{title}
{publish}
{head}
Trở về sau những năm tháng dành một phần tuổi thanh xuân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây hơn 30 năm, những cựu chiến binh (CCB) giữa đời thường hôm nay luôn sống bình dị, gương mẫu. Họ chí thú làm ăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc và có những đóng góp thiết thực tại địa phương.
Ông Hoàng Ngọc Bình, Khu phố 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà trong vườn hoa cúc của gia đình - Ảnh: Đ.V
Trong không khí ấm áp những ngày đầu xuân mới, CCB Hoàng Ngọc Bình, (57 tuổi) ở Khu phố 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà tất bật chăm sóc những luống hoa cúc để bán ở phiên chợ đầu năm. Tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi, ông Bình cho biết năm 1987, khi vừa tròn 20 tuổi ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch QT87 (Quyết thắng 87) bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Sau 3 tháng huấn luyện tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, đơn vị của ông hành quân lên chiến trường biên giới ở Vị Xuyên, Hà Giang. “Hồi đó chúng tôi hành quân chủ yếu vào ban đêm để giữ bí mật. Hành quân ròng rã trong một tuần, khi trên đường đi qua Tuyên Quang thì người dân và sinh viên sư phạm 10+2 biết có bộ đội đi qua nên chào đón, tặng quà, nhu yếu phẩm và vẫy tay chào rất tình cảm. Chúng tôi vô cùng xúc động và đó là kỷ niệm không thể nào quên”, ông Bình nhớ lại.
Tiếp đó, đơn vị hành quân vào Việt Lâm, Hà Giang, trú quân và nghỉ ngơi khoảng một tuần trước khi lên chốt trực tiếp chiến đấu. “Khi trên đường đoàn xe vào chốt, không may có 2 xe ô tô chở quân bị địch pháo kích làm lật, rất may không có ai hy sinh.
Quân chúng tôi vào tiếp quản chốt tại điểm cao 600, thay thế cho quân của Tiểu đoàn 3, Đại đội 9, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 rút ra. Từ tháng 7/1987 cho đến khi rút quân vào tháng 4/1988, đơn vị chúng tôi chủ yếu phòng ngự và chiến đấu bảo vệ điểm cao”, ông Bình cho biết.
Rời chiến trường, ông Bình được biên chế về Phòng Hậu cần của Sư đoàn 390 cho đến năm 1990 thì xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1992 ông cưới vợ và lần lượt sinh 1 con gái, 2 con trai. Cuộc sống những ngày đầu dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông đã tần tảo, cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Hiện tất cả 3 người con của vợ chồng ông đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Nghỉ làm ruộng, ông và vợ chuyển qua canh tác hoa màu các loại, trồng hoa cúc ở quanh vườn. Ngoài ra, vợ ông mở một quán ăn nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Ông Bình tâm sự, bây giờ cuộc sống đã đỡ hơn nhiều, con cái đã lớn khôn nên dù thu nhập mỗi năm của hai ông bà không nhiều, nhưng cuộc sống vẫn cảm thấy thoải mái.
Ông Bình còn tham gia làm Phó Chi hội trưởng Chi hội CCB Khu phố 2, phường Đông Giang nhiều năm nay. Chi hội có 28 hội viên, sinh hoạt đều đặn và có nhiều hoạt động thiết thực.
“Ngày 12/7/2023 vừa qua, tôi cùng 30 đồng đội ở Quảng Trị có dịp quay trở lại tham gia ngày giỗ trận ở Vị Xuyên. Chúng tôi cũng đã quay trở lại điểm cao 600, có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều đồng đội, cán bộ Sư đoàn 390 và người dân địa phương. Đó là những ngày rất xúc động và ấm tình đồng đội sau gần 30 năm trở lại chiến trường xưa”, ông Bình kể.
Ông Lê Công Đức, thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong giới thiệu vườn mẫu của gia đình với khách tham quan - Ảnh: Đ.V
Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc như ông Bình, nhưng CCB Lê Công Đức, (67 tuổi) ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong đã có thời gian tham gia huấn luyện quân cho các đơn vị sẵn sàng chống quân xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc.
Cưới vợ được một thời gian, ông xung phong tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Khi có Lệnh Tổng động viên, tháng 3/1979, ông Đức lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 348, Binh đoàn 678, đi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Sau một thời gian, ông được rút về làm Trung đội trưởng đơn vị C kho, Sư đoàn 348 đóng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tham gia công tác huấn luyện quân.
