Cập nhật:  GMT+7

Khi “đồng tiền đi trước” không còn “khôn”

Câu chuyện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy việc” là thủ đoạn không mới nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu lớn về việc làm cùng sự nhẹ dạ, cả tin nên nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Đáng nói, các đối tượng lừa đảo đều là người trưởng thành, có đủ khả năng nhận thức được hành vi của bản thân nhưng do tham lam, muốn nhanh chóng có tiền tiêu xài nên vẫn cố tình thực hiện hành vi bất chính.

Khi “đồng tiền đi trước” không còn “khôn”

Minh họa: ĐẶNG MINH QUÝ

Là nhân viên kỹ thuật sân bay nhưng Phương không chú tâm vào nghề nghiệp mà luôn tìm cách ăn chơi đua đòi. Rồi hậu quả cũng đến sớm, do nợ nần quá nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mới chồng nợ cũ nên Phương nảy ra ý định đi lừa người khác để có tiền “xoay vòng”. Có chút liên quan đến công việc tại cảng hàng không và đánh vào tâm lý cần việc làm ổn định của người dân, nam thanh niên này đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hào nhoáng, quen biết rộng để dẫn dụ người khác “sập bẫy”.

Tháng 2/2024, trong một cuộc nhậu tại nhà bạn, Phương đưa ra thông tin gian dối là quen biết các lãnh đạo cảng hàng không và có khả năng xin việc cho người khác. Nghe xong, anh Minh vui mừng ra mặt bởi có cô em gái học xong đại học, ra trường 2 năm mà chưa xin được việc làm.

Cơ hội vào làm việc ở cảng hàng không là điều mơ ước của bao nhiêu người nên anh Minh không thể bỏ lỡ. Gặp riêng anh Minh, Phương vẽ ra quy trình, chi phí đi xin việc rất gian nan và tốn kém, song được anh Minh động viên “bao nhiêu cũng lo được” nên Phương mạnh dạn đưa ra kinh phí xin việc phải trên dưới 1 tỉ đồng.

Được anh Minh đồng ý, Phương ký giấy thỏa thuận và cam kết đến cuối tháng 3/2024 sẽ có quyết định cho em gái anh Minh vào làm việc ở cảng hàng không; đồng thời, anh Minh giao cho Phương số tiền 34.000 USD (tương đương gần 788 triệu đồng). Đến ngày hẹn, gia đình anh Minh chờ mãi nhưng quyết định thì “bặt vô âm tín”, điện thoại thì Phương cứ khất lần này đến lần khác...

Thời gian này, Phương tiếp tục có nhiều chiêu trò đưa 2 “con mồi” vào bẫy. Phương ký giấy thỏa thuận và ấn định thời gian, vị trí việc làm cụ thể để bị hại tin tưởng giao tiền xin việc ở cảng hàng không. Họ trót tin lời nên nhờ Phương “chạy việc” với số tiền mỗi nạn nhân bỏ ra rất lớn.

Trên thực tế, Phương không hề có mối quan hệ nào, không quen biết ai có thẩm quyền, cũng không có khả năng xin việc nhưng đã đưa ra thông tin gian dối khiến 3 nạn nhân mắc bẫy, với tổng số tiền hơn 2,6 tỉ đồng. Sau khi nhận được tiền, Phương chiếm đoạt sử dụng vào trả nợ cá nhân, hoàn toàn không xin việc cho những bị hại như đã thỏa thuận...

Thu- một cô gái mới qua 35 tuổi, làm nghề tự do lại thường khoe bản thân quen biết nhiều người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước nên có khả năng xin cho người khác chuyển vị trí công tác, xin giảm án, xin việc trong ngành Giáo dục... Đáng chú ý, mặc dù đang được hoãn chấp hành bản án 16 năm tù do Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đang mang thai nhưng đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Đầu năm 2024, thông qua bạn bè, anh Võ tìm gặp Thu và đặt vấn đề về việc muốn chuyển công tác cho vợ. Sau thời gian công tác ở miền núi, vợ anh Võ có nguyện vọng luân chuyển đơn vị công tác về miền xuôi. Thu đồng ý và hứa trong thời hạn 3 tháng sẽ “chạy” được cho vợ anh Võ về dạy học tại thành phố.

Dù chẳng biết Thu làm gì, khả năng đến đâu nhưng tin tưởng người quen, lại là việc đang gấp nên anh Võ đã 2 lần chuyển số tiền 220 triệu đồng theo yêu cầu cho Thu. Đến hẹn, anh Võ không thấy có quyết định luân chuyển, tiếp nhận nên thúc giục thì Thu tiếp tục hứa hẹn. Ngày này qua tháng nọchẳng thấy quyết định đâu, anh Võ bắt đầu nghi ngờ và yêu cầu trả tiền thì Thu trốn tránh, chây lì không trả...

