Cập nhật: Thứ 3, 19/09/2017 | 20:57 GMT+7

Thực trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng và giải pháp tháo gỡ. Bài 2: Có phải dân thiếu đất sản xuất?

> Thực trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng và giải pháp tháo gỡ. Bài 1: Bất cập trong quản lý, sử dụng đất, rừng

(QT) - Hiện nay đất, rừng lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị chiếm diện tích khá lớn trong tổng diện tích đất tự nhiên trên toàn tỉnh (hơn 300.000 ha/473.000 ha). Ngoài diện tích khoảng 56.000 ha đã giao cho các công ty lâm nghiệp và BQL rừng phòng hộ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và triển khai trồng rừng thì hơn 240.000 ha thuộc sự quản lý của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng theo số liệu thống kê mà chúng tôi có được thì hiện nay ở Quảng Trị có 9.353 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích 7.694 ha.

Nhiều diện tích rừng tràm của hộ gia đình cho thu nhập cao

Ngoài ra, có hàng nghìn hộ gia đình khác (không phải dân tộc thiểu số) sinh sống ở các vùng gò đồi có nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp cũng đang trong tình trạng thiếu đất nghiêm trọng. Xã miền núi Linh Thượng (Gio Linh) có 484 hộ dân (98% là người dân tộc Vân Kiều) thì có đến 327 hộ nghèo (chiếm 67,5%) và 19 hộ cận nghèo (chiếm 3,9%). Nguyên nhân đói nghèo vì người dân thiếu đất sản xuất trầm trọng. Những hộ nghèo như anh Hồ Văn Thơ ở thôn Ba De, xã Linh Thượng hiện không có được một mét đất nào để sản xuất.

Để lo cho cuộc sống của gia đình, anh Thơ phải làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh, bất chấp nguy hiểm đang rình rập để kiếm đồng tiền mưu sinh. Ông Hồ Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng cho biết: “Trước nhu cầu sử dụng đất của người dân địa phương, UBND xã đã lập đề án quy hoạch 860 ha đất để cấp cho dân với định mức mỗi hộ ít nhất 3 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong hai năm 2014- 2015 xã mới chỉ cấp 115 ha cho 96 hộ dân do còn nhiều vướng mắc trong quản lý đất đai ở địa phương”.

Từ nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Cam Lộ, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng của nhà nước của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý diễn ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 cho biết: “Hiện công ty được giao quản lý 7.524 ha đất rừng (trong đó 1.800 ha rừng phòng hộ). Tuy nhiên, trong những năm qua nhiều hộ dân xâm lấn bằng hình thức phát cây dọc khe suối, phá rừng… rồi trồng cây lên diện tích đó. Bởi khi triển khai trồng rừng, chúng tôi thường tập trung trồng ở khu vực đồi núi trọc để phủ xanh cây rừng, chứ ở những khu vực khe suối “đầu thừa đuôi thẹo” chúng tôi không vươn đến được do kinh phí có hạn.

Mặt khác chủng loại cây chủ yếu là cây bản địa như sến, sao không phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nên bị chết dần. Nguồn kinh phí trồng dặm không có nên nhiều khu vực phải bỏ hoang. Từ đó người dân đổ xô vào những địa điểm này để trồng rừng. Chúng tôi đã gặp gỡ người dân để tuyên truyền vận động thì hầu hết đều trả lời rằng do thiếu đất sản xuất nên thấy đất nhà nước đang bỏ hoang thì trồng cây để có thêm thu nhập. Riêng ở địa bàn xã Cam Tuyền hiện có 252 hộ dân đang lấn chiếm hàng trăm héc ta đất rừng.

Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền thừa nhận một thực tế phổ biến về sự tranh chấp giữa người dân với Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Nguyên nhân của tình trạng tranh chấp là do người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất”. Đối tượng xâm hại đất, rừng chủ yếu là người dân địa phương do thiếu đất nên lấn chiếm để lấy đất sản xuất.

