Triển khai mô hình “Một cửa điện tử” cho các cơ quan trong tỉnh Quảng Trị
(QT) - Ngày 4/7/2016, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2540/UBND-NC về việc triển khai ứng dụng thực hiện một cửa điện tử cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để hiểu rõ hơn về các nội dung liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. - Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết quy trình hoạt động của mô hình “Một cửa điện tử” cũng như hiệu quả và những tiện ích mà hệ thống một cửa điện tử mang lại cho cơ quan quản lý nhà nước?
 |
- Mô hình một cửa điện tử là mô hình ứng dụng công nghệ thông qua thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông qua hệ thống máy tính kết nối mạng để giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức và cá nhân theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công dân có thể thực hiện việc nộp hồ sơ bằng hai hình thức: nộp trực tiếp qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan hành chính nhà nước hoặc vào Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến để gửi hồ sơ và nhận phiếu hẹn trả kết quả theo quy định. Hồ sơ theo đường dịch vụ hành chính công trực tuyến sẽ được đưa về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan thụ lý hồ sơ nhận, sau đó bộ phận này chuyển đến các bộ phận chuyên môn xử lý và lãnh đạo quyết định. Sau xử lý, hồ sơ sẽ được chuyển về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trả cho tổ chức và công dân. Việc giải quyết các thủ tục hành chính thông qua mô hình một cửa điện tử giúp người quản trị có thể khai báo mới thủ tục hành chính để tiếp nhận hồ sơ hoặc điều chỉnh quy trình khi có sự thay đổi; theo dõi được luồng xử lý công việc, thông báo công việc đến hạn, trễ hạn, hồ sơ được giải quyết nhanh chóng hơn. Giúp nhà lãnh đạo kiểm soát được các bước giải quyết hồ sơ của bộ phận chuyên môn, của công chức, viên chức, hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu do công chức, viên chức gây ra. Công khai cho người dân biết hiện trạng vị trí hồ sơ trong quá trình giải quyết thông qua tin nhắn điện thoại hoặc đăng nhập internet theo mã pin đã được cấp thông qua phiếu hẹn trả hồ sơ; tăng mức hài lòng của người dân đối với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. - Được biết thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thí điểm mô hình này ở huyện Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà. Đồng chí có thể cho biết kết quả triển khai mô hình “Một cửa điện tử” ở các địa phương trên? - Trong năm 2012, Sở Thông tin và Truyền thông đã đầu tư trang cấp thiết bị, triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại UBND thành phố Đông Hà với 7 lĩnh vực gồm: xây dựng cơ bản; thương mại; đăng ký kinh doanh; lao động - thương binh và xã hội; cấp phép xây dựng; tài nguyên môi trường và hộ tịch. Năm 2015, UBND thành phố Đông Hà đã tiếp nhận và xử lý 4.833 hồ sơ qua ứng dụng một cửa điện tử, trong đó đã trả trước hẹn 212 hồ sơ, trả đúng hẹn 4.396 hồ sơ, chỉ có 29 hồ sơ trễ hẹn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố Đông Hà đã tiếp nhận, xử lý 2.264 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trả trước hẹn và đúng hẹn đạt trên 95%.
