Dự kiến đại diện phụ nữ và các tổ chức xã hội ở Afghanistan cũng tham dự cuộc họp. Các nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc đảm bảo quyền của phụ nữ là trọng tâm trong tất cả các cuộc thảo luận.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh: Reuters
Vào tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bổ nhiệm một đặc phái viên về Afghanistan. Tuy nhiên, Taliban phản đối việc bổ nhiệm một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, với lý do không cần thêm một đặc phái viên nào khác do đã có sự hiện diện của phái đoàn ngoại giao Liên Hợp Quốc tại Kabul.
Gần đây nhất, Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Feridun Sinirlioglu trong một báo cáo đánh giá đã đề xuất lộ trình đưa Afghanistan tái hòa nhập trở lại hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế, nếu Taliban đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2021, Taliban đã bác bỏ lời kêu gọi thành lập một “chính phủ toàn diện” và đảm bảo quyền học tập và làm việc của phụ nữ. Hậu quả là không có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban. Dự trữ ngân hàng của nước này đang bị đóng băng ở phương Tây và các lãnh đạo cấp cao của Taliban nằm trong danh sách truy nã của Mỹ.