Ông Đức cho biết, nhiệm vụ chính của Sư đoàn 348 là làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào trong đội hình Binh đoàn 678 và sẵn sàng cơ động chống quân xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1983, ông xuất ngũ trở về quê, tham gia một số công tác ở địa phương và làm nông và cùng vợ nuôi 3 đứa con ăn học. Hai vợ chồng chịu thương chịu khó canh tác 8 sào ruộng, nuôi thêm lợn, gà, trâu, bò. Tuy vậy, khi những đứa con chuẩn bị vào đại học thì ông mắc bệnh hiểm nghèo.
“Thời điểm này, dù gia đình lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng hai vợ chồng quyết tâm không để các con bỏ học giữa chừng. Cũng may lần hồi cơ cực qua đi, tôi khỏe mạnh trở lại, các con cũng vẫn được học hành”, ông Đức tâm sự.
Cách đây vài năm, vợ của ông Đức là bà Nguyễn Thị Điểu, cũng là du kích địa phương năm xưa, mắc bệnh nặng phải điều trị trong một thời gian dài nhưng may mắn cuối cùng cũng qua khỏi. “Gia đình tôi đã trải qua nhiều biến động, nhưng nhờ trời thương nên mọi khó khăn đã qua đi. Cả 3 người con của chúng tôi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và hiện nay đã có công việc, cuộc sống ổn định. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của vợ chồng tôi”, ông Đức nói thêm.
Hiện nay, ngoài đảm nhận công việc kho quỹ ở HTX Dịch vụ nông nghiệp An Lợi, ông Đức cùng vợ làm thêm 8 sào ruộng, luân canh hoa màu, trồng hoa cúc, hoa mai, cây cảnh các loại trong khu vườn vài sào... để có thêm thu nhập. Khu vườn của vợ chồng ông cũng đang được chọn đăng ký làm vườn mẫu của thôn. Vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc đời nên vợ chồng ông Đức luôn tâm niệm chí thú làm ăn, vun vén, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
“Ở địa phương, gia đình ông Đức là một điển hình về nghị lực vượt khó trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái nên người, xây dựng gia đình hòa thuận, êm ấm. Ông còn là hội viên tích cực, gương mẫu, luôn tham gia nhiệt tình các phong trào, hoạt động của hội và địa phương”, Chủ tịch Hội CCB xã Triệu Độ Lê Văn Công nhận xét.
Đức Việt
QTO - Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh luôn chú trọng đến công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai bằng nhiều cách làm hay, hoạt động thiết...
QTO - Được giao nhiệm vụ bảo vệ và quản lý đoạn biên giới thuộc địa bàn “nóng” về các loại tội phạm trên tuyến biên giới khu vực phía Tây Quảng Trị, suốt...
QTO - Những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, người dân và du khách thập phương đã dành thời gian du xuân, tranh thủ check-in những địa điểm du lịch hấp dẫn, ấn...
QTO - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Dọc đường xuân quê hương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản,...
QTO - Năm nay, Nguyễn Hồng Long (sinh năm 2002), sinh viên lớp Kỹ thuật xây dựng K12, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị đón xuân mới vui tươi hơn. Trước...
QTO - Năm nay, mùa xuân dường như đến sớm hơn đối với các em: Trần Lê Thanh Trúc, Hoàng Minh Khôi và Hồ Thị Thúy Kiều. Sau nhiều nỗ lực, các em đã có những...
QTO - Nhiều năm sau này, mảnh đất Cam Lộ vẫn không ngừng thôi thúc tôi, cứ có dịp là tôi trở về ngồi bên sông Hiếu để nghe dòng sông kể chuyện về vùng đất...
QTO - Chúng ta từng ca ngợi đại thắng mùa Xuân 1975 như một chiến công hiển hách nhất trong thế kỷ 20, nhưng phải đến tháng 4/1976, với quốc dân đồng bào...
QTO - Không hiểu vì sao mà tên chợ, đi từ Bắc vào Nam, tôi thường thấy phần lớn chỉ có một chữ, ví như chợ Cầu, chợ Bầu, chợ Bạn, chợ Rồng, chợ Sàng, chợ...
QTO - Ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có một vùng đất mang tên Vĩnh Linh. Dân Quảng Trị đã đem cả một “miền đất lửa” vào đây từ hơn 50 năm trước. Ở đây,...
QTO - Là “bức bình phong” chở che dân làng trước thiên tai khắc nghiệt, tạo không gian và cảnh quan xanh mát, nên bao đời nay, những cánh rừng phi lao ven...
QTO - Ở nơi nào đó trên xứ sở Hàn Quốc, chắc có những người mẹ hằng đau đáu đứt ruột về những đứa con của mình đã chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Chết...