 |
Người dân có thể kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ trên hệ thống máy tính thông qua ứng dụng “Một cửa điện tử” - Ảnh: TT |
Tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai phần mềm một cửa điện tử tại UBND huyện Vĩnh Linh, với 6 lĩnh vực gồm: cấp phép xây dựng; lao động - thương binh và xã hội, tư pháp - hộ tịch; đăng ký kinh doanh; đất đai và đấu thầu. Thống kê cho thấy, năm 2015, UBND huyện Vĩnh Linh đã tiếp nhận và xử lý 1.193 hồ sơ qua ứng dụng một cửa điện tử, trong đó có 495 hồ sơ giải quyết trước hẹn, 638 hồ sơ giải quyết đúng hẹn, 30 hồ sơ giải quyết trễ hẹn và 30 hồ sơ được trả lại do không hợp lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện Vĩnh Linh đã tiếp nhận và xử lý 1.532 hồ sơ qua ứng dụng một cửa điện tử, trong đó có 1.311 hồ sơ giải quyết trước hẹn, 103 hồ sơ giải quyết đúng hẹn, 27 hồ sơ giải quyết trễ hẹn, 13 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết và 78 hồ sơ được trả lại do không hợp lệ. Phần mềm một cửa đang được triển khai tại thành phố Đông Hà và huyện Vĩnh Linh hoạt động ổn định, có khả năng kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết các thủ tục hành chính. - Hiện nay ở tỉnh Quảng Trị, việc triển khai mô hình “Một cửa điện tử” gặp phải những khó khăn gì, thưa đồng chí? - Nhìn chung các cơ quan, đơn vị đã nhận biết được những ưu điểm của việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử, tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như nhiều cơ quan, đơn vị tuy đã được triển khai áp dụng phần mềm một cửa điện tử, nhưng thủ trưởng đơn vị thiếu kiên quyết chỉ đạo, công chức thao tác không đúng quy trình nên tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn cho tổ chức, công dân chưa cao. Trên thực tế nếu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết tâm chỉ đạo triển khai thì tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn cho tổ chức, công dân luôn đạt tỷ lệ cao 90-100%, như Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu Kinh tế, UBND các huyện Vĩnh Linh, Đakrông, thị xã Quảng Trị. Thứ hai, số lượng áp dụng các phần mềm một cửa điện tử trên địa bàn nhiều, chưa có sự thống nhất quản lý để kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cụ thể tại Sở Giao thông- Vận tải sử dụng phần mềm một cửa điện tử cấp, đổi bằng lái xe; Sở Kế hoạch và Đầu tư sử dụng phần mềm một cửa điện tử cấp phép đăng ký kinh doanh quốc gia; Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh có phần mềm cấp biển số xe, máy; phần mềm một cửa tại các cơ quan thuế... Các phần mềm trên kết nối với các Bộ chủ quản. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm một cửa điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Đông Hà, huyện Vĩnh Linh và tại Sở Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó Sở Nội vụ triển khai phần mềm một cửa điện tử tại 19 sở, ban, ngành và tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn 7 huyện, thị xã còn lại. Tất cả các phần mềm trên đã góp phần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho công dân, giúp cho công tác quản lý và điều hành thuận tiện… Tuy nhiên các phần mềm cần phải được kết nối liên thông với nhau, do UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) thống nhất quản lý nhà nước để phát huy tối đa hiệu quả. Thứ ba, một số phần mềm một cửa điện tử không có khả năng tích hợp các chức năng như đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến giao dịch, kết nối với Dự án dân chấm điểm M-Score, cung cấp các dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... nên hạn chế về hiệu quả. Thứ tư, nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin cần phải tiến hành từng bước, do vậy khó đồng bộ. Vì vậy việc thống nhất chung áp dụng một phần mềm một cửa cần phải có lộ trình. - Thời gian tới tỉnh sẽ triển khai mô hình một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đề nghị đồng chí cho biết kế hoạch cụ thể? - Để triển khai mô hình một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, thống nhất quản lý các phần mềm một cửa điện tử và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đang quản lý các phầm mềm một cửa điện tử kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kết nối các ứng dụng một cửa điện tử khác vào ứng dụng “Một cửa điện tử” nhằm thống nhất dữ liệu quản lý nhà nước về cải cách hành chính; giúp Văn phòng UBND tỉnh truy xuất chỉ số “Tổng số hồ sơ được giải quyết qua mạng tại Quảng Trị” từ phần mềm Hỗ trợ cải cách hành chính tại địa chỉ http://motcuadientu.quangtri.gov.vn lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. - Xin cảm ơn đồng chí! THANH TRÚC (thực hiện)