực dụng, dân chủ hóa, cá nhân hóa, hội nhập, thông minh hóa và hạnh phúc hóa giáo dục như các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT TX Quảng Trị, THPT Đông Hà, Trường TH-THCS-THPT Trưng Vương, các trường phổ thông trọng điểm ở các huyện, thị xã, thành phố... Đây là những thực tiễn phong phú, đa dạng cần được phát huy và lan rộng.
Hồ Sỹ Anh
QTO - “Một mùa xuân mới lại về. Cách đây 50 năm, mùa xuân năm 1975, với sự tấn công như vũ bão của quân ta, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước...
QTO - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, huyện Đakrông còn đẩy mạnh công tác...
QTO - Thời gian qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã tổ chức những lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh vào dịp hè. Tại những lớp bơi này, các em không chỉ học bơi...
QTO - Với quan điểm làm gì cũng nhằm mục đích phục vụ Nhân dân, xây dựng xã hội, đất nước tốt đẹp hơn, vậy nên trong 15 năm qua, bên cạnh thực hiện tốt...
QTO - Quảng Trị - Đòn gánh hai đầu đất nước hình chữ S được lịch sử giao sứ mệnh đặc biệt. Trên đường tiến về phương Nam mở cõi, năm 1558 Chúa Tiên Nguyễn...
QTO - Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2024, Công đoàn ngành y tế triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho công...
QTO - Có dịp đọc cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Ô giai đoạn 1930 - 2020, ở mục “Một số hoạt động của các cấp lãnh đạo xã Vĩnh Ô”, chúng tôi ấn tượng với bức...
QTO - Gần một năm nay có một khu đô thị được những người dân dùng các mạng xã hội chụp ảnh và post lên facebook hoặc instagram với địa danh được “tag” kèm...
QTO - Từ nhiều miền quê trong và ngoài tỉnh, gần 1.000 huấn luyện viên, học viên các câu lạc bộ Yoga đã hội tụ tại Quảng trường Giải phóng, thị xã Quảng...
QTO - Từ trung tâm thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, chúng tôi theo Quốc lộ 9 ngược lên phía Tây, rẽ trái vào Tỉnh lộ 585 chưa đến 10 km là đặt chân tới vùng...
QTO - Đảm nhận chức vụ Trưởng Công an xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ năm 2020, qua 4 năm gắn bó với địa phương, Đại úy Hoàng Ngọc Minh...
QTO - Về thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hỏi thăm đến cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Chiến, ai nấy đều dành cho ông...