Lý giải nguyên nhân và bản chất sâu xa về sự xung đột đất, rừng giữa người dân địa phương và các cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khai thác rừng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất là do địa hình hiểm trở, diện tích đất tự nhiên nhiều nhưng đất có thể canh tác lại ít. Mặt khác do sự gia tăng về dân số, việc đô thị hóa, xây dựng thủy điện…làm mất đất sản xuất. Vì thiếu đất nên xảy ra hiện tượng người dân đốt, lấn chiếm đất rừng của nhà nước, rừng phòng hộ để sản xuất. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Theo đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng thành lập và quản lý trực tiếp; chịu sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng của cơ quan kiểm lâm sở tại. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Đây được xem là công cụ pháp lý để hỗ trợ các chủ rừng đẩy mạnh công tác tuần tra, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng như hiện nay”.

Rõ ràng sự xung đột giữa người dân địa phương với các chủ rừng đang gây ra mối quan ngại về trật tự trị an ở nông thôn. Dựa vào những bất cập trong quản lý sử dụng đất rừng của các công ty lâm nghiệp và BQL rừng phòng hộ mà người dân ngang nhiên lấn chiếm đất rừng của nhà nước một cách bất hợp pháp. Xét ở khía cạnh pháp luật thì người dân đang vi phạm pháp luật một cách công khai. Bởi đất, rừng của công ty lâm nghiệp hay BQL rừng phòng hộ đều là tài sản của nhà nước mà họ chỉ được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng. Do đó, không có bất cứ lý do nào để người dân lại “được quyền” xâm lấn đất rừng vì mục đích cá nhân.

Viện dẫn lý do thiếu đất sản xuất để mặc nhiên chặt phá cây rừng, tự ý trồng rừng trên diện tích đất đã được quy chủ, được nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ là việc làm vi phạm pháp luật. Mặt khác khi nêu ra thực trạng dân thiếu đất sản xuất tại sao không truy đến cùng trách nhiệm của chính quyền các địa phương; không đặt ra câu hỏi hiện nay các địa phương đang sử dụng quỹ đất lâm nghiệp như thế nào? Đơn cử như huyện Cam Lộ hiện đang quản lý 21.000 ha, huyện Hải Lăng quản lý 24.000 ha đất lâm nghiệp.

Tại sao các ngành chức năng không tiến hành thanh tra quỹ đất đó đang sử dụng vào mục đích gì, đang giao cho những tổ chức, cá nhân nào quản lý sử dụng? Trong khi đó các công ty lâm nghiệp hay BQL rừng chỉ là đơn vị giữ đất cho nhà nước lại luôn bị người dân xâm lấn bất hợp pháp.

Tôi tâm đắc với lời bộc bạch ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9: “Năm 1974, Lâm trường Gio Cam, tiền thân của công ty hiện nay có đến 30.000 ha đất, rừng nhưng sau nhiều lần bàn giao lại cho các địa phương hiện công ty chỉ còn hơn 7.000 ha, sắp tới dự kiến chuyển giao cho các địa phương thêm 2.500 ha nữa. Thực tế cho thấy công nhân chúng tôi phải đổ mồ hôi, nước mắt để khai hoang phục hóa đất rừng. Là đơn vị được nhà nước giao quản lý đất rừng khi chúng tôi triển khai sản xuất thì nộp thuế cho nhà nước. công ty giữ đất cho nhà nước, khi cần để xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh thì thu hồi không phải đền bù. Nếu nhà nước yêu cầu chuyển giao bao nhiêu chúng tôi luôn sẵn sàng, chỉ mong rằng “tấc đất là tấc vàng” nên phải sử dụng một cách hợp pháp và có hiệu quả, tránh tình trạng “tích tụ đất” một cách phi pháp hoặc rơi vào tay của một số cá nhân”.

(Còn nữa)

Hồ Nguyên Kha



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

24°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 24°C - 30°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 25°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long