Trong số các bị hại, chị Đoàn là người bị Thu lừa với số tiền nhiều nhất. Nắm bắt được nhu cầu “con mồi”, Thu chủ động liên lạc với chị Đoàn đặt vấn đề nếu có người thân cần xin vào biên chế dạy học ở các trường thì sẽ “chạy” giúp. Nghe vậy, chị Đoàn cũng chia sẻ mong muốn xin cho con vào dạy tại một trường cấp 3 ở khu vực trung tâm. Thu ra giá 500 triệu đồng nhưng chỗ quen biết nên hứa sẽ “chạy” được việc và chỉ lấy 400 triệu đồng. Dù tiền đã trao tay nhưng chị Đoàn chờ mãi vẫn không có kết quả . Lúc này, chị mới tá hỏa vì tiền đã mất mà việc thì chẳng thấy đâu... Với phương thức, chiêu trò và thủ đoạn như trên, chỉ trong vòng 1 năm, Thu đã lừa đảo 9 nạn nhân để chiếm đoạt tổng số tiền gần 3,2 tỉ đồng.

Tại các phiên tòa, bị cáo Phương và Thu đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Các bị cáo khai vì nợ nần, túng tiền nên đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều nạn nhân. Số tiền chiếm đoạt được, các bị cáo đã tiêu xài cá nhân hết, hiện không có khả năng chi trả.

Quá trình xét xử, hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự. Hành vi phạm tội của 2 bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Riêng bị cáo Thu có 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đó là phạm tội 2 lần trở lên và tái phạm nguy hiểm. Sau khi xem xét toàn diện các vụ án, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phương 13 năm tù; bị cáo Thu 16 năm tù, tổng hợp với hình phạt 16 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là 32 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc 2 bị cáo phải hoàn trả lại tiền cho các bị hại...

Điều xót xa là các bị hại vì tin tưởng nên đã nhờ “chạy việc”, hiện phải gánh khoản nợ lớn vì trước đó đã vay mượn để đưa tiền cho các bị cáo. “Bây giờ Thu vào tù, tài sản không cógì, chắc làtôi mất tiền thật rồi”, chị Đoàn than thở. Còn một nạn nhân của bị cáo Phương bộc bạch: “Giờtiền mất, em vẫn thất nghiệp, với khoản gốc và lãi ngân hàng phải trảhằng tháng, gia đình tôi cũng lao đao...”.

Đây là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo thông qua hình thức “chạy việc” xảy ra trong thời gian qua. Để thực hiện hành vi, các đối tượng đã “vẽ” thông tin nhằm khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng đểlừa người dân. Khi bị mất tiền thông qua các đối tượng nhận “chạy việc”, người bị lừa sẽ phải chịu rủi ro về pháp lý và hậu quả là lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Các vụ án lừa đảo “chạy việc” tiếp tục là hồi chuông cảnh báo để người dân thận trọng, cảnh giác. Và không phải lúc nào quan điểm “đồng tiền đi trước” cũng là“đồng tiền khôn”, vì vậy người dân cần cân nhắc khi “áp dụng”...

Thùy Lâm

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Tin liên quan:
  • Khi “đồng tiền đi trước” không còn “khôn”
    Không còn tình trạng chơi bầu cua ăn tiền trước Trung tâm Hành hương Đức mẹ La ...

    Ngay sau khi Báo Quảng Trị đăng thông tin phản ánh về việc “Cần xử lý nghiêm tình trạng chơi bầu cua ăn tiền trước Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang” (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) vào sáng nay 14/8, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng nói trên.

  • Khi “đồng tiền đi trước” không còn “khôn”
    “Đồng tiền đi liền khúc ruột”

    Cha ông thường nói “đồng tiền liền ruột” để chỉ tiền bạc quý như thân thể, phải tự mình giữ gìn lấy và không nên tin bất kỳ ai. Vậy nhưng trong vụ án này, 165 bị hại là nông dân lại quá tin tưởng vào một cán bộ tín dụng ngân hàng nên đã đưa tiền hoặc nhờ người này hoàn tất các thủ tục vay mượn, rút tiền, gửi tiền ở ngân hàng mà không chút đắn đo, nghi ngờ. Dẫn đến, họ đã bị chiếm đoạt với số tiền lên đến gần 14 tỉ đồng.


Thùy Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long